Sau Xayaburi là gì?
Đó là câu hỏi được các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý tìm cách trả lời tại hội thảo “Khía cạnh pháp lý trong hợp tác quản lý lưu vực sông Mekong” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ mới đây.
Ông Tứ nói: “12 đập này là đập dâng, dung tích từ 200 triệu đến 2 tỉ mét khối nước/đập, sẽ tác động rất lớn đến an ninh lượng thực, an ninh nguồn nước và an ninh xã hội của 18 triệu dân vùng ĐBSCL”. Ông Tứ đề nghị: “Bạn Lào đã xây đập Xayaburi và đã coi đây là chuyện bình thường rồi thì nhà nước ta cần phải có chính sách thông suốt để các nhà khoa học tham gia thực hiện Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan ký năm 1995) và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích không phải giao thông thủy năm 1997”.
Ông Tứ cho biết ở thượng nguồn sông Mekong, đến năm 2040, Trung Quốc sẽ xây dựng 15 đập thủy điện lớn và nay đã đưa vào hoạt động bốn đập trong khi Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). “Có thể nói Trung Quốc hoàn toàn chủ động sử dụng và chi phối đối với các bậc thang thủy điện ở hạ lưu vực”. TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh và kiến nghị: “Là quốc gia cuối nguồn, chịu tác động mạnh từ thượng lưu, Việt Nam cần có đối sách hợp lý và kiên định mới bảo đảm cho sự phát triển của ĐBSCL trong tương lai”.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, Mekong là một trong 10 con sông lớn nhất; nơi cung cấp gạo nhiều nhất; có nguồn cá và đa dạng sinh học xếp thứ hai; có tải lượng phù sa thứ sáu (160 triệu tấn/năm) và là vùng đất có đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Ông Tuấn cho rằng “Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL, không hưởng lợi gì từ các đập thủy điện trên sông Mekong” trong khi “các tổn thất sẽ đánh ngay vào hai trụ cột kinh tế lớn nhất vùng là nông nghiệp và thủy sản”. Ngoài ra, theo nghiên cứu của ông Tuấn, “sự suy giảm hệ sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học hoàn toàn không khôi phục được; người nghèo bị tổn thương nặng nhất, hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng và sẽ làm cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khó thực hiện”.
Tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), đề nghị “phải xác định lại lưu vực ĐBSCL”. Ông nói: “Lưu vực ĐBSCL không chấm dứt ở bờ biển mà bao gồm cả thềm lục địa. Thiệt hại do 12 đập thủy điện chưa tính tới lượng cá lớn biến mất ngoài biển ĐBSCL vì lượng phù sa hạ lưu sông Mekong ra đây đã giảm”. Ông cho biết: “Malaysia ở xa phía Nam chúng ta nhưng khi nghe 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ được xây dựng, họ đã lo mất nguồn cá của ngư dân Malaysia”.|
Là chuyên gia độc lập, trưởng nhóm Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐTM) đối với dự án Xayaburi, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết nhóm của ông đã thực hiện quy trình PNPCA (thông báo – tham vấn – thỏa thuận) theo đúng tinh thần Hiệp định sông Mekong 1995. Tuy nhiên tới thời điểm tham vấn thì “Chính phủ Lào đã nộp đề xuất dự án cho MRC vào năm 2010, nhưng báo cáo ĐTM không được phổ biến cho đến tháng 3-2011 nên các chính phủ láng giềng không có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc tham vấn”.
Theo TS. Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam, “Việt Nam làm PNPCA cực kỳ gương mẫu” nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Khía cạnh pháp lý trong hợp tác quản lý lưu vực sông Mekong là các nước thành viên “phải dựa trên cơ sở pháp lý và khoa học thật sự và phải áp dụng PNPCA làm công cụ quốc tế để có thể xử lý những vấn đề tiếp sau Xayaburi”. Ông Trung nhấn mạnh và cho biết sẽ mời Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tham gia vào ủy ban này.