“Sân sau” của đô thị

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn có một bài hát tuyệt đẹp về nông thôn. Có lẽ là về chính làng quê của anh. "Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi, chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa. Bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào, ngực cau nhu nhú đã vội đi xa".


Anh hồi tưởng về cái cảnh “ngày xưa lũ chim về đây, những bông cỏ may lay động bờ đê. Ngày xưa tiếng ru mẹ ru, tiếng ru mỏng manh lay động nhà tranh”. Anh day dứt vì “đàn trâu lững thững qua cầu, đất bán hết rồi, đàn trâu về đâu?”. Rồi anh mơ. Mơ “về đi, đàn chim trắng, trắng giấc mơ tôi. Về đi, nhà ngói mới, ấm giấc mơ tôi. Về đi, vụ xuân hè, cơm nếp thơm thơm”. Bài hát của anh là một bài hát cảm động. Cảm động vì nó có trách nhiệm. Nó chạm đến một phần mà hình như mỗi con nguời đô thị trong lòng: một mặc cảm với nông thôn. Nó làm ta liên tưởng đến cuốn phim được chuyển thể vào hàng tuyệt tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh: Thương nhớ đồng quê. Thương và nhớ. Một day dứt về một cái gì tội nghiệp. Một món nợ. Món nợ với nông thôn nghèo khổ, nông thôn thua thiệt, nông thôn cũ kĩ.
Hãy thử so sánh nông thôn của chúng ta, một nông thôn mà chỉ cần bước chân khoảng ba mươi phút đi xe gắn máy ra khỏi Hà Nội là đã có thể bắt gặp với cái nông thôn mà Ngô Tất Tố đã miêu tả trong Việc làng, mà Hoàng Đạo đã miêu tả trong những bài viết trong mục Bùn lầy nước đọng? Nông thôn ấy đã thay đổi bao nhiêu? Có những điều là rất nhiều mà có những điều là không bao nhiêu? Có những điều còn tệ hại hơn. Giờ đây không còn những làng mà cả làng toét mắt. Nhưng giờ đây có những làng mà cả làng bị ung thư.
Xem cuốn phim của Đặng Nhật Minh tôi vẫn bị ám ảnh bởi cậu thiếu niên nông thôn mới lớn– nhân vật chính. Hình như đó chính là biểu tượng của nông thôn. Một nông thôn ngơ ngác trước thế giới mênh mông đang mở ra. Một nông thôn bị giằng xé giữa cái lam lũ tội nghiệp không thể quay mặt đi và cái quyến rũ của thế giới bên ngoài (như cậu thiếu niên giữa hai người chị). Một nông thôn khốn khổ lao động để làm ra hạt lúa và khi Tổ quốc ra trận, lại là những nguời thanh niên nông thôn.

 

Tôi không có cái may mắn của anh Lê Minh Sơn. Tôi là một loại người “thiếu quê hương” là đứa con của thành thị. Tôi không có cái kí ức về những bầy chim trắng, về những đàn trâu, những vụ chiêm mùa. Hình ảnh của nông thôn trong tôi khác. Đó là hình ảnh của những người lao động ngoại tỉnh ở những cái “chợ người” (tôi căm thù danh từ này – nó vô nhân đạo). Đó là những cái lớp học (nó là những cái lớp học?) của trẻ em của huyện Sóc Sơn. Nó là những đoàn người đầy ắp trong những bệnh viện lớn ở Hà Nội, những bộ quần áo mà họ mặc, những bữa cơm của họ trong những quán “cơm bụi” (tôi cũng căm ghét nốt cả cái danh từ này).
Cha tôi là một người nông dân, còn tôi lại là người thành thị. Tôi không phải là cậu thanh niên “sinh ra ở nông thôn” như nhân vật truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng cội rễ của tôi ở nông thôn. Và cuối cùng thì tôi đã làm được gì cho cái cội rễ ấy?
Theo tôi, có lẽ nông thôn sẽ là vấn đề lớn nhất của xã hội chúng ta, khi mà nó đang bị biến thành cái “sân sau” của đô thị. Sân sau để hứng chịu đủ mọi thứ “rác” của đô thị. Rác nghĩa đen và rác nghĩa bóng. Rác lối sống (những thứ văn hóa tệ hại nhất đang được tống về nông thôn), rác văn minh (những công nghệ tệ hại nhất vẫn đang được sử dụng ở nông thôn), rác tiêu dùng (những gì lạc hậu nhất của đô thị cũng được tống về nông thôn). Và ở giữa “sân sau” và “sân trước” là một khoảng cách trời vực của sự phát triển.
Những bạn bè thành đạt của tôi đang bắt đầu xây dựng những trang trại. Trong những lúc hoài cổ, họ nói về nông thôn. Cũng như anh Sơn, họ mơ về một nông thôn làng xã. Một nông thôn đủ cả gạo mới, trâu bò, hội làng và những bầy gà lợn chạy trong vườn nhà. Hình như là một nông thôn của cách đây mấy thế kỉ. Họ tiếc tất cả những thứ ấy. Và họ có tiền. Họ sẽ mua những trang trại mênh mông để khôi phục tất cả những thứ ấy như một hình mẫu lí tưởng của nông thôn. Để hàng tuần đánh xe từ thành phố, như một anh tư sản trong truyện ngắn của Thạch Lam, về hít thở, thư giãn, đánh chén, ngủ, rồi lại đi. Vậy thì cuối cùng nông thôn sẽ là gì trong những người thành phố chúng ta? Hình như trong sâu thẳm không ít người, chúng ta mơ ước rằng nông thôn cứ là như thế, như cách đây vài thế kỉ, điền viên như thế, cũ kĩ như thế, ngưng đọng như thế. Chúng ta sống cuộc sống tiện nghi của chúng ta ở thành phố và chúng ta mong nông thôn vẫn cứ là như thế để mỗi cuối tuần chúng ta sẽ như những ông tư sản trở về nông thôn để đóng vai điền chủ. Phải chăng, xét về mặt tâm lí xã hội, một thứ quan hệ kiểu thuộc địa – thực dân kiểu mới với một nông thôn – thuộc địa và những tay thực dân – người đô thị đang được hình thành?
Thực ra suy nghĩ của tôi không giống như anh Sơn (dù tôi rất trân trọng những suy nghĩ của anh). Tôi không tiếc nhiều lắm những vụ chiêm vụ mùa, những bông cỏ lau và những con trâu. Hay đúng ra, có thể, tôi cũng tiếc nhưng tôi cũng hiểu luôn rằng có những thứ sẽ phải biến mất, biến mất không bao giờ quay trở lại. Tôi không băn khoăn về cái nông thôn của thế kỉ XIX có thể biến mất. Hãy để việc đó cho những nhà bảo tồn. Tôi chỉ nghĩ rằng điều quan trọng là hãy làm thế nào để nông thôn thực sự là nơi sống của con người, để người nông thôn không phải bán sức lao động trong những cái “chợ người” và đừng phải lê lết như những người hành khất trong những bệnh viện lớn ở các đô thị.
Hình như đã đến một lúc chúng ta, những người đô thị phải tự vấn về sự bàng quan trước mênh mông lạc hậu bao quanh mình. Và chúng ta sẽ phải làm gì để nông thôn đừng trở thành “sân sau” của đô thị.


Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)