Giải pháp lựa chọn phát triển đô thị

Sự phát triển của thành phố trong quá trình công nghiệp hóa là quá trình tự thân. Nhà nước tổ chức bước đầu, sau đó, chính thành phố tự lớn lên. Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, công nghiệp và dịch vụ thu hút về tập trung ở thành phố do cơ sở hạ tầng thuận lợi, dịch vụ phát triển và nguồn nhân công chất lượng cao. Kinh tế tăng trưởng nhanh hơn tạo nên khác biệt rõ rệt về thu nhập và mức sống giữa đô thị với nông thôn. Đến giai đoạn sau, khi giá lao động, giá đất đai, vốn liếng ở đô thị cao hơn hẳn, cơ chế thị trường tiếp tục hút mọi nguồn tài nguyên toàn quốc chảy về đô thị.

Ở nông thôn xảy ra quá trình ngược lại, giá nông sản rẻ, giá vật tư và tài nguyên đắt lên khiến khả năng cạnh tranh của nông sản giảm dần, đầu tư cho công nghiệp đô thị có lợi nhuận ngày càng cao thu hút dần vốn cho nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giảm, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp, đẩy lao động nông thôn ra thành phố làm việc làm cho dân số ở các thành phố Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh tăng vọt. Ở các thành phố này, kết cấu hạ tầng (điện, nước, nhà ở, giao thông, môi trường,…) trở nên quá tải khiến nhà nước và các nhà đầu tư thi nhau bỏ vốn phát triển và thành phố càng lan rộng quy mô, bất chấp cân bằng chung, lợi ích chung.
Với tình trạng 70% nhà máy chính nằm ở thành phố từ cuối thập kỷ trước và đến hôm nay, gần 70% đầu tư công nghiệp vẫn chỉ tập trung ven TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì sức kéo nhân lực, đất đai về của các thành phố này thật là to lớn. Đến 2006, sản xuất nông lâm ngư nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của gần 70% hộ nông thôn, trong hòan cảnh tăng trưởng sản xuất nông nghiệp liên tục chậm lại: 1995-2000, GDP nông nghiệp tăng 4%, 2000-2005 giảm xuống 3,7% và năm 2006 còn 2,8% thì sức đẩy lao động ra từ nông thôn cũng thật ghê gớm. Rõ ràng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang phình ra không thể cưỡng lại. Những khó khăn hôm nay là khúc dạo đầu, tai vạ chính là ở tương lai, khi 2 thành phố này trở thành đô thị khổng lồ, thậm chí siêu đô thị.
Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn trên, các nhà quy hoạch phát triển không chỉ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, mà của đô thị Việt Nam nói chung rất cần có những giải pháp như xây dựng các đô thị vệ tinh, phân cấp cho các đô thị cấp dưới, phân tán cư dân và công trình đô thị về nông thôn. Thực tế cho thấy các giải pháp trên rất hiệu quả. Một ví dụ điển hình là trường hợp Đài Loan. Nhờ kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh trong cả nước, giao thông và dịch vụ tốt, khuyến khích các ngành công nghiệp xây dựng nhà máy ở nông thôn để tận dụng lao động và đất đai rẻ. Mười năm 1956-1966, Đài Loan cất cánh phát triển kinh tế, xuất hiện một hiện tượng đảo ngược là tỷ lệ lao động công nghiệp ở thành phố giảm từ 43% xuống 37%. Năm 1971, 61% hàng tiêu dùng công nghiệp được sản xuất bên ngoài 5 thành phố lớn. Ngòai 17% công nhân thực sự rời làng lên thành phố, hầu hết lao động ở lại nông thôn hàng ngày đi làm việc ở nhà máy. “Li nông bất li hương” (không làm nông nhưng vẫn ở quê), thu nhập phi nông nghiệp trong tổng thu nông hộ từ 13% năm 1952 tăng lên 69% năm 1979, không có khỏang cách thu nhập giữa nông thôn và đô thị. Đô thị cũng dãn về nông thôn để được hưởng môi trường trong lành và đất đai rộng rãi. Từ 1951-1972, dân số ở 5 thành phố lớn nhất chỉ tăng trong khỏang 18% – 27%.
Giải pháp lựa chọn dường như rõ ràng, nhưng quyết tâm chính trị phải rất lớn.

Đặng Kim Sơn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)