Nếu chỉ dừng ở một cách nói…
Ở Việt Nam có chuyện là, do chúng ta tụt hậu quá xa so với các nước phát triển, và tụt hậu ngay cả với một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia nên chúng ta nóng lòng muốn phát triển nhanh để đuổi kịp hoặc không tiếp tục tụt xa thêm nữa. Một thời gian dài, chúng ta đã chấp nhận đặt tốc độ và số lượng phát triển lên trước chất lượng mà quên mất rằng, số lượng nhiều, tốc độ cao trong một giai đoạn nào đó, thường là khi mở đầu một tiến trình, có thể tạo tiền đề cho chất lượng nhưng không trực tiếp đẻ ra chất lượng; còn chất lượng cao lại có thể đẻ ra số lượng và tốc độ, một cách bền vững. Ưu tiên cho chất lượng tức là hướng tới bền vững.
Có thể nói, phát triển bền vững ở Việt Nam không thiếu gì cam kết, chương trình, chiến lược, và giải pháp. Chúng ta đã có cả một Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia thành lập từ năm 2005 mà đứng đầu là những người nắm trọng trách cao nhất của quốc gia. Nhưng thật khó mà nói về các kết quả cụ thể của nó. Đây cũng không phải đặc sản của riêng Việt Nam mà là câu chuyện chung của con người ở khắp mọi chân trời. Tôi nhớ Liên Hợp Quốc từng có lần phát động và đưa ra khẩu hiệu “Văn hóa là mục tiêu cao, động lực mạnh, và hệ điều tiết của phát triển” (mà về đến Việt Nam thì vế cuối bị cắt bỏ) nhưng đến giữa chừng chiến dịch thì phải thừa nhận thất bại do các Chính phủ không quyết tâm hành động như cam kết.
Năm nay Việt Nam lạm phát cao, nhập siêu nặng, cùng với tình hình nợ nần của Vinashin – đó là những hồi còi báo động cho hiệu quả đầu tư và sản xuất nói chung và trong lĩnh vực công nói riêng. Trước tình hình này, Ngân hàng TG đã khuyến cáo Việt Nam phải cân nhắc giữa các mục tiêu phát triển và bình ổn.
Cách đây khoảng 10 năm, một tài liệu của Ngân hàng TG đã viết: “Cái sọt rác của lịch sử thế giới đầy những chương trình, kế hoạch, biện pháp hay và đúng, chỉ có điều không thực hiện được hoặc không được thực hiện”. Còn người Pháp có câu: “Những con đường dưới địa ngục đều được lát bằng những dự định tốt đẹp của con người.”
P.V ghi