Ấn tượng khắc họa hiện thực: Nghệ thuật phản chiếu ô nhiễm

Những bức tranh của trường phái Ấn tượng không chỉ để người yêu hội họa thưởng lãm. Chúng còn là những tấm gương trung thực phản chiếu nhiều điều trong quá khứ, ngay cả ô nhiễm không khí.

Một bức trong loạt tranh “Charing Cross Bridge” của Monet. Nguồn: Wikipedia

Claude Monet rơi vào trạng thái kinh khiếp khi đến London, chứng kiến sự thay đổi đột ngột trong bầu không khí. Ban đầu, khi ông nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một cảnh tượng bao phủ thành phố: không hề có sương mù, bầu trời quang đãng. “Những gì anh thích là tất cả những ngày anh ở London đều là những ngày sương mù. Và khi ngủ dậy, anh cảm thấy sợ hãi khi không có một dải sương mù nào”, họa sĩ viết trong một bức thư gửi Alice, vợ mình, vào 4/3/1900, “Anh cảm thấy mệt mỏi, và anh chỉ có thể biết một điều là tất cả các bức họa của mình đều hoàn tất”. Sau đó, ông cho biết là khói và sương mù của ô nhiễm công nghiệp đã trở lại bầu trời. Những bức thư của ông, giờ được bảo tàng nghệ thuật Tate chia sẻ với mọi người, cho thấy trong năm 1900, London có rất nhiều ngày được thông báo là gió yếu và mưa ẩm – những điều kiện có xu hướng phù hợp vói tình trạng ô nhiễm không khí.

Vậy hiện thực đó có được phản chiếu trong các bức họa của Monet, một trong những người tiên phong của trường phái Ấn tượng thế kỷ 19? Người ta vẫn biết trường phái Ấn tượng có xu hướng hướng vào những chủ đề thông thường nhưng ở những góc hiển thị khác thường, bao hàm cả chuyển động như yếu tố trung tâm của trải nghiệm và nhận thức con người. Trong các tác phẩm Ấn tượng, những vệt cọ mảnh, nhỏ nhưng vẫn hiển thị rõ ràng, bố cục mở, nhấn mạnh vào việc mô tả ánh sáng một cách chính xác và những thay đổi tinh tế của nó (thông thường nêu bật các hiệu ứng về sự chảy trôi của thời gian). Thông thường, người ta vẫn đánh giá cao phong cách Hiện thực và coi đó là sự phản ánh trung thực thế giới xung quanh. Việc đặt niềm tin vào các bức họa Ấn tượng dường như là một sự mạo hiểm?

“Ấn tượng thường được coi là tương phản với Hiện thực nhưng kết quả của chúng tôi cho thấy, những tác phẩm ấn tượng của cả Turner và Monet đều nắm bắt một hiện thực nhất định. Đặc biệt là Turner và Monet dường như đã chứng tỏ một cách chân thực cách tia nắng được lọc qua khói bụi và những áng mây như thế nào”.

“Các họa sĩ Ấn tượng đều là những người vô cùng nhạy cảm với những thay đổi ánh sáng và thay đổi của môi trường”, nhà khoa học khí tượng Anna Lea Albright (Phòng thí nghiệm Khí tượng động lực, ĐH Sorbonne), nói trên Washingtonpost. “Điều này có ý nghĩa là các họa sĩ có thể trở nên vô cùng nhạy cảm không chỉ với những thay đổi của môi trường tự nhiên mà còn với cả những thay đổi do con người tạo ra”. Như những cú chụp nhanh các hiện tượng khí quyển, các bức họa có tiềm năng là những tư liệu hữu ích về những thay đổi môi trường dài hạn. Trong suốt cuộc Cách mạng công nghiệp, ô nhiễm không khí gia tăng đến mức chưa từng thấy nhưng hiện tại thì người ta không rõ chính xác nó như thế nào bởi việc thiếu những đo đạc chính xác và trên diện rộng.

Giả thuyết Anna Lea Albright và Peter Huybers (Khoa Khoa học Trái đất và hành tinh, ĐH Harvard) đặt ra là tác phẩm của các họa sĩ Ấn tượng đều ẩn chứa những yếu tố về hiện thực ô nhiễm. Đó là ý tưởng dẫn họ đến với một công bố mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, “Paintings by Turner and Monet depict trends in 19th century air pollution” (Những bức họa của Turner và Monet khắc họa các xu hướng ô nhiễm không khí thế kỷ 19), trong đó phân tích những thay đổi trong phong cách và màu sắc của gần trăm tác phẩm nghệ thuật của Monet và Joseph Mallord William Turner, hai họa sĩ sống trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp ở Tây Âu thế kỷ 18 và 19.

Bức “Rain, Steam and Speed — The Great Western Railway” của Joseph Mallord William Turner. Nguồn: Sciencealert

Thay đổi về nồng độ sulfur dioxide theo thời gian

Cuộc cách mạng Công nghiệp ở giai đoạn đầu cũng đủ sức làm thay đổi cuộc sống và bầu trời ở London và Paris, nơi Turner và Monet sống, theo những cách không lường trước được. Các công xưởng đốt than không ngừng đón nhận những cơ hội kinh doanh nhưng lại làm bầu khí quyển mù mịt với các chất gây ô nhiễm độc hại, ví dụ như sulfur dioxide.

Rất nhiều thay đổi đã xuất hiện ở Anh, phát thải sulfur dioxide ở đây đã chiếm tới một nửa tổng lượng phát thải toàn cầu trong quãng thời gian từ năm 1800 đến 1850. Và riêng thành phố London “đóng góp” khoảng 10% phát thải của Anh. Quá trình công nghiệp hóa ở Paris diễn ra chậm hơn nhưng người ta cũng ghi nhận được sự gia tăng của sulfur dioxide trong khí quyển sau năm 1850.

Tình trạng ô nhiễm không khí tăng vọt trong suốt thời kỳ Cách mạng công nghiệp ở Anh. Trong một bộ gồm 37 bức tranh, được vẽ từ năm 1899 đến năm 1905, Monet đã mô tả cây cầu Charing Cross đầy sương mù ở London. Một vài bức trong đó cho thấy bọn trẻ đứng cạnh những thanh rào chắn bên bờ sông Thames, phía sau tháp cầu hiện lên mờ ảo.

Ô nhiễm không khí ngày một nặng hơn trong khung cảnh London, hiển thị một cách rõ ràng với mắt thường. Các hạt sol khí có thể vừa hấp phụ vừa tán xạ bức xạ mặt trời. Sự tán xạ bức xạ suy giảm tương phản giữa các vật thể ở khoảng cách xa, khiến chúng có xu hướng hòa trộn với nhau. Các hạt sol khí cũng làm tán xạ ánh sáng khả kiến của tất cả các bước sóng, dẫn đến việc màu trở nên trắng hơn và ánh sáng có cường độ lớn hơn trong cả ngày.

Turner, một trong những họa sĩ có nhiều tác phẩm bậc nhất nước Anh, đã chứng kiến tất cả những thay đổi khủng khiếp đó ngay từ nhỏ – ông sinh vào thời đại của tàu buồm năm 1775 và qua đời trong thời đại của động cơ hơi nước và than năm 1851. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Rain, Steam and Speed — The Great Western Railway (Mưa, hơi nước và vận tốc – Tuyến đường sắt phương Tây vĩ đại), ông vẽ một đoàn tàu hỏa, một điều kỳ diệu thể hiện kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thời đó bởi nó cho phép con người di chuyển với vận tốc nhanh chưa từng thấy, vượt mặt cả thỏ rừng, loài động vật có vú sống trên cạn chạy nhanh nhất ở Anh. Các chi tiết trong bức họa này, tuy nhiên, có thể trở nên khác biệt với nhận thức – sương và mây mù xuất hiện mờ ảo trong bức họa, một sự nhấn mạnh vào tình trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra là 61% những thay đổi về độ tương phản trong các bức họa của trường phái Ấn tượng phần lớn giúp dò được sự gia tăng của nồng độ sulfur dioxide trong suốt thời kỳ này. Họ cũng tìm thấy xu hướng các màu trở nên trắng hơn nhưng họ muốn nhấn mạnh đến các kết quả đó khi bản thân các màu sắc trong các bức họa cũng nhạt dần theo thời gian. Những chuyển đổi được hiển thị theo cách như vậy ngày trở nên rõ nét.

Tình trạng mù sương trong bức họa này không chỉ là một hiện tượng đơn lẻ hay sự tình cờ ngẫu nhiên, các nhà khoa học cho biết như vậy trong công trình. Để đi đến nhận định này, họ đã kiểm tra 60 bức họa do Turner vẽ từ năm 1796 đến năm 1850 cùng 38 bức họa Monet vẽ từ năm 1864 đến năm 1901. Sau đó, sử dụng một mô hình toán học, họ nhìn vào cách các phác thảo những vật thể trong bức họa sắc nét như thế nào so với bối cảnh. Khi đó, độ tương phản thấp hơn hiển thị các điều kiện sương mù nhiều hơn. Họ cũng tìm hiểu mật độ của sương mù thông qua việc đo đạc độ trắng; các màu trắng hơn về cơ bản chỉ dấu mật độ sương mù dày hơn.

Bức Apullia in Search of Appullus (Apullia đi tìm của Appullus) của Joseph Mallord William Turner. Nguồn: Sciencealert

Apullia in Search of Appullus (Apullia đi tìm của Appullus) của Turner, bức vẽ vào năm 1814 với nhân vật từ tác phẩm Metamorphoses (Biến thể) của nhà thơ Latin Ovid: người chăn cừu có tên Appullus bị một số nàng nymph trừng phạt, biến thành một cây olive. Ở đây, Turner đã sáng tạo ra người vợ bí ẩn của Appullus, nàng Apullia. Khi đi tìm người chồng đã biến mất không tăm tích, nàng chỉ thấy cây olive có khắc tên chàng. Trong bức họa này, có thể thấy rõ các đường viền sắc nét và bầu trời trong trẻo nhưng ở Rain, Steam and Speed — The Great Western Railway mà ông vẽ 30 năm sau, sương mù đã lấn át trong bầu khí quyển. Trong thời gian này, nồng độ ô nhiễm sulfur dioxide đã tăng gấp đôi.

Giai đoạn đầu sự nghiệp của Monet khác biệt với giai đoạn cuối. Sainte-Adresse, vẽ năm 1867, có độ tương phản rõ ràng với loạt tranh Houses of Parliament được ông bắt đầu vẽ vào năm 1899, khi dành thời gian đến London trong nhiều tháng.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá tầm nhìn, khoảng cách mà tại đó một vật thể có thể rõ ràng với mắt người. Nhờ vậy, họ tìm thấy trong các bức họa vẽ trước năm 1830 của Turner tầm nhìn về bầu trời và áng mây ở mức khoảng cách trung bình 25 km nhưng sau mốc thời gian này đã giảm còn 10km. Trong những bức họa thời kỳ đầu của Monet, tầm nhìn trung bình là 24km nhưng trong những ngày vẽ ở London, khoảng cách này rút xuống chỉ còn 6 km, riêng ở loạt tranh thuộc bộ sưu tập cây cầu Charing Cross của Monet, vật thể ở xa nhất mà người ta có thể thấy rõ ràng được ước tính ở khoảng cách 1km. Trong London Fog Inquiry, một bài báo trên Nature vào năm 1901, miêu tả tầm nhìn trong mùa đông năm 1901 đến năm 1902 chỉ xấp xỉ khoảng 2 km. Những khác biệt trong tính toán có thể do những bất định ở cả hai phương pháp –  tính mơ hồ của tầm nhìn ước tính bằng mắt và sự thêm vào của việc diễn giải mật độ sương mù, có một số giới hạn của phỏng đoán trong mô hình về tầm nhìn thị giác, hai nhà nghiên cứu lập luận trong công bố.

“Ấn tượng thường được coi là tương phản với Hiện thực nhưng kết quả của chúng tôi cho thấy, những tác phẩm ấn tượng của cả Turner và Monet đều nắm bắt một hiện thực nhất định”, nhà khoa học khí hậu Peter Huybers, nói với WashingtonPost. “Đặc biệt là Turner và Monet dường như đã chứng tỏ một cách chân thực cách tia nắng được lọc qua khói bụi và những áng mây như thế nào”.

Gạt bỏ nghi ngờ về thị lực của các họa sĩ

Nhưng vẫn còn nhiều điểm bất định trong cách lý giải này của cả Anna Lea Albright và Peter Huybers. Một số ý kiến đã phản bác lại quan điểm này. Họ cho là phong cách nghệ thuật của Turner và Monet đã thay đổi theo thời gian, qua đó dẫn đến sự thăng hoa của nghệ thuật Ấn tượng. Nhưng Anna Lea Albright và Peter Huybers trên thực tế cũng đã phân tích 18 bức họa của bốn nghệ sĩ Ấn tượng khác ở London và Paris (James Whistler, Gustave Caillebotte, Camille Pissarro và Berthe Morisot). Và điều mà họ tìm thấy hết sức tương đồng: tầm nhìn trong các bức họa suy giảm khi tình trạng ô nhiễm không khí bên ngoài gia tăng. “Khi những nghệ sĩ khác nhau tiếp xúc với những điều kiện môi trường tương đồng, họ vẽ theo những cách tương tự nhau”, Anna Lea Albright nhận xét, “ngay cả khi đó là những vật thể được khắc họa ở những thời điểm khác nhau của lịch sử”.

Một số nhà khoa học trước đây từng phân tích: các bức họa của Monet ngày một tối hơn cho đến khi bệnh đục thủy tinh thể được chữa trị khiến các bức họa của ông sáng lên lần nữa. Tuy nhiên trong kết luận của bài báo trên PNAS, cả hai nhà khoa học đều loại trừ giả thuyết thị lực trở nên kém đi theo tuổi tác khiến ảnh hưởng đến khả năng vẽ những bức tranh phong cảnh rõ ràng của Turner và Monet. Đáng chú ý là Turner vẽ những vật thể rõ đến từng chi tiết ở cận cảnh các bức họa trong khi lại làm mờ nhòe đi những vật thể ở phía sau, Albright nói. Còn Monet không phát triển bệnh đục thủy tinh thể cho đến vài thập kỷ sau khi bắt đầu vẽ những bức họa theo phong cách Ấn tượng.

Các bác sĩ nhãn khoa mà hai tác giả phỏng vấn, cũng đã giải quyết vấn đề liên quan đến tầm nhìn của hai họa sĩ. Michael Marmor, một giáo sư nhãn khoa tại Stanford, cho biết: “Monet không bị cận thị còn Turner không mắc bệnh đục thủy tinh thể”.

Một bức trong loạt tranh “Charing Cross Bridge” của Monet. Nguồn: Wikipedia

Thêm vào đó, các bức thư của Monet gửi vợ từ London đã đem lại những bằng chứng thuyết phục về việc ông nhận biết một cách chính xác những thay đổi trong môi trường quanh mình. Trong một số bức thư, ông thậm chí còn than vãn về sự thiếu vắng của các ngành công nghiệp mới trong quá trình sáng tạo của mình: “Mọi thứ đều như đã chết, không tàu hỏa, không khói hay tàu thuyền, không có gì để kích thích một chút nhiệt huyết”.

Nhà lịch sử nghệ thuật James Rubin, ĐH Stony Brook, đánh giá nghiên cứu được hút vào việc phân tích các màu sắc và sự tiến triển của độ mờ nhòe. “Nghiên cứu này đem lại một căn cứ mới cho những gì mà các nhà lịch sử nghệ thuật đã quan sát. Do đã chứng kiến sự thay đổi khí quyển của một thời kỳ, các họa sĩ này dĩ nhiên là lo ngại về nó”. Rubin cũng cho biết thêm là họ đã lấy cảm hứng từ chính những thay đổi môi trường xung quanh mình nhưng ở những góc nhìn khác nhau. Qua đó, ông kết luận: Turner về cơ bản là phản hiện đại, ngược lại, Monet thì sẵn sàng chào đón sự hiện đại, thông qua dấu hiệu thay đổi của ông.

Để chứng minh cho nhận xét này, Rubin đề cập đến bức họa Rain, Steam and Speed — The Great Western Railway, nó thể hiện một thái độ có phần thù địch với một công nghệ mới. “Khi nhìn vào con tàu trong bức họa, người ta chỉ thấy không có gì khác ngoài cái lò đốt hơi trên những bánh xe”, ông nói. “Nhiều người cảm thấy sợ hãi tốc độ của phương tiện giao thông mới này – khoảng 56,32 km/giờ”.  Bản thân Turner cũng hào hứng tìm thấy chất liệu nghệ thuật trong môi trường làm việc: “tự nhiên cũng trao các sự kiện tình cờ cho chính nghệ sĩ… để lưu trữ trong trí óc họ từng thay đổi của nơi chốn và thời gian”. Cụ thể hơn, Turner dường như tái hiện song song những thay đổi công nghệ và ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể liên quan đến các ảnh hưởng khí tượng lên ánh sáng. Tương phản với điều đó, Monet có vẻ thích thú các hiệu ứng nghệ thuật của ánh sáng gắn với những đám mây trong bầu không khí ô nhiễm và “ngợi ca cảnh tượng của sự thay đổi do thời đại đem lại”, Rubin nói.

Miêu tả về những thay đổi của môi trường hay khí tượng học trong những bức họa không phải là điều gì đó quá mới. Một số nhà khí tượng học đã tìm thấy bức họa The Scream của Edvard Munch miêu tả những đám mây tầng bình lưu vùng cực. Một số đã phát hiện ra Moonrise (Trăng lên) của Vincent van Gogh chính xác là vào thời điểm 9 giờ 8 phút tối ngày 13/7/1889 ở Saint Rémy de Provence, Pháp. Một vài bức khác của Turner thì vẽ cảnh mặt trời mọc trong thời kỳ phun trào của núi lửa Tambora, vào năm 1815, do xuất hiện với màu đỏ hơn thông thường do tán xạ ánh sáng qua tầng bình lưu đầy sol khí.

Nhà khí tượng học Fred Prata, người từng phân tích hiện tượng khí tượng trong The Scream của Munch, cho rằng nghiên cứu của Anna Lea Albright và Peter Huybers làm tăng thêm quan điểm của mình về “nghệ thuật và khoa học có nhiều mối tương quan hơn những gì mọi người có thể biết”. Rõ ràng, những thay đổi trong môi trường đã xuất hiện một cách thực sự trong các tác phẩm nghệ thuật, ngay cả khi không phải bao giờ họa sĩ cũng nhận biết được những thay đổi đó.

Nói về nghiên cứu của mình, Albright cho rằng “đó là cái nhìn đầu tiên vào những tác động của con người lên môi trường theo thời gian và cách các nghệ sĩ có thể nắm bắt được điều đó và đưa nó lên mặt toan bằng nét vẽ”.

Nghệ sĩ và những người sống ở London và Paris “đã nhận biết được những thay đổi của ô nhiễm không khí và thực sự gắn kết với những thay đổi đó”, Albright nói. “Có thể đó là một hình thái song song với ngày nay, với cách xã hội và nghệ sĩ phản hồi với những thay đổi không lường trước được mà chúng ta đang trải nghiệm”, cô nói.

Mô hình mà họ phát triển cũng cho phép họ đặt nhiều tác phẩm nghệ thuật khác vào phân tích. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ô nhiễm không khí có thể giải thích được diễn tiến nghệ thuật của mọi họa sĩ trong lịch sử nhưng tất nhiên đó là công cụ hữu hiệu. Các họa sĩ như Edgar Degas có thể đã vẽ với một bảng màu toàn màu sắc bảng lảng mơ hồ khi thị lực đã giảm sút theo thời gian. Còn Monet, có lẽ ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến phong cách hơn là tuổi tác.

“Quan điểm của chúng tôi là việc các bức họa Ấn tượng ghi nhận hiện tượng tự nhiên – dù đối lập với sự tưởng tượng, hỗn độn hay mơ hồ – đã không hề làm giảm bớt đi ý nghĩa của các hiện tượng đó”, các nhà khoa học kết luận. “Hơn thế, nó nhấn mạnh vào sự kết nối giữa môi trường và nghệ thuật. Một kết nối vẫn còn bền chặt đến ngày hôm nay”.□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/climate-environment/2023/01/31/air-pollution-impressionism-monet-turner/

https://www.sciencealert.com/polluted-realism-how-monets-art-mirrors-the-evolution-of-smog

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)