Kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946: HÀ NỘI NHỮNG NGÀY KHÓI LỬA

Kính tặng các anh Hợi, Nhượng, Tuấn, và tất cả "... Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng Hơn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm..." (Chính Hữu, Ngày về, 1947)


Chập tối ngày 18 tháng 12 năm 1946, anh Hợi thay mặt thanh niên phố tôi lên họp ban chỉ huy tự vệ đóng ở phố Hàng Bồ, trong một ngôi nhà rộng bỏ trống, chủ nhà đi tản cư đã từ lâu.
Nhiều năm về sau, khi kể lại cho tôi nghe câu chuyện những ngày các anh ở lại Hà Nội chiến đấu, anh Hợi thấy mình như sống lại cái giây phút hồi hộp, sôi nổi, lúc ấy. Anh nhớ rằng anh đã rất run khi nghe phổ biến tình hình và mệnh lệnh chuẩn bị. Về phố nhà truyền đạt lại những chỉ thị cho anh em tự vệ phố, anh thấy người vẫn còn run, không biết có phải vì trời hôm đó đã bắt đầu lạnh, hay vì quá xúc động.
Sau vụ tàn sát đồng bào ngày 17 ở phố Hàng Bún, sáng hôm nay bọn lính Pháp đóng trong thành lại đem xe tăng ra thăm dò và uy hiếp khu phố tôi, nhưng vẫn chưa dám vượt qua giao thông hào, bên kia hào là đống chướng ngại vật, và bãi mìn giả làm bằng nồi niêu, và bát úp do các anh tự vệ đặt từ chiều hôm trước trên khắp mặt đường. Nội trong ngày 18, chúng đã gây ra nhiều vụ khiêu khích ở các khu Hàng Đậu, Hàng Khoai, chợ Đồng xuân, Lò Đúc, Hàng Bột, v.v., rồi ngang nhiên chiếm đóng Nha tài chính, Bộ giao thông. Tối ngày 18, vào lúc 21 giờ, tên tướng Morlière, tư lệnh Pháp ở Đông Dương, dưới sức ép của Valluy, người chủ mưu gây hấn ngay từ vụ ném bom Hải Phòng, gửi tối hậu thư đòi chính phủ Việt Nam tước vũ khí vệ quốc đoàn, công an, tự vệ,và đòi luôn cả quyền kiểm soát trật tự, an ninh trong thành phố, điều mà cách đây không bao lâu hai bên đã thoả thuận là do Uỷ ban Liên kiểm Việt-Pháp đảm nhiệm. Chúng giao hẹn, nếu đến sáng ngày 20 tháng 12 mà những điều kiện đó không được chấp nhận, thì sẽ chuyển sang hành động.
Chúng tưởng có thể nuốt chửng được Hà Nội trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ!
Sau khi nghe anh Hợi báo cáo tình hình và phổ biến lại những mệnh lệnh của ban chỉ huy, ai nấy đều phấn khởi, sau những giây phút hồi hộp ban đầu. Điều mà mọi người nóng lòng chờ đợi từ bấy lâu nay, bây giờ đã đến, và đến vừa đúng lúc như một sự giải thoát. Hết rồi, những nhịn nhục, uất ức, của những ngày qua, những cảnh phải đứng khoanh tay nhìn bọn lính mũ đỏ ngang nhiên đem xe ra phố cướp giật, rồi chạy vào thành, mà không ai được phép bắn theo!
Việc đầu tiên anh em phải phân công nhau đi làm gấp là mở rộng thêm những lỗ xuyên tường để đi lại dễ dàng hơn từ nhà này sang nhà khác ở bên trong khối phố, và lập một số ụ súng ở những nơi có địa thế tốt : gác nhà số 27 nhìn dọc lên phố Hàng Bát sứ, ngôi đình ở góc phố Hàng Bát đàn và phố Nhà hoả (Hàng Điếu), tầng gác ba nhà Nguyên Cát, từ đó có thể nhìn rộng xuống khắp khu Đông Thành.
Việc thứ hai, là tiếp tục đào thêm lỗ chôn mìn ở ngoài đường và lấy thêm những chiếc nồi đất, những chiếc thớt và cả những cuộn thừng, vì ở phố tôi còn cả mấy nhà bán thừng, đem đặt ở ngoài đường để mở rộng bãi mìn về phía Cửa Đông.

 
Trường Trí tri (nay là trường Nguyễn Văn Tố nhìn từ phố Hàng Hòm

Để vượt qua đường, từ bên số chẵn sang bên số lẻ, anh em đã phải đào gấp mất mấy đêm liền một cái hào nối liền từ nhà số 21 (hiệu An Lợi) sang đúng cửa ra vào nhà Nguyên Cát. Đây vừa là giao thông hào, vừa là chiến hào. Lúc đầu, chiếc hào còn nông, mỗi khi đi qua cứ phải cúi lom khom. Sau, được đào sâu thêm, đất được đắp lên về phía Cửa Đông thành một cái ụ cao quá đầu người, nên đi qua đi lại ở trong hào an toàn hơn, đó cũng là nơi đứng nấp bắn rất thuận tiện. Sau này, có mấy anh tự vệ trẻ ngịch ngợm, đã lấy mũ sắt chụp lên đầu gậy, rồi đem cắm lên ụ đất, chỉ để thòi cái mũ sắt lên, để trêu tức bọn lính ở phía cầu Cửa Đông bắn ra cho phí đạn.
Các anh thanh niên tự vệ phố tôi ngày ấy, do mới làm quen với súng đạn, nên hay ngứa ngáy, thích trổ tài bắn súng của mình lắm. Anh Tuấn, anh tôi, lúc đó mới 17 tuổi, không biết vớ đâu được khẩu các-bin, là một loại súng tương đối tối tân của Mỹ vào thời bấy giờ, bắn vừa nhẹ lại vừa chính xác, bao đạn có tới chín viên. Nổ súng chưa được vài ngày, anh đã nổi tiếng là bắn giỏi ở trong phố. Hồi đó, ta có ít súng đạn lắm, thanh niên tự vệ mỗi phố phải tự túc lấy hết. Tôi còn nhớ mãi Chấn, xúng xính trong bộ đồ kaki Mỹ màu mỡ gà mua ở Chợ giời, Chấn lúc đó chưa được 16 tuổi, nhưng may sao lại được các anh lớn chấp thuận cho làm tự vệ, đi đâu cũng đem theo khẩu súng sáu Saint-Etienne, có lúc lại còn cầm ở tay, trông đến là ngượng ngịu !
Ngày ấy, coi như gần hết thanh niên phố tôi đã ở lại chiến đấu, tất cả được đến gần ba chục người, có người chỉ mới 15, 16 tuổi. Một hai em hãy còn là nhi đồng, mới 12, 13 tuổi. Phần đông là học sinh, sinh viên, con nhà khá giả, rặt một thứ “lính cậu” hết, trừ một vài trường hợp là các anh thợ, anh xe, hay người ở. Nhưng đấy chỉ là trường hợp phố tôi thôi, còn ở các phố khác, như Hàng Thiếc, Hàng Hòm, chẳng hạn, thì thành phần công nhân đông hơn.
Ôi quên làm sao được những khuôn mặt của các anh lớn phố tôi ngày ấy, những người đã từng dìu dắt chúng tôi, từng chia sẻ với bầy trẻ chúng tôi những ngày tươi vui của Cách mạng tháng Tám, cũng như những ngày sôi nổi trước khi xảy ra chiến sự! Quên làm sao được những “nhân vật” mà hồi nhỏ tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày kia có thể trở thành những chàng tự vệ đanh thép, những người sẽ ở lại đến cùng trong Trung đoàn Liên khu 1, trong số đó có người sẽ ở lại với Trung đoàn thủ đô, và sau này sẽ trở nên những cán bộ cao cấp trong quân đội.
Tôi đặc biệt nhớ đến Quang, con thứ ba của ông bà Quảng Tiến, lúc đó mới chỉ 15, 16 tuổi là cùng. Quang người khoẻ mạnh, đẹp trai, có bộ tóc quăn tự nhiên và một nụ cười rất tươi. Nhưng nổi bật nhất ở anh, là tính bướng bỉnh, gan góc, và dáng đi hăm hở như lao về phía trước. Anh thích chơi súng ngay từ cái hồi mới có phong trào tập quân sự và mua súng của bọn tàu Tưởng túng tiền bán chạy. Lúc nào cũng thấy anh hí hoáy lau chùi súng, hoặc lên gác sân thượng tập bắn. Có một hôm tôi xin được ở đâu một viên đạn 6,35, liền năn nỉ Quang cho tôi lên gác sân bắn thử với khẩu Browning nhỏ xíu của anh. Đây là lần đầu tiên tôi được bắn súng lục. Với những ngón tay còn quá yếu ớt của mình lúc ấy, tôi thấy bóp được cò súng cũng không phải là chuyện dễ dàng như mình vẫn tưởng.
Sau này, Quang là người thanh niên trẻ tuổi nhất ở phố tôi đã hy sinh, không phải trong lúc đánh nhau, mà vì bị mật thám Pháp bắt, khi rải truyền đơn ở sân trường Chu Văn An vào đầu năm 1948, lúc trường này còn ở phố Hàng Cót và Quang đang hoạt động bí mật ở nội thành. Chỉ vài ngày trước đó, chị tôi và tôi còn được gặp Quang ở  trên phố Quan Thánh, nơi chúng tôi ở tạm từ lúc hồi cư về Hà Nội. Buổi gặp gỡ thật là cảm động, mặc dầu chúng tôi, những người cùng phố cũ, mới chỉ xa nhau có chưa đầy một năm rưỡi. Chính Quang đã đến thăm chúng tôi, không biết ai đã cho Quang địa chỉ của chúng tôi. Quang đến một cách giản dị, tự nhiên. Trông Quang già giặn hơn ngày trước. Điều kỳ lạ là ở phố Hàng Bát đàn ngày xưa, chị tôi không bao giờ nói chuyện với một thanh niên nào ở trong phố, vậy mà hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều, thân thiết như những người vẫn từng quen thân với nhau. Bao nhiêu câu nệ, mặc cảm xưa đã biến đi đâu hết, để nhường chỗ cho một thứ cảm tình đặc biệt của những người đã từng  sống chung với nhau nhiều năm trong cùng một phố, và có lẽ đang mang trong lòng cùng một nỗi niềm nhớ tiếc.
Bữa đó, Quang rất kín đáo, và chúng tôi cũng chỉ đoán được rằng Quang đang hoạt động bí mật. Bọn mật thám ập đến trường bắt Quang đi vào một buổi sáng, lúc học trò vừa vào ngồi yên vị trong lớp học. Sau đó, không còn ai nghe thấy tin tức gì của anh nữa.
Trở lại phố tôi vào những ngày đầu tác chiến.
Ở nhà tôi, những người thợ da quê ở Dũng Kim, Hà Nam, và những người thợ mộc cùng quê với đẻ già tôi bên Bắc Ninh, ngay từ lúc tình hình làm ăn buôn bán bị ngưng trệ, đã xin về quê với gia đình, chỉ còn lại có anh thợ cả tên là Thém. Anh này người nhanh nhẹn, thông minh khác thường, chỉ phải cái là tai bị điếc nặng. anh ta cưới người chị nuôi đã nuôi tôi hồi nhỏ, nên quyến luyến gia đình nhà tôi lắm, cứ nhất định ở lại, bảo khi nào nhà tôi có rời đi đâu, anh mới chịu về quê với vợ con. Cuối cùng, riêng ở nhà tôi sau này sẽ có tất cả ba người ở lại: anh Tuấn, anh Thém thợ da, và anh xe. Anh xe này cũng gốc nông dân, ra Hà Nội kéo xe vào thời kỳ đói kém 44-45. Anh ta người tròn như củ khoai, trẻ chỉ độ 18, 19 tuổi, lúc nào cũng cười toe toét, và chiều chúng tôi lắm. Vào lúc Hà Nội còn yên, anh hay cho bọn nhỏ chúng tôi ngồi ghé xe tay đi chơi phố khi anh phải đi đâu có việc gì, và điều quan trọng hơn cả, là anh đã dạy cho chúng tôi biết bổ củi!
Anh xe đã ở lại một cách tự nhiên, như hầu hết những người trai trẻ có mặt ở phố ngày ấy, không phân biệt sang hèn. Vả chăng, anh cũng không biết đi đâu nữa. Có lẽ quê anh bây giờ cũng chỉ còn có cái đất Hà Nội này mà thôi. Cũng có thể anh đã biết nghĩ xa hơn… Sau này, khi anh Tuấn tôi rút ra ngoài cùng với một bộ phận của Trung đoàn Liên khu 1- bộ phận kia ở lại và trở thành Trung đoàn Thủ đô – đi qua một làng có trồng nhiều dừa ở gần Sơn Tây, gặp lại “anh xe” ở đây, thì anh đã xung vào bộ đội rồi , và khi hai người nhìn thấy nhau, anh vẫn chỉ biết cười toe toét.
Ngay đêm hôm 19-12, đêm đầu tiên xảy ra chiến sự, không khí trong phố tôi đã thay đổi hẳn. Nhiều sự việc khác thường bắt đầu diễn ra, thầm lặng. Một thanh niên đã đứng tuổi, ăn mặc theo kiểu thợ, tay cầm bom ba càng, được đưa đến phố tôi. Lần đầu tiên, các anh tự vệ phố tôi được nhìn thấy tận mắt bom ba càng và nhất là được tiếp xúc với một cảm tử quân bằng xương bằng thịt. Trời lúc ấy đã bắt đầu lạnh. Anh thanh niên ra đứng đợi xe tăng trong một hố chống xe tăng đã được đào sẵn ở hè đường. Anh đứng chờ như vậy trong mấy đêm liền, sau mới rút đi, khi thấy trục đường Hàng Bát đàn – Hàng Bồ không phải là hướng chủ yếu của địch ở trong thành đánh ra.
Tiếp theo việc đào công sự, đục lỗ tường, và bố trí các ụ súng, là việc thu thập, quản lý thức ăn và nước uống, vì từ lúc bắt đầu nổ súng, chỉ có dùng mà không có tiếp tế! Cũng may là ở khu phố tôi, có nhiều nhà vì đi tản cư gấp quá không kịp mang theo cái gì, nên đã để lại khá nhiều lương thực và vật dụng, kể cả tủ lạnh và những chạn dưa cà muối! Đấy là không kể phố Nhà Hoả (Hàng Điếu) vốn là một phố có những cửa hiệu bán đường, mứt, dầu lạc, v.v. và không xa đó, phố Tiên Sinh và phố Hàng Da cũng đều có những cửa hàng trước kia bán thịt và giò, chả. Riêng trên gác nhà tôi, còn nguyên bốn thạp lớn, đường kính đến hơn một mét, chứa đủ mọi thứ: gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh. Các anh tự vệ chia nhau đi một vòng, phát hiện ra: ở nhà số 9 nuôi bốn con lợn con, nhà số 19 vài chục con thỏ, trên gác nhà Nguyên Cát còn cả một kho mực khô. Khi đi vòng qua các ngách tường sang phố Nhà Hoả, thấy có một nhà có một kho chuối buồng, anh em đến điều đình đổi mực khô lấy chuối về, treo từng buồng lên, khi đứng bẻ ăn, cứ nói đùa là đứng “chào cờ”!
Phố tôi quả là có nhiều thuận lợi cho phép anh em tự vệ sinh hoạt tương đối thoải mái, ít ra trong những ngày đầu tác chiến. Lương thực thì như thế. Còn nước, thì nhà nào cũng có ít ra một bể nước. Cũng may mà nước máy vẫn chưa bị cúp. Ở nhà số 27, trước kia là nhà ông lang Vạn Thắng, còn có cả một cái giếng đào cổ. Cách đây chỉ vài tháng chủ nhà mới cho đậy tạm lại, do đó nếu hết nước máy, vẫn có thể dùng nước giếng được.
Lúc bấy giờ, mỗi bữa cơm phải tổ chức ăn chung. Những ngày đầu vui nhộn không thể tưởng tượng được. Chẳng ai thấy lo lằng gì cả. Ban ngày, có khi đương ăn, hay đương đàn hát, địch ở trong thành bắn súng cối ra, đạn rơi xuống mái ngói, mái tôn, nổ ngay trên đầu, mà vẫn tiếp tục sinh hoạt. Có đêm tổ chức liên hoan ở nhà số 19, tức nhà ông Đồng Đức (nhà anh Hợi, anh Nhượng), có cái giếng trời nhỏ, các anh thắp đèn măng-sông, thay vì  thắp đèn dầu hoả như mọi ngày thường. Ở đây, còn giữ cây đàn harmonium, tài sản của trường Phan chu Trinh gửi nhờ, thỉnh thoảng các anh lại lấy ra đàn hát vang cả phố.
Còn nhiều chuyện vui khác nữa, cũng là những chuyện thực tế hàng ngày cả, xen kẽ với chuyên đương đầu với địch, như đi kiếm chỗ để… đi ngoài, chẳng hạn. Thật vậy, từ lúc tác chiến, Hà Nội không còn phu đổ thùng nữa, nên các chất phế thải tràn ngập dần, vì thời ấy, nhất là ở những khu buôn bán cổ, toàn là hố xí thùng cả. Có một vài anh tự vệ đi thám thính thấy bên số lẻ có một nhà xí biệt lập, đóng chặt cửa và bỏ từ lâu không dùng. Các anh cũng láu cá, không lộ bí mật cho ai, cứ thế đi lén qua cửa đóng, mỗi anh cứ đinh ninh chỉ có một mình mình biết chỗ kín đó thôi. Ai ngờ có hôm chui vào, chạm trán ngay một anh khác, thế là vỡ lở. Nhưng đây cũng chỉ là một trường hợp ” tư hữu ” duy nhất. Ngoài ra, không ai nghĩ đến giấu giếm cái gì để dùng riêng, hay ăn riêng, mặc dầu anh em toàn là thanh niên đương tuổi ăn ngủ khoẻ cả.
Ngày ấy, mục tiêu của bộ tham mưu của ta là ghìm chân địch lại ở trong Hà Nội, không cho chúng tung quân ra ngoài vội, để ta có thời gian củng cố lực lượng và tổ chức trường kỳ kháng chiến. Chính phủ và bộ tổng chỉ huy ngày ấy cũng chỉ mong các lực lượng của ta ở Liên khu I giữ được hai tuần. Trên thực tế, họ đã giữ được đúng hai tháng trời, và đã rút ra chỉ vì lệnh trên là phải bảo toàn lực lượng cho sau này.
Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1947, sau hơn một tháng chiến đấu và thử thách, Trung đoàn Liên khu I được chính thức thành lập, và một tuần lễ sau một bộ phận của Trung đoàn Liên khu I sẽ được tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. 
Ngày 14 tháng 1, đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô làm lễ tuyên thệ tại rạp hát Tố Như phố Hàng Bạc. Ngày 15-1, nhân cuộc thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên để cho hơn 6000 dân thành phố công khai tản cư theo đường Hàng Đậu, lên Yên Phụ, rồi vượt qua sông Cái, 3500 thanh niên tự vệ của Liên khu I đã cải trang đi lẫn với dân chúng để vượt vòng vây của địch. Trung đoàn Thủ đô chỉ để lại có 500 người, trong đó có đội quyết tử. Trên thực tế, số người ở lại chiến đấu sau ngày 15-1-47 không phải là 500, mà là 1200 người, trong đó có cả 200 phụ nữ và hơn 100 thiếu nhi (Những con số này dựa vào các tài liệu của trung tướng Vương Thừa Vũ: Hà Nội 60 ngày khói lửa, NXB Quân đội nhân dân, 1964, và Trưởng thành trong chiến đấu, NXB Quân đội nhân dân, 1979).
Ngày 7 tháng 2 năm 1947, bọn lính trong thành mở một đợt tấn công lớn vào Liên khu I. Ở khu phố tôi, trận đánh ác liệt nhất diễn ra ở phố Hàng Thiếc. Trong trận đánh kéo dài mấy ngày liền này, chúng đã dùng súng badôka bắn phá và chiếm từng nhà một, về phía Trung đoàn Thủ đô cũng cho phun xăng đốt cháy ngay những ngôi nhà ấy, để cho địch không thể chiếm đóng được. Ngày 9-2, quân địch đã đốt phá dãy số chẵn phố Hàng Thiếc, dãy số chẵn phố Hàng Nón, và một loạt nhà bên số lẻ phố tôi, phố Hàng Bát đàn, trong đó có nhà tôi.
Nhiều năm về sau, có dịp đi qua phố Hàng Bát đàn, tôi không còn nhận ra được phố cũ nữa. Trong cái nắng như thiêu của tháng bảy mùa hè năm ấy, tôi đã cố ghi lại trong ống kính của chiếc máy ảnh những gì còn lại của những ngôi nhà quen thuộc ngày xưa. Nhưng có hình ảnh nào trung thành và nguyên vẹn bằng hình ảnh đã ghi sâu vào trí nhớ?
Tôi không thấy luyến tiếc, hay đúng hơn, tôi thấy tôi không có quyền luyến tiếc những gì đã đổi thay. Hà Nội đã thay da đổi thịt biết bao nhiêu lần. Biết bao nhiêu hy sinh, gian khổ, mới tạo nên được một cuộc đời mới. Tôi cho rằng tình cảm của con người ta đối với làng, với phố, không dễ gì mất mát, nhất là khi còn lại những kỷ niệm.
Cuộc chiến đấu của thanh niên tự vệ và của Trung đoàn Thủ đô ngày ấy, tiếp theo với tiếng súng Nam bộ kháng chiến, đã mở màn đầu cho cuộc Trường kỳ kháng chiến toàn quốc, tạo mầm mống cho những đổi thay sâu sắc sau này.
Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh của người thanh niên, ăn mặc quần áo thợ, tay vác bom ba càng, đứng chờ xe tăng địch dưới trời lạnh trong suốt ba đêm liền!
Cũng như tôi không thể nào quên được hình ảnh của “anh xe” nhà tôi, với nụ cười chất phác, lạc quan, trên con đường từ thủ đô khói lửa đi vào kháng chiến. “Anh xe”, mà từ đây sẽ không còn gọi con ông chủ của mình bằng “cậu” nữa, mà bằng “anh”, bằng “đồng chí”!
Và rồi quên làm sao được, những hình ảnh lãng mạn, đáng yêu, của cả một thời kỳ cách mạng sôi nổi của những người anh cùng phố, những chàng ” lính cậu ” bỗng chốc trở nên những con người đanh thép của Trung đoàn thủ đô và của đại đoàn 308!


Văn Ngọc (Paris)

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)