Nỗi lòng Mỵ Châu
Mọi câu chuyện truyền miệng bao giờ cũng có những nét thật thú vị. Chúng chứa nhiều tình cảm, nhưng chúng lại ngây ngô. Chúng chứa đầy phi lý, nhưng chúng lại được rất nhiều người thuộc lòng, cả tin. Chúng chính là những chìa khóa để mở ra cái thế giới tâm thức sâu kín của quảng đại dân sinh.
Đây rồi, bên hồ sen, Mỵ Châu đã tủm tỉm đây rồi. Rõ ràng là như vậy nhé, ai mà chán được vẻ đẹp của thiên nhiên, của thục nữ?
—-
Sau một hồi “điểm báo giao ban”, Mỵ Châu gọi hai ly rượu ngọt nhẹ, rồi mời Cụ Hinh nâng cốc.
– “Ái chà, chuyện gì đây thế này?”
– “Hôm nay là sinh nhật của Mỵ Châu, Cụ Hinh chả nhớ cái gì cả!”
– “Ôi hay quá, ta chúc Mỵ Châu trẻ như năm ngoái!”
– “Vâng, em cảm ơn, em chúc Cụ Hinh trẻ hơn sang năm!”
Ngọn gió lay giục đóa sen dưới hồ đung đưa tán thưởng, hạt nước trên cánh sen suýt rớt xuống mặt hồ.
Rồi Mỵ Châu hắng giọng.
– “À có thêm chuyện này nhé. Trước đây thì em ít để ý, tự nhiên nhân dịp ngày sinh lần này thì em lại để ý đến hơn”.
– “Nghe điệp viên 007 quá!”.
– “Trật tự! Thế này. Cũng là tình cờ, mà em có cái tên Mỵ Châu.
Mà sử thoại xứ mình thì lại cũng có nàng Mỵ Châu.
Nhưng nàng Mỵ Châu của ngày xưa thì được hầu như tất cả mọi người xem như là người nối giáo làm nên sự sụp đổ của cả vương quốc Âu Lạc. Đôi khi em cũng cứ bị cái cảm giác như thể mình bị liên quan đến cái chuyện xưa đó. Có vẻ buồn cười không đâu nhỉ! Thế Cụ Hinh nghĩ thế nào về chuyện ấy?”.
Nghiễm nhiên coi như mình ắt phải được Cụ Hinh hầu chuyện, Mỵ Châu ngả người trên ghế mây lim dim hóng hức.
—-
Mọi câu chuyện truyền miệng bao giờ cũng có những nét thật thú vị. Chúng chứa nhiều tình cảm, nhưng chúng lại ngây ngô. Chúng chứa đầy phi lý, nhưng chúng lại được rất nhiều người thuộc lòng, cả tin. Chúng chính là những chìa khóa để mở ra cái thế giới tâm thức sâu kín của quảng đại dân sinh.
Chuyện rằng An Dương Vương luôn luôn có sự liên lạc và sự phù hộ đắc lực của Thần Rùa Vàng. Có lẽ xứ Âu Lạc xưa kia ắt phải có rất nhiều rùa.
Cả thành Cổ Loa huyền thoại chỉ có đúng một chiếc nỏ thần, được làm ra theo cách Rùa Vàng dạy cho, và cái nỏ này có cái lẫy là móng của Rùa Vàng. Cái nỏ thần luôn luôn được treo cạnh chỗ nằm của An Dương Vương. Như thế nghĩa là “công nghệ” chế nỏ này được dừng ở sản phẩm độc chiếc, không có khả năng nhân lên. An Dương Vương chỉ cậy có vậy, mà đã hoàn toàn tự tin. Ông không biết lo gì đến việc khác, tỉ như chiếc nỏ này có thể bị hỏng hóc, hay có thể bị mất mát, và tất nhiên là không lo làm nên chiếc nỏ thứ hai cũng được như thế, hoặc được gần gần như thế… Nếu chiếc lẫy là móng thần, An Dương Vương cũng không lo cất riêng chiếc móng thần đi ở một chỗ nào khác.
Sau khi Nam Việt giao tranh mãi mà không thắng được Âu Lạc vì cái nỏ thần, chàng Trọng Thủy, con vua Nam Việt Triệu Đà, liền sang cầu thân. Rồi chàng được An Dương Vương gả cho cô con gái rượu là nàng Mỵ Châu. Nhưng chàng Trọng Thủy lại phải ở rể, đây là điều thật kì lạ, vì chế độ mẫu quyền đã kết thúc ở cả hai cái xứ này, với việc hai ông Triệu Đà và An Dương Vương đều làm vua. Và Triệu Đà là vua nước Nam Việt lớn mạnh hơn rất nhiều so với Âu Lạc, lại chịu cho con ở rể.
Chúng ta sang giả thiết khác, Trọng Thủy xin ở rể. Và cũng thật ngạc nhiên là chàng được An Dương Vương chấp nhận cho ở rể không phân vân.
Có chàng rể ngoại Trọng Thủy của nước Nam Việt hùng mạnh vừa đánh chiếm Âu Việt mới đây, nay sống ở ngay trong thành nhà, An Dương Vương không hề lo thay đổi gì về an ninh, về bảo mật, vẫn treo cái nỏ thần ở đầu giường, và cô con gái có thể vào lấy nó ra chơi lúc nào cũng được, chuyện càng nghe càng vui.
Rồi Trọng Thủy xin phép về thăm bố. Thế mà Mỵ Châu không phải đi cùng về thăm bố vợ, vua nước lớn. Lại tiếp tục ly kì hơn.
Đến lúc trở lại Âu Lạc, An Dương Vương cũng chẳng cần hỏi chuyện “Nam Việt hôm nay có gì mới”. An Dương Vương cũng không có hoạt động gì về thám báo bên xứ Nam Việt. Ông chỉ lo việc mở tiệc để uống rượu cùng con gái và con rể, hơn thế nữa lại còn tranh thủ uống say hơn cả con rể, để rồi con rể lẻn vào hý hoáy nỏ thần. Chuyện này nghe càng nôm na.
Và đến hôm sau, thì Trọng Thủy bảo có tin gấp phải về nước ngay, và không cần hỏi An Dương Vương, mà chỉ chia tay với Mỵ Châu. Ai là sứ giả đến thành Cổ Loa để báo cái tin “phải về ngay” cho Trọng Thủy? An Dương Vương phải biết chứ, thời đó làm gì đã có điện thoại vệ tinh cầm tay hay email!
Trọng Thủy tâm tình rõ với Mỵ Châu rằng chuyến này một đi không biết rồi có cơ gặp lại nhau nữa không đây. Mỵ Châu khóc lóc, nhưng lại cũng không đòi đi về theo Trọng Thủy! Cưới xin kiểu rất lạ, lạ hơn cả cưới xin hậu hiện đại hôm nay. Nàng đành dặn Trọng Thủy rằng mình sẽ thả lông ngỗng rứt từ áo mình ra mà làm dấu, để Trọng Thủy tìm ra mình, nếu như chẳng may phải chạy loạn lạc do chiến tranh. Nàng cũng không cần thưa lại chuyện này với vua cha? Không có phép tắc của An Dương Vương, Trọng Thủy vẫn ra khỏi thành được như không, chế độ an ninh của thành này thế nào? Mà cho dù Trọng Thủy có trốn về được mà không xin phép An Dương Vương, An Dương Vương còn có biết bao nhiêu thời gian sau đó để nghi ngờ, để đặt lại các câu hỏi, để kiểm tra lại an ninh, để kiểm tra lại khí tài, để luyện tập đề phòng tình huống xấu… Không, tịnh không. Ta tự hỏi ông An Dương Vương làm cái việc gì ở thành Cổ Loa?
Thế rồi quân Nam Việt ít lâu sau kéo đến, “nỏ thần” lúc ấy mới được mang ra, không hiệu nghiệm nữa vì lẫy móng thần đã bị thay. Vậy là từ bao lâu nay không bao giờ có tập luyện gì với nỏ thần cả!
Thành vỡ, An Dương Vương đưa Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn. Mỵ Châu rải lông ngỗng suốt đường để làm dấu. Cùng đường, An Dương Vương cầu khấn, Thần Rùa Vàng lại hiện lên, mách An Dương Vương rằng Mỵ Châu là giặc. Rùa vàng tỏ ra thông hiểu mọi chuyện, sao không mách báo sự hý hoáy của Trọng Thủy từ xưa cho An Dương Vương? Thần Rùa Vàng vô cảm, hay kiêu căng?
An Dương Vương liền đó chém chết Mỵ Châu. Ông vừa nhẫn tâm, vừa không chịu nhận tội ở chính mình, người cai quản đất nước. Ông cố tìm mọi cách đổ tội cho người khác. Lúc này còn có hai người, Mỵ Châu chỉ là sự đại diện cho cái “không phải ta” của An Dương Vương, dù đó chính là người con gái yêu của mình.
An Dương Vương trèo lên lưng Thần Rùa Vàng và trốn thoát, tuy nhiên thoát về đâu thì không ai biết. Nhà vua chỉ biết lo cho thân mình? Còn Thần Rùa Vàng thì chỉ biết lo cứu rỗi nhà vua?
Trọng Thủy tìm được xác vợ, đem về thành Cổ Loa chôn cất tử tế, rồi đâm đầu xuống giếng tự tử để tỏ lòng thủy chung yêu vợ… Chàng Trọng Thủy mưu cao, mẹo sâu, trường kì hành sự, mà yếu đuối đến như vậy ư? Nếu đã chết vì yêu, sao chàng lại phải bỏ Mỵ Châu để quay về Nam Việt, rồi lại tiến sang gây chiến với Âu Lạc, để rồi nắm phần chắc sẽ đẩy nàng đến chỗ chết, để rồi lại đẩy mình cũng đến chỗ chết (vì yêu)?
Đem nước giếng Trọng Thủy rửa ngọc của loại trai ăn phải máu Mỵ Châu, thì ngọc sẽ trong sáng vô cùng. Câu chuyện thành ra thế nào? Tuổi trẻ ngu ngơ, phải chết vì tình yêu trong sáng?
—-
Mỵ Châu nhổm người, hất mái tóc, nheo mắt.
– “Vậy thì câu chuyện này định nói cái gì, để đi đến đâu ạ?”
– “Câu chuyện này là một thứ kể lể, vá chữa tội cho An Dương Vương, cầu xin may cho ông ta, và đổ hết mọi tội lỗi của một quốc gia lên vai một người con gái mới lớn, kết án duy nhất nàng, và ra tay giết hại nàng. Sau khi đã làm nhục nàng, giết hại nàng, thì trả lại cho nàng chút lòng cảm thông riêng tư với tình yêu của nàng, như chút khói hương được nhen lên.”
– “Ôi, câu chuyện thật buồn, và cũng đáng sợ.”
– “Ồ, đấy là chuyện về nàng Mỵ Châu ngày xưa, đâu phải nàng Mỵ Châu hôm nay.
Mà đó cũng là câu chuyện kể miệng vậy thôi, để diễn tả tâm thức của những người kể câu chuyện đó, và của những người nghe tâm đắc với nó.
Vui vẻ lên Mỵ Châu của hôm nay, ta cạn chén rượu nhỏ ngọt ngào này nhé!”