Trí thức sạch
Trên Tia Sáng số 12 (trang 54) vừa rồi, nhà thơ Lê Đạt đưa ra một từ rất hay - “Trí thức sạch”, “nhìn lên không xấu hổ với cha ông, nhìn xuống không xấu hổ với hậu thế”. Ở đây tác giả dùng “Trí thức sạch” để nói về các sĩ phu yêu nước thời Đông kinh Nghĩa thục cách đây tròn 100 năm.
Rất tiếc ngày nay nước ta chẳng còn bao nhiêu “Trí thức sạch” như vậy. Tôi không nói những người đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc… mà chỉ muốn nói về những người được xã hội thừa nhận là “nhà trí thức”, có bằng cấp, tên tuổi hẳn hoi, thậm chí rất nổi danh nữa kia. Họ chưa “sạch” ở chỗ không kiên trì chính kiến của mình, thường nói lấy lòng cấp trên, dám bóp méo sự thật, kể cả sự thật lịch sử. Họ sẵn sàng a dua phê phán các nhà trí thức khác, thậm chí nói xấu, dù đó là những người chân chính và là đồng nghiệp của họ. Gần đây tình cờ đọc bài phê phán triết gia Trần Đức Thảo của một vị giáo sư cùng cơ quan với ông Trần đăng báo hồi thập kỷ 50 gì đó, tôi thật sự thất vọng với vị giáo sư-thần tượng này của tôi. Cảm giác ấy cũng xuất hiện mỗi khi thấy các nhà trí thức của ta tranh cãi trên báo chí, bảo nhau là dốt, là không biết gì… Như thế sao gọi là “Trí thức sạch” được nhỉ?
Bỗng liên hệ ngay với mối quan hệ giữa hai nhà cách mạng họ Phan. Phan Châu Trinh tranh luận nhiều lần với Phan Bội Châu, vì cụ hoàn toàn phản đối đường lối chống Pháp theo phương thức bạo động, khôi phục nền quân chủ và cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu. Tuy mâu thuẫn cơ bản về đường lối, nhưng hai cụ vẫn hết mực kính nể nhau. Phan Châu Trinh từng nói với viên Khâm sứ Pháp rằng Phan Bội Châu “là một nhà hào kiệt ái quốc của nước Nam, trong nước không ai không biết tiếng” (xem Thi tù Tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng). Phan Châu Trinh thật là một “Trí thức sạch” đáng ngưỡng mộ.