Những băn khoăn ban đầu của một cuộc thay đổi lớn
Việc triển khai Nghị định 115 tạo nên một biến chuyển sâu sắc trong hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN). Công cuộc đổi mới này bắt nguồn từ nhu cầu chấm dứt những tình trạng bất hợp lý như: phần lớn giống vật nuôi, cây trồng, mẫu máy móc, thiết bị, giải pháp KHCN áp dụng trong sản xuất nông nghiệp phải nhập từ nước ngoài; nhiều nông dân phải tự mày mò chế tạo công cụ, tự chọn lọc giống, nhân giống; báo cáo nghiên cứu nghiệm thu xong chỉ để vào ngăn kéo; nhiều luận án trên đại học sau khi bảo vệ trước hội đồng chỉ để nộp vào thư viện...
Mặt khác, việc áp dụng Nghị định mới sẽ đụng chạm đến quyền lợi, cuộc sống vật chất và tinh thần của hơn 5000 cán bộ nghiên cứu khoa học ở hàng chục Viện và Trung tâm nghiên cứu trong cả nước. Có những cán bộ xưa nay chuyên tâm nghiên cứu công nghệ thì nay phải tìm hiểu về thị trường, về khách hàng, giá cả. Có nhiều cán bộ đã cống hiến tuổi trẻ và phần lớn sức lực xây dựng các cơ quan nghiên cứu, cho chỉ đạo sản xuất trong hoàn cảnh khó khăn trước đây, nay phải đối mặt với kỹ năng mới về tin học, ngoại ngữ… Nhiều cán bộ lãnh đạo trăn trở trước bài toán khó là phải chịu trách nhiệm về mọi thành công, thất bại của đơn vị và cả của cá nhân cán bộ, trong khi về pháp lý và tình cảm thì không có cơ chế để đưa người tài vào đơn vị, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu ra khỏi cơ quan…
Những đòi hỏi thiết thân và quyết liệt của thực tế đó đã dấy lên trong cán bộ khoa học và quản lý ngành nông nghiệp nhiều cuộc thảo luận sôi nổi và thẳng thắn xung quanh chuyện làm thế nào để việc triển khai Nghị định 115 thực sự tạo ra bước đột phá cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp?
Điều băn khoăn lớn của cán bộ quản lý và nghiên cứu nông nghiệp là Nghị định 115 mới nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của các cơ quan nghiên cứu chiến lược, chính sách và các cơ quan nghiên cứu cơ bản trong khi chưa đề cập đến tính chất quan trọng và đặc biệt của loại hình nghiên cứu dịch vụ công như nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
Nếu như công tác nghiên cứu khoa học của phần lớn các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ có thể đưa ra các giải pháp công nghệ và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của những khách hàng cần mua công nghệ và có khả năng thanh toán (các doanh nghiệp, nhà máy, địa phương…), các công nghệ này thường có thể đăng ký được hoặc bảo vệ được dưới dạng các bí quyết, know-how, patent… thì công tác nghiên cứu KHCN nông nghiệp (trừ một số công nghệ đặc biệt như ưu thế lai hoặc một số máy móc cao cấp) chủ yếu đưa ra các sản phẩm KHCN nhằm cho không, phục vụ mọi người.
Các giống cây trồng, vật nuôi dễ dàng được người dùng tự nhân giống, các mẫu máy móc thiết bị dễ dàng bắt chước và sản xuất hàng loạt, các giải pháp kỹ thuật thì đơn giản và được tuyên truyền rộng rãi cho mọi người. Mặt khác, hầu hết khách hàng của các công nghệ này là nông dân nhỏ chưa có khả năng mua mà ngược lại phải hỗ trợ cho họ tiếp nhận và áp dụng KHCN.
Do tính chất đặc thù này, thị trường KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về lâu dài khó có thể vận hành như trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị, đây là thực tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới. Khi tỷ lệ đóng góp của GDP nông nghiệp trong tổng GDP chung của nền kinh tế giảm xuống dưới 15 % thì hầu hết các nước trên thế giới bắt đầu chuyển sang trợ cấp cho nông nghiệp và một trong những giải pháp trợ cấp quan trọng được WTO cho phép trong “hộp xanh” là trợ cấp trực tiếp cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông. Câu hỏi đặt ra là phải thị trường hóa hoạt động KHCN như thế nào trong điều kiện cơ chế thị trường vận hành không hoàn chỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp?
Bài toán khó giải đối với lãnh đạo các Viện lớn trong ngành nông nghiệp như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Khoa học Thủy lợi, Viện Khoa học Lâm nghiệp… làm thế nào tạo ra khoản tiền thay thế cho kinh phí được nhà nước cấp hàng năm để trang trải cho hoạt động thường xuyên (bao gồm quỹ lương, chi phí quản lý hành chính sự nghiệp…) khi nguồn thu này bị cắt theo Nghị định 115? Muốn có được một khoản “lời” từ các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ để bù đắp cho các khoản chi trung bình từ 7-9 tỷ đồng/năm/viện, thì ít nhất tổng giá trị các hoạt động này của Viện phải đạt mức trên 100 tỷ đồng. Đây là mức hoạt động mà ngay cả nhiều doanh nghiệp lớn cũng khó đạt được.
Muốn xử lý bài toán tăng hiệu quả cho đơn vị, các doanh nghiệp thông thường áp dụng giải pháp giảm số lượng cán bộ dôi dư, cắt bỏ các bộ phận không cần thiết, giảm quy mô nhân lực của đơn vị xuống còn 50% -70%, thậm chí thấp hơn, thay vào đó là số nhỏ cán bộ khoa học có năng lực và năng suất lao động cao, áp dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, một số nội dung trong Nghị định 115 và Thông tư liên tịch số 12 hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 vẫn hạn chế lãnh đạo các Viện thực hiện giải pháp trên như “Đối với cán bộ, viên chức đã được tuyển dụng vào biên chế của các tổ chức hành chính sự nghiệp Nhà nước trước ngày 01 tháng 07 năm 2003 hiện đang làm việc tại tổ chức KH&CN thì thủ trưởng tổ chức KH&CN thực hiện ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn…”; “Tổ chức KH&CN phải đảm bảo chi trả tiền lương và các khoản trích theo lương cho cán bộ, viên chức và người lao động tối thiểu bằng mức quy định của Nhà nước về ngạch lương, bậc lương và phụ cấp chức vụ…”; “Thủ trưởng tổ chức KH&CN có trách nhiệm… giữ gìn đoàn kết nội bộ…” mà không có quy định cụ thể cho phép sắp xếp lại cán bộ và trả thù lao theo hiệu quả và khả năng đóng góp của cán bộ, chưa có quyết định rõ rệt về chính sách bồi hoàn đối với cán bộ phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công tác khác.
Vừa qua, có viện nghiên cứu nông nghiệp đã xảy ra hiện tượng công nhân tự tử trong phòng làm việc của thủ trưởng vì không đồng ý sắp xếp lại công việc, một loạt trường hợp kiện cáo kéo dài của một số cán bộ cấp phòng chỉ vì không được đề bạt hoặc bị cách chức. Trong hoàn cảnh đó, với những quy định hiện hành trong Nghị định 115, khó có thủ trưởng nào dám cắt giảm biên chế, thay đổi lãnh đạo để thu hút nhân tài. Mà không làm được điều này, trong các Viện không thể xảy ra quá trình “lột xác” vươn lên như các hợp tác xã trong “Khoán 10” trước đây.
Một băn khoăn nữa của các nhà khoa học là làm thế nào tạo ra một sân chơi công bằng cho mọi đối tượng nghiên cứu tham gia đấu thầu nhiệm vụ KHCN. Cơ chế mới vẫn duy trì sự khác biệt giữa các đơn vị nghiên cứu (cơ quan tư nhân không được Nhà nước trợ giúp, đơn vị KHCN tự chủ được hỗ trợ một phần, các trường đại học, cơ quan nghiên cứu cơ bản được trợ cấp nhiều hơn…). Vậy khi cùng tham gia đấu thầu, giá thành của các đơn vị sẽ khác nhau, liệu có thể cạnh tranh công bằng nếu chủ đầu tư chỉ chú ý về tiêu chí giá?
Những băn khoăn xung quanh việc triển khai Nghị định 115 ở Bộ NN&PTNT cho thấy quá trình đổi mới trong quản lý KHCN không hề dễ dàng. Đó cũng là điều tất nhiên. Trước đây, khi công cuộc đổi mới bắt đầu từ nông nghiệp thì từ “Chỉ thị 100” đến “Khoán 10” phải trải qua 9 năm trăn trở, định hướng. Nhưng chỉ có mạnh dạn bắt tay vào thực hiện thì những giải pháp thực tế sẽ xuất hiện trả lời thiết thực cho mọi băn khoăn, thắc mắc ban đầu. Một số Viện và Trung tâm của Bộ NN&PTNT đã cam kết chuyển đổi ngay theo Nghị định 115, tiên phong đi trước làm thí điểm. Các cơ quan quản lý của Bộ cũng đồng lòng ủng hộ cho tiến trình này. Chắc chắn nông dân và những người tiếp thu tiến bộ kỹ thuật sẽ là những người ủng hộ nhiệt tình nhất và là những người được hưởng lợi cuối cùng từ công cuộc đổi mới quản lý KH&CN.
TUYÊN TRUYỀN VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHỆ?