Quyền của dân nên đặt ở vị trí nào trong hiến pháp?
Việc quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không được đặt lên hàng đầu mà là hàng thứ năm trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 là không tuân theo kỹ thuật trình bày, thể hiện hiến pháp của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn ngữ ở dạng thức chủ động như “Nhà nước tạo điều kiện” dễ tạo cảm giác Nhà nước đang ban ơn cho công dân.
Thông lệ quốc tế chỉ ra rằng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được đặt ở vị trí đầu tiên như Hiến pháp Đức, Pháp, hoặc vị trí thứ hai sau phần các quy định chung như Hiến pháp Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thông lệ này không chỉ đơn thuần phản ánh việc tôn vinh quyền lợi của nhân dân, mà nó còn phản ánh logic của kỹ thuật lập hiến mà một bản hiến pháp hiện đại cần tuân theo.
Nếu nhân dân là người chủ của đất nước, là chủ thể thông qua hiến pháp đứng ra trao quyền cho nhà nước, thì trong quan hệ ủy quyền nhân dân chính là bên A còn nhà nước là bên B của hợp đồng ủy quyền(1). Và một logic xuyên suốt từ luật tư sang luật công là trong hợp đồng thì thông tin, quyền và nghĩa vụ của bên A bao giờ cũng được đề cập trước bên B.
Trong một số trường hợp thì hai bên của hợp đồng còn đưa ra các nguyên tắc chung của hợp đồng. Phần các nguyên tắc chung này có thể mang các tên gọi khác nhau như “quy định chung” (general provisions) (2) như trong Hiến pháp Hàn Quốc, hoặc “những vấn đề cốt lõi của hệ thống hiến pháp” (fundermentals of constitutional system)(3) nhưng nó đều có chung chức năng: là các nguyên tắc mà dựa vào đó nhân dân trao quyền cho nhà nước. Việc tách các nguyên tắc chung của hiến pháp thành một chương riêng dẫn đến trong một số trường hợp quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định ở chương thứ hai thay vì ở chương thứ nhất.
Việc Hiến pháp 1992 của Việt Nam quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở chương thứ năm làm cho Hiến pháp của chúng ta khác biệt không chỉ với các nước tiên tiến như Nga, Đức, Nhật, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc. Ngay Trung Quốc (4), Cuba (5) cũng quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở chương II (sau chương “Các quy định chung”).
Việc quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không được đặt lên hàng đầu mà là hàng thứ năm trong Hiến pháp 1992 là không tuân theo logic chung của kỹ thuật trình bày, thể hiện hiến pháp.
Tư duy bao cấp pha trộn với Nho giáo
Mặc dù chế độ bao cấp đã bị bãi bỏ, “nhà nước chuyên chính vô sản” trong Hiến pháp 1980 được thay bằng “nhà nước của dân do dân vì dân” trong Hiến pháp 1992, nhưng tư duy bao cấp trộn lẫn với tâm lý “quan phụ mẫu” theo nếp nghĩ Nho giáo vẫn còn xuất hiện nhiều trong Hiến pháp 1992, đặc biệt ngôn ngữ ban ơn vẫn được sử dụng trong nhiều đoạn của hiến pháp.
Tư duy này thể hiện rõ nét nhất ở chương III (Văn hóa, giáo dục khoa học, công nghệ) và chương V (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Chỉ đếm riêng trong hai chương này thôi thì cụm từ “nhà nước tạo điều kiện” được sử dụng tới tám lần.
Điều 31 quy định “Nhà nước tạo điều kiện (1) để công dân phát triển toàn diện”. Điều 34 quy định “Nhà nước… tạo điều kiện (2) để mọi người được chăm sóc sức khỏe”. Điều 41 quy định “Nhà nước… tạo các điều kiện (3) để không ngừng mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao quyền chúng”. Điều 59 quy định “Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện (4) học tập để phát triển tài năng” và “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện (5) cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phụ hợp”. Điều 63 quy định “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện (6) để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Điều 66 quy định Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện (7) học tập, lao động và giải trí”. Điều 75 quy định “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện (8) để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam…”.
Thay vì sử dụng ngôn ngữ ở dạng thức chủ động theo công thức “Nhà nước tạo điều kiện cho công dân…”, nên chăng sử dụng ngôn ngữ ở dạng thức bị động theo công thức “Công dân được hưởng các điều kiện…”. Và quan trọng hơn, đằng sau công thức này là nghĩa vụ của Nhà nước. Nếu các điều kiện sống cần thiết không được tạo ra trên thực tế cho công dân thì Nhà nước đã vi phạm nghĩa vụ hiến pháp.
Hiện nay, việc sử dụng ngôn ngữ ở dạng thức chủ động như trong hiến pháp hiện nay làm cho người đọc có cảm giác Nhà nước đang ban ơn cho công dân. Và việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chính xác này còn làm cho trách nhiệm của Nhà nước thiếu rõ ràng, vì nếu các điều kiện sống cần thiết không được tạo ra cho công dân, thì công dân biết kiện ai. Vì Nhà nước chỉ “tạo điều kiện” khi Nhà nước thấy thuận cho mình, còn Nhà nước không có nghĩa vụ đảm bảo các điều kiện này sẽ tồn tại.
(1) Hiến pháp là khế ước xã hội giữa nhân dân với nhau, nhưng sau khi nhân dân đã cùng nhau thỏa thuận trao quyền cho nhà nước thì nhân dân trở thành một khối thống nhất đại diện cho bên trao quyền, còn nhà nước trong quan hệ mới này sẽ đóng vai trò là người được ủy quyền.
(2) Xem Hiến pháp Hàn Quốc http://www.servat.unibe.ch/icl/ks00000_.html
(3) Xem Hiến pháp Nga http://www.constitution.ru/en/10003000-01.htm
(4) Xem Hiến pháp CHND Trung Hoa tại http://english.peopledaily.com.cn/constitution/constitution.html
(5) Xem Hiến pháp Cuba tại http://www.cubaverdad.net/cuban_constitution_english.htm