Những điểm “xung yếu” trong chiến lược phát triển bền vững

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều điểm “xung yếu” chiến lược: hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng; nguồn nhân lực; các ngành công nghiệp phụ trợ; cấu trúc thị trường và bộ máy hành chính… Vì vậy ngoài một loạt biện pháp để kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đưa ra tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội, để có thể phát triển nhanh, bền vững cần thực thi một cuộc cải cách căn bản về nguyên lý và triệt để về cấu trúc.

“Nút” giao thông vận tải và năng lượng
Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng đã có những bước tiến, tuy nhiên các lĩnh vực hạ tầng cụ thể phát triển không đều, phản ánh sự yếu kém tổng thể của hệ thống hạ tầng. Các nhà đầu tư nước ngoài đều khuyến cáo rằng để nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nên là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Nhưng việc giải quyết nhiệm vụ này đòi hỏi một lượng vốn lớn đến mức nền kinh tế không thể tự mình đáp ứng, kể cả khi có sự yểm trợ tích cực của nguồn ODA. Nhận định này hàm ý rằng việc cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta trong thời gian tới phải đi theo một lộ trình nhất định.
Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải: Hạ tầng giao thông chủ yếu của Việt Nam hiện nay là hệ thống đường bộ. Trên thực tế, hệ thống giao thông chưa gắn kết thông suốt trong và ngoài nước. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được một hệ thống đường cao tốc theo đúng nghĩa. Ngoài ra còn một điểm cốt yếu khác là hệ thống giao thông đô thị nhiều ách tắc.

Trong khi một số thị trường bị kiềm chế phát triển bởi các thiên kiến và nhận thức cũ (thị trường đất đai, lao động) thì một số thị trường “bậc cao” lại được hỗ trợ phát triển thiên lệch (thị trường chứng khoán) hoặc ít được chú ý (thị trường KH&CN). Kết cục là một hệ thống thị trường yếu tố “khấp khểnh”, thiếu đồng bộ hình thành. 

Điểm xung yếu về năng lượng: Mức tiêu thụ điện thấp của Việt Nam gắn với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Thiên tai, bão lụt làm gia tăng tính bất ổn của tình trạng này. Mức độ bảo đảm an ninh năng lượng thấp thể hiện rõ ở biên độ dao động mạnh của mức thiếu hụt sản lượng điện cả năm, từ 150 triệu kWh lên 1,5 tỷ kWh. Hiệu quả sử dụng năng lượng thấp làm cho an ninh năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thừa lao động, thiếu việc làm
Nguồn nhân lực Việt Nam bị yếu kém ở một số mặt quan trọng, trong đó, nổi bật là:  thừa lao động và thiếu việc làm gay gắt. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều so với mô tả của các số liệu thống kê chính thức. Cơ cấu lao động dịch chuyển chậm dù cơ cấu ngành (sản lượng) biến đổi khá nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm chậm nhưng số lượng tuyệt đối vẫn tăng. Thừa lao động nói chung nhưng lại thiếu nghiêm trọng lao động chuyên môn, lao động có kỹ năng và trình độ cao là một đặc điểm nổi bật của nguồn nhân lực Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ yếu kém
Trong cơ cấu công nghiệp hiện nay, sự thiếu vắng hay kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ là một đặc điểm nổi bật. Điều báo chí thường nêu gần đây “nền công nghiệp không đủ năng lực sản xuất đến cả chiếc…đinh vít” hay “ngành công nghiệp điện tử 30 năm chưa thoát kiếp làm thuê”.v.v… mô tả khá chính xác thực trạng công nghiệp. Những nguyên nhân có thể được nhận diện đó là: Từ trước đến nay, lực lượng chủ đạo trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhà nước, chủ yếu hoạt động theo nguyên tắc khép kín, ít cần các doanh nghiệp phụ trợ. Khu vực tư nhân trong nước non yếu và chậm phát triển không được khuyến khích, không có điều kiện và thiếu khả năng định hướng để phát triển ngành phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển không tương xứng khiến sản xuất của các doanh nghiệp FDI bị lệ thuộc nhiều các sản phẩm phụ trợ nhập khẩu. Từ đó gây những hậu quả tiêu cực. Và ở khía cạnh dài hạn sẽ  hạn chế sức lan tỏa phát triển từ khu vực FDI đến khu vực trong nước, khu vực tư nhân.
Hệ thống thị trường không đồng bộ

Nhiệm vụ cải cách Nhà nước và cải cách hành chính hiện nay không phải ở vấn đề “biên chế” thuần túy mà là ở chỗ tái cấu trúc cơ cấu và chức năng của bộ máy cho cân đối với đòi hỏi của nền kinh tế và xã hội chuyển đổi.

Hai mươi năm phát triển thể chế thị trường là quãng thời gian không dài. Song với một nền kinh tế đi sau, phải thừa nhận rằng quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong thời gian qua diễn ra khá chậm chạp. Nhìn từ góc độ “có vấn đề”, có thể thấy quá trình này mang hai đặc trưng căn bản: Đầu tiên là tính “tự phát” cao, nặng tính kinh nghiệm, dựa vào sự phát triển “tùy hứng”. Tiếp đến là thiếu tính tổng thể, không được dẫn dắt bởi một quy hoạch phát triển bao quát có tầm nhìn xa, theo một lộ trình phù hợp và đủ rõ ràng.
Trong khi một số thị trường bị kiềm chế phát triển bởi các thiên kiến và nhận thức cũ (thị trường đất đai, lao động) thì một số thị trường “bậc cao” lại được hỗ trợ phát triển thiên lệch (thị trường chứng khoán) hoặc ít được chú ý (thị trường KH&CN). Kết cục là một hệ thống thị trường yếu tố “khấp khểnh”, thiếu đồng bộ hình thành. Trong một hệ thống tổng thể không đồng bộ, không thể có một thị trường riêng biệt cụ thể nào có thể phát triển vững chắc và vận hành tốt.
Cơ chế và năng lực quản lý Nhà nước
Cải cách hành chính được định là một “khâu then chốt” của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, sau hàng chục năm triển khai, bước tiến đạt được là khiêm tốn. Sự tụt hậu của “cải cách bộ máy Nhà nước”, bao gồm “cải cách nền hành chính Nhà nước”, so với đổi mới kinh tế, là thực trạng được ghi nhận trong thời gian gần đây.
 

Cơ chế lương hiện nay vẫn dựa vào 2 trụ cột là “chủ nghĩa bình quân” và chế độ “biên chế suốt đời”. Tiền lương ít được coi là yếu tố “đầu vào” mà chủ yếu được coi là “đầu ra” (phân phối thu nhập). Lương hầu như cũng không gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân. Vì lương không đủ sống , cán bộ Nhà nước “được phép” làm thêm, kiếm thêm các khoản ngoài lương. Đối với nhiều người, đây mới là khoản thu nhập chính.

Về cơ cấu và chức năng của bộ máy, thực tế cho thấy công cuộc cải cách bộ máy Nhà nước đang mắc vào một nghịch lý: công việc ùn tắc trong khi đòi hỏi phải giảm biên chế lại rất gay gắt. Tình trạng 70% hồ sơ hành chính không được giải quyết đúng  hẹn là phổ biến ở tất cả các địa phương và ở mọi cấp.
Nhiệm vụ cải cách Nhà nước và cải cách hành chính hiện nay không phải ở vấn đề “biên chế” thuần túy mà là ở chỗ tái cấu trúc cơ cấu và chức năng của bộ máy cho cân đối với đòi hỏi của nền kinh tế và xã hội chuyển đổi.
Về cơ chế vận hành bộ máy quản lý Nhà nước: Sau 20 năm, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được cơ chế “xin-cho”; “bộ chủ quản”,v.v… Chúng ta cũng chưa khắc phục được hậu quả phát sinh như bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả; nạn tham nhũng, gánh nặng chi phí cho bộ máy hành chính.
Quan hệ xã hội ngày càng nhiều, nhu cầu kiểm tra và quản lý các mối quan hệ ngày càng lớn buộc bộ máy hành chính ngày càng phình to, bất chấp các chương trình tinh giản biên chế. Việc thực thi nguyên lý “xin-cho” và “quản lý tuyệt đối” còn tạo ra sức ỳ trong xã hội. Trước cái mới, người ta thụ động chờ “lệnh”. Điều này hủy hoại sức sáng tạo, cản trở  tính năng động – phẩm chất quan trọng nhất của thời đại cạnh tranh.
Nguyên lý tổ chức của bộ máy còn bất cập: Lâu nay, hoạt động thu chi ngân sách căn cứ chủ yếu vào “thu” (“thu đủ-chi đủ”; “lấy  thu bù chi”). Cơ chế này làm cho các nguyên tắc chi tiêu ngân sách thiếu chặt chẽ, rõ ràng. Từ đó dẫn tới chi tràn lan, chi bình quân, không kiểm soát được chi. Đây là một “lỗi hệ thống” nghiêm trọng, gây ra hai bất cập lớn.
Tình trạng không phân định rõ chức năng Nhà nước và thị trường trong vai trò tổ chức và điều chỉnh nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Cơ chế lương hiện nay vẫn dựa vào 2 trụ cột là “chủ nghĩa bình quân” và chế độ “biên chế suốt đời”. Tiền lương ít được coi là yếu tố “đầu vào” mà chủ yếu được coi là “đầu ra” (phân phối thu nhập). Lương hầu như cũng không gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân. Vì lương không đủ sống, cán bộ Nhà nước “được phép” làm thêm, kiếm thêm các khoản ngoài lương. Đối với nhiều người, đây mới là khoản thu nhập chính. Theo logic đó, sự mất cân đối giữa công việc – tiền lương ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lại tồn tại một hệ thống “trợ cấp chính sách” theo chức vụ: nhà ở, phương tiện đi lại và nhiều ưu quyền phân phối không chính thức khác. Cán bộ càng cao thì “phần lợi ích chính sách” này càng lớn, thu nhập thực tế càng cao. Vì thế, họ khó thấy sự bức bách của việc phải thay đổi căn bản chế độ tiền lương.
Do vậy, để cải cách hành chính thành công, cần tập trung vào khâu then chốt là cải cách chế độ tiền lương trongkhu vực Nhà nước theo nguyên lý “lương là đầu vào, chỉ trả theo công việc”, minh bạch hóa và cắt giảm, tiến tới cắt bỏ phần “trợ cấp chính sách”, tách tiền lương ra khỏi các khoản trợ cấp xã hội.
***
Tất cả những điều nói trên cho thấy chúng ta còn nhiều vấn đề, nhiều điểm yếu cốt tử trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững. Và khắc phục thực trạng đó không thể chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa, nâng cấp một vài yếu tố, công đoạn cụ thể, riêng biệt của hệ thống. Mà cần một cuộc cải cách toàn diện, căn bản về nguyên lý và triệt để về cấu trúc, trong đó cải cách hành chính dù chỉ là một khâu trong toàn bộ dây chuyền cải cách Nhà nước, song trong tổng thể, nó là khâu khởi động, là điểm đột phá bảo đảm cho công cuộc cải cách thành công.

Trần Đình Thiên

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)