Theo tâm hay theo pháp?

Nhiều năm nay, không ít các vị cán bộ, có khi còn là cán bộ cấp cao nữa, khi trả lời báo chí thường nói một câu đại ý là người cán bộ cần nhất là có cái tâm, và vài năm gần đây lại thêm một cái nữa, cái tầm. Dường như trong lúc say sưa với đạo đức và trình độ như vậy, họ đã quên mất họ là công chức trong một Nhà nước phấn đấu cho xã hội pháp quyền, trách nhiệm hàng đầu của họ là phải tuân thủ và bảo vệ pháp luật chứ không phải là có đạo đức hay trình độ cá nhân để làm gương cho thiên hạ, mặc dù những cái ấy cũng rất hay ho nếu người ta thật sự có được chúng.

Ngoại trừ một số trường hợp hết sức đặc biệt thì cái tâm hay cái tầm của một người nói chung không có liên quan gì tới việc tuân thủ và bảo vệ pháp luật của y cả, bởi nếu phải dùng cái tâm và cái tầm để thực thi pháp luật thì mỗi người sẽ giải thích các điều khoản pháp luật theo cái tâm và cái tầm của riêng mình, và lúc bấy giờ thì pháp luật sẽ không còn là pháp luật hiểu theo cái nghĩa là hệ thống chế định chung cho tất cả mọi người nữa. Tóm lại, ở đây phải nói tới pháp chứ không được viện dẫn tâm.
Có một câu chuyện khá thú vị trong lịch sử Pháp gia Trung Quốc thời Tiên Tần. Lúc Thương Ưởng làm tướng nước Tần, ban hành pháp lệnh buộc các nhà giàu có tài sản từ một vạn lượng vàng trở lên ở kinh đô Lạc Dương phải ra biên giới khai hoang. Lúc ấy người chống lệnh rất nhiều, người phỉ báng chê bai pháp lệnh càng lắm, tất cả đều bị chém đầu chặt chân tịch thu gia sản vân vân, số còn lại hoảng sợ nín khe kéo nhau ra biên giới làm ruộng. Vì họ đều là nhà giàu, đủ nhân lực tài lực vật lực nên việc khai hoang tiến hành thuận lợi chứ không đánh trống bỏ dùi như nhiều khu kinh tế mới ở ta sau 1975. Vài năm sau, ruộng đất ở biên giới được mở rộng, nông sản nườm nượp chở về Lạc Dương, nhiều người trong đó có cả những kẻ chống lệnh trước kia đều khen là pháp lệnh hay. Thương Ưởng nghe được, lại sai cắt lưỡi những người ấy, với lý do người dưới thì chỉ có phận sự tuân thủ pháp lệnh chứ không được có ý kiến gì cả bất kể là chê hay khen. Dĩ nhiên đó là quan điểm pháp trị của Pháp gia Trung Quốc ngày xưa, không giống cung cách dân chủ lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo pháp lệnh đông vui rậm đám như ta ngày nay, tuy nhiên chính việc thực thi pháp lệnh răm rắp từ quan tới dân như thế đã góp phần đưa nước Tần vươn lên thành nước mạnh nhất thời Chiến quốc rồi tiến tới thống nhất Trung Quốc về sau. Cho nên nhìn từ góc độ của pháp luật hiện đại thì điểm khả thủ duy nhất trong quan điểm pháp trị lạc hậu và cực đoan ấy có lẽ là ở chỗ này: mọi người phải tuân thủ pháp luật không phải vì có đạo đức mà vì lợi ích và sự an toàn của chính mình. Ai có tâm có tầm thì cứ việc tình nguyện tuân thủ pháp luật, ai không có tâm không có tầm cũng phải biết sợ mà tuân thủ pháp luật, như thế mới có được một xã hội có trật tự và kỷ cương.
Trở lại với chuyện pháp và tâm. Thời phong kiến chính quyền Việt Nam được tổ chức theo mô hình trị đạo Nho gia, cũng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là một mô hình “Dương Nho âm Pháp”, tức bề ngoài là Nho gia song bề trong là theo Pháp gia. Tuy nhiên chủ trương đức trị, lễ trị của Nho gia thường nhấn mạnh tới đạo đức con người, điều đó cố nhiên rất tốt song có điều lại ít nhiều xóa nhòa ranh giới giữa tư duy đạo đức và tư duy pháp luật. Ai đã đọc Nhị thập tứ hiếu cũng biết một trong 24 tấm gương hiếu thảo được Tống Nho đề cao trong đó là truyện “Quách Cự mai nhi” (Quách Cự chôn con). Chuyện kể Quách Cự nhà nghèo rất có hiếu với mẹ, có thức gì ngon thì dâng lên mẹ. Nhưng y lại có một đứa con trai nhỏ, mẹ y thương cháu nội nên thường nhịn miệng cho cháu ăn, y thấy bất nhẫn bèn đem con đi chôn sống để tiện phụng dưỡng mẹ già, đang đào hố thì mưa gió nổi lên, sấm sét ầm ầm, dưới hố lộ ra một hũ vàng chôn có đề chữ thưởng cho y, con y mới không bị chôn sống. Tinh thần đạo đức Tống Nho đã biến một người con hiếu thảo thành một người cha tàn nhẫn, một kẻ sát nhân vi phạm cả đạo trời lẫn luật người như thế, mà tấm gương hiếu thảo phi nhân và phạm pháp ấy vẫn được đề cao ở Việt Nam cả sau 1975! Một câu chuyện khác cũng của Trung Quốc ít được phổ biến ở Việt Nam hơn, nhưng cũng trên cùng một đường hướng cực đoan tương tự. Có một người sau khi ra ở riêng thì ăn nên làm ra, cha y đang đêm leo tường chui vào nhà y ăn trộm. Y phát hiện là có trộm, im lặng chờ lúc cha y mò vào trong phòng bèn sấn ra đập chết, đến khi thắp đèn lên soi mới biết chính là cha mình. Vụ án đưa lên, các quan không biết xử thế nào, vì điều luật có khoản “Đánh chết kẻ trộm không có tội”, nhưng tha bổng y thì thấy trái đạo lý. Cuối cùng một viên quan họ Dương viết án từ rằng “Đánh chết kẻ trộm không có tội, nhưng người này làm con mà để cha nghèo khổ tới mức phải đi ăn trộm thì quá bất hiếu, phải xử tử để làm gương”, cưỡng từ đoạt lý xử tử bằng được người con rủi ro kia cho phù hợp với tinh thần đạo đức! Sự không minh bạch giữa tư duy đạo đức và tư duy pháp luật ấy trong thực tế đang trở thành một giá trị truyền thống bất lợi đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Mới đây khi một số hacker mũ trắng tấn công vài trang web sex, đã có dư luận tỏ ra đồng tình. Nhưng về cơ bản đó là một hành vi phạm pháp, và chúng ta không thể nhân danh đạo đức, nhân danh cái tâm để làm điều đúng, điều tốt một cách phạm pháp hay manh động như vậy, nhất là khi Việt Nam đã bước vào sân chơi quốc tế, phải tuân thủ các chế định quốc tế…
Quan sát hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, có thể thấy không ít điều khoản được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc đạo đức chứ không phải trên cơ sở nguyên tắc pháp luật, ví dụ Pháp lệnh Công chức quy định công chức nhà nước phải chống một cái rất mơ hồ về nội dung pháp lý là “chủ nghĩa cá nhân”. Chính chỗ khiếm khuyết về pháp ấy đã khiến nhiều vị cán bộ cảm thấy phải có tâm và tầm để khắc phục những khó khăn trong thực tiễn thực thi pháp luật, song nhiều lắm thì cũng chỉ khắc phục được một cách chắp vá và nửa vời. Chướng ngại pháp lý ấy tới lượt nó đang tạo ra những chướng ngại tâm lý trên con đường tiến tới một nhà nước pháp quyền thật sự mà cũng là con đường dân chủ hóa của xã hội Việt Nam hiện nay.
4.2005

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)