Tư tưởng chủ đạo trong quản lý KH là phục vụ tốt nhất cho hoạt động của các nhà KH và tổ chức KH-CN

Tại cuộc hội thảo Hoạt động khoa học và công nghệ: Thực trạng và giải pháp do tạp chí Tia Sáng tổ chức vừa qua, nhiều nhà khoa học cho rằng lĩnh vực quản lý khoa học những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2006, đã có những chuyển biến tích cực với những bước đi đúng hướng. Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong về vấn đề này.


PV: Bộ trưởng nghĩ gì về sự đánh giá của các nhà khoa học về những chuyển biến tích cực trong quản lý khoa học?
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Đúng là trong vài năm gần đây, trong hoạt động quản lý nhà nước, Bộ KH&CN đã đạt được một số kết quả ban đầu nhất định. Nếu như từ nhiều năm trước đây, cơ sở pháp lý cho hoạt động KH&CN chỉ có Luật KH&CN cùng một số ít Pháp lệnh, Nghị định, thì vài năm gần đây, Bộ KH&CN đã tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng hệ thống các đạo luật. Đến năm 2006 đã trình Quốc hội ban hành được một số đạo luật quan trọng như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Qui chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các đạo luật này đã tạo nên một hệ thống văn bản qui phạm pháp luật tương đối đầy đủ, có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh toàn diện, đồng bộ hoạt động KH&CN; vừa tạo động lực và thuận lợi cho sự phát triển KH&CN vừa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế… Theo tôi, sự đánh giá của các nhà khoa học là có phần “ưu ái”, động viên những gì mà Bộ KH&CN đã làm được, vì với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hợp tác của các Bộ, ngành có liên quan, và sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, đáng ra chúng ta có thể tháo gỡ thêm được những vướng mắc tồn tại trong quản lý hoạt động khoa học hiện nay.

Hẳn là có nhiều nguyên nhân dẫn đến những chuyển biến tích cực trong quản lý hoạt động khoa học, nhưng theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân chủ yếu?
Trong mọi lĩnh vực quản lý hiện nay, Bộ KH&CN luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng chủ đạo là phục vụ đến mức tối đa yêu cầu “chính đáng” của các nhà khoa học và cơ quan KH&CN, thay vì chỉ là kiểm soát. Nói cách khác là giải phóng những người làm khoa học khỏi cơ chế cũ, nếp nghĩ cũ, tạo điều kiện và cơ hội để họ phát huy tối đa sức sáng tạo. Theo tôi, đó chính là nguyên nhân chủ yếu đưa đến những chuyển biến tích cực trong quản lý khoa học. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng đây là một sự chuyển mình đầy khó khăn vì đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới lề lối tác phong làm việc để có thể có đủ quyết tâm vượt qua các yếu kém, bất cập.

Vậy tư tưởng chủ đạo đó đã được thể hiện trong công tác quản lý như thế nào trong năm 2006?
Năm 2006 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 – 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung triển khai kế hoạch KH&CN theo tinh thần đổi mới toàn diện với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, nên hoạt động khoa học công nghệ đã có những chuyển biến tích cực, từng bước thực sự phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu vào quá trình toàn cầu hóa.
Riêng trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoa học, với tư tưởng chủ đạo trên, Bộ KH&CN đã trình Quốc hội thông qua một số Luật như đã nói ở trên đúng tiến độ với chất lượng cao và đã trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về khoa học công nghệ với tư tưởng đổi mới quyết liệt, các giải pháp tiến bộ, các giải pháp có tính khả thi như: Xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN; trình Chính phủ Nghị định Doanh nghiệp Khoa học công nghệ bao gồm các chế định liên quan tới việc thành lập, chuyển đổi, đăng ký, công nhận và chính sách ưu đãi với doanh nghiệp khoa học công nghệ; hoàn thành Đề án sử dụng và đãi ngộ cán bộ khoa học và trọng dụng nhân tài với những chính sách ưu đãi đặc biệt, trước hết tập trung cho các nhà khoa học có trình độ cao được nhà nước giao nhiệm vụ quốc gia và các nhà khoa học trẻ xuất sắc có khả năng ươm tạo công nghệ ở các trường đại học và viện nghiên cứu trọng điểm, quỹ đầu tư mạo hiểm; quy định về sở hữu quản lý và khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra bằng nguồn ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi của các nhà khoa học…

Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của các cơ chế chính sách mới đó trong đời sống khoa học như thế nào khi mà theo báo cáo tổng kết của Bộ KH&CN, sau một năm triển khai Nghị định 115-  một nghị định được cộng đồng các nhà khoa học coi là có tính cách mạng trong quản lý khoa học – mới chỉ có 31/287 tổ chức khoa học công nghệ của các bộ, ngành và địa phương phê duyệt đề án chuyển đổi?
Trung Quốc từ năm 1984 đã có những thay đổi lớn trong quản lý hoạt động khoa học, nhưng tôi được biết, đến năm 1998, những cơ chế mới đó mới phát huy được hiệu quả một cách rộng rãi. Theo tôi, ở ta cũng vậy, cần phải có một thời gian để những chính sách đổi mới từng bước phát huy hiệu quả. Và hiệu quả của những cơ chế chính sách đó đến đâu không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm tổ chức thực hiện của các nhà quản lý mà phụ thuộc rất lớn vào sự dấn thân của các nhà khoa học trong sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Cả hai phía đều cùng có quyết tâm đổi mới thì mới thành công được.
Riêng đối với việc chậm trễ trong việc thực hiện Nghị định 115, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa mạnh dạn phân cấp, còn nặng tư tưởng bao cấp. Nhiều đơn vị lúng túng trong khâu xác định giá trị tài sản được giao và chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ biện pháp tháo gỡ sự chậm trễ này.

Theo Bộ trưởng, trong năm 2007, hoạt động khoa học cần tập trung vào những nhiệm vụ gì để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế của nền khoa học nước nhà trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa?
Nhằm thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội khóa XI và Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2007, hoạt động khoa học công nghệ trong năm 2007 sẽ tập trung đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc gia, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường công nghệ góp phần tạo bước chuyển biến nhanh hơn về chất lượng hiệu quả của nền kinh tế; xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của một số lĩnh vực trọng điểm, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP Hồ Chí Minh. Cải cách triệt để hơn nữa các cơ chế chính sách quản lý khoa học, tập trung vào các qui chế tuyển chọn và quản lý các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ…
Để có cơ sở góp phần cùng các nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ trên đồng thời nâng cao năng lực trước các vụ việc gây bức xúc trong xã hội như xăng pha acetone, bệnh vàng lùn xoắn lá, dầu biodiesel làm chết động cơ tàu biển… xảy ra vừa qua, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới tư duy quản lý trong đội ngũ cán bộ công chức.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.

P.V

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)