Tính bền vững của phát triển

Trước thềm của việc gia nhập WTO, bức tranh kinh tế nước ta tuy có những khởi sắc, song, chất lượng tăng trưởng vẫn là điều đáng lo ngại. Khi mà mức tăng trưởng dựa phần lớn vào khai thác vốn tài nguyên, ưu đãi vốn đầu tư vật chất thông qua các chính sách ưu đãi vốn và tăng đầu tư công, trong khi hàm lượng chất xám của sản phẩm còn quá thấp do đầu tư vào vốn con người và đổi mới công nghệ còn quá chậm. Một ví dụ: so sánh tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của nước ta và với một số nước ASEAN: Việt Nam: 2%, Thái Lan: 30%, Malayxia: 51% và Singapore: 73%! Chất lượng ấy tác động đến khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của từng sản phẩm còn yếu kém (tụt 3 bậc so với 2005), tăng trưởng kinh tế năm 2006 thấp hơn năm 2005 (8.43% so với 8,1-8,2%). Phấn đấu quyết liệt để năm 2007 tăng GDP lên từ 8,3-8,5%, thu nhập bình quân khoảng 820USD. Thì vẫn là nước nghèo. Với việc chính thức gia nhập WTO, chúng ta chủ động dấn bước vào “cuộc chơi” toàn cầu từ điểm xuất phát ấy. Điểm xuất phát của một nước nghèo!


Thế mà thực lực luôn là điều kiện tiên quyết của hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà “thương trường”sẽ là“cuộc chiến”. “Cuộc chiến” này sẽ diễn ra gay gắt với nhiều “trận đánh” phức tạp, mà chính đồng minh trong trận này lại có thể  là đối thủ trong trận sau. Vì đó là một quá trình quan hệ đối tác hợp tác và quan hệ đối phương tranh chấp đan xen nhau. Trong “hợp tác” và “tranh chấp” ấy, ai thông minh sáng suốt thì được nhiều hơn mất, ai dại khờ thì mất nhiều hơn được. Không có thực lực, ảo tưởng và cầu may sẽ không có chỗ đứng trong cuộc chiến cam go này. 11 năm của cuộc thương thuyết gia nhập WTO đã cho ta bài học ấy.
Với mức tăng trưởng 8,2% không phải là thấp, và đương nhiên vẫn cần phải phấn đấu hơn nữa vì phải tính đến con số tuyệt đối của sự tăng trưởng đó mới nói đến chuyện thực lực . Ai cũng có thể hiểu được rằng 8% của 100 đồng khác rất ghê gớm với 8% của 1.000 đồng! Song, quan trọng hơn nữa là cái đang phải dồn sức là tính bền vững của sự tăng trưởng kinh tế. Để có được sự phát triển bền vững phải tính đến cả ba nhân tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Về xã hội, vấn đề phân phối sản phẩm sẽ là vấn đề có ý nghĩa an dân và ổn định xã hội rất lớn. Chỉ xin gợi ra một ví dụ: 6 năm qua, “Quỹ vì người nghèo” các cấp do Mặt trận TQVN chủ trương đã vận động được 1.700 tỷ đồng, cộng thêm sự giúp đỡ trực tiếp bằng tiền mặt và ngày công trị giá trên 2000 tỷ đồng, đã xây dựng và sửa chữa 418.594 ngôi nhà “đại đoàn kết” cho người nghèo. Song, cũng 6 năm qua, chỉ tính riêng tiền quà biếu của 663 đơn vị đã tiêu tốn của ngân sách Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng! Hoặc chỉ cần giảm đi một nửa “bãi Sông Hồng dùng để chứa chưa đủ” số xe ô tô mua sắm quá tiêu chuẩn đã từng được ví von tại Diễn đàn Quốc hội trước đây, sẽ xây được bao nhiêu nhà “đại đoàn kết”? Chỉ một vụ hóa giá nhà “gọn nhẹ” và “ngon lành”, đúng thủ tục và hợp tiêu chuẩn của một “công bộc tận tụy của dân” đã khiến cho gia chủ bỏ túi hàng nghìn cây vàng. Số vàng ấy không từ trên trời rơi xuống, mà từ mô hôi nước mắt của lao động xã hội, của tiền thuế thu được từ người dân, kể cả những người buôn thúng bán bưng, người còng lưng vác hàng tạ gạo trên lưng trần để cho xuống tàu, xuất khẩu.
Tính bền vững còn phải tính đến việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nghèo trong xã hội, nhóm xã hội chịu nhiều thiệt thòi nhất, điều này phải được chú ý ngay từ trong quá trình tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. Khi giá tiêu dùng tăng, có thể một bộ phận nào đó trong xã hội ít hoặc thậm chí không chịu ảnh hưởng mấy, song đối với người nghèo thì quả là thảm họa, vì nó tác động trực tiếp đến bát cơm cho con trẻ, đến đĩa tép rang bày trên mâm cơm của triệu triệu gia đình nghèo. Đây chẳng là điều mới mẻ gì. Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn đã chép một bài thơ có hai câu nói lên nỗi lo toan “trần thế” ấy:
“Vật giá tự vô đằng dũng hoạn
Sinh dân thứ lạc thái bình phong”
 
Thì ra, nỗi lo vật giá gia tăng sẽ ảnh hưởng đến cảnh dân được an hưởng thái bình đã từng là niềm ưu tư của những tấm lòng thật sự vì nước vì dân tự bao đời nay. Liệu đây có phải là vấn đề thời sự cần bàn trước viễn cảnh khá tốt đẹp mà cùng với sự lạc quan dè dặt là sự nghiêm cẩn tính toán một cách trung thực và sòng phẳng.


Tương Lai

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)