Khoa học Việt Nam qua những công bố quốc tế
Bài viết này cung cấp cho độc giả và nhất là giới trí thức và các nhà quản lý khoa học những thông tin cô đặc nhất rút ra từ những công bố quốc tế của Việt Nam, có lấy năm 2001 để so sánh với Thái Lan, mà không đưa ra bình luận gì thêm. Những con số trong
Dựa trên các công bố quốc tế để đánh giá thành tích khoa học của đất nước
So sánh hai nhà khoa học với nhau dựa trên các công bố quốc tế có khi chưa ổn. Nhưng để so sánh trình độ khoa học của các quốc gia với nhau thì không có tiêu chí nào khả dĩ, khách quan và chính xác hơn là dựa trên các công bố quốc tế, mà trước hết là các bài báo (article) đăng trên những tạp chí có phản biện đồng nghiệp (peer review).
Trình độ khoa học trong từng lãnh vực có thể được đánh giá qua số bài báo và số lần được trích dẫn. Gần đây, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã lên tiếng về việc chúng ta phải nhìn nhận công bố quốc tế như tiêu chí trung thực đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học, và thống nhất sử dụng cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học ISI, Thomson Scientific để tìm kiếm thông tin và tài liệu khoa học. Được biết, Bộ KHCN VN cũng đang xem xét khả năng mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu này trong thời gian tới.
Theo thông báo mới nhất, ISI cập nhật thông tin từ 9080 tạp chí quốc tế có hệ thống phản biện đồng nghiệp nghiêm ngặt bao gồm:
Science Citation Index Expanđed – 6200 tạp chí có từ năm 1900
Social Science Citation Index – 1743 tạp chí có từ năm 1956
Art and Humanities Citation Index -1137 tạp chí có từ năm 1975.
Hiện nay chưa có tạp chí khoa học nào bằng tiếng Anh của Việt Nam được lọt vào danh sách trên. Không phải vì người ta kỳ thị mình mà vì chất lượng các tạp chí hàng đầu của ta chưa vẫn ngang tầm quốc tế. Số tạp chí nói trên lại phân theo 55 ngành khoa học rất đa dạng, có nhiều ngành hầu như chưa ai nghiên cứu ở nước ta, không giống như một số người thường ngộ nhận “oan uổng” rằng tạp chí quốc tế chỉ là sân chơi của giới nghiên cứu cơ bản. Hiện nay, ngày càng có nhiều hướng nghiên cứu liên ngành, nên những phân loại theo ngành trong ISI nhiều khi chỉ mang tính chất tương đối.
Thành tích mười năm của Việt Nam
Công bố quốc tế có tên các tác giả Việt Nam trong mười năm qua tăng từ 256 bài năm 1997 lên 550 bài năm 2006, theo cấp số nhân, trung bình mỗi năm tăng 9-10% (hình 1). Nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu là qua hợp tác với nước ngoài, số bài báo có địa chỉ thuần tuý Việt Nam (do nội lực) vẫn dẫm chân tại chỗ quanh con số trung bình 77 bài trong suốt mười năm qua (đường dưới cùng, hình 1). Tỷ lệ bài báo do nội lực và do hợp tác liên tục giảm từ 30% năm 1997 xuống còn 13% năm 2006 (hình 2).
Hình 1. Số bài báo quốc tế của Việt Nam dùng nguồn nội lực và qua hợp tác quốc tế trong mười năm gần đây
Bài báo dùng nguồn nội lực khác bài báo do hợp tác với các nước tiên tiến từ đầu tư kinh phí, cơ sở hạ tầng, đội ngũ để làm ra công trình, cho đến khả năng trực tiếp đào tạo sinh viên và tác động đến sản xuất đời sống trong nước qua thực hiện đề tài. Hợp tác với nước ngoài trong nghiên cứu khoa học, nhất là các nước tiên tiến, để đào tạo nhân lực trình độ cao là việc rất đáng khuyến khích. Nhưng để xem xét hiệu quả đầu tư cho khoa học, nhất là các khoa học thực nghiệm và ứng dụng, có nhiều tác động đến sản xuất đời sống, không thể căn cứ trên số lượng áp đảo các bài báo được thực hiện ở nước ngoài, với phương tiện nghiên cứu hiện đại hơn nhiều và thương hiệu đã nổi tiếng từ lâu. Trên thực tế, chất lượng của bài báo do nội lực hiện nay nói chung thấp hơn hẳn bài báo do hợp tác, xét theo số lần được trích dẫn (xem bảng 1).
Diện mạo khoa học Việt Nam so với Thái lan
Với những thành tích trên hình 1, ta không thể định lượng được liệu Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới nếu không so sánh với một nước khác, như Thái Lan chẳng hạn, nước láng giềng chưa thể xem là có đẳng cấp đáng kể về KHCN. Thông tin trên bảng 1 rút ra từ số liệu thống kê năm 2001. Chọn năm 2001 để so sánh vì thời gian 5 năm từ đó đến nay không quá lâu để mất tính thời sự, lại không quá ngắn để giới học giả đủ thời gian nghiên cứu và trích dẫn các công trình sau khi được công bố. Ngoài các thông tin về công bố quốc tế, hai dòng trên cùng có đưa thêm số liệu về dân số và bình quân GDP để làm căn cứ so sánh.
Hình 2. Tỷ lệ giữa số bài báo do nội lực và do hợp tác giảm liên tục trong mười năm gần đây.
Số bài báo phân theo các ngành khoa học trên bảng 2 cho ta bức tranh về diện mạo rất tương phản nhau của các ngành khoa học được nghiên cứu ở hai nước. Hai ngành mạnh nhất của Việt Nam là Toán và Vật lý lại nằm trong số những ngành yếu nhất ở Thái Lan về số bài báo quốc tế lẫn số lần trích dẫn. Còn những ngành vượt trội nhất và có tác động trực tiếp nhất đến sản xuất và đời sống của Thái Lan là y học, sinh hoá và công nghệ sinh học, thì hầu như Việt Nam không có công trình nào đáng kể.
|
Phạm Duy Hiển