Giới trí thức và hội học thuật tại Việt Nam hiện nay
Lý thuyết về chủ nghĩa xã hội… phát triển từ các lý thuyết triết học, lịch sử và kinh tế do những đại diện có học thức thuộc giai cấp hữu sản và các trí thức xây dựng.
Xét theo địa vị xã hội của họ, bản thân những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, Marx và Engels, đều thuộc tầng lớp trí thức tư sản. Tương tự như vậy, ở Nga, học thuyết lý luận về Dân chủ – Xã hội ra đời hoàn toàn độc lập với sự phát triển tự phát của phong trào giai cấp công nhân; nó nảy sinh như một kết quả tự nhiên, tất yếu của quá trình phát triển tư tưởng trong giới trí thức xã hội chủ nghĩa cách mạng.
(Lenin, 1902, Tuyển tập Lenin, Tập 1, tr. 119 – 271)
Lịch sử cho chúng ta thấy nhà lãnh đạo các quốc gia cho phép trí thức tự do bày tỏ quan điểm khi họ không thấy có nguy hiểm gì khi để trí thức làm vậy. Nhưng khi lãnh đạo thấy có mối nguy hiểm, họ sẽ tước đi của trí thức sự tự do đó. Trong một bài viết trước đây trên Tia Sáng, tôi đã minh họa điều này bằng các ví dụ và lập luận rằng Việt Nam ngày nay không nên ngần ngại đào tạo tầng lớp trí thức tự do và nên nhớ rằng Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Xuân Diệu, Tạ Quang Bửu và Đặng Văn Việt là cựu sinh viên của Quốc Học Huế danh tiếng. Sau khi đã gợi lại bao thập niên đau khổ mà Việt Nam đã phải hứng chịu trong quá khứ vừa qua, tôi kết luận bài viết như sau: “nhiều năm đã trôi qua. Giờ là lúc đề cao những giá trị trí tuệ, đạo đức và văn hóa hơn là những giá trị vật chất. Giờ là lúc những cá nhân nổi trội trong thế hệ trẻ khát khao tri thức và sự xuất sắc. Những người này phải được trao cơ hội phục vụ đất nước và tự hào về đóng góp của họ cho sự phát triển của đất nước. Họ phải có tầm nhìn về tương lai và ý thức được rằng tương lai đang đặt trên đôi vai họ, rằng họ có trách nhiệm làm cho ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay. Điều này có nghĩa chúng ta cần thay đổi cách hành xử hiện nay. Nó đòi hỏi một bầu không khí tin cậy hơn là ngờ vực, tức là thế hệ trẻ có dũng khí nói ra những điều mình nghĩ và thế hệ lớn tuổi đủ khôn ngoan để khuyến khích giới trẻ làm như vậy với tinh thần tích cực và mang tính xây dựng. Đây không hề là mối đe dọa với chế độ, mà sẽ là bước nhảy vọt cho sự phát triển của đất nước. Nhưng cái giá phải trả là: chúng ta cần đào tạo ra những người trưởng thành có trách nhiệm và năng lực, những người sử dụng tư duy phản biện để đề xuất ý tưởng mang tính xây dựng, thực tế và tiến bộ thay vì đưa ra những lời chỉ trích vô trách nhiệm và chẳng đem lại kết quả gì. Thật dễ để xác định những vấn đề cần thay đổi; nhưng để thực hiện những thay đổi cần thiết là một thách thức khó khăn. Vấn đề là biện pháp khắc phục, chứ không phải chẩn đoán. Chúng ta không nên sợ hãi đào tạo tầng lớp ưu tú. […] Chúng ta không nên ngại ngần đào tạo trí thức.”
Một sự kiện diễn ra gần đây cho chúng ta cơ hội lắng nghe quan điểm của các lãnh đạo về những tiến bộ mà đất nước đã đạt được trong những năm qua, và mức độ nguy hiểm vẫn có thể xảy ra khi để cho giới trí thức tự do bày tỏ quan điểm: Mùa xuân năm ngoái, ngày 24/3, Tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ quan điểm về vai trò của trí thức đối với sự tiến bộ đất nước.
Bài phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của trí thức Việt Nam ngày nay. Nó tiếp nối hàng loạt văn bản chính thức trước đó1, quy định vai trò và trách nhiệm của trí thức đối với sự tiến bộ quốc gia. Như thường lệ trong các dịp như vậy, bài phát biểu được chia thành hai phần: phần thứ nhất ghi nhận tiến độ đạt được, phần thứ hai xác định những điều còn phải làm và đưa ra chỉ thị để đạt được mục tiêu đó.
Phần thứ nhất ghi nhận vai trò của trí thức trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong suốt lịch sử, và trong việc phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Sau khi nhắc lại những nỗ lực, sự hy sinh không ngừng nghỉ của trí thức, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và thành công của cách mạng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trích Nghị quyết 27-NQ/TW: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Ông đánh giá VUSTA đã phát huy vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân và Đất nước. Ông ca ngợi đội ngũ trí thức ở VUSTA đã một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn luôn tâm huyết đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức.
Tuy nhiên, trong phần thứ hai của bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phê bình VUSTA hoạt động kém hiệu quả, thiếu năng động và chủ động. Ông kêu gọi một loạt biện pháp nhằm nâng cao hoạt động của VUSTA, trong đó chủ yếu yêu cầu phối hợp tốt hơn với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 93-KL/TW mà tôi tóm tắt dưới đây:
– Cải thiện phương pháp quản lý của VUSTA nhằm chấp hành tốt hơn sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và Đảng viên.
– Khẩn trương triển khai các biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ tư vấn, phản biện mà Đảng và Nhà nước giao cho VUSTA.
– Từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo.
– Phát huy tính dân chủ, tôn trọng quyền tự do sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; tập hợp, đoàn kết, vận động trí thức, nhà khoa học, kỹ sư; tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong những vấn đề lớn liên quan đến chính sách, chủ trương.
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài cùng đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của đất nước.
Nghị quyết 93-KL/TW kết thúc bằng việc giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương trách nhiệm giám sát, phối hợp đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát huy vai trò của trí thức trong giai đoạn mới.
Từ các điều trong Nghị quyết 93-KL/TW mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyến khích chúng ta tuân theo cho thấy chúng ta cần xác định là dân chủ và tự do sáng tạo đang được thực hiện dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ.
Điều này có ý nghĩa gì trong thực tiễn? Tôi e rằng việc cố gắng trả lời câu hỏi này một cách chung chung, bao hàm vai trò và trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong xã hội, sẽ là điều quá tham vọng và có thể nhạy cảm về mặt chính trị. Tốt hơn là tôi nên khiêm tốn giới hạn kỳ vọng của mình khi bàn về vai trò của hội học thuật trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học, đào tạo và nghiên cứu trong nước. Bảy năm trước, tôi đã viết một bài báo với lập luận rằng chúng ta không thể mong đợi các nhà lãnh đạo đưa ra giải pháp cho mọi vấn đề của mình, rằng chúng ta nên thấy có trách nhiệm giải quyết những khó khăn mà mình có thể gặp phải khi thực hiện công việc, và ở nhiều quốc gia, hội học thuật và các viện đóng vai trò thiết yếu trong bối cảnh này: họ tổ chức các diễn đàn để mọi người có thể tranh luận về những vấn đề liên quan, độc lập với Chính phủ, họ được tự do hoàn toàn; đồng thời, cách tiếp cận đầy trách nhiệm những vấn đề mà họ giải quyết khiến chính quyền tôn trọng họ, và họ thường được mời đưa ra lời khuyên để định hình chính sách khoa học của quốc gia. Bất đồng với các viện, hội học thuật mở rộng tư cách thành viên bao gồm các nhà nghiên cứu, giáo viên đại học và trung học, các kỹ sư và nói chung là các công dân có mối quan tâm sâu sắc tới khoa học. Để trở thành thành viên có thể chỉ cần lời giới thiệu từ một hoặc hai thành viên đóng vai trò cố vấn. Người tham gia cũng cần nộp hội phí để trả cho các khoản chi tiêu phát sinh trong Hội. Các thành viên sẽ bầu ra người đứng đầu điều hành Hội, những người này sẽ tình nguyện thực hiện các nghĩa vụ mà mình được giao phó và không nhận lương. Nhìn chung, các thành viên ngoại quốc được chào đón. Các hội học thuật thường thể hiện mối quan tâm và lo ngại mạnh mẽ tới những vấn đề đạo đức: các quy tắc hành xử đối với các nhà khoa học đều thể hiện niềm tin chung rằng “bất cứ ai tham gia vào khoa học đều có trách nhiệm đảm bảo thực hiện khoa học chất lượng cao với tính trung thực và liêm chính, theo những tiêu chuẩn đạo đức cao”. Các hoạt động điển hình của hội học thuật gồm tổ chức các hội nghị, xuất bản các tờ báo và tạp chí khoa học, trao giải thưởng, tổ chức các hoạt động tiếp cận cộng đồng và duy trì mối quan hệ mật thiết với đại học và các hội học thuật khác ở trong và ngoài nước. Một số hội quốc tế đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh này, chẳng hạn như Liên minh Thiên văn Quốc tế, Liên minh Vật lý thuần túy và Ứng dụng Quốc tế hoặc Hiệp hội các Hiệp hội Vật lý châu Á Thái Bình Dương (AAPPS).
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có các hội học thuật như vậy, chẳng hạn như Hội Vật lý Việt Nam. Về nguyên tắc, đây là nơi thích hợp để nuôi dưỡng văn hóa liêm chính, nghiêm khắc về đạo đức và trí tuệ, các hoạt động dân chủ và tự do ngôn luận, mà thiếu vắng những điều kể trên thì khoa học không thể nào tiến bộ được. Trong một bài viết trước đây, tôi đã băn khoăn về những điều nên làm để cho phép họ đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình phát triển khoa học của đất nước, và tôi đã trả lời câu hỏi đó như thế này: “Một trở ngại cho sự tiến bộ đó là họ thiếu tính độc lập: họ trực thuộc VUSTA, mà nơi đây lại trực tiếp nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Về nguyên tắc, sự giám hộ như vậy không nên là trở ngại, mà hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, trong thực tiễn, điều đó lại gây hệ lụy: vì sợ “gây sóng gió”, các hội học thuật né tránh đưa ra những sáng kiến đòi hỏi sự cho phép từ cấp trên và chịu tình trạng bảo thủ quá mức. Một minh họa cho điều này là quy định các thành viên phải là công dân Việt Nam, một tàn dư từ lòng nghi ngờ người ngoại quốc trong thời chiến, nhưng việc thay đổi quy định này dường như là điều bất khả. Một ví dụ khác là việc thiếu tranh luận trong cộng đồng các nhà vật lý về tương lai dài lâu của nghiên cứu cơ bản trong nước; vài năm trước, trong một hội nghị do Hội Vật lý Việt Nam tổ chức, tôi đã trình bày một bài viết cho rằng các định hướng nghiên cứu của Việt Nam trong các lĩnh vực vật lý hạt, vật lý hạt nhân và vật lý thiên văn cần được bàn luận và có lẽ là sửa đổi lại.
Đã đến lúc thay đổi cung cách, phục hồi tính minh bạch, khuyến khích các sáng kiến, lắng nghe thế hệ trẻ, nhìn về phía trước với quyết tâm tiến bộ. Đây là vì lợi ích của quốc gia và vì khoa học, tất cả chúng ta đều chiến thắng trong sự phát triển như vậy, đâu có gì để mất. Tất cả những gì cần thiết là VUSTA cần quyết tâm, không chỉ cho các hội thành viên sự độc lập hoàn toàn, mà còn khuyến khích họ chủ động thể hiện thái độ tích cực và trách nhiệm trong vai trò là tiếng nói của cộng đồng các nhà khoa học mà họ đại diện. […] Đây có phải đòi hỏi quá nhiều không?”.
Hai năm sau khi đăng bài báo này, hai thành viên trong nhóm nghiên cứu mà tôi đang làm việc, Khoa Vật lý thiên văn Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam, nằm trong khuôn viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã có cơ hội phỏng vấn tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông đã rất cởi mở và vui lòng trả lời những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra. Chúng tôi đã thất vọng vì tính thụ động của một số hội học thuật, cụ thể là Hội Thiên văn học Việt Nam, và vì họ rõ ràng thiếu quan tâm tới thành công và tiến bộ của các cộng đồng mà họ có trách nhiệm đại diện.
Sau khi nhắc lại sứ mệnh của VUSTA và đưa ra một số ví dụ cho hoạt động của cơ quan này, tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải nhận xét VUSTA bao gồm nhiều hiệp hội thành viên, một số hiệp hội được thành lập để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đã phát triển rất tốt cũng như được ghi nhận, chẳng hạn như Tổng hội Y học; VUSTA cũng có những hiệp hội mà nhu cầu của xã hội không cao, đó là lý do mà chính phủ phải hỗ trợ họ. “Thế nhưng, ông nói thêm, những hiệp hội này phải tự mình phấn đấu để hoạt động hữu hiệu, có tầm nhìn cho tương lai, xác định các mục tiêu và chiến lược để phát triển. Các hội học thuật nên gặp gỡ, thảo luận để đề xuất các dự án chung nhằm cải thiện sự phát triển và tiến bộ của nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng”. Thông điệp này rất rõ ràng, cờ đang trao tới tay chúng ta rồi, giờ là lúc nắm lấy và phất thôi!
Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải cũng thể hiện sự tiếc nuối khi thành viên nước ngoài không được gia nhập các hội học thuật Việt Nam, các trí thức Việt kiều có vai trò vô cùng quan trọng và VUSTA phải quy tụ, đoàn kết các trí thức ở cả trong và ngoài nước; ông đồng tình với nguyênBộ trưởng Nguyễn Quân khi cho rằng: “Chừng nào chúng ta còn không quan tâm tới điều kiện sống và mức lương của người làm khoa học, chừng nào chúng ta còn tỏ ra là không có khả năng thay đổi các cách quản lý cũ, thì chúng ta sẽ không để khoa học và công nghệ cất cánh”. Ông kết thúc cuộc phỏng vấn với những lời sau: “Chính sách KH&CN của đất nước cần tiếp tục đổi mới. Trong một thời gian dài, tăng trưởng GDP không dựa vào KH&CN. Nếu cứ tiếp tục thế này thì Việt Nam sẽ không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, và sẽ không thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ đầu tư 2% ngân sách cho phát triển KH&CN là điều tốt, nhưng đầu tư tư nhân đang rất thấp. Tại các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn, châu Âu… khoản đầu tư từ khu vực phi chính phủ có thể gấp ba hay bốn lần số tiền mà chính phủ rót vào. Tóm lại, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa vào KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhưng khối tư nhân phải đóng góp phần lớn. Khoa học là động lực thúc đẩy sự phát triển, tương lai của xã hội phụ thuộc vào sự tiến bộ của nó”.
Những lời của tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải thực sự rất khích lệ. Thông điệp của ông cho chúng ta biết rằng phải có cách dung hòa ước mơ về tự do học thuật và bày tỏ quan điểm với ý chí quyền lực và khả năng lãnh đạo được thể hiện trong Nghị quyết 93-KL/TW: họ không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ theo đuổi các mục tiêu khác nhau: cả hai bên đều mong muốn Việt Nam thành công. Chúng ta nói về việc thúc đẩy văn hóa liêm chính, nghiêm khắc về trí tuệ và đạo đức, thực hành dân chủ và tự do ngôn luận mà nếu không có những điều này thì khoa học không thể tiến bộ. Nghị quyết 93-KL/TW nói về công tác quản lý, lãnh đạo và kỷ luật – những điều mà nếu thiếu vắng xã hội sẽ không thể hoạt động. Những lời của Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải khích lệ chúng ta làm chủ số phận của mình.
Cụ thể, lấy ví dụ về Hiệp hội Thiên văn học Việt Nam mà tôi quen thuộc nhất, điều đó có nghĩa là xác định và tập hợp cộng đồng liên quan lại với nhau; thiết lập mối liên lạc thường xuyên và thực chất với các thành viên, bằng cách duy trì trang web và tổ chức các cuộc họp; tạo ra sự khác biệt hình thức, thiết lập theo quy định hiện hành, giữa các thành viên Việt Nam, những người sẽ phải trả một khoản phí nhỏ, và bạn bè của hiệp hội, người Việt Nam hoặc người nước ngoài – họ sẽ được khuyến khích quyên góp; tuy nhiên, sự phân biệt như vậy sẽ hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, cả hai nhóm đều được khuyến khích đưa ra lời khuyên, đề xuất và cần được lắng nghe với sự chú ý, tôn trọng như nhau; thúc đẩy suy nghĩ về cách đạt được tiến bộ trong đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này; làm các báo cáo được các thành viên tán thành nhằm giúp các cơ quan hữu trách nhận thức được những vấn đề tiềm ẩn và đề xuất giải pháp; tổ chức các sự kiện tiếp cận cộng đồng và duy trì mối liên kết chặt chẽ với các nhà thiên văn nghiệp dư và hiệp hội rất thành công của họ2; tổ chức các hội thảo, hội nghị, trường học và duy trì liên lạc chặt chẽ với các đại học trong và ngoài nước; khuyến khích hợp tác với các nhà thiên văn, vật lý thiên văn trong và ngoài nước; duy trì mối liên hệ mật thiết với các tổ chức như Liên minh Thiên văn Quốc tế hoặc Mạng lưới Nhà Thiên văn Đông Nam Á.
Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải nói rất rõ là VUSTA sẽ vô cùng hoan nghênh và ủng hộ tất cả những hoạt động này. Ngoài đóng góp cho sự tiến bộ của ngành thiên văn và vật lý thiên văn Việt Nam, các hoạt động này sẽ càng nâng cao sự tín nhiệm của chính quyền dành cho cộng đồng và dần dần khuyến khích họ trao cho các hội thành viên sự độc lập và tự do nhiều hơn.
Tôi đã đưa ra một ví dụ vô cùng cụ thể để làm rõ quan điểm của mình, song rõ ràng tinh thần tương tự cũng có thể áp dụng cho các hội học thuật khác, và thậm chí cũng có thể áp dụng cho vấn đề bao quát hơn về vai trò và các trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam.□
Phương Anh dịch
—————–
VUSTA3 làm cầu nối giữa các Hiệp hội với nhau, mặt khác là cầu nối cho Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, là nơi tập hợp trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, điều phối và hướng dẫn hoạt động của các hiệp hội, bao gồm các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, y tế và chăm sóc sức khỏe, khoa học ứng dụng và công nghệ. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng có một cơ quan đảm nhận nhiệm vụ tương tự là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam4, thành viên của Mặt trận Tổ quốc, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng.
VUSTA ra đời sau khi nhiều tổ chức của trí thức, học giả và nghệ sĩ Việt Nam thành lập trong nửa đầu thế kỷ trước5, sau trận Điện Biên Phủ, tiếp nối việc Đảng và Nhà nước ra quyết định thành lập các hội mới. Đồng thời, Nghị định 102-SL/L-0046 ngày 20/5/1957 tuyên bố quyền thành lập hội của nhân dân, quy định hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích và sự đoàn kết của nhân dân, hướng tới xây dựng chế độ dân chủ. Điều 8 của Nghị định nêu rõ ý nghĩa của điều này, tuy nhiên vẫn để ngỏ nhiều cách diễn giải khác nhau7. Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam được thành lập vào năm 1963. 20 năm sau, Hội này trở thành VUSTA, và công cuộc Đổi Mới diễn ra ngay sau đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các hiệp hội đáp ứng nhu cầu của giới trí thức: có một diễn đàn để đoàn kết, phối hợp hành động và bày tỏ nguyện vọng chung khi đối thoại với Đảng và Nhà nước.
Bản chất chính trị – xã hội của VUSTA được thể hiện rõ nét qua nhiều nhiệm vụ về động viên trí thức hoạt động tích cực trong khoa học và công nghệ: Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tập thể, liêm chính và đạo đức nghề nghiệp; Thúc đẩy và phổ biến rộng rãi đường lối, chính sách của Đảng lẫn chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giới trí thức; Động viên trí thức Việt Nam trong và ngoài nước tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Kiến nghị, tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong những vấn đề lớn liên quan đến đường lối, chính sách phát triển đất nước, đặc biệt là về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, cùng các chính sách nhằm thúc đẩy đóng góp của trí thức; Tham vấn, đánh giá dư luận để giúp Đảng và Nhà nước hoạch định, chỉ đạo sự rphát triển đất nước; Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để tăng cường khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức cả nước; Thông báo cho Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc về nguyện vọng, đóng góp của trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; Đóng góp vào chính sách quốc gia nhằm duy trì hòa bình, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác chung giữa nhân dân các nước.
—————-
Chú thích
1 – Nghị quyết (27-NQ/TW) Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (CEC) về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 6/8/2008: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-27-NQ-TW-nam-2008-xay-dung-doi-ngu-tri-thuc-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-139254.aspx
– Chỉ thị (42-CT/TW) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, ngày 24/3/2015: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-42-cttw-ngay-2432015-cua-ban-bi-thu-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-162
– Kết luận (52-KL/TW) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 30/5/2019: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-52-kltw-ngay-3052019-cua-ban-bi-thu-ve-tiep-tuc-thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-7-khoa-x-ve-xay-dung-5471
– Đơn đề nghị (93-KL/TW) nêu trên đối với VUSTA của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/2014/TT-VN. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VUSTA trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 20/11/2020: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Ket-luan-93-KL-TW-2020-tiep-tuc-thuc-hien-Chi-thi-42-CT-TW-hoat-dong-Lien-hiep-cac-Hoi-Khoa-hoc-459548.aspx
2 Vietastro, www.vietastro.org. Xem: Cosmic Light: How amateur astronomy clubs are reigniting astronomy in Vietnam, https://www.astro4dev.org/cosmic-light-how-amateur-astronomy-clubs-are-reigniting-astronomy-in-vietnam/
3 https://vusta.vn/gioi-thieu-lien-hiep-cac-hoi-khoa-hoc-va-ky-thuat-viet-nam-p1.html;
4 https://lawnet.vn/thong-tin-phap-luat/en/khac/what-are-the-standards-for-membership-in-the-vietnam-union-of-literature-and-arts-associations-102294.html
5 Su Lin Lewis, Learned societies and the making of “Southeast Asia”, Modern Intellectual History, 10, 2 (2013), 353, Cambridge University Press 2013, doi:10.1017/S147924431300005X
6 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-quyen-lap-hoi-1957-102-SL-L-004-36792.aspx
7 https://vanviet.info/van-de-hom-nay/gio-su-hong-tuy-vi-chu-tich-cua-ids-mot-ban-linh-tr-thuc-dch-thuc/