Akademik Lomonosov khởi hành tới Chukotka
Ngày 23/8/2019, Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới theo cách gọi của Rosatom, đã bắt đầu nhổ neo rời cảng Murmansk để tới điểm đến cuối cùng ở Pevek.
Akademik Lomonosov trong màu sơn mới. Nguồn: world-nuclear-news
Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev, người phát tín hiệu cho Akademik Lomonosov nhổ neo, nói, “Đây là một dịp quan trọng cho công ty của chúng tôi và cho cả vùng Chukotka. Ngày nay Akademik Lomonosov bắt đầu cuộc hành trình tới Pevek, nơi nó sẽ đem lại một nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy cho mọi người cũng như phục vụ đời sống xã hội khắp vùng này”.
Đóng vai trò quan trọng ở Chukotka
Khi hoàn thành chặng đường 4.700 km tới Pevek, Akademik Lomonosov sẽ trở thành một phần trung tâm của Chukotka, thay thế nhà máy điện hạt nhân Bilibino và nhà máy nhiệt điện than và nhiệt điện Chaunskaya. Được biết, lò phản ứng số một của Bilibino đã được ấn định đóng cửa lò vào năm này và toàn bộ nhà máy sẽ dừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2021.
Rosatom cho biết, dự án này là một trong những công nghệ lò phản ứng công suất nhỏ hứa hẹn bậc nhất trên thị trường hiện nay. Nó đặc biệt phù hợp với những vùng hẻo lánh hoặc vùng biển, nơi cần được cung cấp những nguồn năng lượng xanh, bền vững. Công nghệ này hiện đang được các khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á quan tâm.
Do đó, Rosatom đang không ngừng tối ưu công nghệ này. Họ hiện đang nghiên cứu và triển khai thiết kế “thế hệ thứ hai” của nó – tối ưu các lò phản ứng nổi, dự kiến sẽ được xây dựng theo chuỗi và sẵn sàng xuất khẩu.
Các lò phản ứng hạt nhân nổi có thể được vận hành một lèo thông suốt mà không cần đến tái nạp nhiên liệu trong vòng ba đến bốn năm, do đó có thể giảm chi phí điện năng được tạo ra một cách đáng kể, Rosatom cho biết. Các lò phản ứng này có tiềm năng hoạt động tốt một cách đặc biệt ở các vùng bờ biển kéo dài, thiếu điện cung cấp và ít có khả năng kết nối lưới điện. Akademik Lomonosov dài 144 mét, rộng 30 mét, trọng lượng rẽ nước của tàu là 21.000 tấn. Trên tàu có hệ hai lò phản ứng KLT-40s công suất 30 MW, tương tự như công nghệ lò phản ứng trên các tàu phá băng của Nga. Bên cạnh đó, khi đi vào hoạt động, Akademik Lomonosov còn cung cấp nước ngọt cho cư dân trong vùng với công suất 240.000 m3 nước ngọt mỗi ngày.
Trước khi đi vào hoạt động, Akademik Lomonosov đã phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra cấp phép của Nga và Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA). Ví dụ, Glavgosexpertiza, tổ chức đánh giá liên bang Nga, và Rosenergoatom, cơ quan phụ trách việc vận hành của các nhà nhà máy điện hạt nhân Nga, đã có một đợt kiểm tra Akademik Lomonosov và kết luận các tài liệu về thiết kế, các thông số kỹ thuật đều phù hợp với các quy định kỹ thuật cùng những yêu cầu khác. Tháng 6/2019, Rosenergoatom nhận được giấy phép vận hành Akademik Lomonosov từ Rostechnadzor, cơ quan an toàn hạt nhân Nga với thời hạn 10 năm.
Vào đầu tháng 11/2018, lò phản ứng trên Akademik Lomonosov đã khởi động vật lý và đạt tới mức điện kiểm soát tối thiểu vào lúc 17h58 giờ Moscow ngày 2/11/2018 và vào đầu tháng 7/2019, cả hai lò phản ứng trên tàu đều đã nạp các thanh nhiên liệu uranium một cách an toàn.
Liệu có đủ an toàn với Akademik Lomonosov?
Sự kiện Akademik Lomonosov tới Chukotka thu hút sự chú ý của báo giới. Nguồn: Reuters
Khi tổ chức Greenpeace gọi Akademik Lomonosov một cách châm biếm là “Chernobyl trên băng” với liên tưởng về tai nạn nhà máy Chernobyl năm 1986 thì các nhà khoa học lại nghĩ khác. Robert Bean, một phó giáo sư về kỹ thuật hạt nhân tại trường đại học Purdue (Mỹ) nhấn mạnh với TIME, thiết kế của lò phản ứng của nó khác hẳn với lò phản ứng của Chernobyl. Tuy nhiên ông cho rằng, có rất nhiều khác biệt trong những quan ngại giữa lò phản ứng trên biển và trên đất liền bởi lò phản ứng trên biển cần có khả năng chịu được các trận bão và những vấn đề về an ninh khác khi được các tàu khác tiếp cận.
Bean cũng cho rằng, người Nga sử dụng KLT-40S, loại công nghệ đã thể hiện được tính năng trong một thời gian dài trên các tàu phá băng và có thiết kế tương tự các lò phản ứng được người Nga dùng trong tàu ngầm. Thiết kế này cũng tương tự như nhiều loại lò phản ứng khác trên khắp thế giới. “Tôi chưa thấy nguyên nhân nào cho thấy tại sao nó lại ít an toàn cả. Lần đầu nhìn thấy nó, hẳn ai cũng thốt lên, thật khác biệt. Và quan điểm của tôi là – nó khác biệt thật đấy nhưng không vì thế lại kém an toàn”.
“Dĩ nhiên luôn luôn có điều có thể xảy ra. Mọi lò phản ứng được thiết kế để ngăn chặn điều đó, mọi quy trình được thiết kế để cố gắng ngăn chặn điều đó, và khi nó xảy ra, ví dụ như với trường hợp tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukishima, thì từng lò phản ứng khác trên thế giới đề nhìn vào thiết kế của họ và nói, những gì chúng ta có thể thay đổi, cách chúng ta có thể đảm bảo điều đó không bao giờ xảy ra với chúng ta như thế nào?”
Trong khi đó, Steven Biegalski, Chủ tịch Chương trình Kỹ thuật hạt nhân, phóng xạ và Vật lý y sinh tại Viện công nghệ Georgia thì lại nói với TIME: việc một lò phản ứng trên thuyền hay đất liền thì vấn đề ưu tiên vẫn như nhau, đó là đảm bảo lõi lò phản ứng được làm mát, nếu xảy ra trường hợp dừng hoạt động. “Điều hay là nếu như anh làm ngập toàn bộ hệ thống lò phản ứng, bao gồm cả thùng lò, dưới nước, nó sẽ giúp anh làm mát như anh muốn,” Biegalski nói. “Nếu đặt lõi lò phản ứng vào bờ biển nước Nga ở Bắc băng dương, nó có thể đem lại đủ một cái bồn làm mát mà anh không cần phải nghĩ về những vấn đề quan ngại với lò phản ứng.”
Dẫu vậy cả Bean và Biegalski đều cho rằng, Nga chưa có bài học nào lớn sau Chernobyl 1986 trong điều hành nhà máy điện hạt nhân, và quan trọng là cần phải có được phản hồi công khai và nhanh chóng nếu có tai nạn hạt nhân xảy ra.
Tương lai của điện hạt nhân thế giới
Michael Golay, giáo sư Ban Kỹ thuật và khoa học hạt nhân của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã trả lời Al Jazeera, việc thiết kế và xây dựng các cơ sở nhà máy điện hạt nhân trên biển đem lại một tiềm năng rất lớn cho các đổi mới sáng tạo ngành hạt nhân.
Ông cho biết, trong một số trường hợp, các thiết kế đúng có thể đem lại những nhà máy điện còn an toàn hơn trên đất liền, đồng thời lưu ý là một số thảm họa hạt nhân trong thời gian gần đây không bắt nguồn từ chuỗi phản ứng hạt nhân mà do thất bại trong việc làm mát các lò phản ứng, vốn diễn ra sau đó. “Những gì mà chúng ta đã chứng kiến là chúng ta có thể kiểm soát được chuỗi phản ứng phân hạch một cách đáng tin cậy. Nhưng vấn đề trong việc làm mát lò phản ứng đã bắt đầu trở thành vấn đề quan trọng tại tai nạn Fukushima và trước đây là tai nạn Three Mile Island”, ông nói.
Một thiết kế mang tính đổi mới sáng tạo sử dụng trọng lực và nước biên có thể khiến việc làm mát lò phản ứng trở nên dễ dàng hơn, ông giải thích. Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov cho thấy, nó sử dụng công nghệ giống như công nghệ các nhà máy trên đất liền và trong các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều đó có nghĩa là, an toàn của nhà máy này còn phụ thuộc vào phần cứng, văn hóa an toàn, việc đào tạo nhân viên kỹ thuật và khả năng vận hành của họ.
Theo đánh giá của ông, quy mô của nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov nhỏ hơn nhiều so với các nhà máy với lò phản ứng thương mại trên đất liền. Do đó, nó có thể nhân rộng để kịp thời cung cấp năng lượng cho các vùng còn thiếu điện trên thế giới. “Akademik Lomonosov là bước đầu tiên trên hành trình dài này. Nếu thành công, nó có thể mở ra một con đường cho những khả năng khác trong tương lai”, Golay nói.
Tô Vân tổng hợp từ world-nuclear-news, TIME, Al Jazeera