1516: Doanh nghiệp dựa vào lòng tốt

Tự thiết kế và đưa những hệ thống điện tái tạo mini đến vùng sâu vùng xa vẫn chưa có điện nối lưới hoàn toàn phi lợi nhuận, 1516 tiềm năng đến đâu?

Hệ thống của 1516 ở xóm chài ven sông Hồng vào năm 2017. Ảnh: Minh Hà – Dương.

Tháng 11/2019 lần đầu tiên điểm trường ở Cờ Lò của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Ủ, ở huyện Mường Tè, Lai Châu có điện. Nhưng không phải là từ lưới điện quốc gia mà từ một hệ thống điện tái tạo mini đậm tính thủ công tự chế. “Nói với các bạn học sinh rằng những “cối xay gió” đó sinh ra điện là ai cũng thích” – Bùi Thị Minh Khuyên, một giáo viên của trường kể lại.

Không phải chỉ riêng những đứa trẻ chưa từng nhìn thấy turbin gió mới phấn khích như vậy. Tác giả của hệ thống phát điện này là công ty 1516 – trong đó 15 là hai chữ số cuối của năm thành lập (2015), 16 thể hiện sự đi lên. Ngay sau khi 1516 thành lập một năm, những dự án đầu tiên của họ đã cuốn hút và gây tò mò, hứng thú đối với công chúng và truyền thông cả trong và ngoài nước.

Thử nghiệm thứ nhất của công ty, xuất phát từ một cuộc thi do do Live and Learn – một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam tổ chức, là trên 10 hộ dân xóm vạn chài ở bãi giữa sông Hồng. Đời sống nghèo khó phiêu bạt nay đây mai đó của những cư dân vạn chài này khiến công ty điện lực rất khó thu tiền điện nên e dè cấp điện cho họ. Bởi vậy, dù chỉ sống cách trung tâm sầm uất của Hà Nội vài km, nhưng hoặc những người này chịu cảnh thiếu điện, hoặc mua điện với giá gấp ít nhất là hai lần bình thường của một người “câu trộm” điện từ đất liền ra bãi sông. Sau thử nghiệm thứ nhất, 1516 nhận được kinh phí của Hội doanh nghiệp Anh tại Hà Nội để triển khai khoảng 50 hệ thống điện mini tại “xóm phao” – cũng có hoàn cảnh tương tự bên sông Hồng, cách xóm vạn chài không xa. Hai dự án này đã gây tiếng vang lớn tới mức, các nhà tài trợ tự tìm đến 1516 để công ty đem sản phẩm của mình đến những nơi không có điện trên khắp Việt Nam. Quán tính của những dự án đầu đã duy trì 1516 sống ổn định mà không cần bỏ một đồng phí marketing tìm khách hàng nào trong gần năm năm, cho đến trước đại dịch COVID-19 xảy ra.

1516 hiện đã lắp đặt hơn 1000 bộ hệ thống của họ ở 15 tỉnh thành trên cả nước.

Bất cứ ai nhìn thấy hệ thống phát điện của 1516 đều bị ấn tượng bởi chiếc turbin gió với mỗi cánh quạt từ ba chiếc chậu nhựa màu đỏ (phiên bản về sau được cải tiến thành chậu nhôm để bền hơn) gắn với thanh sắt. Sự sắp xếp đơn giản đó lại phù hợp một cách bất ngờ: vừa đảm bảo dễ sản xuất từ nguyên liệu rẻ sẵn có, vẫn đảm bảo sản xuất ra điện, sản phẩm trông xa vừa bắt mắt như một điểm nhấn lạc quan ấm áp – giống những “bông hoa đỏ” – mọc lên giữa những mái nhà lụp xụp, tạm bợ ven sông.

Chi tiết độc đáo trong cánh quạt turbin gió là một minh họa cho thấy điểm mạnh trong hệ thống của 1516 nằm ở thiết kế. Người sáng lập của 1516, anh Lê Vũ Cường xuất thân là một kiến trúc sư, từng làm việc tại Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), một tổ chức hướng dẫn và thúc đẩy các công trình kiến trúc bền vững. Anh từng chắp bút viết hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh mà VGCB hiện vẫn đang sử dụng. “Lúc nào tôi cũng hướng tới môi trường, tạo ra những sản phẩm xanh” – Anh nói. Cú “rẽ ngang” của anh sang làm về năng lượng tái tạo không chỉ “chung gốc” đam mê với công việc trước đây, mà chính góc nhìn của một kiến trúc sư còn đem lại một cách tiếp cận mới mẻ với một mô hình năng lượng tái tạo đã cũ.

Hệ thống điện tái tạo mini của 1516 không có gì đột phá về mặt công nghệ. Nó là một mạch điện không nối lưới cơ bản. Trong đó, thiết bị phát điện (như turbin gió, pin năng lượng mặt trời) sẽ được nối với một thiết bị gọi là bộ điều khiển sạc; bộ điều khiển sạc được nối với pin lưu trữ điện; pin lưu trữ được nối với bộ kích điện (inverter); các thiết bị dân dụng sẽ được cắm vào inverter để sử dụng. Bộ điều khiển sạc giữ cho pin lưu trữ điện không bị nạp quá mức, đảm bảo an toàn và tuổi thọ của pin. Còn inverter đóng vai trò chuyển đổi điện một chiều từ pin lưu trữ thành dòng điện xoay chiều 220V, phù hợp với các thiết bị điện ở Việt Nam hiện nay.

Các thầy cô ở Mường Tè, Lai Châu tự lắp hệ thống của 1516. Ảnh: Fanpage 1516 energy.

Tuy nhiên, làm sao để lựa chọn và đóng gói các linh kiện đó thành một sản phẩm phù hợp cho các dự án xã hội mới là vấn đề. Linh kiện tuy dễ mua nhưng không dễ lắp và đối với những khu vực vùng sâu vùng xa không có điện, giao thông khó khăn, còn khó vận chuyển, bảo trì, bảo dưỡng. Sản phẩm cuối cùng là sự thỏa hiệp giữa các yếu tố: giá thành rẻ, hiệu suất tốt, bền đẹp, an toàn, dễ bảo trì bảo dưỡng, dễ vận chuyển, dễ lắp đặt, dễ sử dụng. Có thể nói, sản phẩm của 1516 là điểm cân bằng giữa các thiết bị điện năng lượng mặt trời giá rẻ, chủ yếu để “chơi thử nghiệm” nhập khẩu từ Trung Quốc và những hệ thống chuyên nghiệp hàng trăm triệu có thể chu cấp lượng điện đáng kể cho những gia đình trung lưu ở thành phố.

Bao gồm cả turbin gió và pin năng lượng mặt trời để bổ trợ cho nhau tùy điều kiện thời tiết, hệ thống của 1516 được thiết kế dễ tháo lắp hơn cả một món đồ nội thất IKEA. Ngoài bắt vít cho cánh quạt của turbin thì việc còn lại chỉ là cắm điện. Trung tâm của hệ thống là một chiếc hộp gỗ kín (36x13x13cm), gọi là “sun box” mà bên trong đã được lắp sẵn inverter, bộ điều khiển sạc và pin lưu trữ (ắc quy viễn thông). Sun box này có ổ điện “đầu vào” để cắm turbin gió và pin năng lượng mặt trời – đều đã được nối sẵn dây cắm và ổ điện “đầu ra” để nối đủ loại các thiết bị điện dân dụng. Mỗi khi có trục trặc kĩ thuật, người dùng chỉ cần gửi sun box về công ty để sửa chữa.

Trước đây, khi chưa nghĩ ra sun box, các linh kiện còn rời rạc, đội ngũ của công ty đều phải đến từng nơi để lắp đặt, chủ yếu là các điểm trường và hộ dân vùng núi cao ở phía Bắc, tốn kém cả về chi phí, thời gian và nguy hiểm. “Đường bé tí, một bên là núi một bên là vực. Tôi lên đó nhiều lần rồi vẫn sợ, những lần đầu tôi còn chỉ dám đi bộ, cảm giác mình có thể bay xuống vực bất kì lúc nào. Gần lên đỉnh núi, mình gần như không nhìn thấy gì phía trước…” – anh Cường chia sẻ. Giờ đây, thiết bị của họ đều được vận chuyển bằng xe khách đến các bến xe ở thành phố, thị trấn và người dân tự dùng xe máy chở đến điểm cuối cùng và tự lắp đặt. Có một điểm trường ở Điện Biên dùng hệ thống của 1516 khoảng hai năm thì có điện lưới kéo về tới nơi, họ lại tháo ra để chuyển tới những điểm trường khác chưa có điện.    

Nếu so sánh với cuộc sống tiện nghi ở thành phố, lượng điện của hệ thống 1516 sản xuất ra chỉ như muối bỏ biến. Hệ thống còn không chịu được các thiết bị có công suất lớn hơn 700W như ấm điện, bếp điện, nồi cơm điện…“Nhưng trên núi nhu cầu dùng điện chỉ ở mức tối thiểu thôi” – anh Cường nói. Từ lượng điện khiêm tốn, hệ thống đảm bảo người dùng có thể tối đa mục đích: thắp sáng, quạt trần, quạt cây, loa, đài, tivi, laptop, điện thoại…

Năm 2019, cô Bùi Thị Minh Khuyên xin tài trợ 1500 USD từ Quỹ cộng đồng AVIVA (một chương trình trách nhiệm xã hội của tập đoàn bảo hiểm AVIVA, Anh) để đưa điện tái tạo về các điểm trường không có điện ở huyện Mường Tè. Trước đây các điểm trường cũng dùng những thiết bị năng lượng mặt trời giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc mua qua mạng nhưng chúng chỉ có thể thắp sáng. Một hệ thống có công suất 700 – 800W của 1516 khoảng 10 triệu đồng, còn đa tiện ích, với cô Khuyên là “giá hỗ trợ”. 1516 hiện đã lắp đặt hơn 1000 bộ hệ thống của họ ở 15 tỉnh thành trên cả nước.

Robyn Klingler-Vindra, PGS về khởi nghiệp và bền vững tại King’s College London, tác giả của cuốn sách Inclusive Innovation (tạm dịch là đổi mới sáng tạo hòa nhập) cho rằng, inclusive innovator là những người điều hướng nguồn lực và đổi mới sáng tạo theo cách khác với bản năng của nền kinh tế thị trường.  Sản phẩm và quy trình mới của họ hướng đến việc cải thiện đời sống và sinh kế của những người bị lề hóa. Trong nhiều trường hợp, họ đưa ra các giải pháp công nghệ không phải là tối tân nhất, nhưng phù hợp nhất – là giải pháp phải chăng nhất, vừa vặn nhất để giải quyết vấn đề địa phương, vốn bị lãng quên bởi cả tư nhân và nhà nước. Kể lại cuộc gặp với anh Lê Vũ Cường vào năm 2019, Robyn Klingler-Vindra chia sẻ với Tia Sáng rằng, 1516 là “một ví dụ xuất sắc về inclusive innovation” và điều bà ấn tượng nhất là “Cường đã kết hợp được kĩ năng của một kiến trúc sư và sự dấn thân vào cộng đồng để giải quyết vấn đề địa phương một cách thân thiện với môi trường”.

Con đường nhọc nhằn

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi quay trở lại xóm phao – một trong những nơi đầu tiên 1516 lắp đặt hệ thống của mình khi họ còn chưa nghĩ ra cách thiết kế sun box. Các turbin gió đã không còn hoạt động, chỉ còn lác đác vài nhà là còn dùng được tấm pin mặt trời hoặc bình ắc quy từ dự án bảy năm về trước. Nhưng kể cả khi đã có một thiết kế vững chắc hơn, hệ thống của 1516 cũng không đủ “nồi đồng cối đá”. Trong một đợt mưa bão vào năm 2020 giật đổ cả điểm trường Cờ Lò, lúc bấy giờ đang lắp ba hệ thống điện tái tạo của 1516: “Điện gió không trụ được, còn ba bộ năng lượng mặt trời thì hỏng hai bộ” – cô Minh Khuyên cho biết. Về sau, 1516 hỗ trợ gửi bù đến những tấm pin mặt trời bị hỏng.

Anh Minh Hà-Dương, một trong những người đồng sáng lập tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) từng tới thăm thử nghiệm của 1516 trên 10 hộ dân ven sông Hồng vào năm 2017. Trong mắt anh, “đó là công nghệ thô sơ, một giải pháp hiệu quả thấp tạm thời trong ngắn hạn, chắc chỉ tốt hơn không có điện một chút”.

Hiện nay để tiếp tục duy trì việc đưa điện về vùng cao, 1516 đang nghĩ đến các sản phẩm có khả năng thương mại hóa rộng rãi hơn. Trong ảnh là turbin gió phục vụ giáo dục đào tạo. Khi các em học sinh quay cánh quạt như dải lụa, turbin sẽ tạo ra điện để sạc điện thoại. Ảnh: Fanpage 1516 energy

Tuy nhiên, hệ thống của 1516 khó có thể tốt hơn được nữa. Để nâng hiệu suất và độ bền của sản phẩm lên đáng kể sẽ kéo theo một loạt vấn đề kĩ thuật và tài chính khác. “Turbin gió quy mô nhỏ thì hiệu quả thấp lắm. Còn để có một turbin gió có công suất tương đương với một tấm pin mặt trời khoảng 1×0.6m chẳng hạn, thì phải lắp cao 20m, sải cánh tầm 2.5m. Khổng lồ luôn. Nó gặp rất nhiều vấn đề về an toàn, lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng…” – anh Cường nói.

Không chỉ là rào cản kĩ thuật, 1516 còn bị kẹt giữa nhiều thách thức khác sự phát triển của cả sản phẩm và của cả công ty. Mặc dù trên lý thuyết, sản phẩm của 1516 có thể áp dụng cho bất kì cộng đồng bị lề hóa nào thiếu điện, nhưng không dễ để họ mở rộng thị trường ra khỏi Việt Nam. Anh Lê Vũ Cường được tài trợ để thăm dò thị trường các nước Đông Nam Á khác và Châu Phi – những nơi mà tỉ lệ bao phủ điện thấp hơn nhiều so với Việt Nam. “Sản phẩm của mình không phải quá đặc biệt, những công ty về năng lượng tái tạo khác họ thừa sức làm được. Ngay tại địa phương bao giờ giá cũng rẻ hơn, tận dụng được lợi thế bảo trì tốt hơn, việc gì họ phải làm với mình?” – anh Cường đã có khá nhiều kết nối, nhưng chưa bao giờ đi đến đâu. Ở châu Phi thực ra đã có một vài mô hình tương tự, còn ở Indonesia, Philippines với tần suất thiên tai xảy ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn Việt Nam, “không turbin nào chịu được”.

Họ cũng không thể mở rộng sang phát triển các dự án điện tái tạo đô thị. 1516 đã từng lắp hàng chục bộ turbin cho hai resort ở Nha Trang và Cần Thơ nhưng theo anh Cường, “điện có được bao nhiêu đâu, chủ yếu là để PR thôi”. Thế mạnh của 1516 nằm ở thiết kế hệ thống điện gió và họ đã phát triển một phiên bản turbin gió với hiệu suất cao hơn, chuyên nghiệp hơn, đậm tính thẩm mĩ kiến trúc. Nhưng giữa chừng bỏ ngang. Các nghiên cứu chỉ ra rằng gió ở Đông Nam Á không đủ mạnh để chạy những hệ thống điện gió không nối lưới. Hơn nữa, khi chi phí điện lưới còn rẻ, các hộ dân hay tổ chức kinh doanh ở Việt Nam không thấy việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo là hấp dẫn.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tài trợ cho 1516 bị cắt giảm mạnh. Từng lọt vào SET100 – danh sách 100 startup hứa hẹn nhất thế giới trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng do Cơ quan Năng lượng Đức và Hội đồng năng lượng Thế giới lựa chọn và Giải nhất giải thưởng Energy Globe Award (khu vực Việt Nam), được cho là giải quan trọng nhất về bền vững trên toàn cầu, nhưng tất cả các nhà đầu tư tiếp cận 1516 đều từ chối. Anh Cường chia sẻ: “Mình vận hành như một tổ chức phi chính phủ, họ không thấy tiềm năng”. Từ trước đến nay, 1516 vận động các quỹ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài để lắp hệ thống của mình cho những nơi chưa có điện, hoàn toàn phi lợi nhuận.

Con đường duy nhất

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá quá trình điện khí hóa của Việt Nam là một kì tích. Theo Tổng công ty điện lực EVN, 100% xã và hơn 99% hộ dân trên cả nước đã được kết nối với điện lưới.

“Trẻ con được học buổi tối, được nghe radio, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Có điện sớm có thể thay đổi cả cuộc đời của một đứa trẻ, mình không thể đánh giá được hết”. Võ Thị Xuân Quyên

Con số 1% còn lại bao gồm ít nhất là 154 nghìn hộ dân, theo thống kê của Bộ Công thương vào năm 2021. Đó còn chưa kể đến các điểm trường – các trường “vệ tinh” nằm trong bán kính 10-20km so với trường chính ở thị xã, thị trấn. Điểm trường thường ở nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số nghèo nhất, khó khăn nhất, mà Cờ Lò là một ví dụ. Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chỉ ra rằng có 20.000 điểm trường trên cả nước và có thể tới ¾ trong số đó không được tiếp cận với điện lưới. Việt Nam đã huy động mọi khoản vay tín dụng của các tổ chức quốc tế nhưng phần lớn các dự án đưa điện về nông thôn giai đoạn 2015 – 2020 đều chậm tiến độ.

Ít người hiểu được nỗi khổ của việc sống giữa một ốc đảo tăm tối khi hầu hết cả nước đều đã có điện. Ở điểm trường Cờ Lò, lượng điện khiêm tốn từ hệ thống đơn sơ của 1516, dù chỉ đủ duy trì đến khoảng 10h tối, cũng đã trút bỏ được nhiều gánh nặng cho giáo viên và học sinh. Đèn không chỉ cần thiết cho buổi tối chăm sóc những học sinh nội trú, tổ chức lớp học bổ túc mà cả ban ngày, giữa mùa đông âm u sương mù đến trưa mới tan. Nếu không có quạt, mùa hè học sinh không chỉ nóng mà còn nghỉ học, trốn thầy cô ra tắm suối, có nguy cơ cao bị đuối nước. Phần lớn các thầy cô đều là những người xa gia đình, chỉ cần sạc được điện thoại để liên lạc cũng đã là một sự an ủi lớn. Nếu không, “có khi cuối tuần tôi xuống xã khác mới có điện, lúc đấy mới biết sự việc ở nhà, rất bất cập” – cô Khuyên kể lại.

Chị Võ Thị Xuân Quyên, Tư vấn và phát triển chương trình tại Live and Learn – nơi tài trợ đầu tiên cho 1516 chia sẻ rằng, những hệ thống năng lượng tái tạo phi tập trung như của 1516 đem lại cho những người thu nhập thấp “một quyền bình đẳng so với hơn 99% hộ dân khác” trong việc tiếp cận nguồn điện. Chị nói, “trẻ con được học buổi tối, được nghe radio, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Có điện sớm có thể thay đổi cả cuộc đời của một đứa trẻ, mình không thể đánh giá được hết”.

Anh Minh Hà – Dương cho rằng, dù nhiệm vụ của nhà nước là phải đưa điện đến tất cả mọi người, nhưng họ không thể dành vô hạn nguồn lực để điện khí hóa nông thôn. “Lưới điện quốc gia sẽ không bao giờ phủ được 100% hộ dân.” – anh khẳng định. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, để cấp điện cho các vùng sâu vùng xa, giải pháp tốt nhất là lưới điện mini. Hiểu một cách đơn giản thì đây là một dạng “nhà máy điện” độc lập với điện lưới, sử dụng năng lượng tái tạo và cung cấp một sản lượng điện ổn định cho một cụm dân cư. Thông thường, giải pháp này là do tư nhân và cộng đồng cùng chia sẻ chi phí xây dựng và vận hành. Nhưng hệ thống đó không hề rẻ – người dân ở những nơi đang áp dụng tại Mỹ và Úc có thu nhập gấp ít nhất là 20 lần so với người dân nông thôn ở Việt Nam.

Theo anh Minh, cần ít nhất là 5-10 năm nữa để hệ thống lưới điện mini có thể áp dụng ở Việt Nam. Và trong khi đó, “hàng nghìn thôn, bản – hàng trăm nghìn hộ dân vẫn sẽ phải dựa vào các tổ chức như 1516”.

Hệ thống như của 1516 có thể là giải pháp tối ưu ở Việt Nam hiện nay để điện khí hóa nông thôn, dù chỉ là tạm thời. “Chính sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải khuyến khích những nhà sáng chế và khởi nghiệp như anh Lê Vũ Cường để sử dụng chuyên môn của mình, làm việc với cộng đồng để giải quyết vấn đề và thách thức của họ” – PGS. Robyn Klingler-Vidra nhấn mạnh.

Giờ đây, quá trình “chở điện về làng” sẽ diễn ra một cách chậm chạp, đặt nặng lên vai các cá nhân.  “Tám năm trước tôi toàn công tác ở những nơi không có điện, muốn sử dụng điện thoại, muốn dùng máy tính để soạn bài cũng không được. Sạc nhờ nhà dân, nhà nào khá giả có máy phát điện bằng nước thì lại bị cháy pin, cháy máy. Vậy nên khi có cơ hội giúp các điểm trường có điện là tôi làm” – Cô Bùi Thị Minh Khuyên nói. Mục tiêu trước mắt của cô là phủ điện hết 14 điểm trường ở huyện Mường Tè.□

—–

* Bài viết hợp tác giữa Mekong Eye và Tia Sáng   

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)