Nguồn nhân lực cho cơ hội phát triển mới

I. Đặt vấn đề: Hiện nay cả nước đang quan tâm đến vấn đề giáo dục, với mong muốn nước ta sớm có được một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước. Muốn vậy, nên xuất phát từ đánh giá tình hình phát triển con người và nguồn nhân lực nước ta, để làm rõ những yêu cầu cần đạt tới, những việc cần phải làm cho việc xây dựng nên một nền giáo dục cho đất nước trong tình hình mới. Hơn nữa, phát triển nguồn nhân lực đang trở thành đòi hỏi bức thiết hàng đầu trên chặng đường công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay của đất nước, chặng đường nước rút – vì thời gian từ nay đến năm 2020 không phải là dài. Bài viết này cố gắng nêu lên một số suy nghĩ ban đầu với cách nhìn như vậy1.


Sự thật là chưa lúc nào vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng ở nước ta như giai đoạn hiện nay, bởi các lẽ:
1. Đất nước giành được nhiều thành tựu to lớn sau 20 năm đổi mới, ngày nay đang bước vào một thời kỳ phát triển mới sau khi đã hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu hóa, với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực thích ứng.
2. Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất cơ hội đang đến với đất nước; thậm chí nếu không mau chóng khắc phục được yếu kém này, có nguy cơ khó vượt qua những thách thức mới, sẽ kéo dài sự tụt hậu của đất nước.  

II. Điểm lại  nhận thức và việc làm thực tế
Trong hầu hết các Đại hội Đảng và trong nhiều văn kiện quan trọng khác nhau của Đảng đã khẳng định:
Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa; khẳng định con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực, cả về khả năng lao động, năng lực sáng tạo và tính tích cực chính trị – xã hội, cả về đạo đức, tâm hồn và tình cảm chính là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…Mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đều nhằm quán triệt tư tưởng chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam…2
Tuy nhiên, từ ý tưởng trên đi tới đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện là cả một cuộc trường chinh gian khổ.
Sau 22 năm đổi mới, nước ta đứng trước thực tế:
Kinh tế tăng trưởng và phát triển liên tục, 10 năm qua tăng trưởng trung bình 7%; 5 năm qua tăng trưởng trung bình 7,5%. Năm 2007 – năm đầu tiên là thành viên của WTO, chỉ số tăng trưởng GDP là 8,5%, của xuất khẩu 20,5%, thu hút FDI tăng 17% (TBKTVN ngày 15-10-2007). Năm 2007, Việt Nam được UNDP đánh giá là nước thứ 6 trong “top ten” của thế giới về thu hút FDI cho các năm 2008-2009 (sau TQ, Mỹ, Ấn độ, Nga, Brazil), xếp hạng môi trường kinh doanh  được nâng cấp lên 13 bậc 3…. Nhờ GDP tính theo đầu người tăng gấp 4 lần so với trước đổi mới, nên đời sống của nhân dân nhìn chung được nâng cao rõ rệt. Việc Việt Nam ngày 16-10-2007 được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc khóa 2008-2009 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Song chính những thành tựu đạt được này đối chiếu với công sức bỏ ra, với những điều kiện và cơ hội cho phép, phải chăng Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng của mình?

 
 Trong phát biểu của mình tại những cuộc hội đàm chính thức hai năm qua với người đứng đầu chính phủ các nước phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá quan hệ song phương phát triển chưa đúng tầm; điều này cũng hàm ý tự khẳng định sự phát triển chưa đúng tầm về phía nước ta. Nếu  so sánh với các NICs ở châu Á sau 30 năm phát triển đầu tiên, nước ta phát triển như hiện nay là chậm, mặc dù điều kiện ngày nay của nước ta thuận lợi hơn nhiều về mọi mặt so với họ thời đó. Có không ít ý kiến các học giả trong và ngoài nước cho rằng chưa bao giờ Việt Nam hội đủ được thiên thời, địa lợi, nhân hòa như ngày nay, mức độ đạt được sau 32 năm phát triển – trong đó có 22 năm đổi mới – như thế là thấp. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, từ năm 2000 đến nay, đầu tư toàn xã hội ước chừng chiếm khoảng 30 – 40% GDP/năm, so với chỉ số tăng trưởng của những năm này ta có chỉ số ICOR hàng năm là xấp xỉ 5 hoặc <5, nghĩa là quá cao; lẽ ra chỉ số này chỉ nên là 3 – 3,5 so với mức tăng trưởng. Nói cách khác, với tổng đầu tư hàng năm như thế cho thấy tốc độ tăng trưởng và hiệu quả chung của nền kinh tế như thế là dưới khả năng cho phép, kết cấu hạ tầng vẫn phát triển rất chậm; thực trạng này có nguyên nhân quan trọng liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta…

Giáo dục, đào tạo, và khoa học 22 năm qua phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước đã nêu trên. Nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn trước, thể hiện rõ nét nhất ở năng xuất lao động của toàn xã hội đã thay đổi hẳn cục diện phát triển kinh tế nước ta kể từ khi tiến hành đổi mới, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ nhì thế giới trong những năm gần đây, trình độ giáo dục phổ cập và số lượng học sinh, lực lượng lao động có đào tạo, số người tốt nghiệp các bậc học tăng nhanh so với nhiều nước, đặc biệt trong vòng 10 năm 1993 -2002 tỷ lệ đói nghèo giảm còn một nửa (từ 57% xuống còn 28%).
Những thành thành tựu nêu trên được thế giới đánh giá là “star performer”4 trong đổi mới, trong gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội của nền kinh tế đang chuyển đổi (WB).
Trên đây là so sánh ta hôm nay với ta cách đây 22 năm. Tuy nhiên có vấn đề: trung tuần tháng 10-2007 cuộc họp đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội và cuộc họp của đoàn đại biểu quốc hội TPHCM đều nêu ý kiến: Đã đến lúc cần phải xem xét chất lượng cuộc sống so với tăng trưởng kinh tế đạt được. Đấy là chuyện ta so với ta.
Đứng chân trong thế giới này, nước ta còn phải làm hai so sánh nữa:
Một là, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động so với các nước chung quanh, khoảng cách phát triển không thu hẹp được bao nhiêu; nếu lấy chỉ số thu nhập tính theo đầu người làm thước đo chung nhất, khoảng cách này có xu hướng đang rộng thêm.

Sau 20 năm đổi mới GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2006 tăng gấp 4 lần năm 1986. Số liệu này khẳng định tất cả những gì đã làm được.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của IMF năm 2006:
GDP danh nghĩa toàn thế giới tính theo đầu người năm 2005 là 7263 USD, của Việt Nam là 650 USD, nghĩa là gần bằng 9% mức của thế giới – nghĩa là khoảng cách của nước ta so với thế giới bên ngoài là rất lớn.
So sánh với các nước láng giềng chung quanh, cùng nguồn thống kê nêu trên cho thấy: Mặc dù gần một thập kỷ liên tiếp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng GDP danh nghĩa tính theo đầu người của Việt Nam năm 2005 bằng 33% của Trung Quốc (1940 USD); 2,1% Singapore (29765 USD), 3,6% Hàn Quốc (17865 USD); 4,2% Đài Loan (15387 USD); 12% Malaysia (5376 USD); 21% Thái Lan (2993 USD); 43% Indonesia (1500 USD); và 50% Philippines (1278 USD).
Năm 1986 – năm bắt đầu công cuộc đổi mới – thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines  440 USD, kém Hàn Quốc 6940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1100 USD, Thái lan 2140 USD, Malaysia 4520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD…  Nghĩa là khoảng cách thu nhập của ta so với những nước này đang ngày càng rộng ra!
(Tham khảo thêm thống kê của IMF 2007).

Hai là, khả năng phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới mức trần, nước ta đứng trước đòi hỏi phải bằng mọi cách chuyển từ lợi thế so sánh dựa trên lao động giá rẻ và nhờ cậy vào tài nguyên, môi trường sang tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người. Ngay trước mắt, thời cơ đang đem lại cho đất nước khả năng đột phá sang một giai đoạn phát triển mới, có thể khắc phục tình trạng tụt hậu. Song nước ta đang vấp phải 3 trở lực lớn: chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực, sự bất cập lớn của kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuât, năng lực quản lý hẫng hụt nhiều mặt. 
Phải chăng đất nước đứng trước một nghịch cảnh: Kinh tế phát triển mạnh và cơ hội đang đến với đất nước rất lớn, nhưng trong khi đó giáo dục – đào tạo – khoa học và vấn đề phát triển nguồn nhân lực nói chung sau  thời kỳ giành được những thành tựu ban đầu theo xu hướng phát triển đại trà, ngày nay đang đi tới một điểm nóng, với nhiều hệ quả trầm trọng. Trong phát triển con người và nguồn nhân lực, nhiều yếu kém và tiêu cực tích tụ lâu năm đang dồn nén lại thành nguy cơ có thể làm cho đất nước bó tay trước cơ hội lớn. Bản thân ngành giáo dục – đào tạo – khoa học (bao gồm cả hệ thống phát triển nguồn nhân lực) có thể rơi vào khủng hoảng: đào tạo nhiều mà dùng được ít, số người được đào tạo thất nghiệp cao, chi phí của toàn xã hội quá lớn so với những gì gặt hái được, có nhiều hậu quả lớn  phải xử lý tiếp (ví dụ vấn đề đào tạo lại, việc bố trí người không đúng việc, phát sinh bộ máy cồng kềnh, không chuẩn bị kịp cho các bước phát triển tiếp theo của đât nước…). Đất nước đứng trước tình hình:  không đẩy nhanh phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học thì bất cập, đảy nhanh thì thiếu nhiều nguồn lực, đảy nhanh theo hướng đang làm sẽ có thể đi tới đổ vỡ lớn hơn, hướng đúng là gì chưa rõ, ý kiến đang rất khác nhau.
Có đúng như vậy không?
Đây là vấn đề cần tìm hiểu và kết luận dứt khoát. Chưa lúc nào trong xã hội tỏ ra lo lắng bức xúc về tình hình giáo dục – đào tạo – khoa học với nhiều lý lẽ rất xác đáng như ngày nay 5.
Trước hết nói về công sức bỏ ra rất lớn.
Trên thực tế, tính theo thu nhập trên đầu người, Việt Nam có lẽ là nước chi cho giáo dục cao nhất thế giới: trung bình hàng năm khoảng 8% GDP/năm, ở Mỹ mới chỉ là 6%, Trung Quốc là 2,7%..; nếu tính theo thu nhập của hộ gia đình tỷ lệ chi cho giáo dục ở nước ta còn cao hơn nữa 6. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo năm 2000 là 11,5%, năm 2005 là 13%, năm 2007 là 20% (nguồn TCTK và BKHĐT), nhiều quốc gia mơ tưởng chỉ số này dành cho giáo dục của họ. Gần đây còn có nhiều quyết sách khác về tài chính – kể cả việc cho sinh viên vay tiền ngân hàng để chi cho học tập – hỗ trợ việc phát triển giáo dục. Nghĩa là cả nước nỗ lực rất lớn cho phát triển giáo dục nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung.
Thực trạng hiện nay:

 
Trong các chuyến đi thăm chính thức các nước phát triển của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2007, Việt Nam được các nước chủ nhà coi là đối tác đầy triển vọng, những công trình hợp tác kinh tế được ghi nhớ lên tới nhiều chục tỷ USD, nhiều công trình đầu tư lớn, dự án lớn được được cam kết ở mức sâu hơn trên những lĩnh vực quan trọng – nghĩa là chỉ còn chờ phía ta bật đèn xanh để đi vào đàm phán cụ thể: phát triển hệ thống đường xá toàn quốc, phát triển ngành hàng không, mở rộng khả năng sản xuất nhiệt điện, (vấn đề điện năng lượng hạt nhân đang được đề cập), phát triển toàn diện ngành dầu khí, phát triển những khu công nghệ cao, phát triển thị trường tài chính, phát triển thị trường địa ốc, mở rộng ngành công nghiệp du lịch..; ngay trong nước thị trường tài chính có triển vọng thu hút những nguồn vốn lớn… Lần đầu tiên nước ta đứng trước tình hình không thiếu vốn và cơ hội, có nhiều dự án lớn, nhưng lại thiếu trầm trọng năng lực quy hoạch và quản lý, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng những dự án lớn này. Tiến độ nhiều dự án lớn đã triển khai thường chậm một, hai năm so với kế hoạch hoặc hơn nữa. Trên hết cả, khoảng 2/3 GDP của nước ta dành cho xuất khẩu, cạnh tranh hàng giá rẻ với chất lượng thấp và dịch vụ thấp ngày càng không còn đất sống trước những làn sóng hàng hóa rẻ Trung Quốc khắp thế giới, chỉ còn một con đường cạnh tranh bằng hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ cao. Trong khi đó cơ hội không biết chờ đợi. Nói riêng về điện: năm 2006 ta thiếu 1,1tỷ kwh; năm 2007 thiếu 6,6 tỷ kwh, năm 2008 Tập đoàn Điện (EVN) dự báo thiếu 8,6 tỷ kwh, mọi kế hoach sản xuất điện EVN đã cam kết với Chính phủ đều chậm vài năm, thế nhưng từ nhiều năm nay không một dự án đầu tư nhiệt điện nào của nước ngoài dù khả thi về mọi mặt, kể cả dự án BOT, có thể vào VN; một ví dụ này nói lên nhiều điều.

Báo cáo khảo sát “200 doanh nghiệp top của Việt Nam” của UNDP – Hà Nội xuất bản tháng 9-2007 cho biết: Qua phỏng vấn, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng (a)họ phải đào tạo lại hầu hết mọi người ở mọi cấp bậc – học nghề, đại học, sau đại học –  mà họ nhận vào doanh nghiệp của mình, (b)họ không tin tưởng vào hệ thống đại học và các viện nghiên cứu của trong nước, vì chất lượng giảng dạy thấp; nội dung yếu và lạc hậu; khả năng nghiên cứu thấp; sách vở và thiết bị đều thiếu, không đồng bộ, cũ kỹ, rất yếu về ngoại ngữ, năng lực tổ chức và quản lý thấp…
Tình  hình chung nguồn nhân lực của nước ta hiện nay là: Sau 30 năm công nghiệp hóa, vẫn còn khoảng 70% lao động cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ học sinh trên triệu dân, tỷ lệ số trường các loại trên triệu dân, tỷ lệ số trường đại học trên triệu dân; tỷ lệ tốt nghiệp đại học trên triệu dân, tỷ lệ có học vị tiến sỹ trên triệu dân của nước ta đều cao hơn tất cả các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người tương đương như Thái Lan, nhưng chất lượng đang có nhiều vấn đề. Điều tra của Bộ giáo dục và đào tạo năm 2006 cho thấy cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và có nhiều người không làm đúng nghề mình đã học, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có FDI và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu lực nguồn lực chuyên nghiệp. Khoảng 2/3 số người có học vị tiến sỹ trong cả nước không làm khoa học mà đang làm công tác quản lý; số bài báo khoa học được công bố hàng năm chỉ bằng khoảng ¼ của Thái Lan và bằng 0,00043% của thế giới, mặc dù số tiến sỹ của ta hàng năm nhận bằng thường nhiều hơn của Thái Lan, có năm cao gần gấp đôi, vân vân…
Nguồn nhân lực nước ta đứng trước tình hình: trẻ (tính theo tuổi đời trung bình – một ưu thế lớn), đông (một ưu thế lớn khác, nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới), nhưng tỷ lệ tính trên triệu dân của số người có nghề và có trình độ chuyên môn rất thấp so với tất các nước trong nhóm ASEAN 6 và Trung Quốc; số cán bộ kỹ trị và có trình độ quản lý cao rất ít so với dân số cũng như so với quy mô nền kinh tế.

 

Nền tảng khoa học để phát triển các đội ngũ nguồn nhân lực nước nhà  được giáo sư  Phạm Duy Hiển đánh giá khái quát:
“Bản danh mục các đề tài được tuyển chọn để đấu thầu thuộc Chương Trình KHCN cấp Nhà Nước giai đoạn 2006-2010 là một bức tranh sinh động về hiện trạng KHCN Việt Nam. Qua đây ta hiểu được tại sao vị thế của khoa học Việt Nam qua các công bố quốc tế từ nhiều năm nay vẫn không được cải thiện, mặc dù ngân sách nhà nước cứ tăng đều hàng năm theo GDP, giờ đây đã lên đến hơn 300 triệu USD. Thoạt nhìn, số tiền này còn quá nhỏ nhoi nếu đem so với nhiều nước khác, hoặc đem chia ra cho hàng vạn người làm R&D ở nước ta. Ấy thế mà đội ngũ chúng ta lại bị bội thực. Trong hai năm liền, 2005 – 2006, hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách R&D phải đem trả lại Kho Bạc Nhà Nước.  
Cứ thế này, chắc khó có trường đại học nào sẽ lọt vào tốp 200 của thế giới, như mục tiêu Bộ GD ĐT đặt ra cho năm 2020, thậm chí xa hơn. Đội ngũ KHCN của ta chắc chắn sẽ phải đứng chầu rìa nhìn người nước ngoài định đoạt mọi chuyện liên quan đến nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á, từ tổ chức đấu thầu, xét duyệt thiết kế, xây dựng đến vận hành. Với năng lực KHCN như hiện nay, làm sao Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?”7
Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2005: Nguồn nhân lực Việt Nam về chất lượng được xếp hạng 53 trên 59 quốc gia được khảo sát, song mất cân đối nghiêm trọng:
– Ở Việt Nam cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 4 và 10;
– Ở Việt Nam cứ 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học, trong khi đó của thế giới là 100, của Trung Quốc là 140 mặc dù mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người của TQ khoảng gấp đôi của nước ta, vân vân 8… Vân… vân…
Tác động sâu xa và lâu dài của những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục về mặt văn hóa là nhiều giá trị cao quý bị mai một, với nhiều di chứng khó sửa: suy nghĩ lệch lạc về cái học trở thành hiện tượng xã hội phổ biến, tư tưởng bằng cấp, tình trạng chạy trường chạy điểm, bằng thật học giả, gian lận, bệnh hình thức và thành tích chủ nghĩa, dạy và học nhồi sọ, kìm hãm tự do tư duy sáng tạo, nhìn chung giác ngộ thấp về ý thức làm chủ bản thân và về vai trò chủ nhân ông của đất nước, chịu ảnh hưởng sự nô dịch sùng ngoại, không hiếm tư tưởng “ăn đong” và tư tưởng làm thuê…Tất cả những hiện tượng này lan tỏa thành nhiều nếp sống tiêu cực, vùi dập và bỏ phí người tài, đang ngày càng bắt rễ sâu vào đời sống mọi mặt của đất nước. Đi vào thời kỳ phát triển hiện đại và hội nhập, nhưng nhìn chung trong cả nước ý thức luật pháp đối với nhà nước pháp quyền, cũng như ý thức tự chủ đối với xã hội dân sự của dân và của những người trong hệ thống bộ máy nhà nước nhiều mặt còn thấp.


 

Kết quả chung là: Nhìn nhận theo góc độ đánh giá nguồn nhân lực, chất lượng con người Việt Nam thấp về nhiều mặt so với các nước ASEAN6 và Trung Quốc, có nhiều ưu thế không được nuôi dưỡng và phát huy đúng hướng. Có phải như thế không? – xin được xem xét.
Những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên có thể như sau:
1. Không quan tâm và không kế thừa, phát huy những thành tựu giáo dục của nước ta đã tích lũy được trước đổi mới cũng như những thành tựu của thế giới, không khai thác lợi thế nước đi sau, thậm chí ít nhiều hoang tưởng, duy ý chí hoặc nhân  danh phát huy sáng tạo đi tìm một con đường riêng, nhưng thực tế là lạc lõng (ví dụ: định thay bản chữ cái ABC, abc bằng bảng E,e; tình trạng bất cập của chương trình chuẩn, giáo án chuẩn; kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sỹ; một số chương trình nghiên cứu Kx;  sáng tác ra học vị phó giáo sư; việc ồ ạt xây dựng  trường đại học tại nhiều tỉnh – trong khi đó bằng đại học của nước ta không được quốc tế công nhận, cả nước chưa có một trường đại học nào so sánh được với đại học Thái Lan Chulalongkorn, nếu so với đẳng cấp quốc tế khoảng cách này còn xa nữa., vân vân…)9.
2. Tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội đã bóp méo những ý tưởng, những mong muốn tốt đẹp dành cho phát triển con người và nguồn nhân lực; làm sai lệch hướng vận dụng mọi nguồn lực – điển hình là sự ra đời của khái niệm “xã hội hóa”, bóp méo khái niệm này với khuynh hướng đẩy việc phát triển con người và nguồn nhân lực đi sâu vào con đường trở thành hàng hóa và dịch vụ kiếm lợi nhuận, đã xẩy ra siêu lợi nhuận.
3. Không lường đúng những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là khả năng cho phép của nguồn lực và một bên là đòi hỏi của phát triển – (cụ thể ở đây là phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực – của một nước nghèo, đông dân, đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi nhanh như nước ta); không lường đúng những mặt phức tạp và những khó khăn rất đa dạng, sâu xa của lĩnh vực thiết yếu bậc nhất và rất nhạy cảm này trong đời sống quốc gia, không nhận thức đúng những yếu kém lớn về năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước. Duy ý chí và bệnh thành tích đầu độc trầm trọng thêm tình trạng này.
4. Tri thức, tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp của nhiều chuyên gia,   nhà khoa học được giao nhiệm vụ trực tiếp làm chính sách quốc gia về giáo dục – đào tạo – khoa học, của những người được trực tiếp giao nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý lĩnh vực phát triển giáo dục và nguồn lực con người, nhìn chung trình độ của đội ngũ này dưới tầm so với đòi hỏi của nhiệm vụ. Xét theo lương tâm nhà giáo, theo bản lĩnh người trí thức thì còn phải nêu ra nhiều yếu kém nghiêm trọng khác nữa của đội ngũ này.
 
III. Nhìn nhận lại vấn đề phát triển nguồn nhân lực
Xây dựng được con người như thế nào thì sẽ hình thành một quốc gia và xã tắc như thế. Mặt khác, con người tự giác thường là yếu tố quyết định nhất thay đổi xã hội và quốc gia nó đang sống. Sự hưng vong, thịnh suy của một quốc gia gắn liền với những điều mang tính nguyên lý này. Văn minh nhân loại ở nấc thang toàn cầu hóa ngày nay khiến cho việc làm chủ những điều mang tính nguyên lý này càng trở thành lẽ sống còn của mỗi quốc gia và mỗi công dân của nó.
Vì lẽ vừa trình bày, phát triển nguồn nhân lực về thực chất là ngày càng phải làm tốt hơn việc giải phóng con người. Đòi hỏi này đặt ra hai yêu cầu cùng một lúc: Phải tập trung trí tuệ và nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực, mặt khác phải đồng thời thường xuyên cải thiện và đổi mới môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, gìn giữ môi trường tự nhiên của quốc gia.
Vấn đề lớn nhất đặt ra cho nước ta không phải là cái nghèo, mà là ý chí phấn đấu với tất cả trí tuệ và nguồn lực có trong tay cho phát triển nguồn nhân lực như một ưu tiên quốc gia hàng đầu – điều này bao gồm cả ý chí xây dựng một thế chế chính trị và đời sống kinh tế – xã hội – văn hóa hướng vào phát huy những giá trị chân chính của con người, trước hết là tự do và nghị lực sáng tạo của nó; là ý thức vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực có trong tay và tìm cách kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại (lợi thế nước đi sau).
Vì thế phải đặt vấn đề phát triển nguồn nhân lực trước hết là vấn đề phát triển con người trong một cách nhìn toàn diện.

Ngày nay không thể quan niệm đơn thuần nguồn nhân lực là lực lượng lao động với nghĩa đơn giản là những người làm công ăn lương, những người nông dân ít có điều kiện học hành… Cuộc sống ngày nay đòi hỏi phải nhìn nhận nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau –  kể từ người làm nghề lao động đơn giản nhất, nông dân, công nhân, người làm công việc chuyên môn, người làm khoa học, người làm nhiệm vụ quản lý, nhà kinh doanh, người chủ doanh nghiệp, giới nghệ sỹ, người hoạch định chính sách, quản lý đất nước… Tất cả đều nằm trong tổng thể của cộng đồng xã hội, từng người đều phải được đào tạo, phát triển và có điều kiện để tự phát triển, phải làm mọi việc để từng người đứng đúng chỗ của mình và chịu sự sàng lọc của cuộc sống.

 

Thử hình dung, bất kể một bộ phận, một tầng lớp hay một giới nào đó, thậm chí một cá nhân riêng lẻ nào đó có ảnh hưởng trong nguồn nhân lực này yếu kém hay bệnh hoạn, sẽ có hệ quả gì? Ví dụ: Nguồn nhân lực cả nước ta làm sao phát huy hết mức trong tình hình đội ngũ trong bộ máy quản lý đất nước – một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực – để cho năm 2005 nước ta xếp hạng thứ 107 về nạn tham nhũng, năm 2006 thứ 111 và năm 2007 thứ 123 (tham khảo báo cáo hàng năm của Transparency International), nhiều doanh nghiệp hàng năm phải dùng tới khoảng 900 giờ làm việc năm riêng cho một việc nộp thuế cho nhà nước, vv.., trình độ kỹ trị của đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền còn thấp, công việc ùn tắc nhiều và gây nhiều lãng phí, chỗ này chỗ kia còn những Bùi Tiến Dũng… Đề án 112 giả thử có tìm được những phương án tối ưu nhất cho các phần khác nhau trong chương trình tin học hóa sự vận hành của bộ máy nhà nước, thì nó cũng chỉ có thể đem lại hiệu quả nếu được thiết kế gắn liền với các bước đi thành công của cải cách hành chính – nghĩa là liên quan mật thiết đến đổi mới đội ngũ làm việc trong bộ máy công quyền. Một mình đề án 112 không thể tạo ra sự thay đổi này. Vân… vân…
Xin cho phép tôi ở chỗ này nói chệch vấn đề một chút: Tôi nghĩ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy công quyền hiện nay có lẽ cũng phải đặt thành một ưu tiên nếu không hơn thì ít nhất cũng không kém gì những ưu tiên khác dành cho những lực lượng lao động khác trong chủ trương phát triển nguồn nhân lực của nước nhà. Đã có không ít tiếng nói trên báo chí và trong dư luận xã hội đòi hỏi phải nâng cao “quan trí”, nâng cao năng lực kỹ trị, nâng cao ý thức công bộc của đội ngũ cán bộ viên chức ăn lương nhà nước. Người ta hay nói nhiều đến ý thức thấp kém của người nông dân, người công nhân – ví dụ tình trạng ăn cắp vật liệu ở công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất… Song hiện tượng đáng lo lắng hơn lại là cuộc sống có không biết bao nhiêu ví dụ về tác trách, về vận dụng hay thi hành sai luật pháp và những chính sách đúng đắn 10. Rõ ràng có làm tốt được việc đổi mới đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền, nhiều việc khác mới hy vọng làm tốt được, mọi người khác mới có điều kiện phát huy được mình.
Có thể nói thế này: Cầu Văn Thánh ở Thành phố Hồ Chí Minh là một sản phẩm tiêu biểu, (a)phản ánh tổng hợp được thực chất trình độ của nguồn nhân lực nước ta – từ người công nhân bình thường đến người thiết kế, người làm kỹ thuật, nhà thầu, người quản lý, người quyết định chính sách – nghĩa là trình độ nguồn nhân lực nào sản phẩm nấy; (b)đồng thời cũng phản ánh  sinh động môi trường pháp lý và đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa xã hội của nguồn nhân lực đã làm nên cây cầu này, nghĩa là môi trường nào thì tạo ra nguồn nhân lực nấy!
Nhìn nhận như vậy, quốc sách về phát triển nguồn nhân lực, về phát huy và sử dụng con người và người tài đòi hỏi phải gắn liền với việc đảy mạnh đổi mới trên nhiều phương diện – về lâu dài là đổi mới toàn diện cả thể chế và xã hội.
Với những điều trình bày trên, phát triển nguồn nhân lực ngày nay không thể chỉ đơn thuần một chiều hiểu theo nghĩa phát triển lực lượng lao động như lâu nay thường làm: mở thêm các trường, các cơ sở đào tạo nghề, cải tiến nội dung dạy, đổi mới chính sách lao động tiền lương, cải tiến công tác công đoàn, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, vân vân… Đây chỉ là một khía cạnh nhất định của nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực đối với những bộ phận nhất định người lao động trong cộng đồng dân cư của đất nước.
Đặt vấn đề với cách nhìn toàn diện, có nghĩa phải đồng thời và từng bước làm rất nhiều việc khác – ví dụ những việc đã liệt kê ra được như cải cách hành chính, xóa bỏ chủ quản, xóa bỏ bao cấp.., giảm biên chế, bổ túc và đào tạo lại đội ngũ cán bộ viên chức các cấp, mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ kỹ trị, cán bộ quản lý, người làm chính sách, đổi mới chính sách phát huy con người và dùng người…; còn biết bao nhiêu việc chưa liệt kê ra được như trong phát huy dân chủ, trong đổi mới thể chế quốc gia, trong hội nhập sân chơi toàn cầu…
Phát triển nguồn nhân lực hiển nhiên đòi hỏi phải đồng thời đổi mới triệt để toàn xã hội hướng thiện – theo những giá trị chân chính – ví dụ, để có một môi trường xã hội trọng công bằng, kỷ cương, đạo đức; pháp luật được coi làm chuẩn mực; xã hội trở thành xã hội học tập..; tất cả theo nghĩa muốn có nguồn nhân lực nào thì cũng phải đồng thời tạo ra môi trường nấy.
Lẽ đương nhiên không thể tạo ra mọi thứ trong một đêm, nhưng cần có cái nhìn toàn diện để xác định cho đúng cái đích cần lựa chọn rồi mới hoạch định những bước đi, những việc làm. 
Như vậy không thể có vấn đề phát triển nguồn nhân lực riêng lẻ tách khỏi đời sống chung quanh – như trong một xã hội chân không, mà phải nhìn thẳng vào thực tế: Xã hội nào thì nguồn nhân lực nấy, muốn có cái này tốt, cái kia cũng phải làm cùng tốt theo, tất cả cùng phải đi chung vào  xu thế hội nhập bước đi của toàn cầu.

Nói ngắn gọn: Tất cả với cái đích là có được một nguồn nhân lực phát triển trong một môi trường thân thiện với phát triển. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng khi đã nói tới ý nghĩa đổi mới giáo dục thực chất là một cuộc cách mạng chấn hưng đất nước.

IV. Bình tĩnh, tranh thủ thời gian tìm ra giải pháp thuyết phục
Trước khi bàn tiếp, xin kiến nghị:
(1) Bất luận lựa chọn và quyết định giải pháp gì và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ý chí muốn học, tinh thần ham học, quyết tâm chịu đựng mọi hy sinh khốn khó để học và học cho đến cùng của người dân nước ta, trước hết là của lớp trẻ, là cái vốn vô giá của quốc gia. Tinh thần này, ý chí này cần được gìn giữ, nâng niu, cổ vũ. 
(2) Sự phát triển ồ ạt theo số lượng về giáo dục ở nước ta đặt ra vấn đề: Đã chót đẻ ra thì phải nuôi. Đất nước đứng trước tình thế có quá nhiều trường đại học, học viện, các loại trường khác.., trong khi đó chất lượng của những loại trường này nhìn chung thấp, nguồn lực có thể huy động được lại cực kỳ eo hẹp. Giải pháp nào cũng phải hạn chế xuống mức thấp nhất gánh nặng dồn lên vai học sinh.
(3) Bình đẳng về cơ hội cho mọi người là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của xã hội văn minh, trong đó bình đẳng về cơ hội trong giáo dục là quan trọng bực nhất. Song lực và trí nước ta có hạn, nên tôi nghĩ nước ta cũng phải đi từng bước, điều kiện cho phép đến đâu thì làm đến đấy, nỗ lực hết mức làm đến đấy.11!
Chỉ ba điều nêu trên đủ cho thấy phải bình tâm suy nghĩ, xem xét lại tất cả, phải mất công động não cân nhắc mọi điều trước sau mới hy vọng tìm ra giải pháp đúng.
Trong 22 năm đổi mới vừa qua, xin hãy kiểm kê lại xem Nhà nước ta đã bao nhiêu lần cải cách, cải tiến giáo dục – từng phần hoặc toàn phần, thế nhưng kết cục là có tình hình giáo dục – đào tạo – khoa học như hôm nay. Chẳng lẽ cứ tiếp tục cải cách thêm kiểu như thế này để kéo dài, để mở rộng mãi tình trạng hôm nay? Đã đến lúc nên tổng kết một cách triệt để.
Cả nước đều biết, ngay từ khi nhận trọng trách mới, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã dành nhiều công sức trực tiếp lao vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong ngành giáo dục. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quan tâm chỉ đạo Bộ này và các ngành có liên quan làm tất cả những gì có thể để cải thiện tình hình và đẩy mạnh phát triển giáo dục, coi đấy là một trong những ưu tiên lớn của quốc gia. Việc làm gần đây nhất là Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh vấn đề cho các sinh viên nghèo vay tiền ngân hàng để đi học…
Song như đã trình bày, những khó khăn yếu kém trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và trong phát triển nguôn nhân lực nói chung tích tụ từ hai mươi năm nay thành nhiều vấn đề lớn, nan giải, có nhiều vấn đề đã trở thành những nếp khó sửa, không thể một sớm một chiều nhìn được hết, càng không thể tìm ngay được lối ra. Đấy là chưa nói đên đòi hỏi của cạnh tranh kinh tế toàn cầu nà nước ta nhất thiết phải đương đầu: Trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, cách gì đi nữa, vẫn cần tiếp tục duy trì sự phát triển năng động, ổn định và có chất lượng ngày càng tốt hơn của toàn bộ nền kinh tế.
Xin nêu ra một số vấn đề dưới đây để thấy rằng tình hình dù bức xúc thế nào, cũng không thể nôn nóng được, vì cuộc sống không có liều thuốc tiên.

IV.1 Vấn đề tăng học phí
Đây đang là vấn đề thời sự nóng hổi nhất.
Phó thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn thiện Nhân giải thích:
…Đối với giáo dục đại học, hiện ngân sách của bậc học này chiếm 16,2% ngân sách dành cho giáo dục, chỉ bằng hơn một nửa so với kinh phí dành cho bậc tiểu học. Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế cần có nhân lực trình độ cao nhưng chi cho toàn bộ bậc đại học gồm 1,4 triệu sinh viên chỉ bằng hơn phân nửa so với chi cho giáo dục tiểu học (27,4%).
…Hiện nay, học phí đại học của chúng ta cao nhất là 180.000 đồng/tháng, tức khoảng 150 USD/năm, đó là một trong các mức học phí thấp nhất thế giới, trong khi ở Mỹ, ở Anh, đa số từ 10.000 USD – 15.000 USD/năm, điều đó có nghĩa 1 sinh viên họ đóng học phí 1 năm, bằng 1 sinh viên ta đóng 60 tới 100 năm, ở các trường nổi tiếng có thể tới 25.000 USD/năm, tức gấp chúng ta 160 lần.
…Với mức đầu tư thấp như vậy không thể nâng đáng kể chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo.
…Chúng tôi có làm việc với một trường cao đẳng ở Nghệ An hợp tác với Hàn Quốc, mức học phí sinh viên phải đóng mỗi tháng là 100.000 đồng nhưng UBND tỉnh phải bù 400.000 đồng/tháng/sinh viên. Nhưng tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm với thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên. Học phí thật để đào tạo sinh viên cao đẳng làm nghề được là phải 500.000 đồng/tháng (gấp 2,5 lần học phí đại học hiện nay).
…Vì vậy, không tăng học phí đại học thì không thể có chất lượng như mong muốn.  Nếu tính học phí đại học cũng dựa vào thu nhập của người dân thì sẽ rơi vào vòng bế tắc, luẩn quẩn: nước nghèo nên ngân sách cho giáo dục ít, người dân thu nhập thấp nên khả năng đóng học phí thấp, do đó chi cho đào tạo ít. Hệ quả là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên kém nên chất lượng đại học thấp, quy mô nhỏ. Nếu cứ thế thì những người ra trường với chất lượng đào tạo thấp làm việc hiệu quả không cao, nền kinh tế lại chậm phát triển, đất nước tiếp tục nghèo.
…Tăng học phí là một đột phá trong tài chính cho giáo dục đại học, thay vì trả học phí thấp theo mức thu nhập hiện tại của quốc gia và người dân thì chúng ta phải trả học phí ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đa số người ra trường phải có việc làm và thu nhập khá.
Mức thu nhập này cho phép trả lại số tiền đã vay để trả học phí trước đó. Tức là lấy thu nhập của tương lai cao hơn rất nhiều so với học phí hiện tại để trả học phí ở mức có chất lượng đào tạo cao.
Đối với bậc đại học, nếu không tăng học phí thì không thể giải quyết được vấn đề chất lượng…
    (Sài Gòn Giải Phóng 10-09-2007)
Phó thủ tướng Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh tăng học phí gắn với nói “không” với dạy học không có chất lượng, với dạy những điều thị trường không có yếu cầu.
Lô-gích là như thế, song có nhiều ý kiến cho rằng thực hiện điều nói “không” này đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều biện pháp đồng bộ, không thể ngày một có ngày hai có ngay được.
Ví dụ:
Ý kiến của giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội : ”Vấn đề tăng học phí phải được cân nhắc từ hai phía. Thứ nhất, phải phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ.
Thứ hai, học phí tạo điều kiện để cùng với kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các trường đại học bảo đảm được chất lượng theo nhu cầu xã hội. Học phí tăng là tất yếu nhưng phải làm thế nào đáp ứng, hài hoà được cả hai nhu cầu trên.
Với hoàn cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay, nếu có tăng thì cũng ở mức vừa phải, không phải một lúc tăng lên gấp vài lần. Để tăng học phí, một điều quan trọng hơn nữa là phải thay đổi quan niệm về công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là cấp đại học.
Theo tôi, không nên tăng học phí đồng loạt vì nếu làm vậy, xã hội sẽ đặt câu hỏi: “Tăng học phí chất lượng dạy có tăng?”. Trên thực tế, nếu tăng học phí đồng loạt thì toàn bộ chất lượng cũng tăng đồng loạt? Tôi tin là không có. Vì thế, tăng học phí chỉ nên theo hướng: nhu cầu xã hội khác nhau, người có khả năng đóng góp nhiều hơn, rất có thể người ta chấp nhận đóng góp nhiều hơn để được nhận một dịch vụ cao hơn, chất lượng hơn thì học phí tăng ở khu vực đó.
Với giáo dục đại trà, vẫn phải xác định một mức học phí vừa phải, phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo nhân dân lao động.
Tuy nhiên, trước khi tăng nên kiểm tra học phí được sử dụng như thế nào? Cần có đánh giá tổng kết để xem tăng bao nhiêu là vừa đáp ứng yêu cầu, phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân và đáp ứng yêu cầu tối thiểu nhu cầu đào tạo nhân lực.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng có nói, việc sử dụng học phí ở một số trường đại học chưa đúng với quy định của ngành, chẳng hạn một số trường dùng học phí để chi cho cán bộ công nhân viên, giáo viên mà không chi cho giáo dục đào tạo.
Báo cáo đó rõ ràng đặt ra vấn đề, học phí chưa được sử dụng đúng, vậy tăng học phí có phải khó thuyết phục dư luận?”

(Tin tức Onlne, 09-10-2007)
Ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy:
“…Tôi hoàn toàn thông cảm với ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: một bên thì những khó khăn lớn để lại từ trước, khiến cho không tăng học phí sẽ rất khó bảo đảm chất lượng giáo dục, một bên thì người dân chưa sẵn sàng chấp nhận học phí cao. Cho nên những ý kiến đóng góp sau đây đều trên tinh thần xây dựng và thông cảm đó, chỉ để mong giúp chúng ta gỡ các khó khăn một cách hợp lý nhất.
 Trong vài dịp được phát biểu trên báo (báo Người Lao Động ngày 14-8, báo Tuổi Trẻ ngày 12-9, và báo Lao Động ngày 24-9) tôi chủ yếu nói về học phí ở cấp phổ thông, và đề nghị ngay trong năm học này, giữa lúc tham nhũng chưa bị đẩy lùi, Kiểm toán Nhà nước vừa phanh phui bao chuyện thất thoát công quỹ, hơn nữa, đời sống người dân đang rộn lên bao chuyện bất an (tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, vật giá leo thang…), thì đặt vấn đề tăng học phí chưa ổn. Còn về lâu dài, muốn chấn hưng giáo dục thật sự đạt kết quả, Chính phủ và Quốc hội cần quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, và riêng trong ngành giáo dục cần chấn chỉnh quản lý trong nội bộ ngành, rà soát lại mọi chế độ, quy định, tổ chức, để sử dụng đầu tư của Nhà nước và nhân dân có hiệu quả hơn. Tôi tin rằng ngân sách ngành giáo dục và đào tạo được cấp, cộng thêm phần đóng góp trực tiếp của dân (bằng hai phần ba ngân sách) hoàn toàn đủ cho nhu cầu giáo dục phổ thông mà không cần tăng học phí. Vì sao có thể tin như vậy? Ở Hà Nội và một vài nơi khác có những trường phổ thông tư thục đạt chất lượng tốt, với mức học phí không cao hơn bao nhiêu so với chi phí học ở trường công, mà họ vẫn trả lương cao cho giáo viên lại thu được lợi nhuận lớn, chứng tỏ chất lượng ở trường công thấp hoàn toàn không phải do thiếu tiền mà do quản lý kém và cách làm giáo dục chưa tốt.
 Riêng đại học thì có khác vì dù thế nào ở đây Nhà nước vẫn cần đầu tư thêm. Tuy nhiên khoản đầu tư này cũng phải chủ yếu từ công quỹ, và đi đôi với chấn chỉnh quản lý để sử dụng có hiệu quả. Ở đây nên đặc biệt lưu ý tình hình là trong khi nhiều trường phổ thông tư thục đạt chất lượng khá mà vẫn lãi cao, thì phần lớn các đại học tư thu lợi nhuận cao đều đạt chất lượng rất thấp so với chất lượng đã chẳng cao gì của đại học công. Nếu không lo chấn chỉnh thì rồi đây nhiều trường nước ngoài chất lượng rất xoàng nhưng học phí đắt có thể ồ ạt nhảy vào vì vẫn cạnh tranh tốt với các trường trong nước, làm cho giáo dục đại học thêm xuống cấp và tăng thêm lãng phí của xã hội.
 Mới đây, tôi rất sửng sốt đọc một tin trên báo cho biết một đại học công ở Hà Nội, có thời kỳ chỉ trong vòng ba năm mà lãi đến 27 tỉ đồng, số lãi đó từ nguồn nào nếu không phải từ nguồn học phí, đặc biệt là học phí thu ở những lớp “liên kết đào tạo” với các địa phương khác, mà chất lượng ai cũng biết cực kỳ thấp? Đã như thế mà nay tăng học phí nữa thì những trường đó sẽ lãi đến bao nhiêu?
 Có một số vấn đề nguyên tắc phải tôn trọng nếu thật sự ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ. Thứ nhất, cấp phổ cập phải tuyệt đối miễn phí, hơn nữa phải tiến đến chỗ sách giáo khoa cũng được cấp hoặc cho mượn. Thứ hai, trên cấp phổ cập (từ cấp 3 phổ thông trở lên) thì trong giai đoạn nào đó trường công lập có thể thu học phí nhưng học phí phải khác nhau tùy vùng giàu, nghèo, và phải đi đôi với chính sách học bổng thực sự hữu hiệu, đồng thời về lâu dài vẫn cần tiến đến chỗ miễn phí, hoặc thu phí rất thấp chỉ để nhắc nhở trách nhiệm cho người học, hoặc Nhà nước cho vay tiền để đi học như Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có chủ trương rất đúng đắn.”

(Thời báo kinh tế Sài Gòn, 04-10-2007)
Trong giải quyết vấn đề có nhiều mối hệ lụy phức tạp, chọn khâu đột phá thường là cách tiếp cận cần thiết; song chính biện pháp “đột phá” lại đòi hỏi phải cân nhắc và chuẩn vị kỹ lưỡng nhiều mặt, nếu không biện pháp đột phá có nguy cơ: phá mà không đi tới đột. Có ý kiến nói: Chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ và 1 tỷ USD cho dạy nghề cho thấy thiếu tiền chưa phải là vấn đề nóng bỏng nhất đối với giáo dục. Ý kiến giáo sư Hoàng tụy khá rõ: vấn đề nóng bỏng hơn là sự phân bổ và sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước đang có trong tay 12… Ngoài ra còn có một số người nêu câu hỏi: Hiến pháp quy định bậc tiểu học hoàn toàn miễn phí, tại sao vẫn có tình trạng đóng góp dưới dạng thu một lọai phí hay học phí…
Còn rất nhiều ý kiến khác nữa.
Còn nhiều câu hỏi khác nữa, tập trung vào nỗi bức xúc: Làm gì với mọi nguồn lực sẵn có trong tay sớm xây dựng nên một nền giáo dục đáng mong muốn? Không thể khoanh tay ngồi nhìn trong lúc đất nước còn nghèo.
Vì vậy, trước mắt vấn đề tăng học phí chỉ nên thực thi với tính chất là khâu đột phá sau khi đã có kế hoạch đầy đủ trên cơ sở rà soát và phân bố lại toàn bộ thu – chi cho giáo dục từ ngân sách nhà nước cũng như từ phần đóng góp của dân; chống thất thoát và tham nhũng trong ngành giáo dục; xóa bỏ những thu – chi không hợp lý trong ngành để dồn cho nâng cao chất lượng giáo dục.
Rất đáng cả nước thắt lưng buộc bụng để mà học. Điều này có nghĩa là huy động đóng góp phải đúng và gắn liền với cắt bỏ những lãng phí. Tôi xin nhấn mạnh xóa bỏ những lãng phí – ví dụ những khoản chi cho những công trình nghiên cứu vô bổ, những chi tiêu sai (như báo cáo Kiểm toán Nhà nước 2007 đã nêu ra) hay những khoản đầu tư sai từ ngân sách nhà nước, cắt bỏ những chi tiêu vì chạy theo thành tích hình thức, kể cả những việc học hình thức… Làm được như vậy chắc chắn nước ta không đến nỗi quá ít tiền để phát triển giáo dục.
Tựu trung lại, tăng học phí với tinh thần cả nước thắt lưng buộc bụng để mà học là rất nên. Cả nước cần quyết tâm làm như thế để sớm ra khỏi dốt và nghèo. Nhưng phải làm đúng với tinh thần thắt lưng buộc bụng – với nghĩa thu, chi từng xu từng đồng phải tính toán chi li: lấy từ đâu, chi vào việc gì, hiệu quả thế nào. Thắt lưng buộc bụng như thế không dính dáng gì đến tính keo kiệt.
Không có lý do gì cả nước – bắt đầu từ Đảng đến toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống xã hội của cả nước – lại không dấy lên ý thức xây dựng một chuẩn mực đạo đức và văn hóa cho lẽ sống và ý chí phấn đấu: Thắt lưng buộc bụng cho cái học, cả nước học, toàn xã hội là xã hội học tập. Mọi nơi mọi cấp trong cả nước đã nói nhiều đến “truyền thống hiếu học của Việt Nam”, mong rằng lời nói sẽ trở thành hành động thắt lưng buộc bụng như thế. Điều này đáng khao khát lắm, vì học như thế chẳng những sẽ được trí tuệ mà nên người. Nhưng cũng thiết tha xin đừng làm việc này như một “phong trào”!

IV. 2.  Vấn đề chất lượng giảng dạy
Có hai vấn đề lớn: Chương trình giảng dạy và người dạy.
IV. 2. 1. Về chương trình giảng dạy: Hầu như có sự đồng tình rộng rãi phải cải tiến mạnh mẽ chương trình giảng dạy của các loại trường ở tất cả các cấp, nhưng cải tiến như thế nào để không đi vào vết xe của những đợt cải cách, cải tiến đã thực hiện trong 20 năm qua, thì chưa được bàn tới một cách triệt để, thực tế là đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trên báo chí, nhiều học giả Việt Nam sống trong nước và ở ngoài nước đã giới thiệu nhiều mô hình khác nhau của các nước có nền giáo dục tiên tiến (Phần Lan, Anh, Đan Mạch, Bỉ, New Zealand, Úc…). Đáng chú ý là trong những kiến nghị này đều toát lên một số ý chung:
Cải cách giáo dục đang trở thành vấn đề thời sự ở nhiều nước, chứ không riêng gì nước ta, đương nhiên mỗi nước có những vấn đề riêng của mình. Điểm giống nhau là không nước nào dám khoanh tay ngồi yên.
Trong khi ở Mỹ cải cách này nhằm mục đích chính là cơ cấu lại nguồn nhân lực nước Mỹ đứng trước tình hình: xu thế “outsourcing” ngày càng mạnh của nền kinh tế Mỹ; hàng tiêu dùng rẻ đổ vào Mỹ ngày  càng nhiều, đòi hỏi kinh tế Mỹ phải tiếp tục loại bỏ nhiều sản phẩm; lao động rẻ nhâp cư tăng mạnh… Hướng cải cách giáo dục của mỹ chủ yếu nhằm bảo vệ khoảng cách đi trước của kinh tế Mỹ so với kinh tế của các nước đối thủ và so với cả thế giới 13. Ở nhiều nước Tây Âu mục đích chính của những nỗ lực này là đẩy mạnh kinh tế tri thức và thích ứng với đòi hỏi mới của nền kinh tế toàn cầu hóa. Trung Quốc và Ấn Độ nhằm nâng cao chất lượng đại học và đảy nhanh tiến độ tiếp cận, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới. Nhật chú trọng hơn nữa đến giáo dục chủ nghĩa yêu nước đáp ứng yêu cầu nước Nhật sớm trở thành một cường quốc hoàn chỉnh cả kinh tế và chính trị. Singapore – vì mục đích kinh doanh và vì muốn tiếp tục giữ vị thế quốc tế của mình –  chú trọng làm mọi việc để trở thành “cái lò” đào tạo trí thức cho các nước (nhất là các nước trong khu vực), bao gồm cả việc mời những trường đại học quốc tế có tên tuổi sang mở trường trực tiếp ở Singapore, song ý đồ này không dễ gì thực hiện 14… Nghĩa là nhiều quốc gia đã có nền giáo dục tiên tiến mà cũng không dám khoanh tay ngồi yên trước sự phát triển năng động của nền kinh tế toàn cầu hóa và của khoa học và công nghệ. Riêng ở Pháp, thư của tổng thống Sarkozy gửi các nhà giáo Pháp15 đặt vấn đề một cách toàn diện, bắt đầu từ đổi mới quan điểm dạy học – kể từ dạy các lớp học sinh nhỏ tuổi, sao cho nhân bản hơn, phát huy tốt hơn năng lực riêng của mỗi cá tính, tránh tình trạng dao động lúc quá nhấn mạnh cái này, khi quá nhấn mạnh cái kia; cần tuân thủ “mỗi thời kỳ lịch sử gợi ra những ước vọng riêng”… Cũng có nghĩa giáo dục phải nhằm giúp đạt được ước vọng của mỗi con người ở thời nay…
Điểm qua như vậy, chúng ta sẽ được những gợi ý gì về nội dung và chất lượng giảng dạy? Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

IV. 2. 2. Về người dạy ở nước ta
Gần đây có nhiều tiếng nói trên báo chí thẳng thắn phê phán tình trạng chất lượng thày dạy nhìn chung trong cả nước là thấp; không hiếm trường hợp thày, cô giáo đứng nhầm bục dạy; dạy theo giáo án tủ, giáo án mượn; dạy theo theo lối mài chữ, chép chữ; tình trạng các trường thiếu thày…16
Nguyên nhân có nhiều và cũng được nêu lên khá đày đủ trên báo chí.
Một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra giải quyết vấn đề thiếu thầy nêu trên là đề án đào tạo 20.000 tiến sỹ 17, căn cứ vào Nghị quyết số14/2005NQ-CP  ngày 02-11-2005 của Chính phủ về “đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”.
Giáo sư Bùi Trọng Liễu nhận xét: “Đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ cho mươi năm tới lại không đủ sức thuyết phục. …Ông bộ trưởng có lý khi phát biểu muốn nâng một cách đáng kể tỉ số tiến sĩ [này]. Nhưng nếu số trường đại học có hạn thì dễ thực hiện hơn, còn nếu mở vung vãi quá nhiều đại học thì đề án trở thành bất khả thi. Bởi vì đào tạo tiến sĩ không dễ : đào tạo trong nước đã khó ; gửi ra ngoài đào tạo cũng khó, vì các trường đại học nghiêm chỉnh nước ngoài cũng tuyển một cách chặt chẽ ; không phải nghiên cứu sinh Việt Nam nào được phép đi du học cũng có thể ghi tên soạn luận án được, và ghi tên soạn luận án tiến sĩ rồi không có nghĩa là sẽ hoàn thành nổi một luận án. Đã có những trường hợp phải bỏ cuộc »18.
Còn không ít những ý kiến khác chung quanh vấn đề người dạy và các giải pháp. Thực tế này cho thấy thiếu thày và thiếu nhiều tiến sỹ lắm, phải đào tạo thêm, nhưng đòi hỏi phải có giải pháp đúng, với những nỗ lực rất lớn và đúng hướng, phải mất nhiều thời gian mới giải quyết được 19. Thế nào là giải pháp đúng? Đang ngổn ngang quá nhiều câu trả lời cho sự lựa chọn, hình như không thể nóng vội làm theo kiểu kế hoạch chỉ tiêu được 20.

IV. 2. 3. Chất lượng nhà trường nước ta
Nhiều trường, nhiều trường lớn và đông, chất lượng nhìn chung thấp.
Đó là đặc điểm chung nhất cho các loại trường từ tiểu học cho đến đại học, các học viện, viện nghiên cứu. Nguyên nhân phổ cập là nghèo. Tuy nhiên, dồn hết lý do lên cái nghèo thì cũng không đúng, bởi lẽ giả thiết rằng chúng ta giàu có hơn song nếu chạy theo xu hướng phát triển đại trà như những năm vừa qua chưa hẳn chúng ta có được các trường viện tốt hơn. Một chiều đổ mọi tội lỗi nên cái nghèo sẽ không tìm được lối ra.
Xin lưu ý, đã có một thời nước ta còn nghèo hơn hiện nay, trong nước còn chiến tranh, thế nhưng nền giáo dục nước ta thời đó đã đóng góp không nhỏ vào cuộc kháng chiến và mọi nhiệm vụ khác nó phải cáng đáng đối với đất nước, đã trở thành niềm tự hào lớn của đất nước, một vết son sáng ngời của chế độ chính trị nước ta với những tên tuổi bất hủ như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Thái Mai, Đặng Văn Ngữ.., với không ít những mái trường từ trung học phổ thông đến đại học, từ trường dạy nghề đến trường cao đẳng… đã một thời làm dạng danh nền giáo dục Việt Nam. Chính quá khứ đáng ghi nhớ này thôi thúc chúng ta phải kiên tâm đi tìm đâu là những nguyên nhân đích thực của những yếu kém hôm nay trong nhà trường của nước ta.
Bàn riêng về nhà trường, những yếu kém chính là chương trình giảng dạy, điều kiện vật chất kỹ thuật và trường sở, thư viện, sách tham khảo… Nếu so với nền giáo dục ở thời đại tin học thì còn phải nêu nhiều yếu kém khác nữa.
Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tinh thần chống bệnh thành tích của năm 2006 và 2007 đưa ra nhiều con số, sự việc làm choáng váng cả nước, phản ánh toàn diện thực trạng nhà trường cấp trung học phổ thông của nước ta.
Dưới đây xin tập hợp một số nhận xét rất đáng suy ngẫm về cấp đại học.
Theo số liêu thống kê, cả nước hiện nay có 322 trường đại học và cao đẳng, trong đó khoảng 1/10 là dân lập (nghĩa là trường tư). Tiến sỹ Vũ Quang Việt cho rằng như thế là số trường quá nhiều so với tỷ lệ dân số và mức thu nhập quốc dân thu nhập – cao hơn Trung Quốc 15% mà mức thu nhập của nước ta chỉ bằng ½ của Trung Quốc. Anh Vũ Quang Việt lưu ý quy mô một số trường của nước ta quá lớn: “…Đại học Quốc gia TPHCM 81 ngàn, Đại học kinh tế TPHCM 34 ngàn, Đại học Huế 81 ngàn, Đại học Đà Nẵng 52 ngàn, Đại học mở Hà Nội 46 ngàn, Đại học Thái Nguyên 34 ngàn, v.v. Đây là những đại học vào hàng khổng lồ nhất thế giới. Ở Mỹ, đại học lớn nhất là Arizona State cũng chỉ có khoảng 52 ngàn sinh viên. Các đại học hàng đầu của Mỹ chỉ khoảng 15 ngàn. Tôi không hiểu trong mỗi đại học Việt Nam có bao nhiêu sinh viên là chính khoá, còn bao nhiêu là tại chức, chuyên tu, v.v.”
Bài “Chất lượng các trường đại học mới: S.O.S!” đăng trên báo Lao Động số 228 Ngày 02/10/2007 cho chúng ta bức tranh sau đây:
Nhiều trường ĐH ngoài công lập thành lập cuối những năm 1990 đều  phải vận dụng cách “lấy GV thỉnh giảng bù đắp cho khoảng trống về đội ngũ GV”. Cũng trong thời gian ấy, lãnh đạo nhiều trường ĐH công lập đau đầu vì tình trạng GV của trường, trong đó có những GV đầu ngành lao vào dạy cho trường ngoài công lập. Thay vào việc đầu tư đổi mới cách dạy học, nghiên cứu khoa học, GV nhiều trường trở thành “thợ giảng”.  Tình trạng này đến nay chưa cải thiện là bao thì lại bắt đầu có hàng loạt trường ĐH mới  ra đời tiếp tục phương châm “trông cậy vào GV thỉnh giảng;
Trong số 25 trường ĐH mới thành lập có trường hiện nay chưa hề có một GV nào là GS, PGS  hay có trình độ TS.  Ví dụ như ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) hay ĐH Trà Vinh. Một số trường khác trong báo cáo với Vụ ĐH&SĐH, Bộ GDĐT cũng chỉ có 1-2 GV là TS, không có GS, PGS, như ĐH Bạc Liêu, ĐH Phú Yên, ĐH Hoa Sen, ĐHSP Kỹ thuật Vinh… Theo bà Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH – thì có một vài trường gửi con số báo cáo số GV là GS, PGS và TS, nhưng thực tế không có như thế. Khi kiểm tra lại thì các trường giải thích “đó là con số trường đang phấn đấu!”. Tình trạng trường “ĐH giống trường THPT”  là phổ biến, nhất là khi có hàng loạt trường mới được thành lập. Nhiều trường ĐH mới hiện nay chưa có  các phòng thí nghiệm chuyên ngành. SV chủ yếu học chay, chưa có giáo trình, tài liệu tham khảo, trang thiết bị hỗ trợ dạy học…Lịch học thay đổi do lệ thuộc vào GV thỉnh giảng…”

Thực tế nêu trên cho thấy đại học mang tính đại trà kéo dài nhiều năm như vậy trong một nước nghèo, và trình độ tổ chức và trình độ quản lý đều rất hạn chế, tất yếu để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất khó tháo gỡ, càng khó tháo gỡ nhanh, nhưng trước sau không thể tránh né được.
Ngoại ngữ đang là một trong những vấn đề bức thiết nhất và cũng bất cập nhất của nhà trường nước ta. Không thể hình dung sống trong thế giới ngày nay không có ngoại ngữ. Con đường tiếp cận mọi thành tựu văn hóa, tiến bộ khoa học và kỹ thuật của thế giới, con đường hội nhập vào kinh tế và cộng đồng thế giới đều phải đi qua cái cầu ngoại ngữ. Con đường khai thác lợi thế nước đi sau và làm giàu trí tuệ của chính mình phải có ngoại ngữ hỗ trợ. Sự thật là nền giáo dục nước nhà không quan tâm đúng mức vấn đề ngoại ngữ, thường đổ tội cho cái nghèo một cách không thể biện bạch được. Đã đến lúc phải đưa chương trình dạy ngoại ngữ trở thành một phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy từ cấp phổ thông – khả năng cho phép đến đâu thì thực hiện tới đấy rồi mở rộng dần ra – ví dụ bắt đầu từ các vùng đô thị và kinh tế phát triển. Vì yêu cầu hội nhập và vì ở sát nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc, học tiếng Anh và tiếng Hoa ngày càng trở nên cấp thiết 21.
Riêng về mặt văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ, phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc, vấn đề duy dưỡng và khai thác vốn Hán nôm của quốc gia ngày càng trở nên quan trọng. Vấn đề này bị sao lãng hời hợt đến mức có nguy cơ đi tới một nền văn hóa mất gốc. Còn rất nhiều việc phải làm để văn hóa Việt trở thành tâm hồn dẫn dắt con đường đi lên của đất nước, là yếu tố gìn giữ sự trường tồn của dân tộc ta. Để đứng được trong cạnh tranh của toàn cầu hóa, Việt Nam chẳng những cần hiển diện trước thế giới là một nền kinh tế mà còn là một hình ảnh văn hóa của chính mình.
Trong nhà trường còn có vấn đề sách và thư viện không thể bỏ qua được.
Nếu nói tỷ lệ số lượng sách in ra so với dân số, có lẽ phải xếp hạng bậc cao hay rất cao cho nước ta, có lần báo chí nước ta đã tự xếp hạng ta là nước Đông Nam Á có cố lượng đầu sách hàng năm cao nhất trong vùng, không rõ chính xác đến mức nào. Nhưng xin mời các bạn ra bất kỳ cửa hàng sách hay vào bất kỳ thư viện nào, sách của tác giả nước ta nhìn chung chất lượng thấp, không ít nội dung sao chép một cách chắp vá của bên ngoài, lạc hậu xa so với trình độ chung trên thế giới, nhiều sách rất khó tin cạy cho việc nghiên cứu nghiêm túc của người dậy cũng như người học ở tất cả các bậc học. Trong khi sách dịch cũng rất nhiều chuyện để nói. Điều khổ sở nữa là giá sách nhìn chung đắt quá so với số đông trong xã hội. Dạy mà không có sách tốt cho tham khảo, nghiên cứu, cập nhật thì chỉ còn cách mài giáo án – dù là giáo án vay mượn –  ra mà dạy. Học mà không có sách cho tự học thì chỉ còn cách học nhồi sọ và học thuộc lòng. Tình hình thư viện cũng tương tự như vậy. Rất nên có một chuyên đề riêng bàn tính việc tháo gỡ vấn đề sách và thư viện.
Một vấn đề nóng bỏng thường trực: Mỗi năm chỉ có khoảng 20% thí sinh thi đại học trúng tuyển, con số này là hợp lý trong điều kiện của nước ta hiện nay. Nhưng 80% không trúng tuyển sẽ đi đâu? Các trường loại khác và các trường nghề cần cho số 80% còn lại này hiện nay thế nào, bàn tay của nhà nước và bàn tay của xã hội giúp được gì cho số 80% không đỗ còn lại này?
Vân… vân…
Phần IV của bài này mới chỉ xới lên được một số vấn đề bức xúc chứ không phải là tất cả. Mong rằng cả nước sẵn sàng chấp nhận mọi đau đớn để chấn chỉnh lại nền giáo dục nước nhà, có không ít việc phải làm lại từ đầu, có nhiều vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, nhưng không thể nôn nóng được. Làm gì cũng phải tính đến kế thừa và khai thác lợi thế nước đi sau.
Trước mắt nên vận dụng tối ưu mọi nguồn lực có trong tay, có thể phải chấp nhận một số biện pháp “tình thế” để chữa cháy tức thì vấn đề nào nào đó. Tất cả nhằm tranh thủ thời gian huy động trí tuệ của toàn thể cộng đồng dân tộc, trước hết là của các nhà khoa học, các nhà giáo dày dạn, cùng nhau thảo luận cho vỡ vấn đề. Rất cần bàn thảo rộng rãi, công khai và dân chủ trong cả nước, sao cho trong trong một hai năm tới đất nước có một kế hoạch chấn chỉnh nền giáo dục được cả nước hậu thuẫn mạnh mẽ, xây dựng được một chiến lược phát triển con người và nguồn nhân lực của nước ta theo tinh thần  thắt lưng buộc bụng cho cái học để sớm thoát khỏi tụt hậu và cái nghèo.
Nên tổ chức trưng cầu dân ý về những vấn đề lớn, nên sửa những điều trong Hiến pháp có liên quan về những vấn đề hệ trọng của lĩnh vực giáo dục nước nhà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh sự cần thiết và nêu lên nội dung phải đổi mới và kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc gia là bước đi đầu tiên. Kinh nghiệm về cơ quan chuyên trách cấp cao như vậy ở các quốc gia rất phong phú, làm việc có kết quả thực chất, rất đáng để nước ta tham khảo.
Tôi tự hỏi mình, cả bài viết hơn hai chục trang giấy như thế này mà chỉ làm được mỗi cái việc điểm ra một số vấn đề bức xúc và nhắc lại đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp? 
Vâng, mới chỉ có thế, không thể khác được. Bởi vì trước hết nên đặt lên bàn mọi vấn đề cho sự thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong cả nước. Nên thực hiện sớm đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hội đồng giáo dục quốc gia được chấn chỉnh cần bắt tay ngay vào bàn thảo mọi vấn đề đã được đặt lên bàn. Xin làm việc này ngay. Vì mỗi ngày bây giờ được đếm bằng vàng, bằng hơn vàng!

Thay cho phần kết luận
Nếu được phép nêu ra một đề nghị với nhà nước, tôi xin nói: Đề nghị nội dung của nhiệm vụ phát triển con người và nguồn nhân lực của nước ta nên tập trung vào yêu cầu nâng cao quyền năng con người. Không thể cầm tay chỉ bảo từng người trồng cây gì con gì, làm sản phẩm nào để thoát được nghèo hèn. Nhưng con người được nâng cao quyền năng về trí tuệ, về ý chí sẽ tìm được cho mình con đường đi lên, trong đời sống và lập nghiệp sẽ khó bị lừa hay bị bắt nạt, dễ tiếp thu cái mới và không dung tha cái lạc hậu, sẽ biết cách thực hiện và bảo vệ lợi ích của mình và lợi ích cộng đồng, sẽ làm được nhiều việc lớn. Đấy là con đường hứa hẹn nhất khắc phục sự tụt hậu của đất nước. Quốc gia có những công dân đầy quyền năng như thế, quốc gia này sẽ tiến lên văn minh hiện đại. Đề nghị này khó, nhưng rất nên.
Nếu được phép nêu ra một đề nghị như thế với người dân, với thanh thiếu niên, tôi xin nói: Yêu tổ quốc mình với tất cả bản lĩnh người Việt Nam, với tinh thần thắt lưng buộc bụng để mà học, với tất cả sự khiêm tốn đến nhẫn nhục, với lòng kiên nhẫn như đào núi lấp biển, xây dựng ý thức hiệp đồng, gìn giữ bằng được chữ tín, tất cả để làm chủ bản thân mình và làm chủ thực sự đất nước của mình, gìn giữ và không dung tha sự vi phạm quyền làm chủ này. Tôi hy vọng đó cũng là con đường mỗi bạn và cả nước ta có thể trở thành đối tác tin cạy của cả thế giới trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.
Giáo dục, đào tạo như thế nào để nước ta có những công dân giàu quyền năng như thế? Để Việt Nam xứng đáng với lịch sử của mình và vị thế quốc tế mới!

—————————–
1 Trong bài này tôi chưa dám bàn đến lĩnh vực y tế.
2 Tham khảo các Văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc VI, VII, VIII, IX và X và nhiều Hội nghị Trung ương có liên quan.
3 Tuy nhiên cũng nên thận trọng với đánh giá này, năm 2007 Thái Lan trong tình hình có đảo chính mà  đánh giá môi trường kinh doanh vẫn được nâng cấp lên 5 bậc (do có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh). WB cho rằng tuy chỉ lên 5 bậc nhưng chất lượng cạnh tranh của Thái Lan cao hơn Việt Nam nhiều.
4 Tạm dịch: Người thực hiện xuất sắc công cuộc đổi mới.
5 Tham khảo các bài báo, bài viết sau đây: (1) Võ Nguyên Giáp, “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà”, Tuổi trẻ, 10-09-2007; (2) Hoàng Tụy, bài  “Xã hội hóa hay là đẩy gánh nặng cho dân?” đăng trên Người Lao Động số ra ngày 14.8.2007 và Tia Sáng ngày 24/8/2007, bài “Học phí và đổi mới giáo dục” đăng trên TBKTSG 04-10-2007; (3)Phạm Duy Hiển, “Thử đi tìm một mô hình khác phát triển khoa học”, (4) Bùi Trong Liễu – Trả lời phỏng vấn ngày 06-08-2007 – toàn văn, đề nghị tìm đọc trên http://www.diendan.org/viet-nam/;  Hà Nội 04-010-2007; (5) Nguyên Ngọc, “Lại xôn xao chuyện Triết lý giáo dục” – bản toàn văn bài 20-09-2007; (6) Tọa đàm tháng 9-2007 của tuần báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần về giáo dục, đăng trên Tuổi trẻ ngày 29-09-2007; (7) Vũ Quang Việt, “Xin được đối thoại với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân” ngày 17-09-2007, toàn văn trên Viet-Studies.info (8) Phạm Xuân Yêm, “Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam”, Vietsciences 11-09-2007: (9)Mai Đình, “Chất lượng, hiệu quả trong giáo dục”; (10) Lê Việt Hưng (NCS tại Nottingham, UK) “Đề án 20.000 tiến sỹ không thực thi và quá mạo hiểm”, Dân Trí ngày 03-10-2007; (11) “Chất lượng các trường đại học mới: SOS!”, bài ghi lại của Kỳ Thanh, báo Lao Động ngầy 02-10-2007; (12) Nguyễn Trung, “Đề án 112 và 20.000 tiến sỹ…, Tuổi trẻ cuối tuần số 21-09-2007 và bài phản biện của Đá Chông: “Phê phán phải dựa trên  Biết và Hiểu” đăng trên CAND ngày 25-09-2007; (13)  “Về triết lý giáo dục Việt Nam”, Tạp chí Cộng Sản 26-09-2007; (14) Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Quốc gia Hà nội, Bài “Nh­ng quan träng h¬n vÉn lµ  ®øng trªn lËp tr­êng nµo, v× lîi Ých cña ai?”, Hà nội 01-10-2007;  (15) Tham khảo thêm thư của Tổng thống Pháp N. Sarkozy ngày 04-09-2007 gửi những người làm công tác giáo dục ở Pháp (bản do anh Phạm toàn dịch)… vân vân…
6 Tham khảo bài “Xin được đối thoại với Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề giáo dục” của tiến sỹ Vũ Quang Việt, Diễn đàn online, 17-09-2007.
7 Phạm Duy Hiển, “Thử đi tìm một mô hình khác phát triển khoa học”
8 (tham khảo thêm bài “Xin được đối thoại…” của Vũ Quang việt, và bài “Chất lượng nguồn nhân lực quá yếu”, của Nguyễn Xuân Hãn, báo Lao Động ngày 06-10-2007).
9 “Có người nghĩ đơn giản rằng người Việt Nam chúng ta thông minh, hiếu học, cần cù thì chẳng có gì đáng lo khi thế giới chuyển sang lấy tri thức làm nguồn lực phát triển chủ yếu. Nhưng kinh nghiệm hai mươi năm qua là một bài học đắt giá : chúng ta càng tự nhận thông minh không kém bất kỳ ai thì càng tụt hậu dài dài trong nhiều lĩnh vực khoa học, giáo dục, ngay cả so với những nước chẳng phải xuất sắc gì trên thế giới. Nói ra đáng tủi hổ nhưng là sự thật, chỉ có các học vị, học hàm rởm, những Tiến Sĩ ,Viện Sĩ giấy, những chức vị hư danh thì không nước nào trên thế giới sản xuất nhanh, nhiều, rẻ bằng ta. Mà khi những thứ này tràn ngập xã hội thì còn chỗ đâu cho trí tuệ chân chính phát triển” – Hoàng Tụy. (Xin phụ họa vào ý kiến của anh Hoàng Tụy một giai thoại  buồn: Trong một cuộc họp có một số quan chức nước ngoài ở Hà Nội, giờ giải lao họ hỏi tôi: Tại sao SEA Game 23 trong danh sách quan chức Việt Nam được chào mừng tại buổi lễ khai mạc có nhiều giáo sư tiến sỹ đến thế, họ chưa hề được chứng kiến chuyện này tại một buổi lễ tương tự như thế ở bất kỳ nước nào! Đầu óc tôi đặc lại vì không có câu trả lời).
10 Vụ xử án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn là một bê bối điển hình; huyện Hải Lăng, Quảng Trị, giao đất tái định cư cho dân xã Hải Lâm chạy lũ ngay trên khu vực còn bom đạn thời chiến tranh nằm trong lòng đất chưa được rà xoát bốc đi và hàng năm vẫn xảy ra tai nạn sát thương – Tuổi Trể ngày 11-10-2007! Vân vân…
11 Xin lưu ý: Các nước tư bản phát triển, bên cạnh phát triển hệ thống trường công các cấp với nguồn chi lớn từ ngân sách nhà nước, không hạn chế phát triên hệ thống tường tư,  nhưng toàn bộ vấn đề giáo dục phải tuân thủ những quy định chung của nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, nguyên tắc phi lợi nhuận, không thể mạnh ai nấy làm; tuy vậy vấn đê mất bình đẳng về cơ hội đối với học sinh và thanh niên ở những nước này vẫn là vấn đề nan giải.
12 Tìm đọc trên “Dân trí” ngày 11-10-2007, http://www1.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/10/200997.
13 Nên tìm đọc diễn văn nhậm chức của bà hiệu trưởng Đại học Harvard, Drew G. Faust, ngày 12-10-2007 để hiểu thêm những vấn đề đặt ra cho giáo dục ở Mỹ, cảnh báo tính lỗi thời của nền đại học Mỹ… VSI – 15 Oct 2007.
14 Xem bài “Singapore’s Failing Bid for Brainpower” của Simon Montlake,  Far Eastern Economic Review October 2007. Đại ý: Singapore muốn vời đại học Harvard sang cùng với thương hiệu của trường này nhưng chưa thành.
15 Toàn văn xem: http://media.education.gouv.fr/file/41/3/6413.pdf
16 Xem:  “Lên bục giảng bằng giáo án… vay mượn!” Vietnamnet, 00:06′ 08/10/2007 (GMT+7); bài
 “Thiếu giảng viên là giáo sư, phó giáo sư ở trường ĐH mới”, Người Lao động ngày 02-10-2007…
17 Tham khảo bài của tác giả Đá Chông đăng trên báo CAND 25-09-2007 giải thích vì sao cần đào tạo 20.000 tiến sỹ.
18Tìm đọc trên  « Không cung  với  cầu rởm », đăng ngày 30/1/2007 trên Vietnanmnet. http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/659380/ và Hà Nội Mới đăng lại ngày 31/1/2007 : http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/118003/ . Ngoài ra, có ý kiến hỏi: Theo Điều 87 của Luật giáo dục năm 1998 và Điều 100 của Luật giáo dục sửa đổi năm 2005, có hiệu lực từ 01-01-2006 thì vấn đề đổi mới giáo dục đại học phải được Quốc hội phê chuẩn; nhưng Nghị quyết số14/2005NQ-CP  ngày 02-11-2005 của Chính phủ về “đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020” có cần sự phê chuẩn này không? Nếu cần mà chưa được phê chuẩn thì nên xem xét Nghị quyết 14 này như thế nào? So sánh nghị quyết này với Điều 36 của Hiến pháp năm 2002 có những điểm gì không phù hợp?• Có thông tin nói Ủy ban giáo dục của Quốc hội đã từng nhắc nhở cần thiết có sự phê chuẩn nghị quyết này… Nghị quyết 14 là cơ sở quan trọng cho đề án đào tạo 20.000 tiến sỹ.
19 Nền giáo dục Ấn độ có nhiều thành tựu quan trọng, song cũng có nhiều vấn đề rất giống tình hình ở nước ta, nhưng cách tiếp cận khác ta; tham khảo bài: In India, Economic Success Leaves Universities Desperate for Professors,  Đăng tài trên Viet-studies. Info ngày 10-10-2007.
20 Nhân đây xin nhắc lại chuyện cũ của Trung Quốc: Một thời hàng vạn học sinh TQ ra nước ngoài học, song số trở về rất ít, Đặng Tiểu Bình đã phải tuyên bố: Ai học xong về là giúp nước, ai học xong ở lại cũng là vì nước! Nhiều năm qua đi mãi cho tới gần đây kinh tế TQ lên,  cơ hội làm ăn trong nước lớn và thông thoáng, số du học trở về nước ngày một đông dần, họ làm những việc họ lựa chọn chứ không phải theo kế hoạch của nhà nước. Thực tế này của TQ cho ta nhiều điều để suy nghĩ.
21 Đai học Quốc gia TPHCM là trường lớn, song chỉ có 11,6% giảng viên môn tiếng Anh có chứng chỉ TOEFL, 2 năm học gần đây điểm thi môn tiếng Anh của sinh viên của trường nhìn chung đạt 4/10 nghĩa là dưới trung bình (Tuổi trẻ ngày 17-10-2007). Còn các trường tầm cỡ thấp hơn thì sao?

Nguyễn Trung

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)