Những phiền phức tự ta chuốc lấy
Ở từng khía cạnh của đời sống, trong bữa cơm, buổi họp, trong lúc làm việc, nghỉ ngơi, trong khi kiếm sống lẫn rong chơi,... không lúc nào người Việt không phải gánh chịu phiền phức do những thói hư tật xấu của chính mình gây ra, nhưng thường chúng ta tự kỷ ám thị rằng, cái phiền phức ấy là do người khác mang tới - TS Trần Trọng Dương trả lời phỏng vấn quanh sự việc tiếp viên VNA bị bắt tại Nhật vì nghi ăn cắp.
Việc lên án cái xấu là chuyện nên làm. Ở thời nào cũng vậy, cái bất lương, bất thiện luôn bị lên án. Thế nhưng thời nào cũng có, lúc nào cũng có, ở đâu cũng có. Với thời đại thông tin như hiện nay, việc lên án các hành vi xấu đó lại càng dễ được hưởng ứng, bởi tốc độ truyền tin và khả năng phản ứng của người đọc trực tiếp qua internet.
Thói xấu của người Việt trong những năm qua ai cũng đã quá hiểu rồi, ai cũng biết quá nhiều rồi, ai cũng phải chịu đựng nó hàng ngày hàng giờ, ở từng khía cạnh của đời sống, trong bữa cơm, buổi họp, trong lúc làm việc, nghỉ ngơi, trong khi kiếm sống lẫn rong chơi,… không lúc nào người Việt không phải gánh chịu một thứ phiền phức do những thói hư tật xấu của chính mình gây ra. Nhưng thường chúng ta tự kỷ ám thị rằng, cái phiền phức ấy là do người khác mang tới. Giống như, chúng ta thả rác ở phố này, nhưng giẫm phải vỏ chuối ở phố khác, rồi đổ lỗi đó cho một ai đó, mà không biết ai đó là ai, nhưng nhất định đó không phải là mình. Cho nên, vụ nữ tiếp viên Bích Ngọc, theo tôi, ngoài việc chỉ trích, chúng ta thử nhìn lại xem có bóng dáng cô Bích Ngọc nào trong chính chúng ta hay không.
* Theo ông ngành giáo dục có trách nhiệm gì trong việc bồi dưỡng văn hóa và xây dựng nhân cách con người từ trên ghế nhà trường?
Trước tiên, tôi muốn nói rằng, để xây dựng nhân cách con người, thì đó là công việc không phải chỉ riêng của ngành giáo dục. Nhưng với tư cách là cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này, thì ngành giáo dục của ta hiện giờ chỉ là nơi đào tạo con người có tri thức, có học vị, có bằng cấp, có tay nghề. Còn những sản phẩm giáo dục (con người), họ có đạo đức hay không thì chúng ta chưa có một giải pháp nào để cải thiện. Đó là một khoảng trống, một lỗi rất lớn của ngành giáo dục hiện nay. Chúng ta có thể đào tạo ra hàng nghìn tiến sĩ bác sĩ giỏi, nhưng nếu có trình độ chuyên môn mà không có trái tim, không có y đức thì mỗi bác sĩ tiến sĩ đó đều có tiềm năng để trở thành một “bác sĩ Cát Tường”. Có đức mà không có tài đã là nguy rồi (vì sẽ chậm phát triển), có tài mà không có đức thì chỉ có mà phá hoại! Phá hoại mà lại phá một cách có tri thức và vô lương tâm thì tai hại không biết bao nhiêu mà kể!
* Ông có nghĩ: Việc chỉ trích một cá nhân (né tránh trách nhiệm) khi sự việc xảy ra là nỗi hổ thẹn thứ hai của chúng ta.
Tôi là một người quan sát ở bên ngoài. Không biết nội tình bên trong của vụ cô Bích Ngọc như thế nào. Nếu cô làm việc đó một mình thì to gan quá, mà dại quá. Cô làm việc đó với nhiều đồng nghiệp khác thì mức độ lại trầm trọng hơn nhiều, tức là phạm pháp có tổ chức! Nhưng nếu tổ chức thoát nạn một cách hợp pháp để dồn hết lỗi lầm cho một cá nhân thì đó là bất nhân đó. Mà cái kiểu làm ăn tập thể còn trách nhiệm thì để dành cho con tốt thí, tôi thấy đó là một thủ pháp phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Tôi không ngạc nhiên về điều này!
Còn hổ thẹn ư? Chúng ta đã/ đang/ sẽ có nhiều nỗi hổ thẹn còn lớn hơn nhiều. Nỗi hổ thẹn không chỉ với người Nhật!
* Môi trường xã hội hiện nay cũng đầy rẫy những sự việc tương tự, theo ông cần những yếu tố nào để cải thiện?
Với tình hình chúng ta thấy hiện nay, chẳng có một biện pháp nào để ngăn chặn những việc tương tự như vậy. Xã hội chúng ta đang vận hành theo những nguyên tắc không minh bạch. Ai cũng chỉ vì cái lợi riêng của mình. Cái gì cũng có thể mua được. Bất cứ hàng gì cũng có khả năng là hàng giả, bất cứ thông tin gì cũng có thể là thông tin giả, bất cứ ai cũng có thể là người hại mình. Không ai dám tin tưởng ai. Không ai có ý định làm gì. Nếu có thì họ không biết ai sẽ là người bảo vệ mình để làm được một việc tốt. Ai cũng sợ mình trở thành nạn nhân mặc dù chủ trương của chúng ta là “xây dựng nhà nước pháp quyền”. Vốn xã hội của chúng ta đang “đáo hạn” và “đáo đáy”.