Apple Campus 2: chưa phải là xanh nhất hành tinh

Apple tuyên bố trụ sở mới của công ty tại California sẽ là công trình xanh nhất hành tinh nhưng dữ liệu về hoạt động của nó lại không cho thấy điều đó.

Ông Jerry Yudelson, Chủ tịch Viện Sáng kiến Công trình xanh (Green Building Initiative) đặt tại Portland, Oregon, nhận xét: “Đó chỉ là lời hứa. Để thuyết phục, hãy cho tôi thấy những số liệu cụ thể”. 

Mấy năm trước, Yudelson đã cùng với nhà phê bình kiến trúc Đức, GS Meyer đề nghị hàng trăm chủ sở hữu các công trình được đánh giá cao nhất về độ thân thiện với môi trường khắp toàn cầu tiết lộ dữ liệu hoạt động thực tế. Dữ liệu được yêu cầu bao gồm thông tin về mức tiêu thụ điện năng và nước để so sánh với số liệu của các tòa nhà khác.

Có lẽ do ngại ngần với việc số liệu về hoạt động thực tế không đạt được như lời hứa, nhiều chủ công trình muốn giữ kín thông tin trước đề xuất của Yudelson và Meyer. Nhưng một số đã không làm như vậy, và cuối cùng những thông tin của họ đã xuất hiện trong cuốn sách “Những tòa nhà xanh nhất thế giới” của Yudelson và Meyer, xuất bản năm 2013.

“Chúng tôi muốn chứng tỏ mức hiệu suất năng lượng, nước cao và tính thẩm mỹ cao trong thiết kế tòa nhà có thể đi đôi với nhau, giống như một hoa hậu giỏi toán vậy”, Yudelson cho biết.

Ngoài việc cung cấp các ví dụ về những tòa nhà bền vững được thiết kế trang nhã, cuốn sách còn là một tham khảo để kiểm tra thực tế số lượng ngày càng lớn những lời tuyên bố của các ông chủ công trình và các kiến trúc sư rằng công trình của họ là xanh nhất thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị Tuần lễ về Khí hậu ở New York, Tim Cook, CEO của Apple đã nói với niềm tự hào về trụ sở mới: “Chúng tôi đang xây dựng một trụ sở mà tôi cho rằng sẽ là tòa nhà xanh nhất hành tinh này”.

Nhưng trên thực tế thì Apple Campus 2 – với thiết kế tòa nhà chính như một tàu vũ trụ, sử dụng năng lượng mặt trời – có đạt được như lời hứa hẹn không?

Apple Campus 2: chưa phải là xanh nhất hành tinh

Tuy có thói quen giữ bí mật mọi thông tin, Apple- tập đoàn công nghệ khổng lồ của Thung Lũng Silicon- đã công khai rất nhiều chi tiết về Apple Campus 2. Theo luật môi trường của California, công ty đã viết một báo cáo dài 650 trang về những tác động lên môi trường của dự án này và được thành phố Cupertino phê duyệt vào năm ngoái.

Báo cáo nêu một cách chi tiết mội thứ, từ chiến lược của Apple để cung cấp năng lượng cho toàn bộ trụ sở với 100 % năng lượng tái tạo cho đến những hứa hẹn sẽ trồng ít nhất 7.000 cây xanh và sử dụng vật liệu tái chế.

Ví dụ, Apple dự kiến mức tối đa năng lượng sử dụng trong toàn bộ khuôn viên trụ sở  548,000 m2 – bao gồm không gian văn phòng, các trung tâm nghiên cứu, chỗ đậu xe và các tòa nhà khác – là vào khoảng 142,000,000 kWh mỗi năm. Trên cơ sở tổng điện tích mặt bằng, Apple Campus 2 sẽ có cường độ sử dụng điện năng khoảng 257 kWh trên mỗi m2 hàng năm.

Riêng điều đó cũng đã dễ dàng đánh bại những tòa nhà văn phòng điển hình ở Mỹ, thường sử dụng 500 kWh/m2/năm và thậm chí đánh bại cả những cơ sở với những phòng thí nghiệm nghiên cứu năng lượng cao, chẳng hạn như Trung tâm Sức khỏe và Chữa bệnh tại Đại học Y và Khoa học Oregon ở Portland, một công trình xanh được xếp hạng cao.

Nhưng về mặt kỹ thuật, Apple Campus 2 còn phải nỗ lực nhiều mới đạt danh hiệu tòa nhà xanh nhất hành tinh, ít nhất về hiệu quả năng lượng. Trên thực tế, có tới 41 công trình trong cuốn sách của Yudelson và Meyer đủ sức đánh bại nó. Dẫu cho mức sử dụng năng lượng của nó thấp hơn đáng kể, 200 kWh/m2/năm, hoặc ngay cả 100 kWh/m2/năm thì Apple Campus 2 vẫn thua sát nút nhiều công trình thương mại đã được đưa vào sử dụng và có dữ liệu hoạt động thực tế.

Công trinh nào xanh nhất?

Công trình có mức sử dụng điện năng hiệu quả nhất theo Yudelson và Meyer là Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Xanh YS Sun tại ĐH Quốc gia Cheng Kung ở Đài Loan. Thường biết đến với tên gọi Ngôi trường Kỳ diệu của Công nghệ Xanh, nó sử dụng chỉ 40.43 kWh/m2 mỗi năm.

Trung tâm Bullitt, hoàn tất vào năm 2013, sau khi Yudelson and Meyer hoàn thành nghiên cứu, thậm chí còn là công trình xanh nhất. Công trình này, tọa lạc tại Capitol Hill, Seattle, chỉ dùng khoảng 32 kWh/m2 trong năm hoạt động đầu tiên.

Nhờ việc tiêu thụ ít điện năng đi kèm với sử dụng năng lượng mặt trời, công trình này đã tạo ra nhiều điện hơn mức tiêu thụ của mình.

“Hiện nay chúng tôi sản xuất nhiều hơn 70% mức điện chúng tôi sử dụng,” Denis Hayes, chủ tịch Quỹ Bullitt và nhà sáng lập Ngày Trái Đất, cho biết. “Khi tất cả các công ty thuê văn phòng đã có đầy đủ nhân viên và đi vào vận hành ổn định, tôi nghĩ là mức dư thừa mỗi năm sẽ khoảng từ 20% đến 30%.”

Trung tâm Bullitt là trường hợp độc nhất vô nhị trong số các công trình xanh nhất thế giới vì đã làm ra nhiều điện mặt trời hơn mức tiêu thụ mỗi năm.

“Những tòa nhà đạt mức số 0 về tiêu hao năng lượng và có mức sử dụng năng lượng tích cực quả là hết sức hấp dẫn, và các số liệu về hiệu suất tiêu thụ điện đều rất dễ kiểm chứng”, Hayes, người tuyên bố Trung tâm Bullitt là tòa nhà xanh nhất thế giới, cho biết như vậy.

“Những lời tuyên bố phải thừa nhận là rất chủ quan này về Trung tâm Bullitt là dựa trên vị trí tiên phong của nó ở rất nhiều khía cạnh tiêu chuẩn về tòa nhà xanh”. 

Nhưng cha đẻ của Ngày Trái Đất chắc chắn sẽ không vui trừ phi Trung tâm Bullitt có nhiều đối thủ cạnh tranh. Và điều đó đòi hỏi khả năng thực hiện trên thực tế chứ không phải những lời hứa hẹn.

Thanh Nhàn dịch.

Nguồn: http://www.theguardian.com/sustainable-business/2014/dec/07/apple-campus-2-the-greenest-building-on-the-planet

 

Tác giả