Phát triển kinh doanh đại học chăng?
Vừa qua do có công việc tiếp xúc với ngành giáo dục, tôi mới được biết có quy định như thế này, từ lâu rồi và của Nhà nước hẳn hoi: khi lập một trường đại hoc tư, những người trong Ban sáng lập nhất thiết phải là những người góp vốn, ai không có tiền góp vốn thì không được phép tham gia Ban sáng lập.
Như vậy, các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo dục có uy tín, có tâm huyết, mà không có đủ tiền để góp vốn, đều không thể vì lợi ích xã hội, cùng với những người có tiền và có tâm huyết khác, sáng lập trường. Họ đã chính thức bị loại ra từ đầu… Thì ra vậy đó, lâu nay dư luận xã hội lo lắng về chuyện rất nhiều trường tư chạy theo xu hướng buôn bán giáo dục, và người ta vẫn coi việc lập trường đại học tư là một thứ kinh doanh “siêu lợi nhuận”, rồi bao nhiêu lục đục trong các trường đại học tư phần lớn đều có nguyên nhân từ chuyện vụ lợi…, tưởng là do tư nhân sinh chuyện, hóa ra không phải. Theo tôi, chính những qui định như thế của Nhà nước dường như đã thể hiện quan điểm: mở trường tư là để kinh doanh, ai có tiền thì bỏ ra đây mà kinh doanh, tha hồ làm giàu. Chả trách!
Mới đây lại thấy đang bàn việc cổ phần hóa các trường đại học. Nghĩa là quan niệm và chủ trương trên kia lại được đẩy mạnh thêm một bước nữa, quyết liệt hơn. Ai sẽ là người mua cổ phần của các trường đại học, mua để làm gì? Tất nhiên là người có nhiều tiền, và đã bỏ tiền ra mua cổ phần đương nhiên là để kinh doanh làm giàu. Ôi, nền đại học mà chúng ta đang ồn ào mong rằng nó sẽ có “đẳng cấp quốc tế” sẽ đi về đâu đây? Ở rất nhiều nước tiên tiến, và cả những nước đang mong muốn tiến lên tiên tiến, người ta đều chủ trương nghiêm khắc đại học phi lợi nhuận, với nghĩa là các trường đại học có tự làm ra lợi nhuận là để đầu tư trở lại phát triển trường, chứ tuyệt đối không được chia nhau bỏ túi. Ta định tiến lên đại học “đẳng cấp quốc tế” bằng cách khác, ngược lại chăng?
Xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa đại học không phải là mở cửa đại học cho tha hồ kinh doanh làm giàu, mà là làm cho đại học có thể đến được với mọi người, làm cho mọi người trong xã hội được bình đẳng về cơ hội có giáo dục đại học. Chẳng hạn như có một hệ thống đại học mềm dẻo, có trường đại học bình thường bốn năm, có trường đại học cộng đồng hai năm, thực hiện hệ thống tín chỉ để có thể liên thông giữa các trường và các loại trường khác nhau, tạo cho người muốn học có nhiều lựa chọn linh hoạt để có thể học được…
Giáo sư Hoàng Tụy có lần nói: chúng ta không chỉ lạc hậu, chúng ta đang lạc hướng. Có lẽ chuyện vừa nói trên đây, đã diễn ra và sắp diễn ra nữa, là một minh chứng cho nhận định nghiêm khắc và nghiêm túc đó.