Tăng năng suất lao động: Yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế?
Theo Tổ chức Năng suất châu Á (AFO), năng suất lao động của Việt Nam vào khoảng 6.4 USD/giờ, thấp hơn Philippines, chưa bằng ½ của Thái Lan. Nhiều người cho rằng đây là một thông tin đáng ngạc nhiên vì GDP của Việt Nam hơn Philippines và không kém Thái Lan là bao. Tuy nhiên, dựa theo lý thuyết và trong một số trường hợp trong thực tế, năng suất lao động không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến tăng trưởng kinh tế*.
Năng suất và hiệu quả của một tổ chức
Xét một công ty sản xuất một lượng hàng hóa đầu ra bằng cách sử dụng hai đầu vào: vốn vật chất (máy móc) và lao động. Khi nghĩ đến việc mô tả sự hiệu quả của nó, người ta nghĩ ngay đến hai chỉ số: năng suất lao động và năng suất vốn. Hiểu một cách nôm na, để sản xuất cùng một lượng đầu ra, nếu công ty nào sử dụng càng ít đơn vị vốn hay càng ít đơn vị lao động thì công ty đó càng hiệu quả.
Nhưng điều đó có đúng không? Hai chỉ số này chỉ có ý nghĩa nếu một đơn vị đầu ra luôn đòi hỏi một tỉ lệ cố định giữa vốn và lao động. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, trong nhiều trường hợp, các đầu vào có thể thay thế và bổ trợ nhau một phần. Một số công nghệ sử dụng nhiều vốn hơn lao động và một số khác sử dụng nhiều lao động hơn vốn. Thành ra, hai loại chỉ số này sẽ không thể so sánh sự hiệu quả của hai doanh nghiệp khác nhau. Nếu chỉ chăm chăm tìm cách tăng năng suất lao động hay vốn thì thậm chí còn dẫn đến hiện tượng ném tiền qua cửa sổ hoặc dư thừa lao động.
Có cách khác nữa để đo lường hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Đó là dùng độ co dãn của vốn và độ co dãn của lao động, được tính bằng tỉ lệ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa khi tăng 1% vốn và 1% người lao động. Nói cách khác, tăng tỉ lệ vốn hay tỉ lệ người lao động càng ít mà lượng hàng hóa sản xuất được càng nhiều thì doanh nghiệp đó hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Ta có thể gặp hai công ty có cùng các độ co dãn, nhưng khi ta tăng lượng đầu vào (không chỉ vốn, lao động mà còn cả những yếu tố khác như đất đai, quản trị…) lên cùng 1%, sản lượng của hai công ty tăng khác nhau. Điều gì tạo ra sự khác nhau này? Chỉ số đo lường toàn diện hơn đối với hiệu quả doanh nghiệp có lẽ yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP – Total Factor of Productivity). TFP là hiệu quả của việc sử dụng các nhân tố đầu vào của công ty, thể hiện trong quá trình sản xuất. Thành phần TFP này phụ thuộc vào chất lượng vốn (máy móc), chất lượng của lao động và cách thức quản lý của công ty. Chất lượng lao động phụ thuộc vào trình độ (được đào tạo ra sao), sức khỏe của người lao động và động lực làm việc của họ. Nếu hai công ty sản xuất cùng một mặt hàng và cạnh tranh trên cùng một thị trường, công ty với chỉ số TFP thấp khó có thể cạnh tranh bởi giá thành sản xuất của họ cao hơn giá thành sản xuất của công ty kia.
Tóm lại, sản lượng đầu ra của công ty phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của vốn (máy móc), số lượng và chất lượng của lao động, động lực làm việc của người lao động và cách thức quản lý của công ty.
Năng suất của một nền kinh tế
Năng suất lao động của một nền kinh tế thường được tính bằng tỷ lệ của tổng sản phẩm quốc nội GDP (gross domestic product) trên số người lao động (hoặc GDP chia cho số giờ lao động). GDP là tổng sản phẩm quốc nội (viết tắt của gross domestic product). Số người lao động là những người trong độ tuổi lao động (thường từ 15 đến 64 tuổi) đang tham gia vào thị trường lao động.
Nếu số người lao động là cố định, thì tăng hay giảm năng suất lao động phụ thuộc vào tăng hoặc giảm GDP. Ta thử quan sát dữ liệu. Biểu đồ dưới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của GDP bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người lao động (tức là năng suất lao động) của Việt Nam từ 1999 đến nay.
Nếu hiểu theo định nghĩa trên, năng suất lao động là kết quả của cả một chuỗi những hoạt động kinh tế và sản xuất. Cần phân biệt rõ, lao động là yếu tố đầu vào nhưng năng suất lao động lại là yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Bởi vậy, không thể nói rằng năng suất lao động là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Nghiêm trọng hơn, nếu ta chỉ quan tâm đến việc tăng chỉ tiêu này mà quên đi vốn (máy móc) và năng suất tổng hợp, thì có thể gây hiệu ứng ngược, tức là làm giảm đi GDP của nền kinh tế.
Giả sử, độ co dãn của vốn là a, tăng 1% vốn sẽ tăng a% sản lượng; còn độ co dãn của lao động là β, tăng 1% người lao động sẽ tăng β % sản lượng. Trong một nền kinh tế hoạt động bình thường, β sẽ nhỏ hơn 1%. Nếu cố tình giảm số người lao động đi 1% thì GDP sẽ giảm đi β % nhưng năng suất lao động mới lại tăng so với lao động cũ. Nhưng việc tăng năng suất lao động trong tình huống này là vô nghĩa với nền kinh tế vì sản lượng thấp hơn (và do đó kéo theo thu nhập bình quân đầu người sẽ thấp hơn).1
Cũng giống như với công ty, khi nhìn vào một nền kinh tế, chỉ số TFP mang nghĩa toàn diện hơn để đánh giá hiệu quả của nó. Điều đó có nghĩa là, không nên nhìn năng suất lao động như một chỉ số độc lập mà nên đặt nó trong sự liên đới với số lượng và chất lượng của vốn (máy móc), số lượng và chất lượng của người lao động, cách thức quản lý của các công ty và các thiết chế của nhà nước. Khi ta thấy thống kê năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn năng suất lao động của nước khác, thì có khi lỗi chưa chắc đã nằm ở trình độ của người lao động.
TFP tăng thì tự khắc năng suất lao động sẽ tăng
Vốn vật chất khác với lao động bởi nó là kết quả của một quá trình tích lũy theo thời gian của đầu tư. Đầu tư vào máy móc ngày hôm nay sẽ được tính vào vốn máy móc của ngày mai. Số vốn máy móc này sẽ được ta sử dụng như nhân tố đầu vào để sản xuất cho ngày mai. Nhưng lao động thì khác, sức lao động ngày hôm nay không thể để dành hay cộng dồn vào ngày mai. Trong một số trường hợp, nếu nhân tố lao động là quyết định đối với công nghệ của ngành (ví dụ như ngành giáo dục) thì phải tập trung nhiều nguồn lực ngay trong hiện tại để đào tạo người lao động và tạo động lực cho họ làm việc. “Nguồn lực” đó cũng không loại trừ cả việc mua, chế tạo máy móc – tức vốn vật chất, nếu nó giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn.
Ngày 8/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Một trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình là: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, phấn đấu nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. Biểu đồ sau cho thấy tốc độ tăng năng suất lao động hằng năm của một số nước trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, năng suất lao động hay năng suất vốn, nếu đứng độc lập, không thể nào là mấu chốt cho tăng trưởng kinh tế. Vấn đề mấu chốt – không phải là một nhận định mới, nhưng luôn cần nhắc lại, đó là phải tìm ra phân bổ tối ưu giữa mua/chế tạo máy móc và công nghệ mới, số tiền chi tiêu cho giáo dục, đào tạo và chính sách tiền lương.
Ta có thể nhận thấy, có nhiều năm, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu về tốc độ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi vì các nước khác trong khối ASEAN cũng có những tham vọng kinh tế của họ. Quan trọng hơn, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp và cách khá xa so với Thái Lan và Malaysia, và cách rất xa so với Singapore – và điều này có thể tác động lên động lực làm việc của người dân.
Trong Quyết định 1305/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030, có yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động cấp quốc gia, cấp vùng, cấp ngành.” Điều này rất quan trọng. Tuy nhiên, ta cũng cần dữ liệu của về số lượng và chất lượng của vốn (máy móc), số lượng và chất lượng của lao động, động lực làm việc của người lao động, nhu cầu của công ty về công nghệ và lao động, trình độ quản lý của công ty, và sự hiệu quả của khu vực công. Có được nhiều dữ liệu sẽ giúp ta tiến hành những phân tích chi tiết và đưa ra những chính sách phù hợp.
Nhìn lại lịch sử, có nhiều nghiên cứu cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của năng suất các nhân tố tổng hợp đến phát triển kinh tế. Robert Solow, người được trao giải Nobel Kinh tế học về những đóng góp trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, đã ước tính rằng đóng góp của TFP chiếm 87,5% mức tăng trưởng sản lượng trên mỗi công nhân (tức là Năng suất lao động) của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1909–1949 (trong giai đoạn này, GDP bình quân đầu người khoảng 8000 – 18000 USD).
Với trường hợp Trung Quốc, trong vòng 30 năm, từ Cải cách Kinh tế năm 1978 đến năm 2007, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng từ 381 đến 4319 (2015 USD), với tốc độ tăng trưởng hơn 9%/năm. Nhà kinh tế Xiaodong Zhu tại Đại học Hồng Kông, một chuyên gia về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, ước tính rằng tăng trưởng TFP đóng góp 78% mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc trong thời kỳ 1978–2007. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, mức tăng của GDP và TFP của Trung Quốc có chiều hướng giảm.
Với Việt Nam, theo báo cáo Productivity Report Identifying Growth Challenges and Exploring a Way Forward xuất bản năm 2021 của nhóm tác giả Ohno Kenichi, Nguyen Duc Thanh, Pham Thi Huong, Bui Thi Thuy Linh, thì đóng góp của năng suất tổng hợp vào tốc độ tăng của năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 1991-2019 chỉ là 4,63%. Đây là một con số quá thấp so với nhiều nước khác. Theo báo cáo Identifying the Main Drivers of Productivity Growth : A Literature Review của OCDE/APO (2022), con số này của Pháp và Đức trong giai đoạn 1947-1973 là 59%, còn trong giai đoạn 1960-1990 (khi kinh tế đã phát triển hơn, GDP bình quân đầu người của Pháp năm 1960 đã hơn 11.000 USD) là 42% và 43%. Tuy nhiên, có một tín hiệu tốt: nếu chỉ tính từ 2013-2019, thì mức đóng góp này của Việt Nam là 58,8%.
Như vậy, nếu TFP tăng thì GDP sẽ tăng và đương nhiên năng suất lao động sẽ tăng cao. Nhưng để tăng TFP thì hệ thống y tế, giáo dục, đào tạo nghiên cứu ở Việt Nam phải được cải thiện mạnh mẽ hơn bây giờ. □
——–
*Sửa lại so với bản in là “Tuy nhiên, trên thực tế, năng suất không phải là yếu tố quyết định đến việc tăng trưởng kinh tế”.
1 Xem phân tích chi tiết ở bài Why does productivity matter? của cùng tác giả.
Tài liệu tham khảo
– Baumol, W. J., Blackman, S. A. B., & Wolff E. N. (1989). Productivity and American leadership: The long view. MIT Press.
– Le Van, C., Pham, N.-S. (2022). Why does productivity matter?. In: Le Van, C., Pham Hoang, V., Tawada, M. (eds) International Trade, Economic Development, and the Vietnamese Economy. New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives, vol 61. Springer, Singapore.
– OCDE/APO (2022), Identifying the Main Drivers of Productivity Growth : A Literature Review, Éditions OCDE, Paris, https://doi.org/10.1787/00435b80-en.
– Solow, R. (1957). Technical change and the aggregate production function. Review of Economics and Statistics, 39(3), 312–320.
– Zhu, X. (2012). Understanding China’s Growth: Past, Present, and Future. The Journal of
Economic Perspectives, 26(4) (Fall 2012), 103–124.
– Kenichi, O., Nguyen, D.T., Pham, T.H., Bui, T.T.L. (2021) Productivity Report Identifying Growth Challenges and Exploring a Way Forward. Link: https://www.grips.ac.jp/teacher/oono/hp/docu03/Viet%20Nam%20Productivity%20Report%202021.pdf
– Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Link: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208916
– Báo Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động”. https://baochinhphu.vn/phe-duyet-chuong-trinh-quoc-gia-ve-tang-nang-suat-lao-dong-1022311081520585.htm
Bài đăng Tia Sáng số 7/2024