Vì sao người Việt nghiện Facebook?
Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có người dùng truy cập mạng xã hội Facebook trên thế giới, theo khảo sát mới vừa công bố của GlobalWebIndex trên tạp chí Economist đầu tháng 11/2014. Tại sao với một quốc gia mà mọi thông tin trên internet chưa hoàn toàn được mở cửa với người dùng như Việt Nam, thì nhu cầu sử dụng mạng xã hội lại cao như vậy? Cụ thể, người dân làm gì ở trên mạng xã hội?  
Câu trả lời, nếu đơn giản nhất sẽ là: chia sẻ thông tin, đời sống cá nhân và kết nối cộng đồng. Nhưng sâu xa, nhìn vào thực tế của khí hậu truyền thông và văn hóa, thì vấn đề không dừng lại ở đó. Nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ trí thức bắt đầu biết cách sử dụng mạng xã hội như một phương tiện truyền thông riêng để chia sẻ hình ảnh, góc nhìn đời sống, truyền tải thông tin và đưa ra thông điệp xã hội với tư cách những công dân thực thụ. Nhiều người sử dụng mạng xã hội như một phương tiện quảng bá trong kinh doanh hay xây dựng hình ảnh cá nhân, từ đó, tác động đến đại chúng một cách hiệu quả. Nhiều dự án từ thiện cộng đồng, tiếng nói xã hội dân sự được tập hợp, bắt đầu từ trên mạng xã hội.
Ở đây, ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội vào thực tế đời sống khá rõ ràng, mạnh mẽ và trực tiếp. Trong thời gian qua, nhiều thông tin, sự kiện thời sự được khởi đầu từ mạng xã hội chứ không phải trên những tờ báo chính thống, đã làm thay đổi cả chiều hướng thông tin được “phân luồng” trên báo chí chính thống. Mạng xã hội đã trở thành một diễn đàn rộng rãi để những tiếng nói độc lập, đa dạng có thể lan tỏa và cọ xát với nhau một cách sòng phẳng, tự do. Trong đời sống chính trị, mạng xã hội như một hàn thử biểu phản ánh đầy đủ và chính xác tâm thế xã hội trước phương thức vận hành chung. Chỉ cần một phát biểu thiếu trách nhiệm hoặc thiếu hiểu biết của một vị đại biểu tại nghị trường, trong vài phút sau đã có những cuộc tranh luận nổ ra trên Facebook; chỉ cần một quyết định, chính sách nào đó lạm quyền, phi lý, thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm được ban hành thì vài phút sau trên mạng đã xuất hiện những ý kiến phản biện, phản ứng thẳng thắn. Đã có những phản ứng như thế tạo nên sự bùng phát lớn khiến cục diện tình hình thay đổi, ngăn chặn những “chính sách trên trời”, làm ảnh hưởng xấu đến tương lai cộng đồng.
Theo xu thế chung của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam bắt đầu quen với tâm lý coi mạng xã hội là một kênh tham khảo, kênh bổ sung hay chất liệu, nguồn thông tin thô thay vì dè bỉu, chê bai hay đẩy nó về phía bên kia chiến tuyến. Đã có những người làm báo chí chính thống đứng vào trung tâm dòng chảy của mạng xã hội để tiếng nói xã hội của mình được “thử lửa” và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Kết quả xếp hạng của GlobalWebIndex dựa trên khảo sát 170.000 người dùng internet ở 32 nước khác nhau trong quý I năm 2014. Theo đó, các nước có số người sử dụng Facebook nhiều nhất là: 1. Mỹ; 2. Ấn Độ; 3. Trung Quốc; 4. Brazil; 5. Indonesia; 6. Nga; 7. Mexico; 8. Philippines; 9. Đức; 10. Việt Nam. Một khảo sát khác do SimilarWeb thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu truy cập theo địa chỉ đăng ký IP của thiết bị người dùng đã cho một kết quả khác hẳn, với Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn vắng mặt khỏi danh sách top 10. Cách này chưa phản ánh đầy đủ thực tế ở những quốc gia mức độ kiểm soát của nhà nước với internet còn cao, dịch vụ mạng xã hội có những thời điểm rất chập chờn, người dùng muốn truy cập thì phải thông qua một phần mềm cung cấp IP trung gian để “vượt tường”. |
Tóm lại, nếu nhìn ở góc độ thực tế truyền thông ngày nay, không thể nghĩ hay nói rằng mạng xã hội là phương thức truyền thông phụ, phi chính thống và chỉ báo chí nhà nước quản lý thì mới là chính thức. Coi mạng xã hội là thù địch của đời sống báo chí lại càng là cách nghĩ ấu trĩ tai hại trong thời buổi này.
Mức độ người Việt “nghiện Facebook” có lẽ nhiều hơn dữ liệu mà GlobalWebIndex thu thập được. Điều đó phản ánh một nhu cầu truyền thông, nhu cầu về tiếng nói cá nhân trong xã hội. Ngay trong mục đích chia sẻ sở thích, đời sống như xem phim, đọc sách, ăn uống, nuôi con, du lịch… trên mạng xã hội, cũng đã cho thấy người dùng mong muốn xác lập sự hiện hữu của họ trong cái thế giới mà vai trò, vị thế và tiếng nói cá nhân không phải bao giờ cũng được thừa nhận một cách đầy đủ.
Nếu nhìn ở góc độ giá trị, thì thấy vẫn còn đó những lao xao hỗn loạn, thậm chí tính bầy đàn – như cách không ít học giả vẫn quy kết cho những lối hành xử cảm tính, đám đông trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng như trong đời sống văn minh, với một không gian văn hóa mà mỗi người tìm thấy sự chủ động, tự do và biết tôn trọng những tiếng nói khác biệt, thì nên lạc quan và hiểu rằng, văn hóa hành xử hay chất lượng những chia sẻ rồi sẽ được hình thành nơi mỗi người sống trên mạng xã hội qua thời gian.
Cần nhìn về đời sống mạng xã hội ở Việt Nam theo góc nhìn rộng, lạc quan hơn là xét nét và định kiến!