Trung Quốc coi trọng phát triển hệ thống Think Tank
Tháng 1/2004 Trung ương Đảng Trung Quốc chỉ thị: Phải làm cho giới khoa học xã hội trở thành “Kho tư tưởng” và Think Tank của Đảng và Chính phủ. Hàng nghìn cơ quan nghiên cứu bắt đầu tổ chức nghiên cứu phản biện. Một số đoàn thể tư vấn kiểu Think Tank xuất hiện tuy còn rất khó hoạt động.
Trung Quốc bắt đầu làm quen với khái niệm Think Tank từ sau cải cách mở cửa. Trước đó, quá trình hoạch định chính sách chủ yếu do một số cá nhân lãnh đạo quyết định, hầu như không sử dụng trí tuệ của bộ máy tư vấn và của dân chúng; vì thế từng phạm những sai lầm khó tưởng tượng.
Thí dụ, một câu nói của lãnh tụ Người đông (thì) sức lớn dẫn tới hậu quả không thực thi sinh đẻ có kế hoạch, số dân tăng thêm mấy trăm triệu, để lại bao nhiêu di họa: thất nghiệp, chưa giàu đã già. Việc hủy chế độ khám sức khỏe trước khi cưới đã làm tăng số người tàn tật lên tới mức đáng lo…
Do cách quyết sách tùy tiện ấy, Trung Quốc đã bỏ lỡ hai cơ hội chiến lược để phát triển đất nước. Cơ hội thứ nhất: sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, môi trường an ninh của Trung Quốc được cải thiện rõ rệt, nhưng chỉ tận dụng thuận lợi này được 4 năm thì các chủ trương Chỉnh phong, Chống phái hữu, Đại Nhảy Vọt, Công xã nhân dân đã hủy hoại tất cả. Sức người sức của bị lãng phí không sao kể xiết, hàng chục triệu dân bị chết đói, bỏ lỡ cơ hội vàng phát triển sau chiến tranh (trong khi Nhật tận dụng được cơ hội này). Cơ hội thứ hai: sau khi nối lại quan hệ với Mỹ, hoàn cảnh chiến lược của Trung Quốc trong thời gian 1971-1976 được cải thiện rất nhiều. Thế nhưng 10 năm đại loạn “Cách mạng Văn hoá” đã phá hỏng cơ hội đó.
Nhiều người thấy rõ những sai lầm ấy nhưng không ai dám nói. Nguyên soái Bành Đức Hoài mới dè dặt nêu ra vài ý kiến về Đại Nhảy vọt đã bị cách hết mọi chức vụ.
Xảy ra tình hình trên không phải vì người Trung Quốc kém thông minh. Nhưng trí tuệ của họ bị bỏ xó; hơn tỷ dân chỉ có một người được quyền suy nghĩ và phát ngôn. Tư tưởng “Đại nhất thống” của Khổng giáo tuy tạo ra sự nhất trí cao độ trong toàn dân song đồng thời cũng bóp chết mọi sáng tạo, mọi ý tưởng đúng đắn.
Đến thập kỷ 80, nhằm ngăn chặn các quyết sách tùy tiện chưa qua sự nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, Đặng Tiểu Bình đề xuất Khoa học hóa quyết sách, cho phép nêu các ý kiến trái chiều. Một số chuyên viên cấp cao rời cơ quan nhà nước lập cơ quan nghiên cứu của mình. Năm 2003 Ủy ban Phát triển Cải cách công khai tổ chức mời thầu đề tài nghiên cứu Quy hoạch 5 năm lần thứ X. Tháng 1/2004 Trung ương Đảng chỉ thị: Phải làm cho giới khoa học xã hội trở thành “Kho tư tưởng” và Think Tank của Đảng và chính phủ. Hàng nghìn cơ quan nghiên cứu bắt đầu tổ chức nghiên cứu phản biện. Một số đoàn thể tư vấn kiểu Think Tank xuất hiện tuy còn rất khó hoạt động.
Giới học giả Trung Quốc nhận xét nước họ xuất siêu hàng hóa nhưng lại nhập siêu về tư tưởng. Đó là do thể chế chính trị hiện hành không tạo điều kiện sinh ra những nhà tư tưởng, nhà chính trị học có thể đề xuất các ý tưởng, lý thuyết mới lạ làm cả thế giới quan tâm như Huntington, Toffler, Paul Kennedy, Joseph Nye… Một học giả viết: sau Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc chưa có nhà tư tưởng nào. Trung tướng Lưu Á Châu chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói thẳng: “Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Hegel nói Trung Quốc không có triết học. Tôi cho rằng mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào.”
Kiều Lương, tác giả sách “Siêu hạn chiến”, nêu thí dụ: khi Anh Quốc dự định trả lại Hồng Công cho Trung Quốc, nhiều chính khách phương Tây lo nước này thống nhất sẽ lớn mạnh tới mức đe dọa thế giới. Bà Thủ tướng Thatcher an ủi: “Các bạn chẳng cần e ngại Trung Quốc, vì trong vài chục năm tới, thậm chí cả trăm năm, nước này không thể mang lại cho thế giới bất cứ một tư tưởng mới nào cả.”
Trung Quốc hơn phương Tây ở chỗ có ưu thế “tập trung lực lượng làm việc lớn” nhưng nếu quyết sách không khoa học hóa thì sự “tập trung lực lượng” sẽ chỉ mang lại thiệt hại rất lớn; bởi vậy cần có các cơ quan nghiên cứu chính sách có năng lực chuyên môn cao, dám nêu ra “chính sách dự bị” cho nhà nước. Vì thế Think Tank còn được gọi là “chính phủ trong bóng tối”.
Do không tận dụng được trí tuệ xã hội, tỷ lệ sai lầm quyết sách của Trung Quốc cao gấp 6 lần các nước phát triển, giá thành chế tạo hàng hóa cao gấp 8 lần ở Nhật, nghĩa là Trung Quốc đang khai thác tài nguyên tổ tiên để lại với tốc độ tàn phá thiên nhiên.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này khiến lãnh đạo Trung Quốc càng không hài lòng với hoạt động của hệ thống cơ quan nghiên cứu chính sách. Hệ thống này thiếu cả 3 tiêu chuẩn chính của Think Tank: tính độc lập tư tưởng, tính sáng tạo và sức quảng bá ảnh hưởng của mình.
Trong tình hình đó, Think Tank – nơi nghiên cứu đề xuất các chủ trương chính sách chiến lược lớn nhỏ của quốc gia, lò ấp các nhà chiến lược, nhà tư tưởng – bắt đầu được đặc biệt coi trọng.
Hệ thống Think Tank hiện có
Trung Quốc hiện nay đã hình thành một hệ thống Think Tank quy mô lớn, chủ yếu gồm:
1. Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc (China Center for International Economic Exchanges, CCIEE): cơ quan dịch vụ tư vấn, nghiên cứu và giao lưu kinh tế quốc tế, do chính phủ duyệt thành lập, nơi tập hợp các nhân tài cấp cao về lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và có quan hệ rộng trong lĩnh vực kinh tế. CCIEE do Ủy ban Phát triển và cải cách Nhà nước chủ trì, đăng ký tại Bộ Dân chính Trung Quốc. CCIEE được gọi là “Siêu Think Tank”, vì được ưu tiên cấp kinh phí và tập hợp toàn các “siêu” chuyên gia.
2. Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: cơ quan học thuật cao nhất nghiên cứu về triết học và khoa học xã hội; là Think Tank có quy mô lớn nhất Trung Quốc.
3. Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc chính phủ Trung Quốc: cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách, trực thuộc chính phủ Trung Quốc.
4. Viện Khoa học Trung Quốc: cơ quan học thuật hàn lâm cao nhất về KHKT của nhà nước.
5. Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc: cơ quan nghiên cứu cấp cao lý luận quân sự, trung tâm nghiên cứu học thuật quân sự.
6. Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc: nghiên cứu tổng hợp các vấn đề quan hệ quốc tế.
7. Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại: nghiên cứu các vấn đề quốc tế tổng hợp.
8. Ủy ban Toàn quốc Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Trung Quốc.
9. Hội Khoa học kỹ thuật Trung Quốc.
10. Hội Chiến lược quốc tế Trung Quốc: đoàn thể học thuật dân lập nghiên cứu vấn đề chiến lược có tính toàn quốc.
11. Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Thượng Hải: một trong các Think Tank chủ yếu nghiên cứu chiến lược và chính sách ngoại giao.
Ngoài ra tại Đài Loan thuộc Trung Quốc còn có:
1. Think Tank Quốc Dân Đảng: chính thức thành lập 7/2000, gốc là Quỹ Nghiên cứu chính sách quốc gia pháp nhân tài đoàn; đương kim Chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến làm chủ tịch Hội đồng quản trị; thành phần gồm nhiều quan chức chính quyền đã nghỉ hưu, các chuyên viên, học giả.
2. Trung tâm Đài Loan: thành lập 12/2001, gồm các đại gia giới học thuật và kinh doanh, các học giả ở nước ngoài về Đài Loan làm việc và quan chức chính quyền.
Nội địa Trung Quốc hiện có hơn 2.500 cơ quan nghiên cứu chính sách, với 35 nghìn cán bộ chuyên trách, 270 nghìn nhân viên làm việc. Trong đó có 2.000 cơ quan “kiểu Think Tank”, chủ yếu nghiên cứu chính sách, trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ chính phủ. Trong số này Trường Đảng Trung ương, Viện Khoa học xã hội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Học viện Hành chính nhà nước thường được gọi là các Think Tank nhà nước.
Viện Khoa học xã hội có 50 viện nghiên cứu, 260 phòng nghiên cứu, 4.000 cán bộ chuyên trách. Quy mô như vậy vượt xa các Think Tank ở phương Tây (toàn bộ Think Tank cả nước Anh có 1.000 cán bộ, cả châu Âu có chưa tới 5.000 người).
Một số vấn đề của hệ thống Think Tank ở Trung Quốc
Nhà kinh tế nổi tiếng Lưu Tôn Nghĩa, phó Tổng thư ký CCIEE, nguyên Hiệu trưởng ĐH Trung văn, Hồng Công, nhận xét: Trung Quốc có hơn 2.000 Think Tank nhưng uy tín và ảnh hưởng chưa tương xứng với sức mạnh kinh tế đất nước, lực lượng chưa bằng một Think Tank lớn ở Mỹ như Công ty Rand hoặc Viện Brookings.
Doanh nhân nổi tiếng Ninh Cao Ninh nói: bao giờ các văn phòng luật, văn phòng kế toán, công ty tư vấn và Think Tank của Trung Quốc có thể ra nước ngoài kiếm tiền thì Trung Quốc mới trở thành nước lớn; hiện nay chúng ta vẫn phải dựa vào các Think Tank nước ngoài.
Tôn Triết, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc-Mỹ thuộc ĐH Thanh Hoa, nhận xét: tác dụng của các Think Tank ngoại giao Trung Quốc là “lạc hậu”, chưa phối hợp ăn ý giữa cán bộ nhà nước với giới học giả, điều này có phần do chưa xây dựng được chế độ tư vấn chính quy.
Một số học giả Trung Quốc nhận định nước họ chưa có Think Tank với ý nghĩa thực sự. Trung Quốc có hơn 2.000 Think Tank (Mỹ có 1.777), nhưng báo cáo của ĐH Pennsylvania chỉ thừa nhận có 74; nghĩa là phần lớn bị người Mỹ bỏ qua. Bắc Kinh, Thượng Hải không có tên trên bản đồ Think Tank thế giới. Mặt khác, các Think Tank Trung Quốc chỉ lo nghiên cứu phát hiện và giải quyết vấn đề trước mắt, chưa có nghiên cứu nhìn xa trông rộng, dự kiến xu hướng phát triển thời đại, chưa sánh được với các Think Tank hàng đầu trên thế giới, họ nghiên cứu cả những vấn đề sau đây 30-50 thậm chí 100 năm.
Số lượng Think Tank nhiều nhưng 95% ăn lương nhà nước, cán bộ do nhà nước bổ nhiệm; chỉ có 5% thuộc diện dân lập, quy mô rất nhỏ. Think Tank dân lập lớn nhất chỉ có 20 cán bộ, kinh phí hàng năm chừng 2 triệu RMB (Nhân Dân Tệ; 1 RMB tương đương 0,147 USD). Các cơ quan nghiên cứu chính sách hiện nay thường bị dư luận chê trách là hay đưa ra dự báo sai (thí dụ dự báo giá dầu, chỉ số CPI …) và không có tiếng nói trước các vụ việc lớn (như vụ sữa Tam Lộc…) do đó họ không có ảnh hưởng trong dư luận.
Vì phần lớn Think Tank là cơ quan nhà nước nên họ không đại diện cho trí tuệ công chúng, chỉ là cơ quan tuyên truyền và giải thích chính sách nhà nước, rất khó đề ra các ý kiến có tính phản biện đích thực; trong khi tính trung lập và độc lập mới là các yếu tố chủ yếu quyết định sức sống và do đó quyết định nguồn lực của các Think Tank.
Vương Thông Tấn Phó Hội trưởng Hội Nghiên cứu nhân tài Trung Quốc nói: “Rất nhiều Think Tank của chúng ta chỉ có tác dụng chứng minh tính đúng đắn của chính sách.”
Khó khăn lớn nhất của các Think Tank là thiếu nguồn vốn hoạt động, nhất là loại dân lập. Một giám đốc Think Tank dân lập nói: “Nghiên cứu làm cái quạt điện còn có thể bán lấy chút tiền. Chúng tôi nghiên cứu sửa hiến pháp, sửa chính sách nhà nước thì ai bỏ tiền cho chúng tôi? Nhất là việc nghiên cứu các vấn đề vĩ mô, chính quyền chưa chắc đã thích anh làm chuyện ấy.” Rốt cuộc Think Tank của ông này 20 năm qua phải kiếm kế sinh nhai bằng việc tư vấn cho các doanh nghiệp cần xin phá sản.
Think Tank “sang trọng nhất” là CCIEE cũng gặp khó khăn về vốn, tuy mục tiêu hùn vốn chỉ có 500 triệu RMB. Trong khi đó các Think Tank tại phương Tây đều nhận được tài trợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, quan chức, và cả của nhà nước; bởi lẽ họ thấy các Think Tank rất hữu ích với họ. Thí dụ ở Mỹ, riêng một Quỹ Rockefeller mỗi năm tài trợ hơn 60 triệu USD cho Viện Brookings.
Tôn Triết cho biết nguồn tài chính của các Think Tank nghiên cứu ngoại giao chưa đa dạng, phần lớn dựa ngân sách của cơ quan chủ quản, mà các cơ quan này thường coi nghiên cứu là “nghề phụ”, Think Tank bị coi nhẹ nên chưa được rót đủ kinh phí, thậm chí có Think Tank vì thế phải nghỉ việc. Ngay cả Quỹ Nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thành lập đã hơn 10 năm, tuy có tài trợ từ bên ngoài mà năm nào cũng thiếu kinh phí. Do đó các Think Tank thiếu sức thu hút học giả trẻ. Người trẻ nhất của một cơ quan nghiên cứu nổi tiếng nọ đã 35 tuổi, trong khi cơ quan cần lớp thanh niên tuổi 20 tuổi vừa ra trường đang tràn đầy nhiệt tình nghiên cứu, khám phá.
Xã hội Trung Quốc chưa có văn hóa quyên tặng cho Think Tank, qua đó bảo đảm tính độc lập trong nghiên cứu. Các doanh nghiệp khi làm hoạt động công ích thường chỉ quyên tặng phần cứng (như xây dựng nhà làm việc) mà chưa quyên tặng kinh phí cho việc nghiên cứu chính sách công.
Đặng Duật Văn phó Tổng biên tập Thời báo Học tập của Trường Đảng Trung ương nói: “Trung Quốc có nhiều Think Tank nhưng do các vấn đề về cơ chế, nguồn vốn và hệ thống đánh giá nên chưa có thành tích nổi bật trên sân khấu quốc tế, khó có thể đối thoại với các Think Tank hàng đầu thế giới.”
Dư luận Trung Quốc cho rằng nước này rất cần các Think Tank đa nguyên và nhiều loại hình. Vương Thông Tấn nói: “Think Tank dùng đầu óc để làm ra lợi ích có hiệu quả; một xã hội càng phát triển thì càng cần nhiều Think Tank…. Khi các vấn đề càng phức tạp thì càng cần các Think Tank có lập trường khách quan. Mỗi Think Tank phải có lập trường riêng nhưng có thể “hòa mà bất đồng”, được bảo lưu quan điểm của mình, nêu ra các số liệu và kiến nghị khác nhau.”
Khác với phương Tây, ở Trung Quốc các đại biểu quốc hội và đại biểu Chính Hiệp (tương đương Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam) đều không là người chuyên trách và không do dân bầu, vì thế Trung Quốc càng đặc biệt cần có một bên thứ 3 có tính độc lập, tính dân gian và tính trung lập về lợi ích – đó là các Think Tank dân lập, nhờ thế có thể tạo ra được sự phát triển thực sự cho đất nước. Các nước phát triển coi Think Tank là thế lực (quyền lực) lớn thứ tư sau các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Khoa học hóa quyết sách không chỉ là nghe ý kiến dân, vả lại không phải ý kiến đa số là đúng, mà phải nghe ý kiến của các Kho trí tuệ độc lập với nhà nước tiến hành nghiên cứu, phản biện chính sách theo một quy trình có logic chặt chẽ. Nói theo ngôn từ Trung Quốc thì Think Tank phải trở thành “Lãnh tụ ý kiến” của công chúng, phản ánh lên lãnh đạo các ý kiến, chính sách đã qua nghiên cứu công phu nhằm đạt mục tiêu tác động tới quyết sách của chính phủ, tới dư luận công chúng.
Muốn phát triển hệ thống Think Tank cần có 2 điều kiện khách quan: – từ trên xuống dưới hình thành bầu không khí tôn trọng các quyết sách có tính độc lập về chuyên nghiệp; – toàn xã hội phải có một không gian công cộng (tức dư luận) tương đối cởi mở khuyến khích nhiều người tham dự quyết sách.
Hiện nay môi trường xã hội Trung Quốc chưa thuận lợi cho việc phát triển các Think Tank dân lập. Thí dụ, các Think Tank này vốn là tổ chức phi lợi nhuận, nhưng chính sách nhà nước lại yêu cầu họ phải đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp kiếm lời, hoặc “núp bóng” một cơ quan nhà nước nào đó. Các Think Tank hoạt động trong môi trường chưa thuận lợi. Thói quen hàng nghìn năm vẫn áp đảo, cái gì cấp trên đã quyết, dù sai đi nữa, cũng rất khó góp ý sửa đổi, phản bác.
Vương Lợi Lệ, nghiên cứu viên của CCIEE nhận định: nhiệm vụ chủ yếu của Think Tank là nghiên cứu chính sách; mục tiêu của Think Tank là phải tác động tới quyết sách của chính phủ và tới dư luận; nói cách khác, sức cạnh tranh chính của Think Tank là ở năng lực sáng tạo và sức ảnh hưởng dư luận, chứ không phải là ở quy mô và cấp bậc. Để Think Tank thực sự phát triển trở thành một ngành nghề, cần phải hình thành các cơ chế, môi trường và văn hóa có lợi. Nên khuyến khích lập nhiều kênh góp vốn nhằm bảo đảm các Think Tank giữ được tính độc lập, dân lập và đa nguyên. Các Think Tank cần phát huy ảnh hưởng quốc tế, giành quyền ăn nói trên sân khấu quốc tế.
Xu hướng phát triển hệ thống Think Tank ở Trung Quốc
Trung Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Think Tank toàn cầu (Global Think Tank Summit, 2- 4/7/2009 tại Bắc Kinh) có mặt lãnh đạo 30 Think Tank và nhiều học giả trên toàn thế giới. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới dự.
Việc này chứng tỏ Trung Quốc bắt đầu đặc biệt coi trọng Think Tank. 30 năm qua Trung Quốc mới chỉ tập trung phát triển sức mạnh cứng mà chưa coi trọng sức mạnh mềm – sự đột phá về quan niệm tư tưởng, văn hóa giáo dục, then chốt là sự khoa học hóa, hợp lý hóa các quyết sách. Đây là một thiếu sót đáng tiếc. Nếu có nhiều Think Tank dân lập thực sự độc lập và chất lượng cao, thì chính phủ sẽ tập trung được trí tuệ của nhiều bên, nhiều người, nâng cao được tính khoa học, tính hữu hiệu và tính dân chủ của quyết sách. Cần thực thi quy trình mỗi khi nhà nước cần quyết định một chính sách lớn, đầu tiên các Think Tank phải nghiên cứu và nêu ra, sau đó dư luận tiến hành bàn thảo, Quốc Hội xem xét, nghe báo cáo và chất vấn, cuối cùng chính phủ tiếp thu.
Gần đây đã xuất hiện những tín hiệu khả quan: nhiều cơ quan nhà nước tăng kinh phí nghiên cứu, một số quan chức khi nghỉ hưu lại đến nhận công việc ở trường đại học hoặc viện nghiên cứu, việc này giúp thắt chặt mối quan hệ giữa chính quyền với Think Tank; nhiều Think Tank độc lập đã tiếp nhận nguồn tài trợ của xã hội và doanh nghiệp, qua đó tiến theo hướng trở thành Think Tank hiện đại có ảnh hưởng lớn.
Bước phát triển đáng kể là tháng 3/2009 Thủ tướng Ôn Gia Bảo duyệt thành lập Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE), gồm toàn các nhân vật cấp cao. Chủ tịch Ban Chấp hành (BCH) CCIEE là nguyên phó Thủ tướng Tăng Viêm Bồi, ủy viên BCH gồm toàn cán bộ cấp bộ thứ trưởng đương chức hoặc đã nghỉ hưu, giám đốc ngân hàng lớn. Trước mắt đây là một Think Tank cấp cao kiểu mới nửa nhà nước nửa dân lập; sau này sẽ trở thành một Think Tank dân lập, tập hợp đội ngũ chuyên viên cấp cao, tiến hành các nghiên cứu dài hạn, chiến lược, toàn cục, nhằm cung cấp trợ giúp về trí tuệ cho các chính sách công, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các vụ kinh doanh xuyên quốc gia.
Nhà nước chỉ cấp cho CCIEE kinh phí thành lập 5 triệu RMB; còn kinh phí hoạt động phải tự lo. CCIEE đã lập quỹ riêng để tạo nguồn vốn đa nguyên, nhằm mục tiêu tạo vốn 500 triệu RMB; hiện quỹ đã tập hợp được 30 doanh nghiệp trung ương, sau này sẽ thu hút doanh nghiệp tư doanh. CCIEE sẽ áp dụng cơ chế vận hành kiểu thị trường như các Think Tank nước ngoài, không dùng tiền nhà nước, như vậy có lợi cho việc duy trì tính độc lập trong nghiên cứu. CCIEE sẽ dẫn đầu phong trào lập các Think Tank dân lập trong cả nước. Dĩ nhiên quá trình này sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng đã được khởi động với quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Trịnh Tân Lập Phó Tổng thư ký CCIEE nói ban lãnh đạo CCIEE quyết tâm xây dựng CCIEE sao cho có được uy tín và tác động lớn như các Think Tank hàng đầu phương Tây, tức là có ảnh hưởng trực tiếp tới quyết sách của chính phủ và dư luận công chúng.
Thành lập CCIEE là một sự kiện lớn chứng tỏ Trung Quốc quyết đẩy mạnh tiến trình tăng cường vai trò của các tổ chức dân lập trong việc tham dự quyết định mọi chủ trương chính sách của nhà nước, nhằm thực hiện phương châm Khoa học hóa quyết sách.
—–
Tham khảo:
1- Penn Research Ranks World’s Best Think Tanks [http://www.upenn.edu]
2- The Think Tank Index [http://www.foreignpolicy.com]
3- 全球智库峰会 [http://baike.baidu.com]
4- 中国智库95%以上吃财政饭 独立性存隐忧 [http://www.chinanews.com.cn]
5- 中国需要民间智库 [http://forum.defence.org.cn]
6- 一个国家的智商:欢迎中国智库时代到来 [http://news.qq.com]