Vẫn muốn hội độc quyền!

Gần đây, nghe tin giới ca sĩ bàn nhau lập một hội riêng, bên cạnh sự tiếp nhận tin tức thông thường, ở tôi còn có một cảm tưởng buồn. Buồn vì hóa ra giới văn nghệ sĩ của ta vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh về kiểu hội đoàn văn nghệ sĩ theo một mô hình đã cũ: mô hình hội độc quyền.


Sao lại dám bảo cái hội thậm chí còn chưa ra đời, mới chỉ được ấp ủ, thai nghén kia là hội độc quyền?

Tôi dám đoán như thế, vì những người rủ nhau lập hội ấy, qua những phát biểu đây đó của họ, đã đủ tỏ ra họ đang nhắm tới cái dạng thức hội mà trên lãnh thổ toàn quốc sẽ chỉ có một nó là duy nhất trong giới của mình, những ai làm nghề ca hát đều (phải) gia nhập hội ấy, hội ấy sẽ đại diện cho ca sĩ cả nước trong mọi hoạt động nghề nghiệp, mọi vấn đề về quyền lợi, nghĩa vụ, v.v… Trên những nét phác như thế, đây sẽ là một hội mang tính độc quyền, hệt như các hội độc quyền hiện có, do di sản của “quá khứ gần”, được thiết kế theo kiểu mỗi ngành một hội, cũng tương tự như EVN trong ngành điện nước ta hiện nay.

Tôi cũng dám đoán rằng cái hội ca sĩ đang được vận động thành lập kia còn muốn sẽ được nhà nước cấp kinh phí hoạt động, cấp trụ sở, xe cộ, v.v…, và sẽ tồn tại bên cạnh các hội đã có như hội nhạc sĩ, hội sân khấu, hội nhà văn, v.v… Như thế, đó sẽ còn là một hội “nhà nước hóa” nữa kia!

Hình như các nghệ sĩ hát (và không chỉ có họ) không hề nhớ rằng, loại hình hội nhà nước hóa, hội độc quyền này, là di sản của việc áp dụng mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước” kiểu cũ, từ trung ương đến địa phương hiện đang có tới hàng trăm hàng ngàn hội các loại, mỗi năm tiêu tốn tiền cỡ chục tỉ của ngân sách, tức là tiền đóng thuế của dân; và loại hội này đang là mối bận tâm của những nỗ lực cải cách về thể chế; nhưng những hô hào “xã hội hóa” vẫn còn chưa hữu hiệu gì. Cũng xin nhớ thêm rằng, đây là những hội mà trong đó các thành viên thay vì hỗ trợ nhau về nghề nghiệp sẽ … đấu đá nhau giành chức tước, sẽ ngấm ngầm mặc cả bán mua phiếu bầu mỗi kỳ đại hội, như người ta đã thấy, bởi vì, cùng với chức tước được bầu sẽ là bậc lương, là tiêu chuẩn xe cộ, nhà cửa, − tất cả đều bao cấp từ ngân sách!

Bên cạnh con số cả trăm (nếu không đến cả ngàn) hội còn chưa thanh lý được kia, tôi nghĩ không nên có thêm dù chỉ một (bằng số: 01) hội nữa cũng trong loại hình hội độc quyền này!

Nói vậy có vẻ như là tôi góp lời bàn lùi vào những hô hào lập hội của giới ca sĩ hiện nay. Hiểu thế cũng chẳng sao. Tôi không dám chắc rằng các vị sốt sắng lập hội kia sẽ không thành công; là vì hiện cũng còn không ít vị công chức (và quan chức) vẫn muốn duy trì lâu chừng nào hay chừng nấy các loại hội nhà nước hóa và độc quyền này, bởi họ vẫn muốn trở lại cơ chế bao cấp cũ; có các vị công chức ấy ủng hộ, một hội ca sĩ mới rất có thể sẽ thành hình.

 Tôi không vỗ tay hoan nghênh kiểu hội độc quyền và nhà nước hóa. Vì thế, trước những vận động lập hội của giới ca sĩ kia, tôi chỉ góp lời khuyên duy nhất: tránh mô hình hội độc quyền và hội nhà nước hóa.

Cụ thể hơn, xin quý vị hãy nghĩ đến một hội nhỏ thôi, đừng là hội toàn quốc! Một nhóm nhỏ thôi, vài chục người chẳng hạn. Hãy nghĩ đến mô hình Tự Lực Văn Đoàn hồi những năm 30 của thế kỷ trước chỉ với 7 thành viên; hoặc ở một phía khác là mô hình một nhà dưỡng lão của các nghệ sĩ ở các tỉnh phía Nam hiện giờ, nơi mà giới nghệ sĩ lập ra cho những trường hợp già yếu không nơi nương tựa, chăm sóc nhau lúc sức tàn lực kiệt, lo đến cả hậu sự cho nhau nữa, rất thiết thực và đầy tình nghĩa!

Trong cuộc sống hiện nay, hoạt động của văn nghệ sĩ nói chung, là thuộc về đời thường, thuộc về đời sống dân sự. Hoạt động nghệ thuật, tức là hoạt động nghề nghiệp của từng văn nghệ sĩ, − mà nội dung chính bao gồm sáng tác và công bố tác phẩm, − gắn họ trước hết với những đơn vị văn hoá nghệ thuật như toà soạn báo, tạp chí, nhà hát, nhà xuất bản, hãng phim, hãng băng đĩa, xưởng hoạ, phòng tranh, v.v…, − những đơn vị này có thể là đơn vị quốc doanh, cũng có thể là xí nghiệp dân doanh, thậm chí là xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, tuỳ theo chế định của luật pháp. Quan hệ của văn nghệ sĩ với các đơn vị nghệ thuật là quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động; không nên đem nội dung “hội đoàn” vào quan hệ này.

Sự liên kết tương hỗ giữa văn nghệ sĩ với nhau, nếu thuộc phạm vi các quyền tinh thần và lợi ích, nảy sinh từ các sản phẩm sáng tạo của họ, − có thể được đảm trách bởi các hãng, các tổ chức tư vấn về bản quyền; nếu thuộc phạm vi chăm sóc sức khoẻ, tuổi già, − có thể được đảm trách bởi các hãng, các tổ chức chuyên về bảo hiểm xã hội.

Còn lại, lĩnh vực mà văn nghệ sĩ có thể cần liên kết nhau, chính là lĩnh vực trực tiếp gắn với hoạt động sáng tạo: những xu hướng, những quan niệm, những ý đồ nghệ thuật cần được chia sẻ, cần được hợp tác, để cùng nhau phác hoạ, hoàn thiện, cùng nhau biến dự phóng nghệ thuật thành thực thể nghệ thuật. Loại liên kết này là yếu tố đáng kể nhất để rủ nhau lập hội. Trong quỹ đạo của chế độ bao cấp, nhân danh sự liên kết ấy, người ta sẽ lập các hội mang tính toàn quốc, và sau khi được chính quyền công nhận, cái hội đó sẽ gần như trở thành “chính quyền”, thành cơ quan hành chính trong giới mình: một “bộ” (hoặc tổng cục) văn học nếu đó là giới nhà văn, một “bộ” (hoặc tổng cục) âm nhạc, nếu đó là giới nhạc, v.v… Kiểu hội “nhà nước hóa”, hội độc quyền, đã hình thành như thế, suốt nhiều năm dài. Nay thì thời bao cấp đã qua; ta nên dứt bỏ luôn cái tư duy, cái mô hình về kiểu hội độc quyền, hội nhà nước hóa ấy.

Tôi nghĩ, trong đời sống văn nghệ từ nay về sau, liên kết nhóm nhỏ có lẽ là dạng liên kết hữu hiệu hơn. Có thể gọi đấy là mô hình hội nghề nghiệp ngày nay. Các nhóm nhỏ này (ví dụ dễ thấy là các ban nhạc trẻ, các nhóm hoạ sĩ, kiến trúc sư, có khi là nhóm vừa nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ… cùng làm một tờ báo chẳng hạn) chỉ tồn tại chừng nào còn nỗ lực sáng tạo chung, chừng nào sự sáng tạo chung còn có hiệu quả đối với đời sống. Khi những nỗ lực ấy, những hiệu quả ấy không còn thì sự chia tay giữa họ, sự chấm dứt của nhóm là không tránh khỏi, và điều đó không hề gây tai hoạ hay biến động gì cho xã hội, ngược lại, là hiện tượng thông thường, bình thường thậm chí cần thiết của đời sống văn hoá văn nghệ. Rời một nhóm vừa tan, mỗi nghệ sĩ lại có thể tham gia một nhóm khác, đã có từ trước hoặc mới lập. Tóm lại, theo tôi, mô hình nhóm nhỏ khả thi hơn, và thực ra cũng đang phổ biến rồi. Đâu cần phải có thứ hội lớn, hội “toàn quốc”?

Thử nghĩ lại mà xem: liệu có cần thiết kế thêm ra cả một cơ cấu kềnh càng ban bệ hội hè cho giới ca sĩ cả nước không, khi mà vô số những hội đoàn văn nghệ kiểu cũ vẫn còn đấy, vẫn xài phí tiền đóng thuế của dân, trong khi việc quản lý về mặt nhà nước cho từng ngành hoạt động nghệ thuật đã chuyển hầu hết về cho các bộ chức năng (thông tin truyền thông hoặc văn hóa thể thao du lịch)?

Hẳn sẽ có ý kiến: nếu như cái hội sắp lập này sẽ tự duy trì hoạt động của mình chỉ bằng đóng góp của hội viên, hoặc bằng các loại tài trợ, bằng những nguồn tiền quyên góp được mà thôi, chứ nhất quyết không xin ngân sách!?
Vâng! Nhưng nếu quý vị tránh được cái quy chế nhà nước hoá rồi, thì lại nên tránh nốt cái quy chế hội độc quyền. Đây là đề nghị của riêng tôi: đừng đặt ra quy chế hội ca sỹ này là hội mang tính toàn quốc, hội duy nhất của giới ca sỹ Việt Nam! Vì nếu đặt ra quy chế ấy thì tức là xâm phạm “quyền không vào hội”, hoặc “quyền lập một hội khác” của những ca sỹ người Việt khác, họ chưa chắc đã tán đồng đứng cùng một hội với những người đang ồn ào lên tiếng đề nghị lập hội, bất kể họ nổi tiếng nhiều hơn hay ít hơn quý vị.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)