Mệnh lệnh trái tim

Hẳn chúng ta ai cũng hết sức xúc động trước hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng che kín một mảng lớn khán đài sân Municipality trong trận bán kết Việt Nam-Myanmar, những niềm vui bùng nổ cùng những giọt nước mắt thất vọng trên gương mặt đau đớn của cổ động viên Việt Nam lặn lội từ nhà sang nước bạn để cổ vũ cho đội bóng nhà. Có thể nói những hình ảnh đó thật sự nói lên cường độ mãnh liệt và ý nghĩa trong suốt của mệnh lệnh trái tim, những mệnh lệnh được ban ra từ trái tim của mỗi người yêu nước.

Ở đây, không cần phải trang trọng diễn đạt hay định nghĩa về nội dung của tình yêu nước đó, vì “…tình yêu nước ban đầu là tình yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu dãy phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu…”. Dẫn ra câu trên từ một tác phẩm văn học Xô Viết, để muốn nói rằng, lòng yêu nước không hề là một sản phẩm riêng của Việt Nam. Dân tộc nào cũng cổ vũ cho một tinh thần yêu nước vì lợi ích của dân tộc mình. Tuy nhiên, do đặc điểm hình thành mà mỗi dân tộc lại có những nét đặc thù mà có khi dân tộc khác lại không hoàn toàn giống như thế.
Chẳng hạn như Tôn Trung Sơn, đã từng phê phán để chấn hưng dân khí Trung Hoa: “Ở nước ta gia tộc và tông tộc được đồng bào sùng bái nhất, cho nên có thể nói nước ta chỉ có chủ nghĩa gia tộc, chủ nghĩa tông tộc nhưng thiếu hẳn chủ nghĩa dân tộc”1. Còn ở Việt Nam thì, khi đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp , là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh với sự am hiểu sâu sắc về truyền thống lịch sử Việt Nam và nền văn hóa của nước mình, sau khi đã bôn ba khắp năm Châu bốn biển, đã khẳng định răng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Vì thế Hồ Chí Minh đòi hỏi “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản… Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”2[cần hiểu thuật ngữ “chủ nghĩa” dùng ở đây là “tinh thần” dân tộc]. Chính vì thế, trong những cái tạo thành sức mạnh Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là lòng yêu nước “…mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần yêu nước ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”3.
Cái gì “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” đó? Chính là những mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người Việt Nam có ý thức về dân tộc, về tổ quốc, về chủ quyền đất nước. Mệnh lệnh đó có được là do sự hun đúc, nung nấu tự bao đời dựng nước và giữ nước, trở thành một truyền thống Việt Nam. Đó là ngọn lửa, là chất lửa được diễn đạt thất thâm trầm và cô đọng trong bài kệ “Nguyên hỏa” [Gốc Lửa] của đại sư Khuông Việt cách đây mười thế kỷ:
                     Mộc trung nguyên hữu hỏa        Trong cây vốn có lửa
                     Nguyên hỏa phục hoàn sanh       Sẵn lửa, lửa mới sinh ra
                     Nhược vị mộc vô hỏa                  Nếu cây không có lửa
                    Toàn toại hà do manh                   Khi cọ xát sao lại thành? 4

Chính ngọn lửa ấy, chính chất lửa ấy, tạo thành sức mạnh Việt Nam. Ông cha ta đã biết nuôi dưỡng ngọn lửa đó một nghìn năm Bắc thuộc không thể dập tắt được ngọn lửa ấy. Một trăm năm thực dân đô hộ không dập tắt được ngọn lửa ấy. Đế quốc Nguyên-Mông thế kỷ XIII với sức mạnh của một đế chế từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải chưa từng có trong lịch sử đã bị ngọn lửa ấy ba lần thiêu cháy mộng bành trướng về phương Nam, nhòm ngó vùng Đông Nam Á, thâu tóm lấy vùng lãnh thổ mà “đất ở đấy là đất vàng đất bạc” như  nhà văn và nhà khoa học cổ La Mã Plinius (23-79 sau CN) miêu tả. Chính nhờ ngọn lửa ấy đã làm bừng sáng tài thao lược của vua quan và quân dân thời Trần. Điều cần lưu ý là buổi ấy, Việt Nam đơn thương độc mã chém đầu Toa Đô, bắt sống Ô Mã Nhi, khiến chủ soái thái tử Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy về quý quốc. Làm nên chiến thắng lẫy lừng đó, đương nhiên phải có “khí phách Đông A” của các Vua Trần, tài thao lược của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh. Nhưng xét đến cùng, đấy cũng là ý chí của quân dân thời Trần, hai chữ “Sát Thát” khắc trên cánh tay chính là mệnh lệnh của trái tim yêu nước của mỗi một người tự nguyện đứng lên đánh giặc giữ nước. Và  cũng cần phải nhắc lại lời dụ của Vua Lê Thánh Tông với “ bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy”, “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tất đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”4.
Hơn lúc nào hết phải gợi lại những bài học lịch sử để chúng ta hiểu thật kỹ rằng, trong cái vị thế địa-chính trị hiện nay của đất nước, thường xuyên chăm lo giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia phải là mối bận tâm thường trực của tất cả chúng ta. Là mệnh lệnh từ trái tim của những người yêu nước.
———–
1.”Tam dân chủ nghĩa”, tr.2
2.và 3  HCM toàn tập. Tập 1.tr. 464.465,466. tập 6, tr. 171
4 . “Đại Việt Sử ký Toàn thư” NXBKHXH, Tập II,  tr.51 và tr. 462


Tương Lai

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)