Phần 3: Trung Đông – trường hợp đặc biệt
Trung Đông đưa ra một thách thức cụ thể cho quyền lực mềm của Mỹ và thuật ngoại giao công chúng. Nơi đây không chỉ là quê nhà của những chiến binh khủng bố đã tấn công Mỹ vào 11/09/2001, mà còn là khu vực chưa được thích nghi với công cuộc hiện đại hóa.
Trong suốt cuộc Chiến tranh lạnh, cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với khu vực này là duy trì sự ổn định vốn ngăn chận sự bành trướng của Nga, bảo đảm cung cấp dầu cho kinh tế thế giới và giữ gìn an ninh cho Israel, một trong những nền dân chủ hiếm hoi. Chiến lược của Mỹ là quản trị thông qua các nhà lãnh đạo độc đoán, và “đừng lắc con tàu.” Trong suốt thời gian Reagan nắm quyền, nước Mỹ thậm chí đã từng ủng hộ Saddam như một thế đối trọng với chính phủ Hồi giáo đã lật đổ đồng minh của mình, đó là quốc vương Iran. Theo Edward Walker, Giám đốc Học viện Trung Đông, người đã từng là đại sứ cho một số nước trong khu vực, “Khi chúng ta bàn về nhân quyền, phát triển kinh tế, dân chủ và pháp trị, các chính sách và những phân bổ sức lực của chúng ta không phản ánh những lời lẽ tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta đã không yêu cầu các chính phủ trong khu vực thay đổi và cũng không đưa ra những sáng kiến để giúp thúc đẩy thay đổi.”(55)
Sau ngày 11/9, chính phủ Bush đã triển khai một cách tiếp cận mới và đầy tham vọng. Dựa vào bức tranh tương tự của cuộc Chiến tranh lạnh và vai trò của Mỹ trong việc tái thiết Châu Âu, chính phủ Bush quyết định Mỹ phải cam kết một sự thay đổi lâu dài ở Trung Đông. Thay thế chính phủ Saddam chỉ là bước đầu tiên. Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice đã cho rằng, “có nhiều điểm tương đồng với nước Đức dân chủ ngày nay, một quốc gia trung tâm của châu Âu mới, thống nhất tự do và hòa bình, một nước Iraq được thay đổi sẽ có thể trở thành một nhạc trưởng trong một Trung Đông khác biệt, nơi đó sẽ không có chổ đứng cho các ý thực hệ thù địch”.(56) Tuy nhiên việc thực thi sức mạnh cứng để lật đổ Saddam qua một chiến dịch bốn tuần chỉ là phần dễ dàng nhất. Đức và Nhật là những câu chuyện thành công của thời hậu chiến, nhưng cả hai đều là những xã hội đồng nhất có các giai tầng trung lưu đáng kể và không hề có những sự chống đối có tổ chức với sự chiếm đóng của Mỹ. Hơn nữa, việc Iraq giàu dầu mỏ là một sự may mắn nhưng rối rắm, bởi ít có quốc gia nào mà nền kinh tế dựa trên dầu mỏ lại có cảm tình với nền dân chủ phóng khoáng. Và như chúng ta đã thấy trong chương 2, sự nghiệp dân chủ hóa sau thế chiến thứ hai đã cần nhiều năm và đã được hỗ trợ bởi sức mạnh mềm của Mỹ. Chiến lược dài hạn để thay đổi Trung Đông và Iraq sẽ bất thành nếu không có vai trò tương tự của Mỹ và sức mạnh mềm của các quốc gia khác.
Việc có nhiều tương đồng với Chiến tranh lạnh khiến cần thiết phải có một chiến lược dài hạn, tuy vậy cũng có lúc bị chệch hướng. Sức mạnh mềm tùy thuộc vào người thụ nhận biết hợp tác, ngoài ra những khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Châu Âu không lớn bằng những dị biệt của Mỹ và Trung Đông. Do vậy Châu Âu dễ ngả theo chiều của sức mạnh mềm của Mỹ. Ngược lại, các khác biệt về văn hóa không cản nổi tư tưởng dân chủ bắt rễ tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, dù Hàn Quốc trễ hơn Nhật đến 4 thập kỷ. Tư tưởng dân chủ cũng có thể phát huy tác dụng tại những nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Các rào chắn về văn hóa không phải là không vượt qua được.
Dân chủ không thể được áp đặt bằng sức mạnh. Chìa khóa thành công sẽ nằm ở các chính sách khai mở cho các nền kinh tế trong khu vực, giảm thiểu các kiểm soát quan liêu, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện hệ thống giáo dục, và khuyến khích các hình thức cải cách hành chính dần dần như đang diễn ra tại các nước nhỏ như Bahrain, Oman, Kuwait và Morocco. Sự phát triển của giới trí thức, các nhóm xã hội, và cuối cùng là các quốc gia cho thấy một thực tế là dân chủ cấp tiến có thể song hành với các nền văn hóa bản địa. Sự phát triển ấy có thể tác động hữu hiệu tương tự như Nhật và Hàn Quốc đã chứng minh rằng dân chủ có thể kết hợp với các giá trị địa phương tại châu Á. Tuy nhiên quá trình này cần thời gian, cũng như cần sự áp dụng khéo léo sức mạnh mềm của Mỹ.
Ngay sau ngày 11/09, nhiều người Mỹ đã chết điếng với câu hỏi “Tại sao họ thù hận chúng ta?” Câu trả lời là nhiều người Ả Rập sợ, hiểu lầm và phản kháng lại các chính sách của Hoa Kỳ, tuy vậy họ lại ngưỡng mộ một vài phương diện của văn hóa Hoa Kỳ. Hơn nữa, họ cũng chia sẻ nhiều giá trị khác như gia đình, niềm tin tôn giáo và khát vọng dân chủ. Nền tảng của sức mạnh mềm hiện hữu ở đó, nhưng quốc gia dẫn đầu thế giới về truyền thông đã cho thấy họ đã lúng túng một cách không ngờ trong việc khai thác các cơ hội này như thế nào. Lấy một ví dụ, đã có một nỗ lực to lớn nhằm quảng bá thông qua những sản phẩm truyền hình về việc người Mỹ Hồi giáo đã được đối xử tốt như thế nào trên nước Mỹ, tuy vậy nỗ lực này đã tỏ ra có rất ít tác dụng. Theo các nhà bình luận, ý tưởng này đã không được chuẩn bị chu đáo bởi các khảo sát và các nhóm mục tiêu, và nhiều người trong khu vực đã chỉ thấy những khiếm khuyết của chính sách Mỹ thay vì những điều kiện sống trong nước của Mỹ. Kết quả đáng tranh cãi này đã thành “một cú ngoại giao công chúng nhấn mạnh Danh quan trọng hơn Thực, Tiếng quan trọng hơn Miếng.” (57) Như Daniel Pletka thuộc Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận xét, “Họ nhận thấy chúng ta là những người dựng lên các chính thể xấu xa đó. Không có liều lượng Britneys Spears nào có thể chống lại những bài giảng chống Phương Tây mà giới trẻ của các xã hội khép kín ấy đang cùng sống và trưởng thành.”(58)
Vào năm 2003, một nhóm tư vấn lưỡng đảng về ngoại giao công chúng cho thế giới Hồi giáo và Ả Rập đã phát hiện Mỹ đã chi chỉ có 150 triệu đô la cho ngoại giao công chúng tại các nước có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm cả 25 triệu đô la cho các chương trình đi kèm. Họ đã tóm tắt: “Nếu nói rằng các nguồn tài chính là chưa đủ cho công tác thì đó là nói mỉa mai”.(59) Tiếp theo việc bổ nhiệm một giám đốc thuộc biên chế Tòa Bạch Ốc chuyên lo về ngoại giao công chúng, các giới chức đã đề xuất xây dựng các thư viện và các trung tâm thông tin, dịch thêm nhiều hơn nữa các sách Phương Tây ra tiếng Ả Rập, gia tăng các chương trình học bổng và các chương trình trao đổi học giả thỉnh giảng, nâng cao sự hiện diện Internet Mỹ và huấn luyện thêm nhiều người nói tiếng Ả Rập và chuyên gia quan hệ công chúng. Cũng giống như các dạng thức ngoại giao công chúng khác, công tác ngoại giao công chúng tại khu vực này cũng sẽ có ba góc độ. Hoa Kỳ sẽ phải linh hoạt hơn nữa ở góc độ thứ nhất, ứng phó và diễn giải nhanh chóng đối với các sự kiện xảy ra hàng ngày. Những đơn vị phát sóng mới thành lập như Radio Sawa chuyên phát thanh tiếng Ả Rập và xen kẽ giữa thông tin với các chương trình nhạc đồng quê là một bước đi đúng hướng, tuy vậy người Mỹ cũng phải làm việc hiệu quả hơn với các đài phát sóng địa phương như Al Jazeera và Al Arabiya. Góc độ thứ hai, phát triển một vài chủ đề chiến lược, sẽ cần phải bao gồm việc giải thích cặn kẽ hơn về chính sách của Mỹ cùng với việc giới thiệu Mỹ với tư cách một đất nước dân chủ. Ví dụ lời cáo buộc rằng chính sách của Mỹ là phó mặc đối với việc giết hại người Hồi giáo cần phải được bàn thẳng thắn và dẫn chứng việc can thiệp của Mỹ đã cứu nhiều sinh mạng Hồi giáo tại Bosnia và Kosovo, cũng như việc trợ giúp các quốc gia Hồi giáo trong vấn đề phát triển kinh tế và chống AIDS. Theo Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Cận Đông Vụ William Burns, những thay đổi về mặt dân sự cần phải được cài đặt trong “một chương trình nghị sự tích cực và rộng lớn hơn cho khu vực này, song song với tái thiết Iraq,thực hiện thành công tầm nhìn của Tổng thống trong vấn đề hai nhà nước Israel và Palestine cũng như hiện đại hóa các nền kinh tế Ả Rập.”(60)
Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phát triển một chiến lược lâu dài nhằm hướng đến các trao đổi văn hóa và giáo dục để phát triển một xã hội dân sự mở rộng hơn, giàu có hơn trong cộng đồng các quốc gia Trung Đông. Những phát ngôn nhân hiệu quả nhất cho Hoa Kỳ không phải là người Mỹ mà là những người bản địa hiểu các thuộc tính tốt và cả những thói xấu của người Mỹ. Một ví dụ cụ thể và thú vị cho việc này là việc một đài phát hình tư nhân do những ngoại kiều Iran cai quản, họ đã phát các thông tin giữa Los Angeles và Tehran cổ vũ cho việc cải cách tại đất nước họ.(61)
Phần nhiều các công việc nhằm phát triển một xã hội dân sự có thể tiến hành bởi các công ty, các hội đoàn, các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ khác cũng như bản thân các nhà chức trách. Các công ty và các hội đoàn có thể cung cấp kỹ thuật để hiện đại hóa hệ thống giáo dục Ả Rập và đưa họ ra khỏi kiểu cách học vẹt. Các đại học Mỹ có thể thiết lập thêm các chương trình trao đổi cho các sinh viên và các phân khoa. Các hội đoàn có thể giúp đỡ phát triển các ngành Hoa Kỳ học tại các nước Ả Rập, hoặc có thể phát triển các chương trình chuyên môn cho báo giới. Chính phủ có thể hỗ trợ việc giảng dạy thêm về tiếng Anh và cung cấp tài chính cho việc trao đổi học sinh. Tóm lại, có rất nhiều sợi dây đan kết để hướng đến một chiến lược hiệu quả và dài hạn nhằm sáng tạo tài nguyên sức mạnh mềm và phát huy điều kiện cho xã hội dân sự. Tuy nhiên như tôi đã trao đổi trước đây, các công tác sẽ hữu hiệu chỉ khi các cách thức và nguyên vật liệu nằm trong chính sách của Hoa Kỳ đồng bộ với các thông điệp dân chủ rộng khắp hơn.
Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông) dịch
—
(51) Roula Khalaf va Gareth Smyth, “Thế giới Ả Rập lạc hậu vì quản lý kém” Financial Times, ngay9/09/2003
(52) “Tiếng nói cải cách cho thế giới Ả Rập”, Washington Post, ngày 07/11/2003, trg A 30
(53) UNDP, “Báo cáo phát triển con người Ả Rập 2002” xem tại http://www.undp.org/rbas/ahdr/english.html
(54) William J Burns, “Thay đổi dân chủ và chính sách Mỹ tại Trung Đông”, bài nói tại trung tâm nghiên cứu Hồi giáo và dân chủ, Washington D.C., 16/05/2003.
(55) Đại sứ Edward Walker, “Chính sách cho các thập kỷ kế tiếp: Trung Đông”, bài viết cho Nhóm chiến lược Aspen, tháng 8/2003
(56) Condoleezza Rice, “Chuyển tiếp không đơn giản tại Trung Đông”, Washington Post, 16/08/2003, trg 20; xem thêm nhận xét của TT Bush vào ngày kỷ niệm sinh nhật 20 năm của National Endowment for Democracy, xem tại http://www.whitehouse.gov/releases/2003/ii/2003ii06-2.html
(57) Robert Satloff, ”Tái can dự vào thế giới”, Baltimore Sun, 09/03/2002
(58) Danielle Pletka, trích dẫn Amy Cortese. “Mỹ vươn tay ra các độc giả trẻ, tiếng Ả Rập” New York Times, 17/02/2003, trg C7
(59) Steven Weisman, “Mỹ cần tác động lại hình ảnh của chính mình trong thế giới Hồi giáo, Panel”, New York Times, 01/10/2010, trg i
(60) William J Burns, “Thay đổi dân chủ và chính sách Mỹ tại Trung Đông”, xem thêm Trung Tâm nghiên cứu Tổng thống chế, Củng cố các giao tiếp Mỹ-Hồi (Washington D.C. 2003. Trung Tâm nghiên cứu Tổng thống chế, 2003)
(61) James Stergold, “Cựu hoàng tử Iran tuyển mộ người lưu vong thúc đẩy thay đổi tại Iran”, New York Times, 03/12/2001, trg A12