Một góc nhìn về vốn xã hội trong nghiên cứu Biển Đông
Vốn xã hội (VXH) Việt Nam bao hàm lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lưu ý giúp đỡ nhau, vượt khó, hiếu học, tình người và cả những thói quen không hẳn là tốt... trong đó nguồn vốn xã hội về nhận thức, cảm nhận chia sẻ và cả sự thôi thúc để hành động cụ thể vì vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa (BĐHSTS) là một thành phần của tổng vốn.
1- Vốn xã hội
Việc quan tâm, nghiên cứu và góp sức cho giải quyết những vấn đề của BĐHSTS ở Việt Nam và thế giới đang diễn ra liên tục. Có lẽ chưa bao giờ các cuộc hội thảo, cuộc vận động ngoại giao, việc bàn luận từ nhà ra phố, từ phòng hội nghị đến trường học vì BĐHSTS hoặc về BĐHSTS lại nhiều như những năm gần đây.
2- Các nhóm nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề Biển Đông
Nguồn vốn xã hội BĐHSTS của Việt Nam bao gồm các mối quan tâm của nhiều giới Việt Nam và ngoại quốc trong và ngoài nước đến Biển Đông, nhằm hành động vì công lý và hòa bình, và trui rèn ý chí thực thi công lý cho Biển Đông. Trước sức tấn công nhiều mặt và lấn tới liên tục của Trung Quốc, nguồn vốn này lộ rõ dần dưới nhiều chiều kích, ở nhiều giới khác nhau. Nguồn vốn quan trọng này bao gồm tình dân tộc nghĩa đồng bào, tình nhân loại trong sự tôn trọng pháp luật quốc gia và quốc tế và những yếu tố khác nữa. Nguồn vốn này vẫn có mặt thường xuyên trên các diễn đàn, trong các bài viết, khi tiềm ẩn lúc trào dâng, khi ở các thành phố và những vạn chài Việt Nam, lúc ở các thủ đô ASEAN và các nước khác, có những lúc bị ngăn cản nhưng không gì có thể kiềm hãm nguồn vốn này lan tỏa, dù lúc yếu lúc mạnh.
a- Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, chính khách tại các viện, trường,
cơ quan, đơn vị ngoại giao và tham chính trong nước hiện đang tư vấn cho giới công quyền là bộ phận quan trọng bậc nhất trong việc mưu tìm gói giải pháp về BĐHSTS cho VN. Trong vị trí có được cơ hội học tập, trao đổi và tiếp xúc các giới rộng rãi hơn tất cả mọi bên khác, kiến thức của giới này nếu có sự giao thoa đúng mức với mối ưu tư của người Việt nói chung về vấn đề này, thì sẽ là một dòng vốn xã hội mạnh mẽ đóng góp vào quá trình gìn giữ BĐHSTS cho Việt Nam.
b- Những nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài cũng có nhữngđiều kiện khác như cách nhìn cộng với điều kiện viết khách quan hơn, khả năng tiếp cận các giới chức, giới làm chính sách, ngoại giao, kể cả ngoại giao công chúng không thua chuyên gia trong nước. Những người nghiên cứu này cũng có khả năng tiếp cận giới nghiên cứu nước ngoài về BĐHSTS và là cầu nối cho các chuyên gia trong nước ra ngoài về vấn đề BĐHSTS.
c- Ngoài ra, những nhà nghiên cứu nghiệp dư hiện đang làm việc trong và ngoài nước cũng có thể đóng góp những ý kiến, ý tưởng cho các quyết sách về BĐHSTS đối với nhà nước và góp phần vào hiểu biết chung của xã hội về vấn đề không dễ tiếp cận thấu đáo này.
Những nhà nghiên cứu nghiệp dư thường làm việc đơn lẻ, ít đồng nghiệp và khả năng thu thập tư liệu là có hạn, cộng với sự tổ chức có thể không cao. Ngoài ra khả năng tiếp cận các hội thảo trao đổi học thuật trong và ngoài nước không nhiều do tính chất công việc và nghề nghiệp. Chưa nói đến nguồn động viên tinh thần còn hạn chế.
d- Sức mạnh tổng hợp bao gồm vốn xã hội của sự hiểu biết và cảm nhận về BĐHSTS không thể thiếu các giới trong quân ngũ, các lực lượng đang trực tiếp và gián tiếp bảo vệ các loại biên giới và hải đảo của đất nước. Sĩ khí của những lực lượng này và những kết nối tinh thần của họ với các chủ vốn khác ở giai đoạn đặc biệt này của đất nước chắc chắn tác động đến nhiều giới trong và ngoài nước.
e- Như các thành tố của chính sách đối ngoại do các tác giả của chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển đã nêu 1, quảng đại quần chúng nhân dân (thường dân) sẽ là người có ý kiến trực tiếp hợp pháp, hợp hiến và hợp đạo lý thông qua quyết định mua sắm, kinh doanh, đầu tư, nạp thuế, kiến nghị… Những quyết định của thường dân là đa chiều lên mọi mặt đời sống xã hội và cần được trân trọng lắng nghe. Thường dân với tinh thần yêu nước, chịu thương chịu khó, lam lũ và có ít điều kiện tiếp cận thông tin ở tầng nghiên cứu cũng vừa là đối tượng vừa là nguồn lực của mối quan tâm về BĐHSTS. Những ngư dân bám biển chân chất và có xác tín (yếu tố căn bản của vốn xã hội) về biển đảo, biên giới, lãnh thổ do họ kế thừa vùng đánh cá từ các thế hệ trước cùng các giá trị tinh thần, tâm linh ngàn xưa truyền lại. Những nhân chứng khắc khổ, chân thật tại các vùng biển như Lý Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức… là những người làm nghề cá bình thường nhưng họ cũng là những chuyên gia về luồng lạch, hướng gió. Đó là một dạng sức mạnh mềm, vốn xã hội đáng quý. Ngoài ngư dân, những người lao động bình thường ở mọi nơi luôn đóng góp nhiều trong lúc đất nước nguy biến, thụ hưởng chưa xứng đáng khi qua cơn chiến tranh, song họ luôn là chủ vốn xã hội lớn nhất vì chính họ là nguồn của những chủ vốn xã hội ở mai sau, mọi giới.
Thường dân là thành tố thụ hưởng kiến thức về BĐHSTS và quan trọng hơn hết, họ chính là thành phần thúc đẩy các kiến thức về vấn đề quan trọng liên quan tồn vong của đất nước bao gồm cả vấn đề BĐHSTS, từ đó tác động đến ý thức và ý chí của các giới khác trong vấn đề này.
f- Ngoài ra, kiến thức, hiểu biết và sự cảm nhận nhiều chiều (mang đặc tính vốn xã hội) đối với nghiên cứu và truyền thông tôn trọng sự thật lịch sử của các bên liên quan BĐHSTS như của Trung Quốc, Philippines, Nhật bản, Đài Loan, Ấn Độ và các nước khác cũng chính là vốn xã hội VN liên quan BĐHSTS. Những hiểu biết này cần thiết không chỉ trên mặt trận ngoại giao hay quân sự mà thôi mà đó chính là những bổ sung cho vốn xã hội VN.
g- Nói đến vốn liếng tức nói đến thị trường, nguồn vốn xã hội còn manh mún của giới nghiên cứu và quan tâm đến BĐHSTS sẽ có đất dụng võ tại đâu? Vốn liếng sinh ra sản phẩm và phải phục vụ cộng đồng. Vốn tốt, người tạo sản phẩm tốt thì xã hội được hưởng và ngược lại. Theo chúng tôi, nơi cần đến nguồn vốn xã hội của giới nghiên cứu và các giới khác phần lớn là nằm trong các mối quan hệ giữa các nhóm này với nhau. Quan hệ đó đậm hay nhạt, kết chặt hay lỏng lẻo sẽ có ý nghĩa vốn ấy ít hay nhiều. Khi vốn xã hội được sử dụng, tự thân vốn ấy sẽ gia tăng. Sẽ có một sự gạn lọc các kiến thức và cảm nhận thông qua bộ lọc kiểm chứng, minh bạch hóa và tinh lọc bởi thời gian. Những yếu tố lịch sử chân thật, luật quốc tế khoa học và tinh thần vì con người sẽ còn đó sau khi gạt bỏ các yếu tố giả tạo, gán ghép hoặc im lặng do thờ ơ hay e ngại. Thái độ tích cực dần của thường dân các vùng biển như Lý Sơn khi trao cho nhà nước các châu bản, sắc phong… nằm trong các yếu tố này.
3- Sự kết nối của vốn xã hội Biển Đông
a- Trong điều kiện hiện tại 2013, khi các luồng và phương tiện thông tin ngày càng mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các bên liên kết cùng làm việc, việc tăng giảm vốn xã hội nằm ở sự liên kết,sự hiện thực hóa vốn thành nguồn lực của các bên nêu trên. Vốn xã hội VN như tinh thần chị ngã em nâng, lao động cần cù, đấu tranh bất khuất – thừa hưởng từ cha ông- có cộng thêm vào vốn xã hội (ý thức, kiến thức, ý chí và cảm thức VN về BĐHSTS ) hay không sẽ tùy thuộc vào độ liên kết, sự tin cẩn 2 và sự hợp tác để có sản phẩm cụ thể của các bên sở hữu vốn này.
b- Giới chức có trách nhiệm phải tìm kiếm các nguồn khảo cứu về BĐHSTS từ nhiều nơi để tập hợp, giải mã, minh bạch, phổ biến và kêu gọi sự quan tâm (vốn xã hội) và ra sức nghiên cứu thành tác phẩm cụ thể (nguồn lực xã hội). Để vốn thành sản phẩm và quay vòng trở lại và lớn vốn hơn hay cụt vốn, nằm trong trách nhiệm của tất cả những người đang quan tâm đến BĐHSTS.
c- Những thông tin thiếu chính xác có thể sẽ làm giảm nhuệ khí của tất cả những người con Việt Nam, từ những quân đội đang nắm võ khí ở tuyến đầu tổ quốc đến những học giả lặng lẽ đang ngày đêm làm việc để gia tăng vốn xã hội đặc biệt này. Và như vậy chẳng phải là làm cho hao hụt vốn sao?
4- Kết luận
Quan trọng nhất trong vốn xã hội BĐHSTS là niềm tin vào chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề BĐHSTS, niềm xác tín bất diệt vào thành quả xây dựng và bảo vệ bờ cõi đất nước. Niềm tin, tình nghĩa mà cả nước dành cho ngư dân, cho những anh hùng đã hy sinh vì Hoàng Sa, Trường Sa và tự hào dân tộc can đảm nhiều ngàn năm chống giặc. Đó là vốn xã hội quý báu nhất của Việt Nam hôm nay.
Việc liên kết các bên sở hữu vốn xã hội BĐHSTS là rất cần thiết để chia sẻ kiến thức, thông tin và cảm xúc- của các bên với nhau để kế thừa tinh thần chung và phát huy sáng kiến mới, và hành động cụ thể để có tác phẩm, bài nghiên cứu và nhiều dạng kết quả khác.. Dù rằng có thể thấy tính chất thiên về cảm hơn tri, uy tín hơn khế ước của loại hình sức mạnh-vốn xã hội này, việc tạo ra một thể chế để thúc đẩy gia tăng vốn là cần làm.
Những nhóm, thực thể có hiểu biết về BĐHSTS sẽ là bên làm gia tăng vốn đặc biệt này. Liên kết, trao đổi và hành động có ý thức để vốn đó sinh sôi nảy nở. Nói rộng hơn về tổng vốn xã hội mà vốn xã hội về BĐHSTS là một thành phần, cộng đồng cần bản lĩnh để vượt qua định kiến khoan dung, và bản lĩnh chia sẻ niềm vui của thành công của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chia sẻ những thành tựu của người trong nước.
Vì vốn xã hội BĐHSTS là một nguồn vốn tinh thần, vô hình, phi vật thể, nên luôn cần những nguồn lực xã hội để giúp sức hành động, trong đó có việc mang đến cho loại vốn này một khung pháp lý như tinh thần yêu nước luôn cần những góp sức hiện thực để có thể cụ thể hóa việc giải quyết vấn đề của đất nước, của cộng đồng.
Tham khảo
– Trần Hữu Dũng, Tạp Chí Thời Đại Mới, http://www.tapchithoidai.org/TD8_THDung.pdf
– Tạp Chí Tia Sáng, www.tiasang.com.vn
– Trần Kiêm Đoàn, trang web Trần Kiêm Đoàn, http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/vonxahoi.html
– Huỳnh Phan, Các bài phỏng vấn trên Vietnamnet,
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/97678/nghien-cuu-bien-dong-khong-nhu-mong-doi–tai-ai-.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/97187/nghien-cuu-bien-dong—dong-cua-doc-cho-nhau-nghe-.html
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-08-16-thieu-nhac-truong-trong-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong
——–
[1] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=6038&CategoryID=42
[2] Fukuyama: “Chất lượng đời sống, cũng như khả năng cạnh tranh của một quốc gia, tuỳ thuộc vào một đặc tính văn hóa độc đáo lan tỏa trong quốc gia ấy, đó là mức độ tin cẩn trong xã hội”http://www.viet-studies.info/THDung_VonXaHoi_PhatTrienKinhTe.htm