Quốc hội với việc phòng chống tham nhũng
Quốc hội có một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Và dưới đây là một vài lý do cơ bản.  
Trước hết, Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân. Mối quan hệ chặt chẽ và sự tương tác giữa các vị đại biểu Quốc hội với cử tri sẽ làm cho tiếng nói và ý nguyện của người dân về việc đấu tranh chống tham nhũng được vang lên mạnh mẽ tại diễn đàn của Quốc hội. Sự bức xúc của người dân nhờ vậy sẽ trở thành sự thôi thúc hành động cho cả hệ thống. Bên cạnh đó, tinh thần tích cực của các vị đại biểu Quốc hội cũng sẽ củng cố lòng tin của người dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Nhà nước. Lòng tin là cơ sở không thể thiếu để người dân tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Mà đây lại là tiền đề quan trọng nhất để đấu tranh chống tham nhũng thắng lợi.
Hai là, với vai trò là các nhà lập pháp, các vị đại biểu Quốc hội có thể xác lập một khuôn khổ pháp luật về phòng chống tham nhũng đủ mạnh cho cả hệ thống cùng vào cuộc. Điều này về cơ bản đã được các vị đại biểu Quốc hội nước ta hoàn thành. Vấn đề còn lại chỉ là việc bảo đảm thực thi những quy định của pháp luật trong cuộc sống. Ngoài ra, trong quá trình lập pháp và quyết định chính sách, điều quan trọng là không tạo ra các kẽ hở để những kẻ tham nhũng có thể lợi dụng. Các vị đại biểu Quốc hội có thể bảo đảm để các kẽ hở đó không bị bỏ qua. Không có cơ hội để tham nhũng thì không thể tham nhũng. Chất lượng của chính sách, pháp luật xét từ góc độ phòng chống tham nhũng là yếu tố tiên quyết để phòng chống tham nhũng. Hoạt động lập pháp của Quốc hội còn là một kênh thông tin hiệu quả bảo đảm sự minh bạch của chính sách và pháp luật.
Cuối cùng, hoạt động giám sát của Quốc hội là rất quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng. Thông qua việc xem xét các báo cáo, việc chất vấn tại các kỳ họp, Quốc hội bảo đảm sự công khai minh bạch của chính sách, pháp luật và việc thực thi chính sách, pháp luật. Quốc hội còn bảo đảm trách nhiệm giải trình của các quan chức và bảo đảm sự vận hành của chế độ trách nhiệm chính trị (thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm). Những quan chức để xảy ra quá nhiều tham nhũng thì khó lòng có được sự tín nhiệm của Quốc hội.
Tuy nhiên, để chống được tham nhũng thì các đại biểu Quốc hội, cũng như đội ngũ công chức của Quốc hội phải có được nền tảng đạo đức cần thiết. Đó là sự công tâm, liêm chính, khách quan, trung thực và tinh thần trách nhiệm.