Toàn cầu hóa tài chính – Những vấn đề chính sách đối với Việt Nam

Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế trong thời gian qua và những tiềm năng trong tương lai khiến cho Việt Nam đã trở thành một danh mục không thể thiếu được của các quỹ đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, những động thái mới nhất cho thấy Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm của mình về việc cần phải có những chính sách đột phá hơn nữa nhằm thu hút dòng đầu tư nước ngoài, nhất là đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp. Vậy Việt Nam cần phải chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng hội nhập vào thị trường tài chính toàn cầu?


Các thị trường tài chính trên thế giới đã và đang nhanh chóng hội nhập thành một thị trường toàn cầu duy nhất, đến mức ngày nay khái niệm “hội nhập tài chính” dần đã được thay thế bằng một khái niệm mới rộng hơn và mang tính tự cường cao hơn, đó là khái niệm “toàn cầu hóa tài chính”.
Cho dù hiện nay vẫn còn có một số quan điểm cho rằng những ích lợi đạt được từ toàn cầu hóa tài chính không đủ lớn đến mức có thể bù đắp được những thiệt hại từ tiến trình này. Nhưng bất chấp những hoài nghi và cho dù vẫn có sẵn lòng hay chưa, hầu như không có cơ hội lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một thực tế hiển nhiên là chúng ta phải bị cuốn theo cơn lốc toàn cầu hóa tài chính. Những tiến bộ trong hệ thống thông tin và những phát triển vượt bậc trong các dịch vụ tài chính đã làm cho toàn cầu hóa tài chính là không thể tránh được. Vấn đề ở chỗ là chúng ta sẽ quyết định hội nhập như thế nào, lựa chọn những chính sách nào để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và tránh được những cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Tiếp cận dòng vốn toàn cầu nhưng tránh được nguy hiểm
Điều kiện tiên quyết để toàn cầu hóa tài chính thành công là phải có một khung pháp lý tài chính lành mạnh, đặc biệt là một vị thế tài chính vững chắc; không có những biến dạng lớn trong giá cả do chính sách bảo hộ quá mức; phải có một hệ thống ngân hàng nội địa vững mạnh với khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát hữu hiệu; và có một cơ sở hạ tầng cho việc vận hành một thị trường vốn có hiệu quả. Những điều kiện như thế là những nhân tố quyết định để hội nhập tài chính thành công.
Đối phó với dòng chảy vốn trong thời kỳ đầu tự do hóa
Thành công trong việc đối phó với dòng chảy vốn, mà không ít trong số đó là những dòng vốn mang tính đầu cơ, trong thời kỳ đầu tự do hóa sẽ xác định sự thành công của chúng ta trong việc ứng phó không những đối với sự phát triển quá nóng mà còn đối với tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong việc kết hợp các chính sách để đối phó với dòng chảy vốn, thường là rất nóng trong những thời kỳ đầu của quá trình hội nhập. Những chính sách đó bao gồm:
(1) Kiểm soát dòng vốn –  Kiểm soát vốn là một trong những chính sách quan trọng mà Việt Nam cần phải công khai để cho các nhà đầu tư nắm bắt. Một khi được kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát vốn sẽ làm thay đổi một cách hợp lý kết cấu của dòng vốn chảy vào theo hướng chúng ta ngầm khuyến khích các dòng vốn dài hạn.
(2) Ngăn chặn sự đánh giá cao của đồng nội tệ – Đồng nội tệ được định giá quá cao sẽ dẫn đến thâm hụt mậu dịch do hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới của Việt Nam mất tính cạnh tranh. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 có không ít nguyên nhân từ việc các quốc gia như Thái Lan đã định giá quá cao đồng nội tệ.
(3) Kiểm soát cung tiền để kiểm soát lạm phát – Chính phủ bằng mọi giá phải kiểm soát cung tiền để kiểm soát cho bằng được lạm phát. Chắc chắn rồi đây đồng Việt Nam có khả năng lên giá so với đô la do làn sóng đầu tư – nhất là làn sóng đầu tư gián tiếp – chảy vào Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải tích cực tham gia trên thị trường ngoại hối để mua vào đồng đô la từ hệ thống các ngân hàng thương mại. Dự trữ ngoại hối quốc gia tăng lên ấn tượng trong thời gian qua (khoảng trên 10 tỷ đô la) có phần không nhỏ từ việc sử dụng cơ chế như thế.
Để hạn chế áp lực tăng cung tiền làm tăng lạm phát, Chính phủ cần thiết phải triển khai một lộ trình hợp lý phát hành nhiều lô lớn trái phiếu Chính phủ trên thị trường mở để làm giảm áp lực lên cung tiền đồng Việt Nam. Sự can thiệp đồng thời như trên (mua đô la từ hệ thống ngân hàng thương mại và phát hành trái phiếu) có tác dụng làm cho cung tiền không tăng lên, trong khi đó lại làm cho dự trữ ngoại hối quốc gia tăng thêm.
Thách thức đặt ra cho chúng ta là trong thời gian qua hầu như có rất ít các can thiệp như thế trên thị trường tài chính. Các can thiệp như thế cần phải thực hiện thường xuyên nhiều hơn nữa để tương thích với làn sóng đầu tư gián tiếp trong thời gian sắp đến.
Hơn nữa, sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa hai chủ thể là NHNN và Bộ Tài chính trong các can thiệp theo cách thức trên dường như mới là nguyên nhân chính khiến cho Chính phủ hầu như không kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ độc lập và mâu thuẫn với nhau chính là điều mà hầu như các chuyên gia tài chính ở nước ta đều thừa nhận. Nếu không khắc phục được tình trạng này, việc tiếp nhận các dòng vốn đầu tư gián tiếp ào ạt trong thời gian tới sẽ tạo thêm áp lực lạm phát đáng kể lên nền kinh tế.
Phải thật tỉnh táo để nhận thấy một cách nghiêm túc rằng, lạm phát tăng tốc trong thời gian qua có nguyên nhân chính yếu từ những bất cập như thế, thay vì chúng ta cứ quy cho nguyên nhân khách quan là do mặt bằng giá thế giới tăng lên, nên làm tăng lạm phát trong nước.

Kiềm chế bùng nổ cho vay khu vực DNNN
Hệ thống ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân phối vốn ở bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Sức khỏe của hệ thống ngân hàng là nhân tố quyết định liệu rằng chúng ta có tận dụng được những lợi ích của toàn cầu hóa tài chính và tránh được những rủi ro hay không?
Tại nhiều nước đang phát triển trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng đã và đang bị thả nổi đến mức không thể kiểm soát được. Gần đây các nhà đầu tư đang lo ngại tình trạng thừa thãi ngân hàng ở các quốc gia Châu Á và thậm chí tình trạng này là không sai trong trường hợp Việt Nam; các định chế tài chính có nhiều hoạt động kinh doanh và đầu tư quá mạo hiểm; việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng vẫn chưa được chú ý đúng mức.
Chính vì thế, việc điều chỉnh lại những yếu kém của hệ thống ngân hàng càng trở nên khẩn cấp hơn trong môi trường hội nhập toàn cầu vì lúc bấy giờ ngân hàng có xu hướng gia tăng cho vay một cách dễ dàng hơn và gánh chịu rủi ro lớn hơn.
Đổi mới hệ thống ngân hàng là một quá trình dài và tốn nhiều thời gian, nên trước mắt cần thiết phải kiềm chế những bùng nổ các hoạt động cho vay, đặc biệt là cho vay đối với khu vực DNNN. Trong những trường hợp cần thiết NHNN có thể tăng yêu cầu về dự trữ hoặc tăng yêu cầu về độ rủi ro có thể chấp nhận được đối với các ngân hàng thương mại. Những hạn chế hợp lý này sẽ giúp làm dịu đi áp lực quá nóng của dòng chảy vốn ồ ạt và làm giảm bớt tính dễ bị tổn thương của hệ thống ngân hàng.
Thị trường vốn vận hành tốt làm giảm rủi ro và thu hút hiệu quả vốn đầu tư gián tiếp
Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan ngại về mức độ không đáng tin cậy của thị trường tài chính Việt Nam, thể hiện ở 3 lĩnh vực chính sau đây:
1. Cơ sở hạ tầng thị trường (bao gồm các tiện nghi trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính) yếu kém làm cho chi phí giao dịch cao, quá trình thanh toán thường xuyên bị trì hoãn và thông tin chậm trễ làm cho những nhà đầu tư mất nhiều cơ hội phí.
2. Việc bảo vệ quyền về tài sản, đặc biệt là quyền của cổ đông thiểu số chưa được chú ý đúng mức. Chính phủ luôn là người chiến thắng trong các cuộc chơi do nắm quyền sở hữu tuyệt đối.
3. Tiết lộ bí mật thông tin của các doanh nghiệp, và kiểm soát thị trường một cách thô bạo.
Không may là không có những giải pháp riêng lẻ nào cho việc phát triển thị trường vốn và đòi hỏi phải có một sự phối hợp các giải pháp ở tất cả các lĩnh vực mới có thể cải thiện được cơ sở hạ tầng của thị trường và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Những tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở hạ tầng trên thị trường tài chính là những chuẩn mực đáng để chúng ta tham khảo và vận dụng cho phù hợp. Có hai vấn đề cần phải lưu ý đến trong quá trình hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính: (1) cải thiện tốc độ thanh toán thường gắn liền với mức độ rủi ro trong hệ thống thông tin và (2) mặc dù cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ phát triển của các định chế tài chính trung gian để tăng khả năng cạnh tranh nhưng việc đề cao những tiêu chuẩn mà các thành viên tham gia thị trường phải đáp ứng đầy đủ cũng rất quan trọng, bởi lẽ nó làm tăng tính an toàn của thị trường và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư.
Chúng ta cần phải khuyến khích một cách mạnh mẽ sự phát triển của các định chế tài chính trong nước, những định chế này có thể hoạt động như một đối trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự hiện diện của các nhà đầu tư trong nước làm cho các nhà đầu tư nước ngoài an tâm hơn về vấn đề tôn trọng của quốc gia đối với quyền quản lý và sở hữu tài sản. Đừng nên quên rằng sự an toàn của hệ thống tài chính nội địa và chính các nhà đầu tư trong nước mới chính là nhân tố quyết định để hội nhập thành công.
Tất cả những chính sách này là nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế những tác động xấu của toàn cầu hóa tài chính lên sự biến dạng và méo mó của thị trường vốn trong nước, so với khi chúng chỉ là sân chơi độc quyền của các đại gia là các ngân hàng thương mại quốc doanh. Một thị trường vốn vận hành tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của toàn cầu hóa tài chính.

Thiết lập những thiết bị giảm sốc

Trong điều kiện Việt Nam, toàn cầu hóa tài chính và cùng với nó là sự phát triển tài chính theo chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải thiết lập cho bằng được những thiết bị giảm sốc. Hãy tưởng tượng, chính nhờ những thiết bị giảm sốc như thế mà các loại phương tiện có thể vận hành trong mọi môi trường khắc nghiệt. Thiết bị đàn hồi cho nền kinh tế hiểu theo nghĩa chúng có khả năng chống đỡ và thích ứng với các biến động khi xảy ra các cú sốc trên thị trường tài chính.
1. Dự trữ ngoại hối quốc gia – Mức độ dự trữ ngoại hối quốc gia phải được thiết lập trong mối quan hệ với sự thay đổi của dòng chảy vốn đầu tư, nhất là dòng vốn gián tiếp. Các luồng vốn đầu tư trực tiếp, luồng vốn vay nợ nước ngoài và luồng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào càng nhiều thì mức độ dự trữ ngoại hối quốc gia phải càng cao. Những nước có xếp hạng tín nhiệm thấp như Việt Nam cần phải có mức dự trữ lớn hơn rất nhiều so với mức dự báo khoảng 10 tuần nhập khẩu như hiện nay. Cách can thiệp đồng thời trên thị trường ngoại hối và phát hành trái phiếu Chính phủ đã được đề cập ở phần trên chính là một trong những biện pháp làm gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia tương thích với dòng chảy vốn nước ngoài vào nền kinh tế.
2. Tính linh hoạt trong chính sách tài khóa – Toàn cầu hóa tài chính đòi hỏi phải tăng tính linh hoạt về tài khóa. Tính linh hoạt trong chính sách tài khóa đòi hỏi phải kiểm soát cho bằng được tỷ trọng các khoản nợ quốc gia. Đã đến lúc quá muộn để Chính phủ phải xây dựng cho bằng được chính sách thẩm định và phân tích nợ quốc gia một cách minh bạch. Các khoản nợ quốc gia cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, bởi đã có quan điểm cho rằng tuy nợ quốc gia vẫn đạt ngưỡng an toàn nhưng khả năng trả nợ sau này lại là một vấn đề lớn do hiệu quả sử dụng các khoàn nợ nước ngoài là không cao.
3. Gia tăng vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng – Cần lợi dụng mở rộng tín dụng do dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào để đẩy mạnh hoạt động ngân hàng và tăng tính đàn hồi trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh cần phải có những bước đi đột phá để gia tăng vốn tự có nhằm tạo ra thiết bị giảm sốc hữu hiệu để chống đỡ với những cú sốc từ quá trình hội nhập.

Công khai và minh bạch thông tin
Toàn cầu hóa tài chính và hội nhập xảy ra trên tầm mức quốc tế trong khi sức cưỡng chế của những qui định vẫn còn được duy trì trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, đây chính là một nghịch lý. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đánh giá những tổn thất của những định chế trung gian là rất khó do liên tục phát sinh những hình thức phức tạp trong quá trình kinh doanh và sử dụng các sản phẩm phái sinh. Việc các định chế sử dụng các sản phẩm phái sinh đã làm cho công tác đánh giá rủi ro lại càng không chắc chắn. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tăng cường hợp tác với các định chế tài chính song phương và đa phương trong việc thiết lập các cơ chế giám sát tài chính. Ngoài ra, cũng còn phải chú trọng đến tính kỷ luật của thị trường bằng cách xây dựng các chuẩn mực nhấn mạnh đến các qui định giám sát chất lượng quản lý rủi ro của các định chế tài chính.
Nhưng giải pháp triệt để cho vấn đề này là công khai và minh bạch hóa các thông tin, kể cả những thông tin nhạy cảm của NHNN, thông qua kiểm toán bắt buộc. Đây chính là giải pháp không thể thiếu được để thị trường hoạt động an toàn và hiệu quả.
Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 do những sai lầm trong việc thiết lập các trụ cột cơ bản cho tự do hóa tài chính thành công là một kinh nghiệm đáng quý để Việt Nam tránh không gặp phải những sai lầm trong quá trình tiếp nhận các luồng vốn quốc tế trong thời gian sắp đến.
Đó cũng chính là những vấn đề cơ bản nhất của toàn cầu hóa tài chính trong thời gian sắp đến./.
—————–
* PGS.TS– ĐH Kinh Tế TP.HCM

Trần Ngọc Thơ*

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)