Trí thức dân tộc thiểu số

Không ít dân tộc thiểu số có nhà khoa học, nhà văn của mình, nhưng trước vấn đề của cộng đồng, họ đã làm gì? – Không gì cả! Với Chăm, Thái hay Tày đã thế, các dân tộc khác chưa có nhà văn, thậm chí chưa tiến sĩ, tình hình càng tệ hơn. Không ai khả năng giúp chính quyền và người ngoài tộc hiểu vấn đề mình, hiếm ai thẳng thắn nói lên ý nguyện thiết yếu từ cộng đồng hay góp tiếng nói xây dựng cộng đồng. Vậy làm thế nào để đào tạo trí thức dân tộc thiểu số?

Có thể đào tạo đội ngũ học thức phục vụ công tác nào đó – chuyên môn hay xã hội –, riêng trí thức – không! Trí thức là kẻ tự tôi luyện qua va chạm thực tế trong không gian trí thức mở. Nhưng không phải vì thế mà một nền giáo dục không thể chuẩn bị cho thành phần này ra đời. Ở đây, có ba vấn đề đặt ra:
* Trang bị kiến thức phổ thông. Hiệu quả giáo dục và đào tạo ở ta lâu nay ra sao dư luận kêu nhiều rồi, không nhắc lại. Riêng trường hợp các dân tộc thiểu số, có hai vấn đề. Thứ nhất: “chế độ ưu tiên” vừa đúng vừa sai. Đúng, khi con em dân tộc cư trú vùng sâu vùng xa ít điều kiện tiếp xúc môi trường sách vở, họ được ưu tiên qua lớp Đại học dự bị là cần. Nhưng sau đó, tuyển thẳng họ vào Đại học mà không qua sát hạch sòng phẳng, thì sai. Không ít bác sĩ, kỹ sư ra trường với trình độ rất thấp, đã làm trì trệ xã hội. Thứ hai: Đến hôm nay, việc phổ cập kiến thức văn hóa dân tộc vẫn chưa được các chương trình Đại học quan tâm đúng mức. Bộ phận sinh viên này rất mù mờ về văn hóa dân tộc sau khi rời giảng đường, cả sinh viên ngành Văn hóa. Hơn phân nửa sinh viên Chăm còn mù cả chữ mẹ đẻ nữa! Họ hành xử thế nào, khi va chạm thực tế cuộc sống? Bởi tiếng nói quyết định về phát triển xã hội ở ngày mai không còn là của già làng nữa, mà phải là thế hệ trẻ được đào tạo rất căn bản, của hôm nay.
* Chuẩn bị nền tảng tinh thần tự do. Là điều thiết yếu để người học thức có khả năng suy tư độc lập, dũng cảm lên tiếng trước bức xúc xã hội, dám góp tiếng nói về các vấn đề cộng đồng để thúc đẩy tiến bộ cộng đồng. Tránh cho họ thái độ sống chết mặc bay, trở thành kẻ ươn hèn, hoặc xu phụ quyền lực đủ loại. Đánh giá sự trưởng thành tinh thần của một dân tộc, không phải ở đất nước đó đào tạo bao nhiêu vị khoa bảng, nhà khoa học hay bác sĩ hàng đầu mà chủ yếu ở giới trí thức đứng ở đâu, phản ứng thế nào trước vấn nạn xã hội.
Được biết, Bàn về tự do của John Stuart Mill được coi là tác phẩm kinh điển bên phương Tây, mười hai năm sau xuất bản tại Anh (1859), người Nhật đã dịch và in hàng triệu bản phát hành rộng rãi. Ngay thời Duy Tân, Nhật Bản đã chuẩn bị cho các thế hệ tiếp nối tinh thần tự do rồi. Sau đó, tiến bộ của đất nước mặt trời mọc thế nào thì miễn bàn.
* Tạo không gian trí thức. Diễn đàn báo chí hay cuộc gặp gỡ trao đổi giữa đại diện chính quyền và giới trí thức sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đất nước phát triển. Bởi, nếu chưa có không gian trí thức đúng nghĩa thì không thể hình thành tầng lớp trí thức. Trí thức hoặc trở thành người phản kháng vô vọng, hoặc kẻ đi hàng hai tệ hại và tai hại. Từ đó, trí thức hết còn là nhân tố phản biện tích cực cho xã hội.
Với dân tộc thiểu số, đa phần cán bộ, viên chức làm việc tại cơ quan Nhà nước ở các trung tâm văn hóa lớn, sợi dây liên hệ với bản làng bị cắt đứt, họ lạc lõng giữa người đa số và, rất ít cơ hội phát biểu chính kiến về cộng đồng mình. Những người làm việc tại các tỉnh và địa phương, do điều kiện vật chất và sự tòng thuộc cấp trên, càng không dám nói thật, dù họ phải chứng kiến chuyện chướng tai gai mắt, hằng ngày. Ai, tổ chức nào tạo không gian trí thức cho họ? Và tạo như thế nào?

Trí thức, những người trung chuyển tư tưởng chuyên nghiệp (professional secondhand dealers in ideas) – như cách nói của Fr.Hayek – không cần là nhà chuyên môn đầu ngành hay kẻ xuất chúng. Vị thế, thói quen bám sát thời sự, tinh thần dấn thân và uy tín trí thức khiến họ dũng cảm và biết lên tiếng về mọi vấn đề xã hội. Họ nói, và dư luận lắng nghe. Quan điểm hay ý kiến của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng.
Nếu trí thức dân tộc thiểu số chưa được trang bị tri thức văn hóa dân tộc, bên cạnh thiếu dũng khí trí thức, thì làm sao họ có thể “trung chuyển” ý kiến cộng đồng lên cơ quan các cấp, hay để giải quyết vấn đề cộng đồng? Khi kiến thức về văn hóa dân tộc thua kém già làng thì đề nghị cải tổ “hủ tục” của bạn sẽ bị coi là phản truyền thống, hỏi bạn có thể thuyết phục cộng đồng nghe “khoa học tiên tiến” mới lạ không? Hoặc, nếu bạn không có tiếng nói bênh vực quyền lợi chính đáng của cộng đồng, hỏi bạn đủ uy tín với đồng bào không? Không thể! Hoạt động trí thức tê liệt là điều khó tránh khỏi. Và, thiệt thòi là luôn thuộc về xã hội và đất nước.

Inrasara

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)