Một lớp trí thức mới của Tây Nguyên, hoàn toàn là hiện thực
Đối với Tây Nguyên, lâu nay tuy không được công khai nói ra nhiều, nhưng dường như vẫn âm ỉ một câu hỏi không dễ trả lời: Phải giữ cho được bản sắc độc đáo của các dân tộc trên vùng đất đặc biệt về nhiều phương diện này, nhưng Tây Nguyên, ngay hôm nay và sắp đến, chắc chắn không thể đứng ngoài sự phát triển chung của đất nước, thậm chí của thế giới, tất phải hiện đại hóa, Tây Nguyên sẽ có còn là mình trong hiện đại hóa không? Hoặc nói một cách thẳng thắn và rõ ràng hơn: con người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên có đủ khả năng trụ vững và phát triển trong hiện đại hóa tất yếu không?
Quả thật câu hỏi không dễ. Hình như trên khắp thế giới và xưa nay, bảo tồn và phát triển bao giờ cũng là câu hỏi khó, thậm chí cực khó, và không phải bao giờ cũng được giải quyết thành công. Riêng tôi, tôi muốn thử đặt vấn đề đó theo một cách như thế này: trong con người Tây Nguyên, trong văn hóa Tây Nguyên có những tiềm năng gì cho một sự “đương đầu” với thách thức, mà là thách thức rất gay gắt và chắc chắn không thể tránh của phát triển đang và sẽ đến. Và gắn bó lâu với Tây Nguyên, tôi tin ở một tiềm năng như vậy, trong chiều sâu của con người ở đây, trong nền văn hóa thăm thẳm của các dân tộc Tây Nguyên mà chúng ta hẳn còn chưa thật sự hiểu được bao nhiêu.
Gần đây, tôi tìm được một ví dụ. Chẳng là, do sáng kiến của một người cũng từng gắn bó và yêu mến sâu sắc Tây Nguyên, mới đây Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam có tổ chức một lớp thạc sĩ cho 12 nghiên cứu sinh, toàn là người bản địa Tây Nguyên. Kết quả thật tuyệt vời, cả 12 người đều tốt nghiệp xuất sắc. Tôi đã tận mắt đọc đuợc cả 12 bản luận văn ấy. Không thể nói gì hơn nữa: vui mừng, ngạc nhiên, thậm chí có khi đến kinh ngạc, và cảm phục. Thử xin nói đến một trong những luận văn đó, của chị Phạm Thị Trung, người Xteng, tức một nhánh nhỏ chỉ gồm đâu có vài trăm người của dân tộc Xơ-đăng. Đề tài: “Linh hồn người và các nghi lễ liên quan đến linh hồn ở người Xteng làng Tu-mơ-rông, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum”. Tôi chưa bao giờ đọc được một luận văn thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn của bất cứ một nghiên cứu sinh người Kinh nào hay đến thế, sâu sắc, tinh tế, và cả uyên bác đến thế. Để chuẩn bị cho các luận văn của mình, các nghiên cứu sinh Tây Nguyên đã nghiên cứu các tác phẩm của những nhà nhân loại học, dân tộc học hàng đầu thế giới và những tác giả kinh điển nhất từng viết về Tây Nguyên, những Claude Lévy Strauss, E. Durkheim, A. van Gennep, Taylor, G. Condominas, P. Guilleminet, J. Dournes… Và họ hoàn toàn làm chủ được các tri thức cao nhất của nhân loại trong lĩnh vực này. Còn hơn thế nữa, họ đem các tri thức đó soi sáng một cách hết sức chủ động, vững chắc, sáng tại vào thực tiễn văn hóa và đời sống của dân tộc mình, phát hiện ra ở đấy những giá trị kỳ lạ, thâm thúy đến nhiều lúc khiến người đọc sững sờ. Hãy nghe chẳng hạn Phạm Thị Trung nói về một nghi lễ mở đầu vòng đời ở người Xteng. Chị viết: “Cũng nh¬ư quan niệm của nhiều cư¬ dân khác, ng¬ười Xteng cho rằng con ng¬ười khởi đầu vốn vô tính. (Thần) Jă Ka Đo đã nặn ra chúng ta từ bùn đất. Khi chuyên tâm vào công việc, bà nhào nặn ra những cá thể hoàn hảo. Khi lơ đãng thì là những hình nhân xấu xí. Về sau công việc “nhân bản” cái thể xác đư¬ợc giao lại cho con ng¬ười, còn bà, chỉ làm công việc là nhào nặn từ đất một quả tim và đặt nó vào đứa trẻ”. Đối với người Xteng, cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, đứa trẻ sinh ra còn “vô tính”, chưa phải là người. Nó chưa có linh hồn, người ta phải trao cho nó một linh hồn bằng cách thổi hồn vào lỗ tai đứa bé. Bao giờ cũng là bà mụ, và bà thổi hồn vào lỗ tai đứa trẻ qua một cuộn chỉ lấy ở chiếc xa quay, vừa thổi vừa khấn. Lời khấn không chỉ là lời cầu xin Thần linh mà, thật lạ lùng và tuyệt diệu, lại là lời ràng buộc điều kiện cơ bản đứa bé phải chấp nhận nếu có muốn thành người. Điều kiện đó là: nó chỉ được “bắt đầu số phận làm người với lời hứa chấp nhận một trong những hình thức của cái chết”. Bạn có nghe ở đâu khác trên khắp thế giới này, điều kiện làm người đối với một con người, ngay từ buổi khởi đầu bước vào đời, được đặt ra kỳ lạ, quyết liệt, sâu thẳm đến vậy chưa? Mà nghĩ lại xem: trong tất cả các loài vật trên thế gian này, chỉ có con người là con vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết. Sống, đối với con người, có nghĩa là sẽ chết, theo “một hình thức nào đó”. Ý nghĩa toàn bộ cuộc sống của con người, với tư cách là người, sinh vật cao cấp nhất trên thế gian này, lại nằm trong cái điều kiện kỳ lạ và kỳ diệu ấy. Giá trị toàn bộ cuộc sống của con người hóa ra cũng lại là chính ở đó…
Vậy đấy, người Xteng, một dân tộc chỉ vỏn vẹn đâu có 200 người, sống trên lưng chừng một ngọn núi cao nhất và bí ẩn nhất của Tây Nguyên: núi Ngok Linh. Đọc Phạm Thị Trung rồi, bạn có còn nghĩ là có những dân tộc “lớn” và những dân tộc “nhỏ” không? Và thế nào là “văn hóa”, là “văn minh”?…
Nhân đây tôi muốn kể cùng các bạn một câu chuyện nhỏ này nữa: vào khoảng cuối những năm 1940 thế kỷ trước, có một vị linh mục người Pháp đã đến Tây Nguyên, tất nhiên là linh mục thì đến là để truyền đạo. Ông sống ở Tây Nguyên suốt 30 năm, thâm nhập sâu sắc vào đời sống của các dân tộc ở đây, thông thạo hàng chục thứ tiếng Tây Nguyên…, và cuối cùng ông đã bỏ đạo, cái đạo cao siêu mà ông đã định mang đến khai hóa cho những người “bán khai”, ông bỏ đạo, “quy y” theo văn hóa Tây Nguyên! Ông tên là Jacques Dournes, là một trong những tác giả lớn nhất, viết nhiều nhất và hay nhất về Tây Nguyên.
Vâng, Tây Nguyên là như vậy đấy. Tiềm năng văn hóa và tinh thần của nó là vĩ đại và vô tận. Lớp thạc sĩ Tây Nguyên đầu tiên vừa kể trên là một bằng chứng quá hùng hồn. Hoàn toàn có thể đào tạo nên cả một tầng lớp trí thức mới của Tây Nguyên, trao cho họ những tri thức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực cả tự nhiên lẫn xã hội, mà họ chắc chắn sẽ làm chủ được một cách vững vàng. Vững vàng và uyên thâm hơn rất, rất nhiều những người đang định đến đấy để làm thay họ, với những ý định có thể là tốt lành đấy nhưng vẫn tiềm ẩn một thứ tâm lý dân tộc lớn mà chính mình có khi không nhận ra. Chính lớp trí thức mới của Tây Nguyên sẽ trả lời câu hỏi Tây Nguyên sẽ hiện đại hóa như thế nào trên đất nước và trong thế giới hôm nay, để chẳng hề thua ai trong cuộc đua chen ngày nay đồng thời vẫn rực rỡ là mình, vô cùng độc đáo, vô cùng hiền minh. Cũng rất có thể, còn hơn thế nữa, bằng nền minh triết sâu xa tiềm tàng trong vốn văn hóa vô tận của mình, cũng chính họ sẽ góp phần trả lời những câu hỏi nóng bỏng về phát triển bền vững, nghĩa là phát triển một cách có văn hóa, có hạnh phúc, có sự bình tâm thanh thản trong thế giới vũ bão và hỗn độn ngày nay, mà nói cho đúng, nhân loại đến nay vẫn còn lúng túng lắm.