Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Gần đây sau nhiều cuộc tọa đàm giữa Lãnh đạo Bộ và nhiều nhà khoa học có uy tín về biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, đã đi đến một ý kiến chung là: nghiên cứu cơ bản mà không đạt đến công bố quốc tế là lãng phí, không nên làm. Nhưng theo Điều 5 của Qui định đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu cơ bản của Bộ KH&CN vừa ban hành, kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện bằng các công trình (bài báo, báo cáo khoa học...) đã công bố hoặc đã được nhận đăng (có giấy nhận đăng của Ban biên tập tạp chí, của Ban tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, của nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật) ngoài nước và trong nước. Như vậy, Qui định này đồng nghĩa với việc cho rằng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên không nhất thiết phải công bố quốc tế.
Nhất thiết mọi thành tựu nghiên cứu cơ bản phải được đánh giá qua công bố quốc tế? Phải chăng trong hoàn cảnh VN đòi hỏi này không thực tế? Nhưng nếu trong một ngành khoa học có tính quốc tế như các ngành khoa học tự nhiên, kinh tế, y học…, mà không dựa vào các chuẩn mực quốc tế để đo lường từng bước thành tựu của mình thì căn cứ vào đâu so sánh ta với thế giới, làm sao biết được ta tụt hậu, tụt hậu đến đâu và cần làm gì để gỡ sự chậm trễ? Gần mười năm trước Chính phủ ta đã từng mời một đoàn chuyên gia Canada sang ta khảo sát và góp ý kiến về phương hướng phát triển khoa học và công nghệ. Đoàn khảo sát đã để lại một bản báo cáo và kiến nghị khá chi tiết và theo tôi có nhiều gợi ý tốt, lúc bấy giờ đã được các quan chức Bộ KH&CN đánh giá cao. Một trong các khuyến cáo trong bản kiến nghị ấy là: nghiên cứu cơ bản mà không đạt đến công bố quốc tế là lãng phí, không nên làm. Theo tôi đó là một lời khuyên chí lý, nhưng hình như cả lời khuyên đó và bản kiến nghị đối với chúng ta đều chẳng có tác dụng gì. Trong khi đó có nhiều ngành khoa học của ta hằng năm vẫn được cấp những khoản kinh phí không nhỏ về nghiên cứu cơ bản, nhưng rất ít có công trình được công bố trên quốc tế. Có phải là do nghiên cứu cơ bản trong các ngành đó không cần công bố trên quốc tế hay do có nhiều nghiên cứu được kể là nghiên cứu cơ bản một cách gượng ép?
GS Hoàng Tụy
Tôi cho rằng đã là nghiên cứu cơ bản thì bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải có công bố quốc tế mới được tài trợ bởi Nhà nước (Quỹ KHCN). Còn những nghiên cứu không có công bố quốc tế thì tùy cơ sở (Viện, Trường hoặc Bộ) tài trợ trong khuôn khổ kinh phí của cơ sở đó. Còn với những nghiên cứu ứng dụng thì Nhà nước chỉ nên tài trợ cho một phần, phần chủ yếu còn lại thì cho vay ưu đãi có thời hạn tùy mức độ quan trọng của nó đối với xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Khánh-ĐHQG TP.Hồ Chí Minh
Rất tiếc rằng cho đến hiện nay nhiều khi các công bố quốc tế trên những ấn phẩm có uy tín gần như bị đánh đồng với các công bố trong nước, đặc biệt là các công bố trong các ấn phẩm dạng như tập san khoa học của một số cơ quan giáo dục, nghiên cứu hay quản lý. Thực trạng này dẫn đến việc đánh giá “đồng thau lẫn lộn” trong khoa học. Ví dụ: trong hồ sơ đăng ký chức danh PGS hay GS mỗi công bố trên các ấn phẩm quốc tế chỉ được chấm điểm tối đa (1 điểm) giống như hoặc cao hơn không đáng kể so với công bố trong nước (chưa kể còn bị chia đều theo số lượng đồng tác giả) do đó xảy ra tình trạng có người có hàng chục công bố quốc tế có uy tín nhưng không được phong PGS hoặc GS trong khi đó có người chỉ với “hành trang” chủ yếu là những bài đăng tại tạp chí trong nước, thậm chí là trong các tuyển tập hội nghị hay tập san chất lượng đáng ngờ, thì được nhận hàm PGS hoặc GS.
TS. Nguyễn Anh Kỳ-Viện Vật lý và Điện tử
Không ít các cán bộ khoa học có đủ mọi bằng cấp và chức danh ở ta thường tìm mọi cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và khách quan với ngụy biện rằng chúng ta mới qua chiến tranh, còn nghèo, cần phải từ từ, rằng họ thực hiện các đề tài nghiên cứu định hướng “ứng dụng” không đòi hỏi phải có công bố quốc tế như các nghiên cứu “lý thuyết”? Lập luận đó vẫn cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm, bất chấp những thay đổi diễn ra thời gian qua, kể cả khi chúng ta đã bước vào tiến trình hội nhập và kinh phí nhà nước đầu tư cho KH&CN được tăng mạnh nhờ có sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Nếu họ làm ứng dụng thực sự phục vụ thực tế thì họ phải thu được kinh phí trực tiếp từ các cơ sở sản xuất và thị trường, và nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ về mặt hành chính và pháp lý, kể cả có thể xét cho vay vốn ưu đãi. Còn đã là thực hiện đề tài nghiên cúu, nghĩa là hưởng kinh phí bao cấp từ nhà nước, thì họ phải chịu các đòi hỏi nghiêm ngặt và khách quan về chuẩn mực khoa học cho các kết quả nhận được thể hiện bằng việc công bố quốc tế (không phải chỉ là một báo cáo tổng kết để xếp tủ, hay áp dụng hình thức, không hiệu quả), và qua đó giúp nâng cao được cái nền của KH&CN nước nhà.
TS. Phạm Đức Chính – Viện Cơ học
Nói ra không biết có to tát hay không, nhưng tôi nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ của nhà khoa học là nâng cao sự hiện diện, và qua đó, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế qua nghiên cứu khoa học; do đó viện dẫn một lý do không thuyết phục nào đó để nói rằng không cần công bố quốc tế thì vô hình chung nhà khoa học trở nên vô trách nhiệm với nước nhà.
GS Nguyễn Văn Tuấn- Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia
Người nghiên cứu khoa học mà không có công bố quốc tế cũng ví như người công nhân đi làm mà không có sản phẩm, người nông dân gieo lúa mà không thu hoạch được…
Tôi không ngờ rằng ở Việt Nam ta, trong giai đoạn mở cửa, hòa nhập mà vẫn có người cho rằng nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải công bố quốc tế.
GS.TS Nguyễn Bá Ân- Viện Vật lý và điện tử