Áo công nghệ giúp người khiếm thính cảm nhận âm nhạc

Các vị khách đặc biệt tại Lyric Opera Chicago có thể tự lắng nghe các màn trình diễn thông qua các rung động của tấm áo thần kỳ SoundShirt.

Lyric Opera Chicago trở thành nhà hát đầu tiên trên thế giới áp dụng áo công nghệ SoundShirt.

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven là một trường hợp đặc biệt khi có thể tự sáng tác mà không thể nghe được âm thanh. Từ một nghệ sĩ xuất sắc và khả năng cảm nhận âm thanh tinh tế, căn bệnh điếc mà ông rủi ro nhận phải từ khi còn trẻ đã khiến ông bị cô lập khỏi thế giới xung quanh. Sau khi từ bỏ được ý nghĩ tự tử, Beethoven đã sáng tác các kiệt tác bằng sự hình dung âm thanh trong đầu mình. 

Ông chỉ là một trong số vô vàn trường hợp người khiếm thính gặp phải trở lực khi tiếp xúc với âm nhạc. nhưng trên thế gian này còn có rất nhiều người còn tuyệt vọng hơn Beethoven, những người bị khiếm thính bẩm sinh, không có khả năng nhận biết và hình dung âm thanh. Dường như với họ, âm thanh là một bức tranh màu tối không thể nhận biết.

Hình dung được sự cản trở này trong việc thưởng thức âm nhạc, Lyric Opera của Chicago đang cố gắng làm một cái gì đó, một cách tiếp cận mới cho người điếc và người lãng tai trải nghiệm opera. 

Opera ư? Đúng vậy, thứ nghệ thuật “nhiều trong một”: âm nhạc và kịch, thi ca và khiêu vũ, hùng vĩ và thân thuộc, hình ảnh tráng lệ và âm thanh cuốn hút. Những khía cạnh hấp dẫn được xếp chồng khiến cho đây là một trong những hình thức nghệ thuật thú vị nhất nhưng lại chứa đựng nhiều thách thức nhất khi tiếp cận. Với những người có khiếm khuyết như khiếm thính hoặc khó nghe, hoặc những người khiếm thị hoặc thị giác kém, việc tới dự một buổi biểu diễn opera có thể là một trải nghiệm sâu sắc.

Đó là lý do Lyric Opera của Chicago đang thực hiện một dự án ở quy mô thử nghiệm, một cách tiếp cận mới cho người khiếm thính và khó nghe trải nghiệm opera thông qua một sản phẩm công nghệ mới. SoundShirt, một tấm áo khoác đặc biệt có cài 16 bộ truyền động xúc giác có thể truyền tải âm thanh từ dàn nhạc dưới hố nhạc và sân khấu thành các xung, rung động và các hình thức phản hồi xúc giác khác trong chính chiếc áo này.

“Chúng tôi không thể tái tạo âm nhạc cho ai đó không thể nghe được âm thanh nhưng những gì chúng tôi có thể làm được là tạo ra một trải nghiệm tương tự như những gì nó vốn có và qua đó làm tăng cường toàn bộ phần còn lại của trải nghiệm này”.

Brad Dunn

Brad Dunn, người phụ trách sáng kiến SoundShirt (Áo âm thanh) tại Lyric, chính là giám đốc của các sáng kiến số và là một trong số những người ủng hộ hoàn toàn cho việc mở rộng khả năng tiếp cận opera cho mọi người. Ông là người góp phần đưa Lyric trở thành nơi đi tiên phong trong việc tạo điều kiện cho những người khuyết tật vận động có thể thuận lợi ra vào nhà hát như xây dựng các lối vào, vị trí cho xe lăn. Và như một số nhà hát khác, Lyric tổ chức các buổi biểu diễn với phần diễn dịch lời hát bằng ký hiệu của Hội ngôn ngữ tín hiệu Mỹ, các phần phụ đề được chiếu, và hỗ trợ các thiết bị nghe cho các nhà bảo trợ khiếm thính. Với người khiếm thị hoặc thị giác kém, Lyric cung cấp các chương trình chữ nổi Braille và chương trình chữ in khổ lớn, các buổi biểu diễn được miêu tả bằng âm thanh, các loại kính cho cái nhìn siêu nét và buổi tham quan cận cảnh trước buổi trình diễn, nghĩa là có thể cho phép khán giả cảm nhận được nhiều khía cạnh khác nhau của buổi diễn trước khi tấm rèm nhung được kéo lên.

SoundShirt là một sản phẩm đặc biệt, đem lại một trải nghiệm trung gian cho phép người sử dụng có những cảm nhận vật lý và cá nhân hơn. “Nó không chỉ tái tạo trải nghiệm nghe nhạc”, Dunn nói. “Đó là thứ gì đó riêng tư. Nó truyền tải âm nhạc thành một trải nghiệm giác quan khác mà người ta có thể cảm thấy được. Và đó là những gì tôi thấy thông qua những thử nghiệm đầu tiên mà chúng tôi thực hiện là những khán giả khiếm thính hoặc khó nghe đều phản ứng rất rõ ràng”.

“Với tôi, đó chính là ý nghĩa của opera”, Tổng Giám đốc Lyric Anthony Freud nhận xét. “Nó như thể một cú bắn trúng hồng tâm vậy. Giờ thì người ta có thể thoải mái nói mãi về nội dung của các vở opera, về các cách diễn giải opera. Nó có một giá trị giải trí rất lớn nhưng cuối cùng với tôi, điểm quan trọng nhất là chạm đến cảm xúc… Đây là một cơ hội để có một mối liên hệ sờ chạm thật sự với âm nhạc được biểu diễn, và nó giúp người nghe đi vào phần máu thịt của các vở diễn opera”.

Brad Dunn (giữa) trao đổi với các nhà sáng lập CuteCircuit về sản phẩm SoundShirt.

Với những khán giả tới Lyric dự án vở “West Side Story” vào đầu năm nay, những thông tin đầu vào từ SoundShirt không chỉ đem lại cho họ thông tin chi tiết có thêm về các buổi trình diễn mà còn rọi sáng vào những không gian âm nhạc bên trong vở, các đoạn nhạc chuyển tiếp và xen kẽ, khúc mở màn với những tín hiệu quan trọng. Dunn kể lại là cặp mắt của một người tham gia thử nghiệm đã nhòe lệ sau buổi trình diễn. “Nó xác nhận là chúng tôi đang đi đúng đường, và công nghệ đang làm được điều chúng tôi kỳ vọng”, ông nói, “trên thực tế, điều này cũng có ý nghĩa với họ”. 

Dự án SoundShirt của Lyric đã được triển khai trong hợp tác với Văn phòng người khuyết tật của thành phố. Bộ trang phục do CuteCircuit, một công ty thiết kế công nghệ mang trên người có trụ sở ở London, phụ trách. Từ năm 2020, Dunn đã nghe thấy sản phẩm đó và ngay lập tức, nhìn thấy tiềm năng, không chỉ làm tăng cường cơ hội cho mọi người đến với các buổi trình diễn mà còn có thể khai thác tác động cảm xúc của âm nhạc ngay cả khi vắng âm nhạc (một sản phẩm khác của CuteCircuit là HugShirt, với các cảm biến và truyền động có thể truyền tải những cái ôm ảo giữa những người bạn ở xa nhau). Trên trang web của CuteCircuit, giá bán lẻ một bộ SoundShirt là 1.900 USD.

Tại Lyric, một dãy các micro được đặt tại nhiều vị trí khác nhau của dàn nhạc cung cấp thông tin cho máy tính trung tâm. Dunn và nhóm của ông điều chỉnh phần mềm để phản hồi với những yêu cầu cụ thể về âm thanh của một tác phẩm âm nhạc (“West Side Story” có những yêu cầu về nhịp điệu khác biệt với “Jenůfa” của Janáček). Các tín hiệu âm thanh đó được chia thành bảy kênh, mỗi kênh được lập sơ đồ cho một trong số 16 “vùng” khác nhau trên SoundShirt, nơi các motif và giai điệu như những mẫu hình và xung chạy suốt 16 bộ truyền động của áo.

Do đó, với một bản “The Flying Dutchman” (Người Hà Lan bay), các cây đàn violin và cello được giao nhiệm vụ kích hoạt phản hồi dọc vai, bắp tay trái và phải. Timpani và bass, sẽ gửi âm thanh xuống thân dưới và hông. Các kèn horn Pháp hùng mạnh của Wagner được chia tách khắp bắp tay giống như cảm giác nổi da gà, trong khi giọng hát truyền đến cổ tay như nhịp đập của máu. Theo cách này thì âm nhạc đã trở thành một cái gì đó mà bạn có thể cảm nhận được. “Chúng tôi không thể tái tạo âm nhạc cho ai đó không thể nghe được âm thanh nhưng những gì chúng tôi có thể làm được là tạo ra một trải nghiệm tương tự như những gì nó vốn có và qua đó làm tăng cường toàn bộ phần còn lại của trải nghiệm này”, Dunn nói.

Thông qua việc trao đổi cụ thể với người tham gia thử nghiệm, Dunn và nhóm của ông đã có các điều chỉnh các tham số và cố gắng lập một bản đồ âm nhạc có ý nghĩa nhất trên cơ thể con người. Lyric giờ có 10 bộ SoundShirts và lên kế hoạch tăng thêm tới 15 bộ nữa.

Rachel Arfa là một nhà vận động cho người khuyết tật và luật sư quyền con người, làm việc tại MOPD. Là một người khiếm thính đeo các ốc tai trợ thính cả hai bên tai, bà vô cùng quan tâm đến vấn đề khả năng tiếp cận của người khiếm thính (mẹ bà vẫn kể là khi còn nhỏ, bà là đứa trẻ duy nhất trong rạp không khóc khi xem bộ phim hết sức cảm động về người ngoài hành tinh “E.T”).

Nhưng trong khi làm việc cật lực để tăng cường cơ hội cho người khiếm thính, Arfa cũng biết rằng đôi khi những ý định tốt có thể chả dẫn tới đâu. “Khi Lyric đến gặp tôi với chiếc áo đặc biệt này, tôi đã vô cùng hoài nghi,” Arfa trả lời qua email. “Có những giải pháp kỹ thuật do người bình thường thiết kế dành cho người khuyết tật không loại bỏ được các rào cản trên đường”.

Khi đã đủ tò mò, Arfa đồng ý thử nghiệm SoundShirt tại buổi trình diễn “West Side Story” của Lyric. Arfa đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra là chiếc áo này trên thực tế hoàn toàn phù hợp với vấn đề mà nó được định hướng giải quyết. “Tại rạp hát thì thật khó cho tôi phân biệt được các loại âm thanh khác nhau, vì vậy tôi đành dựa vào sản phẩm thử nghiệm để có thể tiếp cận vở opera một cách bình đẳng”, bà nói. “Tôi bắt đầu hiểu ra là những xúc giác trên SoundShirt rung lên tương ứng với âm thanh của dàn nhạc. Một ví dụ là khi các nhạc cụ dây chơi, xúc giác tiếp theo là cao độ và nhịp điệu. Một ví dụ thứ hai là một nghệ sĩ hát lên một aria dài, thông qua xúc giác, tôi có thể trải nghiệm cái rung đó. Tôi không thể nghe âm thanh đó nhưng tôi có thể cảm nhận được nó. Điều đó thực sự vô cùng ngạc nhiên và kích thích”.

Tina Childress, một nhà âm nhạc sống ở Champaign, Ill., và mắc bệnh lãng tai do tuổi già nên phải dùng máy trợ thính. Bà là người ủng hộ quyền tiếp cận nghệ thuật cho mọi người. Năm 2016, Childress đã kiện nhà hát Fabulous Fox ở St. Louis bởi từ chối cung cấp phụ đề cho khán giả khiếm thính và khó nghe và cho đó là sự vi phạm Luật dành cho người khuyết tật Mỹ. Tòa án đã đồng ý với đơn kiện của bà và bắt nhà hát phải cung cấp phụ đề bất cứ khi nào nhận được yêu cầu và phải ra thông báo về việc này. Dĩ nhiên, Childress đã thử nghiệm SoundShirt tại đêm diễn “West Side Story” và cho rằng điều quan trọng nhất là đưa ra được nhiều lựa chọn, một cách tiếp cận ‘nhiều trong một’ cho mọi người. “Quan trọng là hãy nhớ rằng anh có thể sử dụng hai trong ba sự lựa chọn cùng lúc”, bà trả lời qua email. “Với SoundShirt, việc có được phản hồi ngay lập tức với những gì tôi không nghe thấy là phương tiện giúp tôi thưởng thức buổi trình diễn này”. 

Childress hiểu rõ giá trị của những phản hồi nhanh ở cổ tay để chỉ dấu sự hội thoại, và cách chiếc áo giúp người mặc có thể phân biệt được các yếu tố khác nhau của bản nhạc. Sau phút nghỉ giải lao, bà khoác tấm áo công nghệ này cho một khán giả khác đang muốn được thử nghiệm. “Tôi không nhận ra là tôi đã sử dụng nó nhiều như thế nào cho đến khi tôi thôi mặc nó”.

Cả hai người phụ nữ đều đánh giá cao dáng vẻ khỏe khoắn, gọn gàng và cả kết cấu nhẹ nhõm của SoundShirt. “Tôi đã xem nhiều bức hình về những chiếc áo khoác có cảm biến khác”, Childress nói, “và ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là sao chúng giống như một cái áo giáp vậy. Sự tiên tiến của công nghệ nén trong chiếc áo này là anh có thể khiến phản hồi về mặt xúc giác mạnh hơn bằng việc thắt chặt nó lại và nếu cảm thấy quá mạnh thì anh chỉ cần giải nén để hạ bớt hiệu ứng xuống”. 

Nhưng điều quan trọng nhất với mọi người khoác chiếc áo này, từ những nhà phát triển đến những người tham gia thử nghiệm và cả những nghệ sĩ biểu diễn, là tiềm năng của SoundShirt trong việc kết nối con người gần gụi hơn với opera, và mở ra những cánh cửa ở các phòng hòa nhạc để mời các khán giả mới bước vào.

“Tôi từng e ngại là mình có thể lăn ra ngủ gật bởi vì trước đây, tôi đã phải vật lộn với việc kết nối với các buổi biểu diễn”, Arfa nói. “SoundShirt là một sự gia tăng thực sự cho việc tiếp cận các dịch vụ của mọi người trong xã hội và tôi đang lên kế hoạch để cùng nó đến với những buổi biểu diễn trong tương lai, những điều mà tôi chưa từng làm trước đây”. 

Đó là lý do mà trong buổi họp báo giới thiệu về chương trình của Lyric, Arfa đã chia sẻ điều tác động mạnh đến bà “Tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ chọn nhà hát opera như một điểm đến cần thiết nhưng giờ thì SoundShirt đã cung cấp một trải nghiệm mới và nó sẽ khiến mọi người đều cảm thấy tò mò”.

Trong thông cáo báo chí của nhà hát, Tổng Giám đốc nhà hát Anthony Freud bộc lộ niềm vui “tôi tự hào là chính Lyric Opera của Chicago sẽ là nhà hát opera đầu tiên trên thế giới mang thứ công nghệ mới này đến với khán giả trong nhà hát của mình. SoundShirt sẽ làm tăng cường cam kết của Lyric về khả năng có thể tiếp cận và mở rộng hơn nữa tác động trong các màn biểu diễn của chúng tôi đến với mọi khán giả”. 

Dĩ nhiên, làm gì có món ăn ngon nào lại làm hài lòng mọi thực khách cơ chứ. Trên báo Chicago Sun-Times có người phàn nàn “sau khi tiếng sáo rung rinh, tiếng đàn dây run rẩy, bạn sẽ cảm thấy cái gì đó như cảm giác ngứa ran, rung động trên đôi vai mình- hầu như giống hệt một vài con ong đang cố tìm đường bay trong nhà hát và ngay trong quần áo của bạn vậy. Đó không phải cảm giác khó chịu – chỉ là nó kỳ lạ, hết sức kỳ lạ… Rồi một chùm bùng nổ tiếng kèn horn Pháp. Tiếng sôi ùng ục của timpani. Sau đó thì cả cơ thể bạn như trở thành tổ của một đàn ong, may thay chúng không đốt ai cả”. 

Lyric có biết phản hồi này không? Rõ là họ hiểu rõ chứ, nhưng biết sao được, trăm người trăm vẻ mà. Dẫu sao thì SoundShirt sẽ sẵn sàng phục vụ những ai cần trong các chương trình ở Lyric tới, vở “Cinderella” của Rossini vào 21/1/2024 và “Champion” của Terence Blanchard vào ngày 31/1 và 2/3/2024. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/entertainment/music/2023/11/17/deaf-lyric-opera-chicago-soundshirt/

https://chicago.suntimes.com/2023/9/19/23881025/lyric-opera-soundshirt-new-technology-for-deaf-and-hearing-impaired

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)