2007 – Kinh tế thế giới sẽ ra sao?

Dầu giá 150USD/thùng, nguy cơ xuất hiện chủng virus mới còn nguy hiểm hơn H5N1, sóng thần, bão lụt tại Nam Á, cuộc chiến tranh dành đất đai ở Hoa Kỳ và những vụ lôn xộn qui mô lớn tại Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh... Tuy nhiên, đó vẫn chưa là tất cả những nguy cơ đang rình rập loại người trong tương lai... Các chuyên gia thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos quả quyết như thế.

Một vài kịch bản…
Kịch bản thứ nhất. Đầu năm 2008, quân khủng bố tấn công một số tàu chở dầu ở eo biển Moluccas, đẩy giá dầu lên tới đỉnh điểm 150USD/thùng. Lập tức các nước xuất khẩu dầu sẽ thành lập liên minh, ví dụ như liên minh ChavPec (ghép họ của Tổng thống Venezuela Chaves và tổ chức OPEC), hay liên minh của các nước nghèo ở châu Mỹ – La tinh với sự dẫn dắt của Venezuela và Bolivia; liên minh của các nước SNG với nước đứng đầu là Nga; ở châu Phi cũng thế. Khi đó, kinh tế các nước phát triển bắt đầu suy thoái, nặng nề nhất là Mỹ. Ngược lại, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự để củng cố quyền lực. Thế giới đang phân rã.
Kịch bản thứ hai. Tháng 1-2008, châu Á sẽ phải đối mặt với một chủng virus mới (hoặc là biến thể của H5N1) nhưng mức độ nguy hiểm khủng khiếp hơn nhiều. Sau một tháng (2/2008), lượng người chết vì virus mới này đã vượt quá con số 50. Tuy không nhiều, nhưng làn sóng hoảng loạn bao trùm khắp hành tinh. Các nước đóng cửa biên giới quốc gia. Châu Âu bế quan tỏa cảng với châu Á. Các hãng hàng không, đặc biệt là hàng không vận tải đứng bên bờ vực phá sản. Đến cuối tháng 3-2008 số người tử vong đã lên đến hàng trăm, nhưng nguồn gốc virus vẫn chưa được xác định. Đến tháng 11/2008 – số người chết đã lên tới gần 1 triệu. Thế giới hoảng loạn. Mãi tới tháng 01/2009 văcxin mới được tìm thấy và cho tận hè năm đó thì thế giới mới trở lại bình thường.
Kịch bản thứ ba. Những vụ thiên tai kinh hoàng sẽ diễn ra ngay trong năm 2007. Sóng thần và bão lũ càn quét châu Á. Lốc xoáy tung hoành ở Trung Mỹ và băng giá chưa từng có ở Đông-Bắc Mỹ. Châu Á di dân ồ ạt, dầu mỏ khan hiếm chưa từng thấy. Giá dầu cao đã làm vỡ tung bong bóng thị trường bất động sản ở Mỹ bởi thứ nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất nhiên liệu sinh học. Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế quá mạnh đã đẩy hơn 150 triệu người dân nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm thêm, và bất bình xã hội sẽ gia tăng và đạt tới đỉnh điểm vào thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.

Trên đây, là ba trong số rất nhiều kịch bản về những nguy cơ đang đe dọa kinh tế toàn cầu được các chuyên gia thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2007 đưa ra mới đây (24-28/01/2007). Theo Thierry Malleret, giám đốc nghiên cứu về nguy cơ toàn cầu của WEF: “Tất cả những nguy cơ trên nếu diễn ra đều có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu”. Và con đường duy nhất có thể giúp loại người “thoát hiểm” là hợp nhất sức mạnh. Nhưng xem chừng đây lại chính là điểm yếu nhất của nhân loại hiện nay.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà mất lạc quan. Vì kết quả dự báo của hầu hết các tổ chức uy tín trên thế giới như IMF, WB, UNO đều thống nhất, kinh tế toàn cầu năm 2007, vẫn tăng trưởng đều đều, tuy tốc độ có chậm hơn năm 2006 một chút (theo IMF là 4.90%, thấp hơn năm 2006, 0.2%). Dẫn đầu vẫn là khu vực các nước đang phát triển với tốc độ tăng trung bình đạt đỉnh cao 7%, các nước giàu thì có chậm hơn chỉ bằng một nửa con số này chừng 2.6%.

Áp lực lạm phát bao trùm thế giới

Năm nay, kinh tế thế giới vẫn phải chịu tác động một số nhân tố tiêu cực như năm trước nhưng với độ gia tăng mạnh hơn. Thứ nhất, giá dầu biến đổi thất thường, có thể lên trên 80USD/thùng vào giữa năm (năm ngoái lúc đắt nhất là 78USD/thùng – thời điểm tháng 6). Thứ hai, các nền kinh tế phát triển Mỹ, Nhật, EU đều tăng trưởng ở mức cầm chừng dưới 2.0%. Đặc biệt nền kinh tế Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn do thâm hụt ngân sách và thị trường bất động sản đóng băng từ quí 2/2006. Thứ ba, áp lực lạm phát đang bao trùm kinh tế toàn cầu. Riêng điều này thì chúng ta cảm nhận thật rõ vì nó hiện hữu trong ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình.
Vì sao cả thế giới đang chịu áp lực lạm phát? Có phải đó chính là hậu quả chính sách đồng đôla yếu của Hoa Kỳ? Từ năm 2000, tăng trưởng kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn. Sau khủng hoảng thị trường chứng khoán 2000-2001, sức mua của dân Mỹ giảm rõ rệt. Với một nền kinh tế mà giá trị tiêu dùng, dịch vụ chiếm 60% GDP – kích cầu nội quốc là một trong những nhiệm vụ sống còn. Đó là nguyên nhân khởi đầu cho chính sách đồng đôla yếu. Hạ lãi suất tín dụng, in tiền cho dân và doanh nghiệp vay, bao nhiêu cũng được miễn là phải chi vào tiêu dùng. Tiền in ra nhiều, dĩ nhiên đồng đôla mất giá. Cái hay là lạm phát diễn ra ở khắp nơi, nhưng tại Mỹ thì không (từ năm 2000-2006 đều dưới mức 3.5%). Vì sao? Sở hữu đồng tiền tệ quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nghiễm nhiên trở thành Ngân hàng Trung ương của thế giới. Và họ đã không bỏ lỡ cơ hội tìm cách đẩy quá trình lạm phát ra khỏi biên giới nước mình, thông qua trợ thủ đắc lực là các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức tín dụng quốc tế. Cho nên lạm phát ở khắp mọi nơi, riêng ở Mỹ giá cả lại rất ổn định, chỉ số tiêu dùng tăng, lợi thế xuất khẩu duy trì và phát huy triệt để, kinh tế tăng trưởng đều đều. Còn mong gì hơn? Bởi vậy, người Mỹ không vội gì từ bỏ chính sách này. Do đó sức ép lạm phát ngày càng đè nặng lên phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy năm 2007 là năm Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách tỉ giá, bởi chính nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu bị áp lực này ép đến độ “khó thở”.

Thế giới đang hình thành một trật tự mới

Tất nhiên, nói đến bức tranh kinh tế thế giới năm 2007 mà không nhắc đến hai nền kinh tế đang nổi là Trung Quốc và Ấn Độ là một thiếu sót lớn. Chính hai nền kinh tế này cùng với các nước đang phát triển là niềm hy vọng của thế giới ngày mai. Năm 2006, kinh tế Trung Quốc ước tính tăng trưởng gần 10.7%, Ấn Độ có thể đạt 9.0%. Những con số ngoạn mục. Tuy mô hình phát triển tương đối khác, Trung Quốc tập trung vào sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ, Ấn Độ chú trọng đầu tư vào IT và dịch vụ, nhưng cả hai cùng với Nga, Brazil, Hàn Quốc và ASEAN đang thực sự làm thay đổi cán cân kinh tế- chính trị thế giới. Trong bài phát biểu mới đây trước cộng đồng doanh nhân Ấn Độ tại Bangalore, Bộ trưởng Tài chính Anh, Gordon Brown, người được xem là ứng cử viên sáng giá nhất thay cho Thủ tướng đương nhiệm Toni Blair đã kêu gọi thiết lập một trật tự thế giới mới. Theo ông, đã đến lúc phải cải tổ một cách toàn diện các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UNO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), G8 và NATO. Đơn giản là vì những tổ chức này hoàn toàn không còn phù hợp với tình hình thế giới đã thay đổi như hiện nay. Ý Gordon Brown muốn nói đến vai trò của các nước đang phát triển mà đại diện là Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil trong thế giới đương đại. Chưa hiểu trật tự thế giới mới rồi đây sẽ ra sao, nhưng điều chắc chắn là không ai có thể ngăn cản tiến trình này, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.

Nhìn tới tương lai
Nếu nhìn xa hơn một chút, Ngân hàng Thế giới dự đoán đến năm 2030 nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 72 nghìn tỷ USD (năm 2005 là 25 nghìn tỷ USD). Số lượng người sống dưới mức nghèo khổ (1 USD/ngày) sẽ giảm đi một nửa từ 1.1 tỷ (2006) xuống còn 550 triệu (2030). Giá trị buôn bán toàn cầu đến lúc đó sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 27 nghìn tỷ USD, và một nửa con số này là sự đóng góp của các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, người lao động thiếu tay nghề và trình độ ở các nước này sẽ khó tìm công việc hơn vì sự gia tăng nhanh chóng của khoa học công nghệ, cũng như sức ép cạnh tranh của nguồn nhân lực từ các nước phát triển.
Với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, có thể khẳng định nền kinh tế thế giới thật sự là một đoàn tàu Thống Nhất, tuy hình thức và chất lượng của các toa chưa đồng đều, nhiều toa chỉ muốn trật đường ray, nhưng vẫn là một thể thống nhất, cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách, hướng tới đích phát triển bền vững xã hội loại người.

Nguyễn Văn Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)