Việc làm và quan hệ việc làm phi truyền thống trước CMCN 4
Cuộc cách mạng công nghệ 4 đang được định hình, nhưng vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi “bao nhiêu việc làm sẽ mất đi, bao nhiêu được tạo ra?” hay “con người và công nghệ, ai thắng ai?”
ILO dự đoán sẽ 56% việc làm ở Đông Nam Á sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới. Số việc làm này chủ yếu là kỹ năng thấp trong cách ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, v.v. Ảnh: thietbidetmay
Trận đấu 4.0: Con người & công nghệ, ai thắng ai?
Việc làm mất đi hay chuyển đổi?
Năm 2017, Tập đoàn tư vấn McKinsey tung ra dự báo về việc làm toàn cầu trước tác động của tự động hóa. Dự báo cho thấy vẫn có đủ việc làm cho đến năm 2030 do 7 xu hướng kích cầu việc làm cùng xuất phát từ chính tự động hóa. Đồng thời tự động hóa sẽ làm thay đổi loại hình và kỹ năng làm việc của từ 75 triệu cho đến 375 triệu người trên toàn thế giới tùy theo mức độ áp dụng công nghệ nhanh hay chậm.
Cứ 6 trên 10 việc làm hiện nay sẽ bị chuyển đổi về hình thức do ít nhất 30% hoạt động thực hiện công việc đó được tự động hóa. Tức là khoảng 14% trong số 2,66 tỉ việc làm sẽ không bị mất đi mà chỉ chuyển sang dạng khác. Với tốc độ ứng dụng công nghệ nhanh nhất, sẽ có khoảng 30%, tức là 800 triệu người lao động bị thay thế. Tuy nhiên 8-9% việc làm hoàn toàn mới được tạo ra và nhu cầu sẽ tăng lên với 33% lực lượng lao động xuất phát từ các xu hướng như thu nhập và tiêu dùng gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi; già hóa dân số; phát triển và áp dụng công nghệ mới; đầu tư vào xây dựng cơ bản; năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu; và các dịch vụ bù đắp cho các công việc không được trả lương. Các con số này cho thấy thế giới sẽ có đủ việc làm đến năm 2030.
Với báo cáo này, nỗi sợ mất việc làm sẽ được thay thế bằng sự lo lắng làm sao tốc độ đầu tư vào phát triển và ứng dụng công nghệ của chính phủ và doanh nghiệp có thể đi cùng với tốc độ tăng trưởng, thay thế việc làm, cũng như nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Vì chắc chắn việc làm chỉ có thể được tạo ra và được thay thế hiệu quả nếu mức lương đi cùng với năng lực đi lên của người lao động, tăng trưởng kinh tế đi kèm sáng tạo kích cầu việc làm, lực lượng lao động trẻ và đa đạng ngành nghề mở rộng đường cho ứng dụng công nghệ.
Cuối cùng, việc làm kỹ năng thấp hay ít đòi hỏi bằng cấp vẫn được thâm dụng, nhưng không bao gồm các hoạt động mà máy móc và robot có khả năng vượt trội như sản xuất hàng loạt, tổng hợp, xử lý số liệu, v.v. Thay vào đó, lực lượng lao động, bao gồm cả những người quản lý, phải bổ sung và nâng cao các phẩm chất và kỹ năng về công nghệ, quản lý các mối quan hệ việc làm, quan hệ xã hội, tư duy nhận thức, phân tích logic và khả năng sáng tạo. Như ông trùm bán lẻ Jack Ma đã khẳng định, thế hệ lao động mới cần học những thứ mà robot khó có thể qua mặt được họ, như nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, tâm lý hay các kỹ năng tương tác giữa con người với con người.
Tại Việt Nam, các phẩm chất và kỹ năng làm việc này đang là những thách thức lớn nhất của lực lượng lao động, cũng là những “khối u” nhức nhối đang triệt tiêu năng suất, hiệu quả hợp tác tại nơi làm việc, vốn có nguyên do từ xuất phát điểm thấp về chất lượng giáo dục trước và trong khi tham gia thị trường lao động. Từ đây đã và đang có sự dịch chuyển từ quan hệ việc làm truyền thống sang việc làm “tự do” trong nền kinh tế chia sẻ – khi mà các cá nhân từ chối làm việc tập thể để trở thành “nhà thầu độc lập” trong mối quan hệ với đối tác hoặc ông chủ “ảo” như Uber, Grab, Airbnb, Freelancer, Upwork, v.v. Phân tích được xu hướng này tại Việt Nam mới có thể dự báo sâu hơn tác động của 4.0 lên việc làm và lực lượng lao động và mới có thể trả lời câu hỏi “Ai thắng ai?”
Cách mạng lần thứ 4 tạo ra các mối quan hệ việc làm phi truyền thống
Việc làm phi truyền thống (GIG) – độc lập, tùy ý, nhiều rủi ro, ít ràng buộc, nhiều yếu tố công nghệ – đã có mặt ở Việt Nam được một thời gian, song song với xu hướng khởi nghiệp (start-up). Nó đối lập với việc làm truyền thống (JOB) – làm công ăn lương, ít rủi ro nhưng bị ràng buộc bởi nghĩa vụ, trách nhiệm, quy trình – vốn là tấm vé đảm bảo “an ninh” việc làm cho mỗi người lao động.
Thay vì ký hợp đồng toàn thời gian và dành hết 8-9 tiếng tại văn phòng hay cơ sở sản xuất, người đi làm thời 4.0 có thể cài ứng dụng Upwork, nhận một công việc thiết kế, lập trình, v.v. từ Mỹ nhưng vẫn ngồi tại Việt Nam và làm việc bất kỳ thời gian nào mình muốn với các điều kiện trả công được thực hiện ngay trên ứng dụng. Nếu không thích làm công nhân lao động tại các nhà máy sản xuất, bất kỳ ai cũng có thể trở thành tài xế Uber hoặc một người bán hàng tự do trên Facebook, Ebay, Amazon, v.v. Anh tài xế chở khách đi bao nhiêu km thì được trả lương theo giá mà ông chủ Uber đưa ra ngay trên ứng dụng. Cô bán mỹ phẩm online lúc nào thích thì có thể streamline chào hàng, chốt đơn hàng theo giá mà mình đưa ra hoặc giá thị trường. Đây là loại hình GIG mà đến năm 2020 sẽ có hơn 40% người đi làm trên thế giới lựa chọn để thay thế hoặc hỗ trợ công việc truyền thống đang có…, đây cũng là cách thức khiến hơn 800 triệu việc làm không mất đi mà được chuyển đổi sang dạng thức khác đã được Mckinsey dự báo đến 2030.
Việc làm phi truyền thống kéo theo việc hình thành các mối quan hệ làm việc phi truyền thống. Theo đó người đi làm thời 4.0 nếu không còn muốn ràng buộc hoặc bị quản lý bởi những người sử dụng lao động thiếu tầm nhìn đối với vốn con người, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động cảm tính, hay vi phạm các điều kiện lao động đã cam kết như trả lương thiếu, muộn, không tạo cơ hội phát triển v.v. thì có thể làm việc với các ông chủ “ảo” như Uber, Grab, hay tự trở thành ông chủ tự thân với Amazon, Facebook, Upwork, Fiverr, v.v.. để giao kết một hợp đồng làm việc chỉ bằng một cú click chuột.
Với mối quan hệ việc làm công nghệ này, mô tả công việc, đánh giá năng lực, thu nhập thù lao, sản phẩm đầu ra cụ thể được ghi nhận bằng các thuật toán đơn giản khiến hai bên đàm phán, thương lượng, giao kết, điều chỉnh, v.v. một cách chính xác và ít sai sót hơn hàng chục lần so với thỏa thuận thông thường.
Tăng hiệu suất làm việc mà chưa cần robot
Nói tới cách mạng lần thứ 4, nhiều người lo lắng tới sự “xâm lăng” của robot, nhưng tại Việt Nam, nói đến robot hiện giờ vẫn là quá xa vời. Thị trường lao động trong cách mạng lần thứ 4 cần được nhìn nhận thực tế thông qua mức độ ứng dụng công nghệ mà tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. v.v. thâm dụng lao động. Ngoài tỉ lệ sử dụng internet ở mức thấp, các ông chủ tại Việt Nam vẫn còn e dè khi sử dụng các ứng dụng và nền tảng thông minh để tăng hiệu suất và năng lực làm việc của cá nhân, tập thể. Nhiều doanh nghiệp, thậm chí rất lớn và lớn, vẫn sử dụng cơ chế nặng về hành chính văn bản và các hàm excel đơn giản để quản lý đến hàng trăm hàng ngàn người…ở các nơi làm việc cấp tiến hơn, các hệ thống hiện đại được trang bị để quản trị nhân lực nhưng dễ dàng bị chi phối và lạm dụng bởi các quyền hạn và mối quan hệ không được quản trị minh bạch. Chi phí cho những vấn đề này nhìn ở góc độ tranh chấp về lợi ích giữa các cá nhân đến tập thể (từ vị trí quản lý cao nhất đến thấp nhất) có thể tính đến hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD cho những dự án thất bại, những vụ kiện tụng, đình công hoặc hiệu quả làm việc tụt đáy mà phần nhiều các doanh nghiệp không tính toán được.
Một lý do nữa là giá nhân công tại Việt Nam vẫn còn rẻ để các nhà đầu tư tiếp tục sử dụng máy móc “vốn đã bị thải loại từ các nền kinh tế tiên tiến” và “năng suất lao động có theo kịp máy móc hiện đại đâu mà đầu tư mới làm gì?” Cuối cùng, các ông chủ lớn nhỏ tại Việt Nam hay được nhân viên hài hước nhận định về khả năng ra quyết định, đặc biệt các quyết định đầu tư vào những vấn đề phức tạp như quản trị hệ thống hay công nghệ, thường không có căn cứ dự báo tính toán.
Trước tự động hóa và robot, thế giới đã thúc đẩy công nghệ Quản lý thông minh (Business Intelligence – BI) để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quản lý truyền thống trước khi trí tuệ nhân tạo vào cuộc. Có BI thì Walmart, người khổng lồ về thâm dụng lao động, gần đây mới quyết định theo chân Amazon dựa nhiều hơn vào nền kinh tế GIG và tự động hóa. Vì với BI, họ tính toán rằng dù doanh thu hằng năm lên tới 500 tỉ USD, mỗi người lao động của họ chỉ kiếm về cho họ 217.000 USD một năm, so với 315.000 USD của nhân viên Amazon, dù công ty này nhỏ hơn rất nhiều và số lượng lao động chỉ bằng 1/4 Walmart. Walmart hi vọng tự động hóa và GIG sẽ cải thiện hiệu suất làm việc trên toàn cầu, số lượng nhân viên sẽ giảm đi, vì thế thu nhập của họ sẽ tăng lên và tiếng xấu “chạy đua xuống đáy” về trả lương cho người lao động của Walmart bao năm qua có thể sẽ không còn.
Như vậy tại Việt Nam, chỉ cần áp dụng các nền tảng quản trị doanh nghiệp thông minh (BI) phổ biến và đã được chứng minh của thế giới để nâng tầm hiệu suất làm việc, thúc đẩy các mối quan hệ việc làm lành mạnh đã là một cuộc “cách mạng” đáng kể tại Việt Nam, chứ chưa nói gì đến trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.