Tạo động lực và nghiêm túc thực hiện qui trình giám sát trong nghiên cứu khoa học

Mặc dầu được đầu tư ngày càng tăng từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ nước ngoài và có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu trẻ, được đào tạo có hệ thống từ các trường Đại học có danh tiếng, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và nghiên cứu khoa học kinh tế nói riêng, chưa có đóng góp tương xứng với yêu cầu của công cuộc phát triển và cải cách của đất nước, chưa tương xứng với chi phí bỏ ra và chậm có chuyển biến về chất lượng. Rất nhiều các viện nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam chưa có công bố ở các tạp chí quốc tế. Trên bản đồ khoa học thế giới, vị thế của khoa học Việt Nam thật nghèo nàn và ít có cải thiện.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Điều đáng mừng là gần đây đã xuất hiện một số viện nghiên cứu năng động, gắn bó với thực tế, đã có những khảo sát, phát hiện có giá trị cho công cuộc cải cách và hội nhập như Viện chính sách và chiến lược do tiến sỹ Đặng Kim Sơn làm Viện trưởng. Một số nhà khoa học trẻ, được đào tạo có hệ thống, khi về nước đã góp phần phân tích, nghiên cứu, có công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế. Song, tình hình chung, ở không ít viện, có xu thế phát triển xấu đi: các biểu hiện tiêu cực, thiếu trung thực, kết quả nghiên cứu chất lượng kém vẫn được thông qua v.v trở nên ngày càng phổ biến. Hiện tượng “cai đầu dài” khoa học đã không còn cá biệt và chẳng cần che dấu mà đã trở thành ngang nhiên và trắng trợn. Không ít người đội mũ lãnh đạo viện khoa học, viện nghiên cứu hòan tòan không tự nghiên cứu, không tự đọc sách, không tự viết một dòng nào nhưng vẫn đứng tên trên nhiều sách, nhiều công trình do cán bộ khoa học cấp dưới thực hiện. Thậm chí, hiện tượng dùng quyền lực hành chính bắt cán bộ chuẩn bị cho cá nhân mình hết bài phát biểu tại hội thảo này, hội nghị khác trong nước, ngoài nước, trình bày Power Point do người khác chuẩn bị mà người đứng tên không hề có đóng góp nào ngoài việc bắt ghi tên mình vào công trình.
Các cán bộ này đứng tên nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đến mức, nếu cộng thời gian mà họ đăng ký cho tất cả các đề tài thì giờ làm việc của họ vượt quá 24 giờ/ngày và số ngày làm việc phải vượt 365 ngày/năm. Sự phi lý lộ liễu này vẫn đang trường diễn. Sự thiếu trung thực tối thiểu trong khoa học đã trở thành nếp thường ngày của cán bộ lãnh đạo không ít viện, nêu tấm gương xấu cho cán bộ trẻ đang tiếp tục trường diễn. Đối với cấp trên, các cán bộ đó không dám đưa ra thảo luận và có ý kiến khác dựa trên lập luận khoa học hay căn cứ thực tiễn mà thường chỉ tán dương.

Thời gian gần đây, một số viện nghiên cứu độc lập về tài chính, không trực thuộc bất kỳ cấp hành chính nào mới được thành lập là tín hiệu đáng mừng, song các viện đó mới bắt đầu đi vào họat động, chưa có kết quả nghiên cứu khoa học và chưa có điều kiện để đánh giá.

Thay cho uy tín khoa học, người ta thường tạo ra những quan hệ cá nhân như được “anh Tư, chị Bảy” đặc biệt tín nhiệm để lừa mỵ, tạo dựng một nhóm cơ hội để chia chác và tung hô. Kết quả là sinh hoạt học thuật thiếu cởi mở. Những cán bộ khoa học chân chính tìm cách ẩn náu hoặc xin đi nơi khác để tồn tại. Vì vậy mặc dù chi không ít tiền từ ngân sách, nhưng nhiều vấn đề cơ bản và cấp bách của sự phát triển đất nước chưa được đề cập và chưa đem lại lợi ích thiết thực trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước.
Sự phát triển của đất nước đang đòi hỏi sự đóng góp và nỗ lực to lớn, nghiêm túc của đội ngũ cán bộ khoa học.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CẢI CÁCH.

Một số nguyên nhân
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân thuộc hệ thống lớn như không sử dụng các công trình nghiên cứu, các kết luận trái với ý mình, không muốn nghe ý kiến trái chiều, trọng dụng, đề bạt theo quan hệ “cánh hẩu”, thân quen thay cho tiêu chuẩn về đóng góp khoa học, năng lực và tư cách khoa học v.v.
Về hệ thống khoa học, nguyên nhân quan trọng nhất là chưa thực sự bảo đảm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khoa học. Các viện khoa học đều trực thuộc hành chính với một bộ hay địa phương là cấp trên trực tiếp. Một số viện trực thuộc tập đoàn hay tổng công ty. Để giảm bớt đầu mối, nhiều viện được đưa về trực thuộc bộ, do bộ trưởng quyết định việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của viện.
Từ rất nhiều năm nay, các viện nghiên cứu này không chịu bất kỳ sức ép cạnh tranh nào về chất lượng nghiên cứu khoa học, về số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu. Điều quan trọng nhất đối với viện trực thuộc là làm vừa lòng cấp trên, thực hiện đầy đủ các đơn đặt hàng, minh họa và thể hiện đầy đủ và đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên, ngoan ngoãn, dễ bảo, biết nghe lời, “biết điều” đối với cấp trên.
Trong điều kiện đó, có rất ít ý kiến cán bộ khoa học dám phát biểu ý kiến độc lập với ý kiến của lãnh đạo Bộ, ngành. Thực tế cho thấy, các ý kiến trái chiều đều bị hạn chế hoặc nghiêm cấm theo mệnh lệnh hành chính. Những người có ý kiến phát biểu độc lập đều được xếp vào loại “cán bộ có vấn đề”, tuy có thể chưa bị công khai xử lý nhưng bị vô hiệu hóa, bị tung dư luận là “có vấn đề về chính trị” và chịu nhiều thiệt thòi trong công tác.
Trong khi hệ thống động lực được thiết kế và hoạt động theo cơ chế hành chính thì cơ chế giám sát chất lượng nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu khoa học hoàn toàn bị thả nổi và không phát huy bất kỳ tác dụng nào.
Các cuộc kiểm toán về tài chính, thanh tra hành chính đều không thể phát hiện được những vấn đề tiêu cực trong tổ chức và nghiên cứu khoa học.
Cơ chế phản biện các công trình nghiên cứu không đủ hiệu lực, Bên cạnh một số phản biện trung thực, đa số các hội đồng nghiệm thu đều hoạt động theo kiểu “đưa trâu qua rào”, “dễ người dễ ta, khó người khó ta”. Chỉ cần xét giữa tỷ lệ các công trình được nghiệm thu là khá và xuất sắc với khả năng phát hiện vấn đề tồn tại của thực tế, phân tích bản chất của hiện tượng và đề xuất giải pháp có tính khả thi thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tính thỏa hiệp và hình thức của các Hội đồng nghiệm thu.
Chính sự buông lỏng này đã tạo ra miếng đất màu mỡ để chủ nghĩa cơ hội, trục lợi nảy nở và phát triển, nhân lên và làm trầm trọng hơn những khuyết tật của hệ thống lớn về công tác nhân sự cũng như của bản thân hệ thống khoa học. Chỉ có rất ít cán bộ lãnh đạo khoa học đã tự nghiêm túc với mình và với cộng sự như đã nêu trên. Có không ít người lúc mới đầu được bổ nhiệm còn dè dặt, thận trọng song đã nhanh chóng biến chất sau khi leo lên được vị trí nhất định và gây ra không ít kìm hãm và tác hại cho viện mà người ấy được bổ nhiệm lãnh đạo.
Những nguyên nhân khác liên quan đến tính hình thức của cơ chế nghiệm thu, của cơ chế đào tạo tiến sỹ và công nhận chức danh khoa học…, đã được phân tích, mổ xẻ ở những bài nghiên cứu khác, xin phép không tiếp tục đề cập đến ở đây.
Một số kiến nghị
1. Cần bảo đảm và đỏi hỏi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mặt hành chính, về mặt tài chính, về khoa học đối với các viện nghiên cứu khoa học.
Các viện phải hoạt động theo cơ chế cạnh tranh, bình đẳng Đơn đặt hàng của nhà nước, doanh nghiệp cho các công trình nghiên cứu khảo sát cần được tiến hành theo cơ chế đấu thầu khoa học, công khai minh bạch. Ngoài khoản đầu tư ban đầu và một phần chi phí thường xuyên tối thiểu nhà nước có thể cấp theo kiến nghị của một hội đồng tư vấn độc lập. Toàn bộ chi phí về tiền lương, thu nhập của cán bộ nghiên cứu phải được tự trang trải qua hoạt động nghiên cứu theo cơ chế cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật.
Tùy theo yêu cầu về nội dung hay thời hạn, nhà nước có thể chỉ định thầu, đặt hàng nghiên cứu khoa học trực tiếp đối với một số hạn chế các đề tài, song không nên lạm dụng, áp dụng quá tràn lan.
Các viện tự chịu trách nhiệm về mặt khoa học đối với các kết quả nghiên cứu, các kết luận, các kiến nghị. Những ý kiến của các cấp hành chính không dựa vào bất kỳ nghiên cứu khoa học nào, không nên có giá trị áp đặt, càng không nên có các hành động xử lý, cấm đoán đối với các ý kiến khác được biểu đạt một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Những ý kiến khác nhau về khoa học nên được trao đổi công khai qua tranh luận, trao đổi ý kiến bình đẳng để đi đến đồng thuận hay dung hòa, tránh mọi hình thức áp đặt, kết tội nhà khoa học một cách tùy tiện, thậm chí xử lý hành chính như vô hiệu hóa, phân biệt đối xử đối với cán bộ khoa học.
Cần hết sức khuyến khích không khí nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cởi mở, thẳng thắn, chấp nhận các ý kiến đa chiều để khuyến khích sáng tạo khoa học lành mạnh với mẫu số chung là lợi ích quốc gia, đại đoàn kết dân tộc. 
Không nên phân biệt đối xử đối với các viện theo cấp hành chính như viện trung ương, viện của bộ, viện của tỉnh, thành phố, viện của tổng công ty hay viện nhà nước và viện dân lập và tư nhân. Việc đánh giá các viện nghiên cứu cần dựa trên số các công trình nghiên cứu được công bố, số lượng và trình độ cán bộ nghiên cứu v.v… và theo các tiêu chuẩn mà quốc tế hiện nay đang áp dụng.
Điều quan trọng là tạo nên hệ thống động lực mạnh mẽ, lành mạnh, công khai minh bạch để khuyến khích các viện nghiên cứu hoạt động trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.

2. Bên cạnh động lực, cần áp dụng các biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài nghiêm ngặt đối với các viện nghiên cứu nói chung, nhất là đối với các viện được nhận tài trợ và đơn đặt hàng của nhà nước.
Các nước có hệ thống nghiên cứu khoa học có hiệu quả như Đức, các nước Bắc Âu đều áp dụng hệ thống đánh giá, giám sát độc lập theo một quy trình và tiêu chuẩn được quy định công khai, chi tiết. Ý tưởng cơ bản là kiểm tra chéo, sử dụng các nhà khoa học cùng chuyên môn, có trình độ tương đương từ các trường đại học để kiểm tra các viện nghiên cứu. Một đoàn kiểm tra như vậy được lập ra để kiểm tra từng viện, có các nhà khoa học phù hợp với từng viện, có thể hoạt động trong nhiều tuần tại một viện theo quyết định của bộ trưởng khoa học-công nghệ, gặp riêng từng cán bộ nghiên cứu, xem xét từng công trình nghiên cứu, phần đóng góp khoa học của từng người đứng tên trong từng cuốn sách, từng công trình nghiên cứu, tính mới, căn cứ khoa học-thực tiễn của các kết luận khoa học v.v. Bằng cách đó sẽ hạn chế, tiến tới loại trừ hiện tượng “cai đầu dài khoa học”, mạo danh khoa học, tiếm quyền sở hữu trí tuệ, ngụy tạo kết quả nghiên cứu. Đoàn giám sát công bố công khai kết luận, có thể kiến nghị đóng cửa viện nghiên cứu, cách chức viện trưởng, cắt giảm trợ cấp tài chính của nhà nước đối với viện, đơn đặt hàng của nhà nước, kiến nghị cải tiến cách điều hành, tổ chức nghiên cứu của viện nếu muốn được tiếp tục nhận tài trợ v.v… Các kết luận của đoàn là kết luận tối hậu, không cần sự thông qua của bất kỳ cấp hành chính nào. Kinh nghiệm ở các nước đều xác nhận các báo cáo như vậy rất có uy tín và được các cơ quan nhà nước rất coi trọng thực hiện.
Các đoàn kiểm tra, giám sát như vậy được tiến hành định kỳ ít nhất 4-5 năm một lần, gắn với chu kỳ bổ nhiệm viện trưởng.
Kinh nghiệm của các nước áp dụng mô hình trên là các biện pháp chế tài, răn đe rất cần thiết và đã góp phần duy trì chất lượng nghiên cứu khoa học của nước họ. Họ đã mạnh dạn thay thế các viện trưởng bị xác minh là chỉ đứng tên chứ không có cống hiến khoa học và đã giảm, thậm chí ngừng tài trợ cho một số viện bị phát hiện là kém hiệu quả về khoa học, chất lượng nghiên cứu không tương xứng với tiền tài trợ của nhà nước. Thực tế cho thấy các biện pháp răn đe trên đã góp phần quan trọng để tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công khai, minh bạch, duy trì kỷ cương và tính nghiêm túc trong các viện nghiên cứu nói chung.
Nhiều đoàn nghiên cứu của Việt Nam đã được các nước bạn trao cho đầy đủ quy trình, phương pháp luận, kinh nghiệm kiểm tra về chất lượng nghiên cứu khoa học như trên nhưng rất tiếc cho đến nay chưa hề được vận dụng ở Việt Nam.

Cùng với các biện pháp cải cách khác, thiết nghĩ hai biện pháp trên sẽ góp phần cải cách mạnh mẽ tổ chức và quản lý khoa học của Việt Nam trong điều kiện khoa học Việt Nam cũng phải hội nhập, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và phải đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách và phát triển của đất nước. Tiền đề và điều kiện để thực hiện là phải có quyết tâm chính trị, thực sự tôn trọng pháp luật và các kết quả kiểm tra độc lập không có bất kỳ sự can thiệp hành chính áp đặt nào.

Lê Đăng Doanh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)