Khơi dậy sức dân
Cùng với việc Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư Việt Nam gia nhập WTO, việc Quốc hội Mỹ vừa thông qua PNTR: "Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn" với Việt Nam, chúng ta đã khép lại giai đoạn đàm phán kéo dài.“Các nhà đàm phán từ nay bàn giao “trận địa” cho doanh nhân. Cơ hội đã mở ra hết cỡ, thắng thua phụ thuộc vào mức độ thiện chiến của doanh nhân”*. Đây là bàn giao trận địa chứ không phải bàn giao bữa tiệc đã dọn sẵn, thực khách chỉ còn có việc nâng cốc!
Trận địa này không có máu đổ, song phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong cuộc cạnh tranh để giành giật thị phần, chiếm lĩnh thị trường để đẩy tới tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Ở đây là sự thử thách bản lĩnh và trí tuệ để có thể đạt “mức độ thiện chiến” không chỉ của doanh nhân, cho dù họ là lực lượng xung kích. Mà phải là bản lĩnh của cả dân tộc đang nung nấu khát vọng vươn lên rửa cái nhục nghèo nàn, lạc hậu, lấy lại cái vị thế đã có của một dân tộc đã từng dám chiến đấu và biết giành thắng lợi, không phải dân tộc nào cũng làm được. Không có sự hậu thuẫn và tiếp sức của cả dân tộc, sức lao động của đội ngũ công nhân, nông dân trên mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là đội ngũ trí thức và sức trẻ của lớp thanh niên thời đại mới, thì người lính xung kích dù thiện chiến đến đâu cũng không thể có đủ sức mạnh để giành thắng lợi cuối cùng trên trận địa kinh tế này.
Chính vì vậy phải có một cuộc thăm dò khảo sát trận địa thật kỹ để biết ta là ai, ta đang ở đâu, điểm mạnh ta có là gì và điểm yếu là gì. Biết mình, biết người một cách chuẩn xác là dữ kiện quan trọng để hoạch định chiến lược, chiến thuật nhằm chắc thắng trên trận địa mới này. Xin gợi lên một vài số liệu dựa theo thống kê của các quốc gia mà UNDP vừa công bố nhằm góp vào cuộc “thăm dò, khảo sát đó”: GDP đầu người của nước ta, tính ngang bằng sức mua (PPP) thì: năm 2003 là 2490 USD, chỉ bằng 1/3 Thái Lan và ¼ Malaysia. Có nghĩa là, nếu hàng năm tăng liên tục 8,5% thì đến năm 2017, GDP đầu người của nước ta có thể ngang bằng GDP của Thái Lan, nhưng là Thái Lan năm 2003! Rồi phải đến năm 2020, sẽ khoảng bằng GDP của Malaysia, nhưng là Malaysia năm 2003. Như thế thật ra vẫn là mức tăng trưởng của sự tiếp tục tụt hậu so với một số nước láng giềng chứ cũng chưa nói so với những nền kinh tế phát triển của khu vực và thế giới: 14 năm so với Thái Lan và 17 năm so với Malaysia.
Vì thế, nếu không có bước đột phá về tư duy, vứt bỏ những lối mòn, tạo ra một chuyển biến mới về chất, làm sao chúng ta “sớm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển là mục tiêu trực tiếp của Đại hội X”, làm sao “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại”.** – theo Nghị quyết thì quãng đường còn lại là 14 năm. Thời gian không còn dài, song khoảng cách từ thực trạng kinh tế xã hội hiện nay so sánh với mục tiêu cần đạt được năm 2020 thì lại rất xa. Đấy là chưa nói, tiêu chí thế nào là về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn là một vấn đề cần được xác định thật rõ ràng, chuẩn xác, cho dù là cơ bản, thì mới vạch ra được lộ trình thực hiện.
Cả dân tộc, đương nhiên trước hết là đội ngũ tiên phong và bộ phận lãnh đạo đang gánh trên vai sứ mệnh lịch sử phải có đầy đủ ý chí và nghị lực đó, để với tầm nhìn cần phải có, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, táo bạo và sáng tạo. Khi mà đường lối phản ánh đúng quy luật vận động của cuộc sống, đáp ứng được lòng dân thì sức mạnh của toàn dân tộc vốn tiềm ẩn trong từng con người sẽ được khởi động và bật dậy, lập nên những kỳ tích. Vì rằng, nhân tố quyết định nhất, không thể ở đâu khác là sức sống mãnh liệt của dân tộc như sức cuộn chảy bền bỉ, nhẫn nại song thật quyết liệt từ bên dưới của dòng sông cuộc sống.
Lịch sử dân tộc ta cho thấy lúc nào bộ phận lãnh đạo nắm bắt được sự kỳ diệu của sức cuộn chảy từ bên dưới ấy, tự nâng mình lên để đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, chủ động khơi thông dòng chảy, lúc ấy sức sống của dân tộc trào dâng như nước vỡ bờ, không sao lường trước được. Chính từ cuộc sống đổ mồ hôi sôi nước mắt đó mà bật ra chủ trương, đường lối của Đảng. Thì chẳng thế sao: những “khoán chui”, những “bung ra”, những “xé rào”, đã “xé” những rào cản hữu hình và vô hình để cứu lấy mình, dẫn đến Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Nghị Quyết 8 của Bộ Chính trị trả lại quyền tự chủ sản xuất về cho hộ kinh tế gia đình xã viên để rồi từng bước hoàn thiện đường lối Đổi mới với Đại hội VI. Đương nhiên, trong dòng sông cuộn chảy đó, cũng không thiếu những váng bẩn trôi dạt, tấp đầy trên mặt nước hai bên bờ. Dòng chảy càng mạnh, nhất là ở những đoạn nước xoáy, càng nhiều váng bẩn nổi lên. Chỉ nhìn thấy váng bẩn mà không hiểu được sức cuộn chảy của dòng sông là do đâu, sẽ không hiểu nổi sự vận động kỳ diệu của cuộc sống. Sức mạnh của “đất nước phi thường” này là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là con người Việt Nam, là những hiền tài – nguyên khí quốc gia, từ bao đời không bao giờ thiếu. Nếu thiếu là thiều tầm nhìn, thiếu cái tâm của người lãnh đạo quyết bằng mọi cách khơi dậy, tạo điều kiện để làm bừng nở tiềm năng bất tận của từng con người, của cả dân tộc, tạo ra những đột biến đưa đất nước bứt lên.
______________________________________________________
*. “Bàn giao trận địa cho doanh nhân”. Vietnamnet ngày 30.11.2006
** Văn kiện Đại hội X. NXBCTQG Hà Nội 2006, tr.178 và tr 23