4 doanh nghiệp khởi nghiệp Đông Nam Á nhắm tới thị trường Hồi giáo

Thế giới Hồi giáo không “miễn nhiễm” với cơn sốt khởi nghiệp, và ở Đông Nam Á đang xuất hiện một số DNKN tập trung phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo với những sản phẩm và dịch vụ đa dạng, từ thương mại điện tử, nền tảng giáo dục, ứng dụng du lịch, cho tới thời trang dành cho người Hồi giáo.

Và họ có lý do để làm điều đó. Theo một báo cáo do DinarStandard và ThomsonReuters thực hiện năm ngoái, năm 2014, người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn cầu bỏ ra tới 1,8 nghìn tỉ USD để chi dùng cho ăn uống và lối sống; theo dự tính con số này sẽ lên tới 2,6 nghìn tỉ USD vào năm 2020. Cũng trong năm 204, thị trường tiêu dùng Hồi giáo toàn cầu chi 142 tỉ USD cho du lịch, 230 tỉ USD cho quần áo, và 179 tỉ USD cho các hoạt động giải trí – văn hóa.

Ở Đông Nam Á có khoảng 240 triệu người theo đạo Hồi, chiếm khoảng 42% dân số trong khu vực. Do vậy, có thể hiểu được tại sao ngày càng có nhiều DNKN tìm cách tận dụng thị trường rất lớn này. Dưới đây là 4 DNKN đang khá thành công với chiến lược này.

1. Mindplus

Mindplus là một công ty phát triển và thiết kế phần mềm trên website và điện thoại di động có trụ sở tại Darussalam, Brunei. Sản phẩm mới đây nhất của họ là Islamic Mind, một ứng dụng trên di động cung cấp nội dung các bài giảng dành riêng cho học sinh Hồi giáo độ tuổi 5-12. Hiện ứng dụng này đã được các tổ chức Hồi giáo công nhận và ủng hộ.

Khairi Metussin, CEO kiêm đồng sáng lập công ty, cho biết: “Thị trường Hồi giáo vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, trong đó nền giáo dục Hồi giáo lại đang có bước chuyển mình hướng tới hiện đại hóa rõ ràng hơn. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội mà mình có thể tận dụng.” Năm 2015, công ty này mở rộng phạm vi hoạt động tới Indonesia, quốc gia có số lượng người theo đạo Hồi đông nhất tại Đông Nam Á.

2. Zilzar

Zilzar là một công ty của Malaysia ra đời năm 2014, hoạt động trên thị trường trực tuyến toàn cầu và hướng tới phục vụ người tiêu dùng Hồi giáo muốn tìm kiếm những sản phẩm Halal  có bảo đảm, bao gồm đồ ăn uống, mỹ phẩm, dược phẩm. Theo Rushdi Siddiqui, CEO kiêm đồng sáng lập công ty, một trong những cơ hội mà anh nhìn thấy ở thị trường Hồi giáo là làm sao để xây dựng một nền tảng toàn cầu cho tất cả các nhà cung cấp sản phẩm halal cùng hoạt động. “Điều này sẽ giải quyết một thách thức lớn đối với các SME hoạt động trong lĩnh vực này, đó là khả năng tiếp cận thị trường.”

Một thách thức đối với Zilzar là phải bảo đảm rằng các sản phẩm được bán trên nền tảng của họ đều là sản phẩm halal thực sự. Nhưng với tham vọng “trở thành Alibaba trong ngành kinh doanh halal”, công ty này đã đầu tư thời gian và công sức để điều tra kỹ lưỡng và hợp tác với những nhà cung cấp có uy tín.

3. HijUp

Được thành lập năm 2011, HijUp là một nền tảng trực tuyến dành cho các nhà thiết kế thời trang chuyên tâm vào các sản phẩm thời trang phục vụ phụ nữ Hồi giáo. Website này bán nhiều mặt hàng, từ quần áo, phụ kiện, túi xách, giầy dép, cho tới hijab (khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo khi tới nơi công cộng). Công ty này không những chỉ phân phối hàng hóa ở Indonesia mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Năm 2015, HijUp nhận được các khoản tài trợ hạt giống từ giới đầu tư, trong đó có hai quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu của Mỹ là 500 Startups và Fenox Venture Capital.

Diajeng Lestari, nhà sáng lập công ty, cho biết cô xây dựng HijUp với mong muốn được giúp cho những phụ nữ Hồi giáo cảm thấy tự tin trong khi vẫn đội khăn hijab. Theo cô, điểm khác biệt của HijUp là họ có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong quá trình lựa chọn sản phẩm, được chia thành ba tiêu chí lớn: chất lượng, sự sáng tạo, và cá tính riêng. Website của HijUp còn có cả một blog chuyên giới thiệu các cách đội khăn hijab, các mẹo làm đẹp, và thậm chí cả công thức làm đẹp.

4. Halaltrip

Halaltrip là một công ty có trụ sở tại Singapore chuyên cung cấp ứng dụng và website về du lịch với những thông tin hướng dẫn về địa điểm du lịch, sân bay, nhà hàng, đền thờ,… nhằm giúp du khách Hồi giáo có đầy đủ thông tin để ra quyết định cho chuyến du lịch của mình. Công ty này được mua lại vào năm 2013 bởi CrescentRating, một công ty xếp hạng các dịch vụ du lịch dành cho người Hồi giáo, nhờ vậy, Halatrip còn có thể tận dụng cơ sở dữ liệu từ công ty mẹ để đưa ra những gợi ý du lịch dựa trên đánh giá của chính các du khách Hồi giáo.
Người sử dụng có thể đặt dịch vụ du lịch trọn gói hoặc đặt phòng khách sạn trên website này, ngoài ra website còn cung cấp địa chỉ của các nhà hàng phục vụ đồ ăn halal gần địa điểm của người sử dụng. Nhưng tính năng quan trọng hơn cả là khi cài đặt ứng dụng Halaltrip, người sử dụng còn được thông báo về thời gian cầu nguyện trong ngày và các đền thờ ở gần nơi họ đang đứng. Không dừng lại ở đó, ứng dụng này còn có chức năng tính giờ cầu nguyện trên máy bay dành cho người đang di chuyển và chức năng định hướng Qibla để chỉ xác định hướng của tòa nhà thiêng Kaaba tại thánh địa Mecca, hướng cầu nguyện của người theo đạo Hồi.

Đăng Quang dịch theo Inc-asean.com

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)