‘Món nợ’ với giáo sư Trần Đức Thảo

Gần nửa thế kỷ từ khi có chủ trương "quét sạch những nọc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết học", ngày 7/5, lớp hậu sinh ngồi lại nơi ngày xưa ông làm Phó Giám đốc, nhắc tới những “món nợ” mà ngày hôm nay cần trả.

Một con người đặc biệt

GS Trần Đức Thảo thuộc “thế hệ vàng một đi không trở lại” trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20:  học hành bài bản ở nước ngoài và trở về tham gia cách mạng.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng những sự kiện tinh thần và chính trị đặc biệt: từ cuộc tranh luận với nhà văn nổi tiếng Jean Paul Sartre 1949 đến việc trở về Việt Nam tham gia cách mạng 1951/1952, từ sự hiện diện trong vụ ánNhân Văn-Giai Phẩm 1956 đến việc trở lại và qua đời trong âm thầm tại Pháp 1993, và cuối cùng là việc tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” đợt II, năm 2000.

Trong tham luận của mình,GS văn học Nguyễn Đình Chú đã phác họa “con người – sự nghiệp” của Trần Đức Thảo với 5 khía cạnh cơ bản: Là người con ưu tú của Kinh Bắc – Bắc Ninh, cái nôi của người Việt, văn hóa Việt; là một trí thức trọn đời yêu nước với nhiều biểu hiện;là một lưu học sinh đã làm vẻ vang cho tổ quốc trên đất Pháp với tấm bằng thủ khoa thạc sĩ triết học đến nay chưa có người thứ hai; là triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, tác phẩm nổi trội, có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật biện chứng nhân bản” và người khai sinh bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học cho giáo dục Việt Nam.

GS Phạm Thành Hưng (cùng biên soạn 2 công trình nổi tiếng trong số di sản đồ sộ của GS Thảo), nhìn nhận: Ông là hiện tượng tiêu biểu của người trí thức Việt Nam thế kỷ 20, người vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của thời đại; đồng thời cũng là người góp phần tạo ra thời đại. Ông không thể thành thiên tài mà chỉ là môt “thần đồng triết học”, vì đã chấp nhận làm một trí thức hiến thân cho cách mạng.

Các tác phẩm của Trần Đức Thảo được nghiên cứu nhiều ở nước ngoài. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông đã được nhắc tới ở Việt Nam như: Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không con người,v.v…

Trước đó, Trường CĐ Sư phạm phố Ulm – Pháp (nơi GS Thảo tốt nghiệp thủ khoa lúc 26 tuổi) cũng đã dành hẳn 2 ngày tổ chức hội thảo về Trần Đức Thảo và dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vào năm 2013. GS Trần Văn Đoàn (ĐH Đài Loan, ủy viên liên đoàn triết học thế giới) nói, Trần Đức Thảo là “nhà triết học có một vị trí đặc biệt” khi phản ánh về vị trí của ông trong giới triết học quốc tế.

Sửa sai lối làm khoa học “mờ, nhòe”

Được nhìn nhận là danh giá nhất trong “những ôm trùm văn hóa sáng danh của đất nước”, nhưng số phận của Trần Đức Thảo nghiệt ngã chẳng ai bằng. Ông đã gặp bi kịch suốt cuộc đời làm triết học trong hoàn cảnh phi triết học, hoàn cảnh mà người ta chỉ cần minh họa và phổ biến những luận điểm triết học có sẵn, không cần sự nghiên cứu, khám phá.

Sau khi qua đời, giá trị của GS Trần Đức Thảo được Nhà nước nhìn nhận lại với những truy tặng: Huân chương Độc lập, giải thưởng Hồ Chí Minh. Một phần nhỏ trong số di sản đồ sộ của ông đã được tập hợp, dịch sang tiếng Việt và xuất bản. Tiến sĩ Cù Huy Chữ đã bỏ công lưu trữ di sản bề thế của ông với gần 200 tác phẩm bằng tiếng Việt, Pháp và Đức với khoảng 15 ngàn trang, mà chỉ riêng danh mục để liệt kê về  “di sản Trần Đức Thảo” đã dày hơn 500 trang.

Cho rằng “một đất nước hùng cường, sánh với với năm châu không thể không có triết học”, GS Nguyễn Đình Chú đặt vấn đề: cần nghiên cứu, khám phá toàn diện và thấu đáo giá trị tư tưởng triết học Trần Đức Thảo, để từ đó thúc đẩy triết học Việt Nam.

Tuy nhiên, vị giáo sư cao tuổi cũng nhận thấy “điều này không dễ” bởi đòi hỏi người làm phải  có trình độ tiếng Pháp, đặc biệt là tiếng Đức thật giỏi; có trình độ hiểu biết nhất định về triết học thế giới; có hiểu biết về khoa học tự nhiên như vật lý học hiện đại, sinh vật học, khoa học nhân văn (nhân chủng học, sử học, tâm lý học, ngôn ngữ học, logic học) và quan trọng nhất là năng lực tư duy trừu tượng khoa học, trong khi thế mạnh của người Việt lại là tự duy cụ thể.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, GS Hoàng Chí Bảo phân tích, lâu nay việc nghiên cứu triết học ở Việt Nam bị mờ, nhòe vì lẫn với lý luận chính trị. Vị ủy viên Hội đồng lý luận trung ương này đề xuất cần sửa sai; trả lại cho triết học vị trí độc lập, tách hẳn nghiên cứu triết học độc lập với lý luận chính trị, nếu không thì nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục lạc hậu.

Bài học “siêu sư phạm”

Tiếp thu những bài học từ di sản đồ sộ của GS Trần Đức Thảo là điều không dễ với đa số người Việt Nam. Tuy nhiên những học trò, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã thụ giáo được ít nhiều tinh thần cao đẹp từ nhà khoa học chân chính này.

Một số học trò khóa 1 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn còn nhớ tới hình ảnh người thầy  đến lớp không một mẩu giáo án, không ngồi ở ghế mà ngồi lên bàn, không hề nhìn sinh viên, chỉ ngước lên trần giảng đường, nói thì lúng túng, thỉnh thoảng tự mỉm cười.  Giờ giảng cho sinh viên sư phạm nhưng sinh viên y dược học chung sân cũng sang nghe, đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông từ phòng chính đến chuồng gà chật ních người nghe và tĩnh lặng.

Theo GS Nguyễn Đình Chú, người thầy tưởng như “phản sư phạm” ấy chính là một bậc “siêu sư phạm” vì đã gieo vào lòng ông mộtám ảnh suốt đờivề phải đeo đẳng và phấn đấu thèm khát suy nghĩ, thèm khát một năng lực tư duy trừu tượng khoa học.

Còn PGS Phạm Thành Hưng đúc kết, việc nghiên cứu và xuất bản di sản triết học của Trần Đức Thảo để lại hai bài học. Bài học về phương pháp tư duy và bài học “không kém phần quan trọng, đồng thời dễ có nhất”, là bài học về nhân cách của người trí thức, cũng là bài học làm người.

GS Hưng cũng đem tới hội thảo một câu chuyện ông quan sát bấy nay.

Do điều kiện sống thiếu thông tin trầm trọng, phải đợi đến khi xuất bản sách Trần Đức Thảo, PGS Hưng mới có trong tay trọn vẹn văn bản “Nội dung xã hội truyện Kiều” mà GS Thảo viết cho Tập san ĐH Sư phạm. Bài phê bình văn học sử này khiến ông có cảm giác như đã đọc ở đâu rồi, những ý kiến này có vẻ trùng lặp với một số quan niệm, luận điểm trong các chuyên luận hay giáo trình đại học nào đó. Đọc lại nhiều lần, đưa ra so sánh, PGS Hưng mới biết các tác giả chuyên luận và một số nhà phê bình đàn em đã thực sự kế thừa các luận điểm của Trần Đức Thảo mà không hề chú thích nguồn, xuất xứ.

“Tôi nghĩ, chắc các tác giả đó cũng không có điều kiện, hoặc không có đủ dũng khí đến gặp mà “có nhời” với cụ. Giai phẩm Tập san… chắc chắn thuộc số tư liệu kín, độc giả phổ thông rất khó có điều kiện tiếp xúc. Hơn nữa, việc chú thích một nhân vật hàng đầu của phong trào Nhân văn – Giai phẩm sẽ để những hệ lụy khó lường” – PGS Hưng phỏng đoán.

Nghỉ mà chưa an

Sau khi nghỉ ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cuộc đời GS Thảo là chuỗi cô đơn, với những câu chuyện rớt nước mắt về một lối sống không thể giản tiện hơn (bỏ gạo lẫn nước mắm nấu cơm, bán dần đồ đạc, sách vở để sống, đi trên vỉa hè thường lẩm bẩm một mình…).

Trong những năm cuối đời, GS thiết tha một điều là sau khi mất, sẽ được về an giấc ngàn thu nơi quê cha đất tổ ở làng Song Tháp.

GS Nguyễn Đình Chú không giấu nổi nước mắt khi nhắc nhớ: “Triết gia không vợ con, lại xa quê họ tổ, chỉ có một người cháu ruột đã cao tuổi và sống trong Nam. Hài cốt của ông được nhà nước lệnh cho sứ quán đưa từ nghĩa tang Pere Lachaise về Văn Điển, nhưng ông nghỉ mà chưa an. Mong quê nhà đón ông về yên nghỉ”.

GS Trần Đức Thảo sinh tại làng Song Tháp, Châu Khê, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, năm 1917.

Năm 1936, ông được nhận học bổng sang Paris, Pháp để thi vào trường Đại học Sư phạm Paris. Ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942).
Thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn.

Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau 1954 về Hà Nội, ông kết hôn, đến năm 1967 thì ly hôn.

Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ.

    Hạ Anh

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)