Giáo dục đại học: Luận bàn vài điều cấp thiết
LTS. Sau bài phỏng vấn của GS Pierre Darriulat Đại học và nghiên cứu ở Việt Nam cần gì?, GS đã nhận lời đề nghị của Ban biên tập Tia Sáng làm rõ thêm một số quan điểm của mình về các vấn đề: trẻ hóa đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu; vai trò của Việt Kiều và các nhà khoa học nước ngoài đối với việc nâng cao chất lượng đại học. Trong thư gửi Ban biên tập Tia Sáng, GS viết: Tôi phải nhấn mạnh rằng những bình luận của tôi ở đây không phải là những ý tưởng đặc biệt, đó chỉ là những suy xét thông thường hoặc nói đúng hơn những bình luận này có được nhờ vào tuổi tác hay kinh nghiệm mà tôi có được. Có rất nhiều người có nhận thức về các vấn đề này tốt hơn tôi. Một vài người trong số họ, đặc biệt từ lớp những người đứng tuổi, đã nêu lên vấn đề này nhiều lần, rõ ràng và mạnh mẽ. Một trong số đó là Giáo sư Hoàng Tụy. Họ có thể giải quyết vấn đề tốt hơn tôi nhiều. Tuy nhiên, tôi rất vui lòng nhận lời mời của Ban biên tập vì tôi nghĩ rằng tranh luận là hữu ích; đặc biệt, thế hệ trẻ nên nhiệt tình đóng góp vào nỗ lực chung này - không phải là tương lai của họ gắn liền với nó sao? Hơn nữa, gần đây tôi vô cùng vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bàn về vấn đề này. Ông cảm ơn tôi về những việc tôi đã làm, đồng thời động viên tôi tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn các hoạt động của mình cho sự tiến bộ của các đại học Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của ông.
Việt Nam đang trong tình trạng cấp bách phải có các trường đại học tốt hơn để ngăn chặn nạn chảy máu chất xám và bắt kịp sự chậm trễ tích lũy nhiều năm qua do chiến tranh và do chính các trường đại học tạo ra. Tôi đã tuyên bố rằng cần phải có một cuộc cách mạng, không đơn giản chỉ là các bước cải tổ nhỏ, dần dần, từng bước như chúng ta vẫn làm. Tôi cũng đã nhận xét rằng một kế hoạch làm trẻ hóa đội ngũ, bao gồm chính sách hưu sớm, cần phải được thực hiện; vấn đề về nghiên cứu (cơ bản và ứng dụng) và đào tạo đại học (đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề) cũng cần phải được quan tâm một cách đồng thời bởi vì chúng có ảnh hưởng tương tác lẫn nhau; việc đánh giá sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên và các đề tài nghiên cứu cần nghiêm khắc hơn, chặt chẽ hơn là yếu tố quyết định dẫn đến thành công. Tôi cũng đã nêu lên vấn đề các trường đại học phải tạo động lực cho các sinh viên xuất sắc nhất của họ tham gia đội ngũ giảng dạy của trường bằng cách đem lại cho họ những vị trí xứng đáng và làm cho họ có thể đóng góp một cách hiệu quả trong việc cải thiện trình độ đại học.
Tôi sẽ làm rõ một vài câu hỏi thực tế liên quan đến những điểm này:
Thu hút được một đội ngũ cán bộ tốt
Trước hết Chính phủ phải công khai rõ ràng và rộng rãi mục tiêu và kế hoạch cho nghiên cứu và đào tạo, thể hiện rõ quyết tâm thực hiện mục tiêu. Đây là một điều kiện tiên quyết để có thể thu hút được đội ngũ cán bộ có năng lực. Hơn nữa, khi có nhu cầu tuyển người phải thông báo một cách rộng rãi trên toàn quốc thậm chí cả ở nước ngoài tới những đồng nghiệp người Việt bằng các phương tiện thích hợp. Công việc tuyển dụng phải được thực hiện bởi hội đồng tuyển dụng với thành phần không chỉ bao gồm cán bộ của trường mà phải có cả những thành viên ngoài trường: cán bộ của các trường đại học khác, các viện nghiên cứu, trong các lĩnh vực công nghiệp… Thái độ trung lập của các hội đồng tuyển dụng này phải được làm rõ và hiển nhiên là tham ô, gian lận, thiên vị và ưu đãi cho người thân phải bị cấm trong quá trình xét tuyển. Các quy định tuyển dụng phải được thông báo một cách rõ ràng: yêu cầu về phẩm chất và kinh nghiệm, triển vọng về lương bổng và sự nghiệp, quyền và nghĩa vụ…
Công dân Việt Nam, dù sinh sống ở Việt Nam hay ở một đất nước khác trên thế giới, rõ ràng nên được ưu tiên tuyển dụng, theo tôi các Việt kiều hiện nay không có quốc tịch Việt Nam cũng nên được xem xét: thật là đáng tiếc nếu không thể tận dụng được nguồn tài năng, năng lực và chuyên môn này. Tôi không muốn bình luận thêm về những điều kiện theo đó họ có thể được tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra bình luận về sự tuyển mộ các nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài, liên quan đến một vài truờng hợp mà tôi đã được chứng kiến.
Thứ nhất, một số nhà khoa học thành đạt do may mắn được đào tạo trong một trường đại học hoặc một viện nghiên cứu tốt ở một nước phát triển rõ ràng đã được hưởng các điều kiện làm việc tốt hơn so với những đồng nghiệp làm việc trong nước và cũng quen với môi trường có khả năng và chuyên môn tốt hơn. Tuy nhiên, chính tôi cũng đã gặp không ít sinh viên hoặc nghiên cứu sinh học ở các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu kém chất lượng (có rất nhiều nơi như thế ở nước ngoài) hoặc họ không đủ khả năng để hoàn thành khóa học. Do đó, trước khi tuyển dụng cần đánh giá một cách chính xác giá trị và thực chất học vị và bằng cấp của các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài, hoặc phẩm chất khoa học của các nhà khoa học những người đã và đang tham gia giảng dạy hoặc thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài là thiết yếu.
Thứ hai, cần tạo môi trường thuận lợi cho các thực tập sinh sau tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài và các nhà khoa học Việt kiều trở về quê hương làm việc. Tuy nhiên, các thực tập sinh cũng nên biết rằng họ đã được hưởng đặc ân hơn so với bạn bè đồng lứa những người không đạt được thành quả như họ và gặp rất nhiều khó khăn hơn ở Việt Nam trong khi họ được hưởng đào tạo tốt hơn. Do đó, họ nên tỏ ra nhún nhường và khiêm tốn. Họ nên xác định tư tưởng phục vụ cho lợi ích của đất nước chứ không chỉ lợi ích của riêng của mình, và đặc biệt phải tạo được sự kết nối giữa kiến thức và chuyên môn của họ với những đồng nghiệp kém may mắn hơn.
Vai trò của các nhà khoa học và sinh viên nước ngoài
Có thể khẳng định sẽ có nhiều sinh viên nước ngoài hơn đến học ở các đại học Việt Nam trong tương lai. Họ nên được tiếp tục chào đón như hiện nay và sự tiếp xúc của họ với các sinh viên Việt Nam sẽ làm giàu văn hóa lẫn nhau
Các giảng viên, nhà khoa học nước ngoài đã và đang đóng góp vào giáo dục đại học Việt Nam theo nhiều cách khác nhau qua: các khóa học ngắn, đến thăm trong một thời gian ngắn tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu và tham dự vào các hội đồng.
Hiện nay, đã có các nhà khoa học nước ngoài có uy tín giảng dạy ở Việt Nam. Đích thân tôi đã tham dự rất nhiều lớp học mùa hè hoặc mùa đông tại Hà Nội hoặc ở các tỉnh khác nơi các nhà khoa học này đã tham gia giảng dạy. Chưa kể nhiều hội nghị quốc tế diễn ra tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học nước ngoài nổi tiếng.
Những sự kiện này vô cùng quan trọng. Chúng cung cấp trực tiếp những kiến thức cập nhật, cùng với khả năng tương tác trực tiếp với các giảng viên và đem lại nhiều tài liệu quý các bài giảng được viết bởi các giảng viên, các bài trình bày Power Point hoặc các tài liệu khác mà có thể dễ dàng sử dụng sau đó để dạy lại cho các sinh viên và các đồng nghiệp khác. Qua các hội nghị này đã tạo ra một mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp và thân thiện giữa các nhà khoa học trên toàn thế giới. Hơn nữa, các sự kiện này đem lại cơ hội cho các sinh viên Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với các nhà khoa học tầm cỡ thế giới và chứng kiến tận mắt niềm đam mê của họ đối với khoa học, sự nghiêm túc và trung thực của họ, sự kính trọng của họ đối với các khoa học ngành khác nhau, đặc biệt giữa lý thuyết và thực nghiệm.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của tôi cho thấy, số đông người tham dự thường không phù hợp, sự kiện không được phổ biến rộng rãi, và hiếm khi được thông báo ra bên ngoài bức tường của trường đại học nơi sự kiện diễn ra. Trình độ của sinh viên nghe giảng thường quá thấp để có thể thực sự tiếp thu được các bài giảng. Điều này ngược với các trường đại học ở những nước phát triển nơi mà các chuyên đề nghiên cứu, các hội thảo chuyên ngành và các bài giảng trình bày bởi những người không phải của trường luôn được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các giảng viên của khoa. Một bình luận cuối cùng đó là phần lớn sinh viên Việt Nam không sử dụng thành thạo tiếng Anh, ngôn ngữ khoa học hiện nay, điều này là một cản trở lớn đến khả năng của họ trong việc tiếp thu kiến thức từ các bài giảng này.
Những cuộc viếng thăm của các nhà khoa học nước ngoài tới các phòng thí nghiệm Việt Nam, dù rằng đôi khi là những chuyến thăm ngắn một hoặc hai tháng ít nhất cũng manglại nhiều lợi ích như những chuyến thăm của các nhà khoa học Việt Nam tới các phòng thí nghiệm nước ngoài. Như, các nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ được làm việc dưới sự hướng dẫn của một giáo sư Việt Nam và một giáo sư nước ngoài. Nhiều quốc gia cũng có các chương trình hợp tác khoa học quốc tế như vậy.
Trong khi làm việc tại Việt Nam, các nhà khoa học nước ngoài có thể giúp các nhà khoa học Việt Nam lắp đặt và đưa vào vận hành các thiết bị, sau đó có thể được sử dụng một cách hiệu quả. Hoặc họ có thể giúp xây dựng các đường hướng chính trong nghiên cứu sau đó các nhà khoa học Việt Nam có thể dễ dàng tiếp tục theo đuổi thực hiện. Hơn nữa, họ có thể giảng bài, trình bày các chuyên đề nghiên cứu, hội thảo chuyên ngành nhân dịp chuyến thăm.
Hiện nay sự tham dự của các nhà khoa học nước ngoài dưới hình thức là các cố vấn trong các hội đồng, ban hay các nhóm giải quyết các vấn đề chung về quản lý về nghiên cứu và đào tạo của một trường, bộ môn, viện nghiên cứu hoặc một dự án nghiên cứu cụ thể thường chưa được coi trọng. Điều đó thật đáng tiếc, bởi vì các thành viên nước ngoài của các hội đồng đo, bên cạnh những ý kiến chuyên môn, họ còn mang theo nhiều kinh nghiệm, quan điểm khác nhau và cả sự trung lập; nhờ sự xuất hiện của họ có thể giúp chúng ta mất thời gian vào những cuộc tranh luận quá thiển cận1.
Thu hút thực tập sinh sau tiến sỹ trẻ về với các khoa, tạo động lực và nhiệt tình cho họ bằng cách bổ nhiệm họ vào các vị trí mà họ có thể là những nhân vật chính của cuộc đổi mới giáo dục đại học là một việc cần thiết. Tuy nhiên làm thế nào để thực hiện được các việc đó lại là một việc khác.
Tôi hoàn toàn nhận thức được sự đồ sộ và phức tạp của của khối lượng công việc phải thực hiện. Và chỉ có thể giải quyết được với một cái nhìn tổng thể về giáo dục đại học. Trường đại học Việt Nam hiện nay giống như một bậc tiếp theo của giáo dục phổ thông hơn là đại học khi so sánh với những đại học ở các nước phát triển. Hệ thống các lớp học ở đại học của Việt Nam hiện nay ngăn cản sự phát triển của giáo dục đại học phải được bãi bỏ và thay thế bởi hệ thống đảo tạo tín chỉ đang được sử dụng ở các nước phát triển nhất. Gần đây, tôi có gợi ý một chủ nhiệm khoa vật lý của một trong các trường đại học Hà Nội để trống một buổi chiều trong tuần cho phép sinh viên theo học các khóa học họ thích. Tôi nghĩ rằng đó có thể là bước đầu tiên trên đường tiến tới một hệ thống mới đào tạo theo tín chỉ. Tôi đã nghĩ về vật lý thiên văn và nhiều lĩnh vực khác cũng có thể làm như thế. Nhưng yêu cầu đó dường như không thể thực hiện được (chỉ có Bộ trưởng mới có thể thực hiện được điều đó!). Với việc kiểm tra việc học tập của sinh viên một cách nghiêm ngặt và nghiêm túc hơn hiện nay chắc sẽ có không ít sinh viên phải chuyển hướng tới các trường học nghề nơi đào tạo các kỹ thuật viên trình độ cao. Nhiều ví dụ khác có thể được dẫn để minh họa cho sự cần thiết phải có một kế hoạch tổng thể.
Người đọc có thể lo sợ rằng một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học có thể làm hại hơn là đem lại lợi ích, vì xây dựng thì luôn khó khăn và tốn thời gian hơn nhiều so với việc phá hỏng. Đó là những lo lắng chính đáng và có lẽ bất kỳ ai sẽ cảm thấy rất có lỗi nếu bị cho là vô trách nhiệm và gây nguy hại đến những thứ đang tồn tại ngày nay. Mọi hành động cần phải được lập kế hoạch và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trước khi áp dụng và sự tiến triển của quá trình chuyển đổi phải được giám sát cẩn thận. Cần chọn ra một vài khoa để áp dụng thay đổi. Bắt buộc phải có kế hoạch cẩn thận và liên lạc tốt để làm cho mọi người biết đến và hiểu rõ.
Những bình luận còn nông cạn trên của tôi có thể sai hoặc rất ngờ nghệch, nhưng hy vọng bạn đọc sẽ thư lỗi cho tôi vì, ít nhất đó là những bình luận thẳng thắn, với mong muốn có thể phần nào được sử dụng giúp cho thế hệ trẻ của đất nước, và đặc biệt là các sinh viên của tôi, có được một tương lai tốt đẹp hơn.
————–
1 Gần đây tôi có cơ hội đọc một báo cáo tuyệt vời viết bởi các giáo sư Mỹ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đại học của Việt Nam. Những sự đánh giá như thế là tài liệu vô giá nên được phổ biến rộng rãi tới những người quan tâm đến vấn đề đào tạo đại học và nghiên cứu.