Thử đi tìm một mô hình quản lý khoa học khác

Bản danh mục các đề tài được tuyển chọn để đấu thầu thuộc Chương Trình KHCN cấp Nhà Nước giai đoạn 2006-2010 là một bức tranh sinh động về hiện trạng KHCN Việt Nam. Qua đây ta hiểu được tại sao vị thế của khoa học Việt Nam qua các công bố quốc tế từ nhiều năm nay vẫn không được cải thiện, mặc dù ngân sách nhà nước cứ tăng đều hàng năm theo GDP, giờ đây đã lên đến hơn 300 triệu USD. Vì vậy đã đến lúc phải xem xét lại cuộc chơi, thậm chí ngay từ triết lý của nó. Tại sao những ý tưởng công bằng, dân chủ và tự chủ hằng chỉ đạo thiết kế và thực thi mô hình quản lý khoa học hiện nay (từ tuyển chọn, đấu thầu, xét duyệt, nghiệm thu đề tài, cho đến cái mô thức 115 còn dang dở) lại chưa phát huy tác dụng? Có gì đó chưa ổn, thậm chí ngay từ những quan niệm tưởng chừng không còn gì phải bàn cãi, như tại sao Việt Nam cần nghiên cứu khoa học (NCKH)1)? Từ đó tìm ra một mô hình phát triển KHCN khác, có thể là đối cực với mô hình hiện nay, nhờ đó mà tri thức và năng lực đội ngũ khoa học mới tiến nhanh theo cấp số nhân, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực của phát triển kinh tế- xã hội.

Nhìn sang Ấn Độ
Nhưng trước hết, thử nhìn sang Ấn Độ xem họ thực thi “quốc sách hàng đầu” như thế nào? Trong diễn văn khai mạc đậi hội hàng năm Hiệp hội Khoa học toàn Ấn Độ vừa qua, Thủ tướng Manmohan Singh đã phá cách hết sức ngoạn mục 2). Thủ tướng không bắt đầu bằng lời tôn vinh các nhà khoa học dựa trên bản báo cáo thành tích được Hiệp hội soạn sẵn như thường lệ, mà gác nó lại trong ngăn kéo sau khi tham khảo ý kiến cố vấn khoa học độc lập của mình.
” Trong khi Chính phủ đang tìm mọi cách để đầu tư tối đa cho khoa học, tôi xin kêu gọi các vị cũng phải dốc toàn bộ thời gian và năng lực của mình để mang lại sinh khí mới cho các trung tâm nghiên cứu Ấn Độ… Tôi vô cùng lo lắng khi thấy sinh viên theo học các bộ môn khoa học ngày càng ít đi. Chúng ta phải tìm ra hàng loạt giải pháp thật sâu rộng để vực dậy một hệ thống đại học đang xuống cấp. Tôi thật buồn khi biết chất lượng nghiên cứu ở các trường đại học lẫn những viện khoa học hàng đầu của chúng ta đang tụt hậu. Chúng ta chỉ đóng góp có 2,7% số công bố quốc tế so với 6% từ Trung Quốc 2). Rồi đây, rất có thể, tôi sẽ cho mời tư vấn nước ngoài đánh giá khách quan các viện nghiên cứu của chúng ta”.

Phòng thí nghiệm Tia Vũ Trụ

GS Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt nổi tiếng thế giới, đã mang sang Việt Nam nhiều thiết bị tinh vi để nghiên cứu tia vũ trụ, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và giảng dạy Vật lý Thiên Văn. Nhưng chắc chắn phòng thí nghiệm này sẽ tươm tất và tấp nập hơn nhiều nếu tấm biển “Tia Vũ Trụ” được thay bằng một công nghệ cao nào đó có thể hái ra tiền. Cho dù đem hết nhiệt tình làm thiện nguyện cho Việt Nam từ nhiều năm nay, ông không khỏi bẽ bàng khi mới đây nhà trường thông báo ông sẽ không tiếp tục giảng dạy môn Vật lý Thiên văn nữa. Bất luận lý do gì, chả lẽ những thiên hà, lỗ đen, big bang, năng lượng tối …, nơi giao nhau kỳ diệu giữa cái vô cùng bé và vô cùng lớn của thế giới vật chất, giữa những ngọn nguồn vô tận của không gian và thời gian, nơi hội tụ hiếm thấy giữa tư duy khoa học chính xác vớí cảm thụ nghệ thuật sâu lắng, lại được truyền đạt bởi một chuyên gia thuộc hàng tốp trên thế giới…, mà không thiết thực hay sao?

Không thể có chính sách đúng nếu đánh giá sai năng lực đội ngũ KHCN. Dù sao đẳng cấp của Ấn Độ vẫn cao hơn ta rất nhiều, họ giàu truyền thống và đầy thành tích. Trường đại học của họ đã có Nobel từ năm 1930. Sau khi giành độc lập, năm 1950 Thủ tướng Nehru đã đích thân tổ chức ra trường Đại học Công nghệ Ấn Độ (IIT), đến nay đã có hơn 100.000 tinh hoa ra lò, không ít người trong số họ lừng danh khắp thế giới. Người ta bảo Silicon Valley của Mỹ sẽ không vận hành được nếu thiếu những cái đầu đến từ IIT 3). Chăm lo vun đắp đội ngũ tinh hoa khoa học là nét đặc trưng nhất trong phát triển của Ấn Độ. Hàng năm 250.000 thanh niên ưu tú trong cả nước thi nhau tranh tài trong cuộc sơ khảo để chọn ra 100.000 ứng viên vào IIT, từ đây chỉ có 4000 lọt qua vòng chung kết.
Tuy bị cô lập trong một thời gian dài, Ấn Độ vẫn không hề xa rời các sân chơi quốc tế về KHCN. Ai đến thăm Ấn Độ trước đây đều nhận ra sự tương phản kỳ lạ giữa hoạt động học thuật cao siêu ở các trung tâm khoa học với tình trạng lam lũ của đám dân nghèo nheo nhóc trong lều bạt dựng ngay trên đường phố. Đem mô hình phương Tây đặt lên một đất nước có mức sống ngót một trăm lần thấp hơn, các viện khoa học hàng đầu của Ấn Độ không hề nhân nhượng trước áp lực hạ thấp thang giá trị và chuẩn mực quốc tế trong NCKH. Chính vì thế mà ngày nay Ấn Độ có chỗ đứng trên hầu khắp mặt tiền khoa học thế giới.
Nhưng ngay trong bài diễn văn trên, Thủ tướng Singh đã cảnh báo giới khoa học chớ có ngủ say, vì họ còn có quá ít các công bố quốc tế, mà đây lại là một tiêu chí trung thực nói lên khả năng đổi mới công nghệ của đất nước, một yêu cầu sống còn của Ấn Độ trước áp lực cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Vấn đề của chúng ta. Tại sao Việt Nam cần nghiên cứu khoa học?

Đem mô hình phương Tây đặt lên một đất nước có mức sống ngót một trăm lần thấp hơn, các viện khoa học hàng đầu của Ấn Độ không hề nhân nhượng trước áp lực hạ thấp thang giá trị và chuẩn mực quốc tế trong NCKH. Chính vì thế mà ngày nay Ấn Độ có chỗ đứng trên hầu khắp mặt tiền khoa học thế giới.

Một quỹ đạo chuyển động được xác định bởi ba yếu tố: mô hình chuyển động, điều kiện ban đầu và điều kiện biên. Khi cần thay đổi quỹ đạo phải xem xét lại cả ba yếu tố này.
Về điều kiện ban đầu, chúng ta mặc nhiên cho rằng Việt Nam đã có một đội ngũ KHCN đủ lớn mạnh để tổ chức ra cuộc tranh tài sòng phẳng (xét theo ý đồ thiết kế ra cuộc chơi hiện nay) trong những chương trình mục tiêu ngắn hạn theo sản phẩm mà không cần kinh qua những chương trình phát triển dài hạn các chuyên ngành khoa học. Trên thực tế, lấy đâu ra một đội ngũ như thế khi chúng ta đi sau thế giới hàng trăm năm và còn đang nghèo khó lạc hậu. Vị thế của chúng ta hiện nay trên thế giới còn xa mới sánh được với Ấn Độ trước đây 60 năm.
Về điều kiện biên, chúng ta không chấp nhận các sân chơi quốc tế để tiệm cận đến mặt tiền KHCN thế giới như mọi nước khác, để lọc lựa những nghiên cứu có chất lượng, sớm chấm dứt tình trang tù mù do thiếu thước đo tin cậy. Chẳng những thế, nhiều người làm đề tài khoa học không quan tâm đến kết quả nghiên cứu của đồng nghiệp ở các nước. Cả nước hiện nay vẫn chưa có nơi nào để nhà khoa học có thể tiếp cận với các kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới, một điều rất bình thường ở bất cứ trường đại học nghiên cứu nào ở nước ngoài.  Với một đội ngũ chuyên gia còn quá mỏng, chúng ta lại đặt kỳ vọng vào các hội đồng tuyển chọn, xét duyệt và nghiệm thu, lấy số đông làm thước đo chất lượng. Dân chủ hình thức trong một môi trường học thuật bị hành chính hoá và hàng rào chuẩn mực nghiêm túc bị gỡ bỏ chẳng những không giúp ta tiến lên mà còn bị lợi dụng làm tấm bình phong dung túng cho tiêu cực và lãng phí. Kết quả kiểm toán nhà nước gần đây 4) chắc chỉ mới xới lên một phần.

Bao nhiêu thiết bị khoa học chính xác rất đắt tiền phải nằm đắp chiếu.

Vì chúng chỉ sử dụng làm dịch vụ chứ không phải để NCKH, các quy trình bảo đảm chất lượng không được tuân thủ. Khi vào cuộc mỗi nơi cho ra một kết quả, cơ quan quản lý không biết tin ai. Đo lường chuẩn xác – khoa học có trong mọi khoa học – không được nghiên cứu và giảng dạy chu đáo ở nước ta. Nó giải thích tại sao Việt Nam có rất ít công bố quốc tế về các khoa học thực nghiệm.

Nhưng mấu chốt nhất vẫn là các quan điểm chủ đạo trong mô hình phát triển. Tại sao Việt Nam cần NCKH, ai nghiên cứu, và nên tổ chức như thế nào? Câu hỏi thứ nhất tưởng không còn gì phải bàn cãi. Nhưng chính đây lại là cái nút thắt cần tháo gỡ trước khi bàn đến những chuyện khác. NCKH chưa đặt đúng chỗ, đúng tầm ở nước ta. Thật vây, NCKH tác động đến phát triển xã hội qua ba con đường văn hoá – dân trí, công nghệ – sản xuất và quyết định chính sách phát triển của đất nước. Theo cả ba kênh này, NCKH nghiêm túc ở nước ta đều chưa có chỗ đứng.
Ba kênh này lại tương quan mật thiết với nhau nên không thể chỉ nhấn mạnh một kênh. Sẽ rất tai hại nếu nói khoa học chỉ nghiên cứu những đề tài thiết thực, nhà trường chỉ dạy những gì thiết thực, mà khái niệm “thiết thực” lại được hiểu đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế đơn thuần. Quá nhấn mạnh mục tiêu kinh tế chính là quên đi vai trò động lực kinh tế của NCKH thông qua mặt trận giáo dục và dân trí. Mà có dân trí mới có quan trí, từ đây mới có những quyết sách đúng đắn cho đất nước.

Dân chủ hình thức trong một môi trường học thuật bị hành chính hoá và hàng rào chuẩn mực nghiêm túc bị gỡ bỏ chẳng những không giúp ta tiến lên mà còn bị lợi dụng làm tấm bình phong dung túng cho tiêu cực và lãng phí.

Hệ thống đại học tồn tại từ lâu mà đến nay vẫn chưa có trường đại học nghiên cứu. (Quy chế về các trường đại học nghiên cứu đang được soạn thảo, chưa biết khi nào mới ban hành). Lạm phát bằng tiến sĩ vì không chấp nhận công bố quốc tế làm tiêu chí chính là một trong những nguyên nhân làm sa sút đại học. Trong khi ở nước ngoài NCKH thường tập trung vào các trường đại học, những học giả lớn thường là các giáo sư đại học, công bố quốc tế là tiêu chí bảo đảm sự tồn tại và thăng tiến của các giáo chức đại học, thì ở ta thầy giáo giành rất ít thời gian cho NCKH 5), công bố quốc tế không được khuyến khích. Cho nên, thành tích NCKH của những trường đại học tiên tiến nhất ở Việt Nam còn quá khiêm tốn so với Thái Lan 5), mà Thái Lan lại quá khiêm tốn so với thế giới.
Nhưng NCKH đâu phải được xem như công đoạn quan trọng nhất trong chuỗi khoa học –  công nghệ – sản xuất ở nước ta. Tâm thức phổ biến là muốn đề tài phải cho ra ngay các sản phẩm có thể sờ mó được theo kiểu mỳ ăn liền, trong khi muốn có công nghệ lại phải NCKH công phu và nghiêm túc. Vốn cách rất xa mặt tiền công nghệ thế giới, nhiều khi chỉ cần kiến thức ở bậc đại học, kết hợp với khai thác thông tin trên mạng, người ta có thể tạo ra, hoặc nội địa hoá, một số công nghệ nhất định nào đó. Không thể phủ nhận giá trị của con đường này, nhưng không thể xem đây là quy luật phổ quát của những nước đi sau.

Muốn “xài” ngay công nghệ hạt nhân mà không cần NCKH!

Việt Nam đang có tham vọng dẫn đầu Đông Nam Á về điện hạt nhân với công suất 2000 MW năm 2020, tăng vọt lên 8000 MW năm 2025. Khát điện và có lực lượng hùng hậu như Ấn Độ và Trung quốc cũng chưa bao giờ dám mơ đến một tốc độ phát triển tên lửa như Việt Nam. Bởi vấn đề an toàn vẫn còn đó, mà điện hạt nhân có an toàn hay không lại tùy thuộc vào con người, vào đội ngũ chuyên gia trình độ cao được kinh qua NCKH. Rất tiếc, những người sắp nắm trong tay khoản đầu tư khổng lồ này của đất nước không tỏ ra bận tâm trước nhân lực còn quá mỏng về khoa học và con số không về công nghệ ở nước ta trong lãnh vực năng lượng hạt nhân.

Trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, vai trò của NCKH cũng rất mờ nhạt. Có thể nêu ra khá nhiều dẫn chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách thích sử dụng các báo cáo hành chính hơn là những báo cáo khoa học chính xác. Chiều hướng gia tăng dịch bệnh, độc tố trong thực phẩm, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường … hiện nay chưa tìm thấy lời giải từ những nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Đây lại là những lãnh vực đa ngành, liên ngành, trong khi nền khoa học của chúng ta lại mang nặng tính hàn lâm chuyên ngành.
Nói tóm lại, NCKH chưa có chỗ đứng xứng đáng trong phát triển kinh tế xã hội trước hết là do nhận thức. Khác với nhiều lãnh vực khác có sự phán xét của công chúng (như nghệ thuật), khoa học còn tù mù giữa tính chuyên nghiệp và không chuyên, ý kiến của các học giả đích thực thường bị xem nhẹ. Trong hoàn cảnh đó, những người không chuyên nghiệp dễ dàng núp dưới danh nghĩa khoa học để mưu lợi từ ngân quỹ nhà nước mà đề án CNTT 112 là một minh chúng.   

Từ sản phẩm NCKH đến thương mai hoá đại trà

Có bao nhiêu thiết bị, chế phẩm và quy trình công nghệ làm ra từ các đề tài NCKH, hoặc đem trưng bày ở các TECHMART, được thương mại hoá đại trà thành công? Bộ KHCN nên mạnh dạn tiến hành cuộc tổng duyệt này, có thế mới rút ra được bài học cho mô hình quản lý hiện nay. Chắc chắn tỷ lệ sản phẩm được thương mại hoá thành công là rất thấp (nếu được 10% là rất đáng mừng), cũng như số công bố quốc tế của Việt Nam còn rất khiêm tốn, và rõ ràng hai đầu ra này của NCKH có liên quan với nhau. Chất lượng nghiên cứu càng cao, khả năng thương mại hoá sản phẩm càng lớn. Con đường từ NCKH đến sản xuất của chúng ta thể hiện sự manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch, bắt nguồn từ cách quản lý khoa học hiện nay. 

Các doanh nghiệp chẳng những chưa mặn mà đóng góp kinh phí cho NCKH (như ở các nước khác), mà còn chen chân vào cái bầu sữa ngân sách nhà nước. Nghiên cứu sản xuất đầu lọc thuốc lá, chế tạo một số thiết bị chuyên dụng, đơn chiếc v.v… lý ra là chuyện của doanh nghiệp, lại trở thành mục tiêu của nhiều đề tài cấp nhà nước. Cứ theo đuổi hết thiết bị này đến thiết bị khác, bao giờ mới có được tiềm lực cho nền khoa học Việt Nam?
Chúng ta đang có một nền khoa học ăn đong với món mỳ ăn liền do quá chú trọng đến những sản phẩm rời rạc, không gắn kết với nhau. Do đó các tập thể khoa học cũng phải ăn đong theo đề tài. Thắng thầu sẽ có tiền để nghiên cứu, tiêu hết tiền, không nghiên cứu nữa. Bức tranh này hoàn toàn mâu thuẫn với quy luật tích lũy liên tục và kế thừa, nhờ đó mà tri thức và năng lực đội ngũ khoa học mới tiến nhanh theo cấp số nhân. Chuyên gia và học giả tầm cao rất khó xuất hiện và phát triển từ môi trường học thuật hiện nay.
 
Một mô hình mới

Các doanh nghiệp nhà nước chẳng những chưa mặn mà đóng góp kinh phí cho NCKH (như ở các nước khác), mà còn chen chân vào cái bầu sữa ngân sách nhà nước.

Vậy cuộc chơi mới phải bắt đầu từ nhận thức lại những quan điểm cơ bản trong phát triển KHCN. Cú “kick-off” giờ đây đang ở trong chân của những người quyết định chính sách. Giới khoa học cũng phải dũng cảm tự nhận mình là ai trong thế giới hội nhập này. Nếu chúng ta thực sự còn non yếu, chính sách KHCN phải lấy việc phát triển đội ngũ và môi trường học thuật lành mạnh 3) làm cứu cánh, việc tạo ra các sản phẩm kinh tế cụ thể chỉ nên xem là phương tiện. Chỉ đến khi đội ngũ và môi trường học thuật đạt đến “khối lượng tới hạn” 6), KHCN mới phát triển tự nhiên trong mối tương hỗ với giáo dục, văn hoá và sản xuất, nghĩa là bắt đầu trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội.

Sứ mạng của các Trung tâm nghiên cứu chất lượng cao là phát triển đội ngũ khoa học tinh hoa qua việc tạo dựng một môi trường học thuật tự do sáng tạo theo tinh thần đồng đội trong NCKH.

Để thực hiện chính sách trên, mô hình phát triển phải chuyển trọng tâm từ các chương trình ngắn hạn định hướng theo sản phẩm sang các chương trình dài hạn phát triển ngành, xây dựng các trung tâm nghiên cứu có chất lượng, đặc biệt là chất lượng cao (center of excellence) chủ yếu ở các trường đại học như những đơn vị cấu trúc cơ bản của nền khoa học, vừa có chỗ đứng trên thế giới vừa có tác động đến nền kinh tế, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các đầu đàn khoa học, mở rộng các đơn vị chuyên ngành hiện có theo hướng cả chuyên sâu lẫn liên ngành, và dứt khoát sử dụng các sân chơi quốc tế làm thước đo chất lượng.
Xây dựng các trung tâm chất lượng cao (TTCLC) ngang tầm quốc tế là những nội dung chủ yếu và tiêu chí đánh giá thành công của mô hình này. Nền khoa học của đất nước sẽ lớn lên theo các trung tâm này cùng với những đầu đàn và đội ngũ ở đây. Sứ mạng của các TTCLC là phát triển đội ngũ khoa học tinh hoa qua việc tạo dựng một môi trường học thuật tự do sáng tạo theo tinh thần đồng đội trong NCKH. Nội dung nghiên cứu hướng theo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhưng qua đó phải nâng cao được tiềm lực của ngành, bảo đảm tính kế thừa những kết quả đã có từ trước chứ không ăn đong theo các đợt đấu thầu như hiện nay (đương nhiên vẫn phải có các tổ chức phản biện).

Máy kiểm xạ chuyên dụng

Trong danh mục chương trình cấp nhà nước 2006-2010 thấy có đề tài chế tạo thử một máy kiểm xạ chuyên dụng. Những đề tài kiểu này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần từ nhiều năm nay, lần nào người ta cũng hứa sẽ đưa ra sản xuất đại trà. Nhưng giờ đây Việt Nam vẫn chưa có máy kiểm xạ nào được sản xuất trong nước, ngay những máy có tính năng đơn giản và có nhu cầu ngày càng lớn ở nước ta. Ở các nước, máy kiểm xạ thường do các xưởng chế tạo, ban đầu có tính năng đơn giản, dần dà qua kinh nghiệm tích lũy được có thể chế tạo những máy chuyên dụng ngày càng có tính năng cao cấp hơn

Tiêu chí đánh giá sự thành công của các TTCLC trước hết là năng lực NCKH thể hiện qua thành tích hợp tác bình đẳng với các trung tâm khoa học tiên tiến trên thế giới, thực hiện đề tài chung, trao đổi cán bộ tương đương, được các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí, có nhiều công bố quốc tế qua con đường hợp tác và bằng nội lực. Thành tích NCKH cũng được đánh giá qua tác động đến hai mặt trận giáo dục và kinh tế.
Để bảo đảm tính tích lũy và kế thừa, các TTCLC phải được nhà nước/doanh nghiệp chuẩn y kinh phí dài hạn trên 5 năm một, và có chế độ ưu đãi thích đáng cho các thành viên, thí dụ có chế độ thưởng đặc biệt cho các công trình nghiên cứu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Vẫn phải cần một cuộc du nhập khoa học mới
Nhưng với lực lượng đầu đàn quá mỏng hiện nay, không thể thực thi con đường này mà không du nhập khoa học lần thứ hai từ các nước tiên tiến 7). Cần khởi động ngay một đề án mười năm nhằm nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn ở các trường đại học đủ trang thiết bị hiện đại và hàng năm mời 200 chuyên gia nước ngoài đến làm việc dài hạn. Chi phí trung bình cho mỗi cơ sở vào khoảng 5 triệu USD, bao gồm đầu tư trang thiết bị và vận hành trong mười năm. Con số này có thể thăng giáng từ 2 triệu đến 20 triệu USD tuỳ trường hợp cụ thể, nhưng tổng kinh phí sẽ là 5 triệu USD x 200 = 1 tỷ USD, nghĩa là 100 triệu USD/năm. Tính thêm chi phí hợp tác quốc tế và thuê chuyên gia, trong số này có những nhà khoa học gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài, sẽ lên đến 125 triệu USD/năm. Con số này chưa bằng một phần tư kinh phí trung bình hàng năm mà nhà nước giành cho KHCN trong giai đoạn sau 2007.

Cần khởi động ngay một đề án mười năm nhằm nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn ở các trường đại học đủ trang thiết bị hiện đại và hàng năm mời 200 chuyên gia nước ngoài đến làm việc dài hạn.

Có thể nói mô hình trên đây là đối cực của mô hình hiện nay, do đó chúng ta phải mất một thời gian chuyển tiếp, trong đó cả hai mô hình có thể đồng tồn tại. Lại rất cần chiếc đũa chỉ huy của các nhạc trưởng thay vì các cơ chế dân chủ hình thức như hiện nay.
______________________________________________________________________

1) Pierre Darriulat, Phỏng vấn đăng trên Tia Sáng số 13, ngày 5/7/2007
2) K. S. Jayaraman, Indian science is in decline, says Prime Minister, Nature Vol. 445, p. 134, 2007
3) J. Thottam/S. Clara, A reunion of the “MIT of India”, New York Time 9/7/2007.
4) Tuổi Trẻ, 6/9/07.
5) Báo cáo về giảng dạy khoa học máy tính, kỹ thuật điện và vật lý ở một số trường đại học Việt Nam, Vietnam Education Foundation phối hợp với Bộ GD ĐT, VIII/2006.
6) Phạm Duy Hiển, So sánh đại học hàng đầu Thái Lan và Việt Nam. Tia Sáng 20/1/ 2007.
7) Phạm Duy Hiển, Đào tạo hai vạn tiến sĩ “xịn”  – tại sao không? VietnamNet, 2006.

Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)