Về một số vấn đề trong đổi mới giáo dục hiện nay

Thời gian vừa qua dư luận lên tiếng khá nhiều về những vấn đề trong giáo dục. Có khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề đổi mới của Bộ Giáo Dục - Đào Tạo. Xuất phát từ các ý kiến khác nhau này Tia Sáng có cuộc gặp gỡ và trao đổi với GS Hoàng Tuỵ.


P.V: Thưa GS, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau bàn về những mặt sai, mặt tiêu cực trong giáo dục, GS có suy nghĩ gì?

GS. Hoàng Tụy: Từ nhiều năm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng không ngớt có những cuộc tranh luận về các vấn đề giáo dục. Điều này chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc của xã hội đối với giáo dục và ước vọng tha thiết của người dân hướng tới một nền giáo dục lành mạnh, phát triển đúng hướng.
Thật đáng khích lệ là Tia Sáng chẳng những không bàng quan mà còn là một trong những diễn đàn đáng tin cậy về đổi mới giáo dục.
Điều các độc giả mong mỏi và đòi hỏi là diễn đàn này phải gắng giữ tính chất khoa học, văn hóa của nó, bởi còn có lĩnh vực nào “văn hóa” hơn giáo dục? Khi tranh luận tất nhiên có ý kiến đúng và sai, nhưng bao giờ cũng nên đứng trên mặt bằng khoa học, cố gắng tránh những thái độ thiếu khách quan, thiếu thận trọng khi phát biểu về những vấn đề nhạy cảm, và trong mọi trường hợp tránh đưa ra những thông tin mang tính bịa đặt gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo mà chúng ta phải mất nhiều công phu mới gây dựng được.

Gần đây một số người tỏ ý băn khoăn trước một vài phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đại loại: biếu thầy cô giáo một ít tiền nhân ngày Nhà Giáo cũng không có gì đáng ngại nếu điều đó xuất phát từ tấm lòng; hoặc: hệ tại chức là “nồi cơm” của các trường đại học, không thể triệt ngay mà phải từ từ, v.v. GS có chia sẻ những băn khoăn đó?

Nếu đặt những câu nói này trong bối cảnh cuộc vận động chống tiêu cực mà ngành giáo dục đã phát động thì đúng là phần nào có sự thiếu nhất quán. Tôi chia sẻ băn khoăn của nhiều người. Song tôi vẫn tin ông Bộ trưởng thật sự muốn chống tiêu cực, sự thiếu nhất quán ấy chứng tỏ ông còn chịu nhiều áp lực. Mong sao những áp lực ấy không làm ông đi chệch mục tiêu.
Ai cũng thấy các hệ tại chức, từ xa đang có nhiều bê bối cần phải được kiên quyết chấn chỉnh. Nơi nào đào tạo nhăng cuội chỉ cốt lấy tiền thì cần kiên quyết xử lý. Nhiều người trong đó có tôi đều cho rằng không thể vì nồi cơm mà thoả hiệp với tiêu cực, trái lại càng phải quyết liệt để giữ kỷ cương thì mới mong có những nồi cơm lớn hơn. Tuy nhiên, tôi không tán thành ý kiến một số ít đòi xóa bỏ các hệ tại chức, từ xa. Đó là những hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu thực sự của một bộ phận trong xã hội không có điều kiện kinh tế và thời gian để theo học các lớp chính quy. Ở một số nước, thậm chí đầu tư của toàn xã hội cho các hình thức học tập ngoài chính quy còn vượt cả đầu tư cho hệ chính quy truyền thống. Vấn đề là phải chấn chỉnh để làm cho có hiệu quả, chứ không phải phát triển bừa bãi, biến thành một sự lãng phí lớn và góp phần vào sự sa sút chung của đạo đức trong xã hội.
 
Bộ GD-ĐT đang đưa lên mạng những quy định dạy thêm học thêm (DHTH) để trưng cầu ý kiến. Một số báo cũng có chuyên mục về vấn đề này, người ủng hộ, kẻ phản đối, ý kiến rất khác nhau. GS có đề xuất gì về vấn đề quan trọng này?

Tôi đã nhiều lần đề cập chuyện này khi bàn về giáo dục. Gần đây nhất tôi cũng đã có phát biểu trên báo Sàigòn Giải Phóng. Đại thể tôi vẫn luôn cho rằng DTHT như đã nảy sinh và tồn tại ở ta trong hai chục năm qua là một trong những nét lạc hậu nhất của giáo dục Việt Nam. Nói gì thì nói, sở dĩ DTHT cứ phát triển, mặc cho mọi nghị quyết phê phán nó và mọi lệnh cấm, chủ yếu là do nó đáp ứng một nhu cầu giả tạo của xã hội, tạo nên do đồng lương giáo viên không đủ sống, kết hợp với chương trình quá tải không hợp lý, nhất là khi xung quanh nhà trường công chức mọi ngành đều có cách kiếm thêm thu nhập ngoài lương để nâng cao mức sống. Không nên viện cớ ở một số nước tiên tiến như Nhật bản đều có học thêm với một tỉ lệ cao (70%?), để biện minh cho việc DTHT của ta, vì học thêm ở các nước đó khác hẳn DTHT của ta. Trừ trường hợp đặc biệt những học sinh vì đau ốm hay lý do nào đó không theo kịp được lớp, còn họ chỉ học thêm những thứ ngoài chương trình chính khóa (nhạc, họa, nghệ thuật, ngoại ngữ, v.v.), để phát triển năng khiếu, hoặc để chuẩn bị thi vào những trường lớn thường đòi hỏi cao hơn chương trình THPT. Học như thế thường từng nhóm nhỏ, dưới hình thức học sinh phải chủ động nhiều hơn là nghe giảng thụ động, gần như một cách tự học dưới sự hướng dẫn của thầy.  Không có kiểu như ta, học ở lớp qua loa hay sơ sài rồi trả tiền để học thêm ngoài giờ, học kỹ hơn về những thứ trong chương trình và học theo những lớp khá đông, người kém học chung với nguời giỏi, và thường cũng nghe giảng thụ động không khác gì ở lớp chính khóa. Thậm chí luyện thi trong những phòng chật như nêm, thiếu cả điều kiện vệ sinh tối thiểu. Học thêm như vậy nếu có thu lượm thêm được chút kiến thức nào thì cái giá phải trả cũng quá đắt, giáo dục ngày càng lún sâu vào kiểu học từ chương, khoa cử, học vẹt, bắt chước, làm theo, chứ làm sao phát triển được tính chủ động, sáng tạo. Ham học theo kiểu xưa đó chẳng có lợi gì cho đất nước, nhất là trong thời đại này. Cho nên cần có nhận thức dứt khoát về tính chất lạc hậu của DTHT tràn lan.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là nên ủng hộ việc cấm đoán DTHT. Chừng nào các nguyên nhân sinh ra DTHT còn tồn tại, thì không thể dùng mệnh lệnh hành chính để xoá bỏ DTHT. Đặc biệt, trong lúc tiền lương giáo viên không đủ sống thì không có pháp lý cũng như đạo lý nào cấm được họ dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Đó là nỗi đau, nỗi nhục chung của xã hội, không nên để một mình giáo viên gánh chịu. Do đó, giải pháp đúng đắn là tạm thời chấp nhận DTHT để quản lý tốt hơn, và hạn chế các tiêu cực. Đồng thời đừng quên đây chỉ là giải pháp tạm thời, cốt lõi giải quyết vấn đề này là phải tìm biện pháp nhanh chóng sửa đổi chế độ lương để tiến tới xoá bỏ dần DTHT, chỉ để tồn tại kiểu học thêm lành mạnh như ở các nước. Mà sửa đổi chế độ lương thì đâu phải khó đến mức không làm được, tuy phương án Bộ GD-ĐT đang đề nghị chưa phải là hay và cơ bản.

Nhiều người, kể cả một số nhà khoa học Việt kiều vốn rất tâm huyết với giáo dục, đều tỏ ý hoài nghi tính khả thi của kế hoạch của bộ GD-ĐT dự định đào tạo hai vạn tiến sĩ (TS) trong mười năm tới. GS có tin trưởng kế hoạch ấy thực sự khả thi không và bằng cách nào khả thi?

Chắc rằng khi tuyên bố kế hoạch đào tạo TS với qui mô như vậy Bộ GD-ĐT đã có những tính toán cụ thể. Tuy vậy, cũng như nhiều người, tôi e rằng ta chỉ mới tính toán ước lượng nhu cầu, chứ chưa cân nhắc kỹ về tính khả thi của kế hoạch. Ví dụ, ta có thể xúc tiến mạnh gửi người nhờ các nước giúp đỡ đào tạo, song khó khăn của giải pháp này là chọn người gửi đi học từ những nguồn nào trong khi đại học của ta còn yếu kém như hiện nay và chắc chắn với đội ngũ giảng dạy hiện có khó có thể nâng cấp nhanh chóng được. Không phải chỉ có tài chính mà còn nhiều yếu tố phức tạp khác không thể dễ dàng vượt qua. 
Một lần nữa cần nhắc lại bài học từ việc đào tạo TS quá cẩu thả chỉ cốt số lượng mà hàng chục năm nay ta vẫn coi như một thành tích, thật ra đang gây cho ta những khó khăn trở ngại chưa lường hết. Cả việc công nhận GS, PGS không theo các chuẩn mực quốc tế bình thường, trong khi gạt ra ngoài nhiều người trẻ xứng đáng, cũng đang làm chậm tiến trình hội nhập quốc tế của các đại học Việt Nam. Cái vòng luẩn quẩn: thầy kém đào tạo ra trò kém, trò kém trở thành thầy kém, rối lại đào tạo ra trò kém,… chỉ có thể chấm dứt bằng những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết. Trước hết ở các khâu đào tạo sau cử nhân và tuyển chọn GS, PGS .
Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm thất bại do bệnh thành tích, chạy theo hình thức, số lượng, mà coi nhẹ thực chất. Lần này nên chăng phải thực tế hơn. Đây cũng là một biểu hiện căn bệnh thành tích không thể tiếp tục duy trì trong đời sống giáo dục.

Đội ngũ GS của ta tuy đông nhưng tuổi rất cao, nếu cứ theo quy định chung một số khá lớn GS sắp phải nghỉ hưu mà không có người thay thế. Trước tinh hình đó, Bộ GD-ĐT dự định đề nghị Nhà nước cho phép kéo dài tuổi hưu của GS. Một số ý kiến còn rất phân vân về chuyện này, GS nghĩ sao? 

Trước hết tôi rất tiếc về vấn đề này báo Tia Sáng số 23 ngày 5.12.2006 vừa đăng một bài của Lương Xuân Hà (LXH) dưới cái tít rất kêu: “Món quà nhân ngày nhà giáo và những những cuộc phiêu lưu của ngành giáo dục” trong đó tác giả đã bịa đặt, xuyên tạc nhiều điều dẫn ra không đúng từ số báo An ninh thế giới cuối tuần số 63, tháng 10-2006. Số là, có nhà báo hỏi tôi về tuổi hưu trí đối với các nhà khoa học lỗi lạc và chính trị gia xuất sắc nên giải quyết thế nào cho hợp lý. Nhân trả lời tôi có nêu cách giải quyết ở các nước tiên tiến, đặc biệt Mỹ, Canada và Nhật, và khi giải đáp các thắc mắc của nhà báo liên hệ với tình hình của ta tôi cũng có nói vài ý, nhưng rất chung chung, không hề có đề nghị cụ thể gì và cũng chỉ giới hạn trong phạm vi các đối tượng nhà báo đã xác định trong câu hỏi (nhà khoa học lỗi lạc, chính trị gia xuất sắc). Chỉ có thế thôi mà tác giả LXH lại bịa ra thành chuyện to tát “lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Nhà nước cần bãi bỏ quy định tuổi hưu trí với các giáo sư, bởi lẽ các giáo sư là nguồn chất xám vô giá đối với đất nước đồng thời cũng là những nhân cách lớn”. Thật không ngờ sự bịa đặt xuyên tạc trắng trợn đến mức đó. Sau khi thêm nhiều chi tiết tưởng tượng khác nữa, tác giả LXH phong cho nhân vật của mình cái chức mỉa mai “phản biện giáo dục” kèm lời phê phán “lùng nhùng trong những hy vọng duy ý chí”.
Tôi tin chắc những ai từng theo dõi các cuộc thảo luận về giáo dục đều biết rằng một sự đánh giá và ngưỡng mộ mù quáng như trên đối với đội ngũ giáo sư của ta hoàn toàn xa lạ với tôi. Dù không được thông minh và giàu trí tưởng tượng như tác giả LXH, chắc không ai ngây ngô tin rằng có giáo sư nào lại đi tự ca ngợi giới mình một cách lố bịch như đã kể. Riêng tôi không có cái thích thú ấy, có chăng ai đó suy bụng ta ra bụng người rồi tưởng ai cũng như mình, sẵn sàng đánh mất tính trung thực là cái tối thiểu của nhân cách trí thức.
Khi thuật lại câu nói của tôi: ở Mỹ và Canada, “đã là giáo sư hay nhà khoa học lớn thì họ đều biết tự trọng…”, tác giả LXH lại có vẻ như muốn làm cho người đọc bỏ qua mấy chi tiết quan trọng:  Mỹ và Canada, giáo sư hay nhà khoa học lớn. Có lẽ ông bạn cứ tưởng giáo sư ở Mỹ hay Canada cũng được tuyển chọn tùy tiện như ở xứ mình, sống lâu lên lão làng, cho nên mới không tin rằng ở các nước đó giáo sư được hưởng quyền không thể bị thải hồi hay nghỉ hưu, nhưng lại có quyền đơn phương rời bỏ đại học mình đang làm để chuyển tới một đại học khác thích hợp hơn. Cái quy chế hợp đồng như thế là bất đối xứng thật, song nó buộc các đại học, nhất là đại học lớn, phải cân nhắc kỹ càng trước khi tuyển một giáo sư, chứ không thể tuyển chọn theo những tiêu chuẩn tùy tiện rồi lãnh đủ hậu quả cho sự tùy tiện đó, như ta đã làm hàng chục năm qua và còn muốn tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới.
Cũng trong bài phỏng vấn đã dẫn, tôi có nhấn mạnh tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá các nhà khoa học và chính trị gia cao cấp ở các nước dựa trên năng lực thực tế của họ đối với công việc họ phụ trách. Thậm chí, muốn ứng cử giáo sư ở một số nước Bắc Âu không cần bằng cấp gì hết, ngay cả bằng tiến sĩ, mà chỉ cần chứng tỏ năng lực khoa học biểu hiện qua số lượng và chất lượng các công trình đã công bố trên quốc tế. Ở các nước này, giáo sư cũng không bắt buộc phải lên lớp trực tiếp, mà chủ yếu chỉ phải hướng dẫn nghiên cứu. Trong khi đó, một số đại học thuộc loại chất lượng thấp lại không đặt yêu cầu cao về nghiên cứu mà chỉ thiên về giảng dạy, mặc dù theo quan niệm chung, dạy đại học phải kết hợp với nghiên cứu mới bảo đảm được chất lượng.

Một vấn đề đã được thảo luận nhiều và gần đây xem ra đã ngã ngũ là xóa bỏ độc quyền in và phát hành sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng đó chưa hẳn  là giải pháp khả thi và tối ưu. Theo GS, việc này có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục và nên giải quyết  như thế nào cho hợp lý? 

Tôi đã có nhiều dịp phát biểu về vấn đề này (xem Thời báo Kinh Tế Sàigòn, số 50-2006). Ở hầu hết các nước trên thế giới không có chuyện một nhà xuất bản của Nhà Nước hay tư nhân được giao độc quyền xuất bản sách giáo khoa, mà giáo dục của họ tốt hơn ta nhiều. Vậy không có lý do gì lo ngại rằng xóa bỏ độc quyền này sẽ dẫn đến kết quả tiêu cực cho giáo dục. Nói chung không chỉ trong lĩnh vực này mà trong nhiều lĩnh vực khác nữa độc quyền là một hình thức quản lý lỗi thời đang bị xóa bỏ dần. Nếu có ai phản đối độc quyền vì thèm khát “miếng bánh” khổng lồ (như trong bài báo đã nêu trên Tia Sáng) thì điều đó cũng chẳng có gì xấu. Cạnh tranh kinh tế đều vì “miếng bánh” cả, chỉ đáng lên án là cạnh tranh không lành mạnh. Tôi thiết tưởng thời nay mà cứ lập luận quanh co để bảo vệ độc quyền là đi ngược lại xu hướng tiến bộ. Còn làm sao để thị trường sách giáo khoa không rối loạn, bát nháo, thì mấu chốt không phải là bám giữ độc quyền mà là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, để cho mục tiêu lợi nhuận đi đôi với trách nhiệm cộng đồng. Những lo ngại rằng xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa sẽ gây rối loạn cũng chẳng khác gì lo ngại phát triển kinh tế tư nhân sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Đó thực chất là ý muốn quay lại kiểu quản lý bao cấp mà mọi chúng ta đều quá rõ tác hại. 
Về sách giáo khoa, ngoài chuyện độc quyền xuất bản còn nhiều vấn đề khác nữa, như: nên tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa như thế nào là hợp lý, có nên quy định một cuốn sách duy nhất cho cả nước về mỗi môn, mỗi lớp, và giáo viên có bắt buộc phải dạy theo đúng sách đó không,v.v.  Phải thừa nhận hai mươi năm qua các vấn đề này được giải quyết chưa tốt, gây ra quá nhiều lãng phí, khiến nhiều người có ý kiến.  Rất tiếc cuộc tranh luận gay gắt đang diễn ra về sách giáo khoa đã đi tới giai đoạn cãi vã thiếu bình tĩnh, khách quan. Tôi nghĩ đây không còn là diễn đàn thích hợp với Tia Sáng. Chẳng hạn, tôi cũng bị vô cớ gán cho là tác giả bộ sách giáo khoa toán 50 năm trước, chẳng lẽ tôi không cải chính mà cải chính tất sẽ bị lôi vào cuộc tranh luận chẳng có gì hay ho cả, vì tôi cảm thấy thiếu thiện chí và trung thực. Tốt nhất  Bộ GD-ĐT cùng với ban VHGD của Quốc Hội nên vào cuộc để hướng cuộc tranh luận vào mục tiêu xây dựng hơn, nhằm cải tổ lại việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho hợp lý và có hiệu quả, không chỉ cho giáo dục phổ thông mà cả cho đại học.
Trên thế giới đã có quá đủ kinh nghiệm về các vấn đề này, khi hội nhập ta không thể bỏ qua các kinh nghiệm đó. Tôi chưa biết mai đây vào WTO rồi, mà cái gì của ta cũng chẳng giống ai, cứ đường ta ta đi, sách ta ta học, cho đến nỗi có những kiểu dạy người ta đã bỏ mấy chục năm rồi mà ta vẫn cố giữ, ngược lại có những kiến thức học sinh phổ thông các nước đều được học mà ở ta vẫn có giáo sư còn lơ mơ, thì làm sao chống đỡ nổi với làn sóng toàn cầu hóa.

Bộ GD-ĐT dự định trong vài năm tới sẽ bỏ thi tuyển đai học. GS có ý kiến gì về vấn đề này? Có lý do nào để lo ngại rằng bỏ thi đại học sẽ đẻ ra nhiều rắc rối, và coi đây cũng  là  một bước phiêu lưu của  giáo dục?
Có thể đồng ý hay không, nhưng không thể coi đây là một cuộc phiêu lưu. Cũng như vào WTO có thể thích hay không, nhưng không thể coi là mạo hiểm. Tôi không biết trên thế giới có nước tiên tiến nào còn thi tuyển đại học chung cho cả nước như ta. Ở Mỹ hay Anh có những kỳ thi như SAT hay GCSE, nhưng đó chỉ là kỳ thi sơ tuyển nhẹ nhàng để loại bớt những người quá kém và vì vậy yêu cầu của các kỳ thi này cũng không phải để tuyển vào một ngành đại học cụ thể, mà chỉ là kiểm tra một số kỹ năng tổng quát.
Ở nước ta, có điều kỳ lạ là học thì không nghiêm chỉnh, thi thì tiêu cực đủ cách, nhưng lại rất thích nhiều kỳ thi chung cả nước. Hết năm này đến năm khác, mỗi mùa thi tuyển sinh đại học là cả nước đi thi, với biết bao chuyện dở khóc dở cười và tốn kém tiền của. Từ hơn mươi năm rồi chúng tôi đã kiên trì thuyết phục bỏ bớt các kỳ thi, đến bây giờ mới bỏ được thi tiểu học và thi THCS. Nay Bộ GD-ĐT dự định tiếp tục bỏ thi tuyển sinh đại học, tôi hoan nghênh tuy rằng theo tôi tốt hơn là nên bỏ thi tú tài và thay kỳ thi tuyển sinh đại học bằng một kỳ thi sơ tuyển kiểu như SAT của Mỹ. Lý do vì sao chúng tôi đã nêu rõ trong bản kiến nghị năm 2004 và gần đây trên Tia Sáng số 15 ra ngày 5.8.2006.
Tôi vẫn cho rằng nên bỏ thi tú tài, nói đúng hơn chỉ nên thi học kỳ ở lớp 12 cho nghiêm chỉnh, đủ điểm thì cho tốt nhiệp. Nếu nói rằng cái bằng phải bảo đảm giá trị chất lượng thì khi thi nghiêm túc giá thử chỉ 50% thi đỗ giá trị tấm bằng đã đúng yêu cầu chưa? Mà nếu nhờ thế giá trị tấm bằng có được nâng lên tí chút, thì liệu cái lợi đó có đáng để đánh đổi bằng việc cả mấy chục vạn học sinh học lớp 12 thi trượt, với những hệ lụy xã hội kèm theo? Hơn nữa, trong một hệ thống giáo dục mà bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, cho đến trình độ GS, PGS đều thấp tệ hại so với chuẩn, thì liệu đánh trượt 40-50% học sinh lớp 12 có ý nghĩa gì. Nên chăng thà chấp nhận giá trị bằng tú tài chỉ là trình độ trung bình thực tế của 12 năm học, rồi có biện pháp nâng cao dần chất lượng một cách trung thực, từng bước nhưng kiên quyết, từ lớp 1 cho đến tiến sĩ?

Ngoài những vấn đề đã nêu trên, GS có thấy những vấn đề quan trọng nào khác cần góp ý kiến với ngành giáo dục khi chúng ta đã bước vào WTO? Phải chăng, như tác giả LXH đã nhận định, chúng ta đang “mất phương hướng và cái chúng ta đang cần là dũng khí đi thẳng vào cái thực chất yếu kém, mất phương hướng có tính tổng thể của nền giáo dục, vào những vấn đề có tính bản chất chứ không phải chỉ là những hiện tượng bề mặt”? 

Còn rất nhiều vấn đề, mà then chốt nhất (và cũng khó khăn nhất), theo tôi, là giải pháp tiền lương. Tôi vui mừng thấy Bộ GD-ĐT đã bắt đầu nhận ra ý nghĩa then chốt của việc này, có dịp thuận lợi tôi sẽ xin góp ý về vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác, đặc biệt các vấn đề của đại học. Còn về nhận định  cho rằng cả các nhà quản lý giáo dục và các “nhà phản biện giáo dục” đều đang mất phương hướng trầm trọng thì những ý kiến tôi đã phát biểu ở trên tưởng cũng đã làm rõ quan niệm của tôi. Có lẽ cái nhận định chủ quan và có tính chất phỉ báng mọi người là do tác giả bài báo không có điều kiện theo dõi các cuộc thảo luận về giáo dục từ hơn mười năm nay. Thiết tưởng không cần nhắc tới bản kiến nghị năm 2004 của hơn hai mươi người chúng tôi.
Đương nhiên có nhiều ý kiến trái chiều thì chỉ có lợi cho công việc chung. Chỉ có điều, như tôi đã nói, sẽ là may mắn và hạnh phúc hơn nếu mỗi người đều đứng trên mặt bằng khoa học và vì lợi ích chung mà phát biểu quan điểm riêng của mình một cách thẳng thắn nhưng trung thực. Nếu khiêm tốn một chút thì tốt hơn, nhưng trung thực, khách quan là yêu cầu chính.

Quả thật, giáo dục hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần các nhà quản lý cũng như những người thực sự tâm huyết tham gia ý kiến. Vấn đề không phải là tranh luận để tìm ra ai đúng ai sai, mục đích cuối cùng chính là tìm ra  những giải pháp tích cực – đòn bẩy để chữa trị những căn bệnh trầm kha của giáo dục. Cảm ơn GS đã chia sẻ những suy nghĩ và quan điểm của mình về lĩnh vực này.

P.V thực hiện

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)