Ba chuyên gia dự báo giá cả tài sản nhận giải Nobel Kinh tế

Giá cả tài sản bao giờ cũng là một vấn đề quan trọng trong kinh tế học, dù ở tầm vi mô hay vĩ mô. Dĩ nhiên các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm hơn ai hết đến vấn đề này, vì họ thường xuyên phải mua hoặc bán tài sản. Trong thực tế, giá cả tài sản luôn biến động, việc dự đoán có rất nhiều khó khăn.

Thành tựu phân tích thực chứng của Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen và Robert J. Shiller – ba nhà kinh tế học người Mỹ chuyên nghiên cứu vấn đề dự đoán tính bất định của giá cả tài sản toàn cầu – đã được vinh danh bằng giải Nobel kinh tế 2013.

Ủy ban giải Nobel giải thích: Ba ông đã phát triển được phương pháp mới nghiên cứu định giá tài sản và áp dụng phương pháp đó vào việc nghiên cứu các chi tiết giá cả của cổ phiếu, trái khoán và các loại tài sản khác. Phương pháp của họ đã trở thành tiêu chuẩn nghiên cứu học thuật. Thành tựu của họ chẳng những có tác dụng chỉ đạo việc nghiên cứu lý thuyết mà còn giúp ích cho ứng dụng đầu tư chuyên nghiệp.

Căn cứ vào các nghiên cứu của họ, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho rằng: Chưa có cách nào dự đoán được giá cổ phiếu, chứng khoán trong vài ngày hoặc vài tuần tới; nhưng việc dự đoán ở tầm dài hạn hơn, thí dụ dự đoán giá trong ba hoặc năm năm tới, thì có thể làm được.

Fama sinh năm 1939, là nhà tư tưởng trong lĩnh vực kinh tế tiền tệ, một trong những nhà kinh tế học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ông hiện là giáo sư tại Booth School of Business thuộc ĐH Chicago. Cống hiến chủ yếu của Fama là đã đưa ra Giả thuyết thị trường hữu hiệu (Efficient Markets Hypothesis). Giả thuyết này cho rằng một thị trường chứng khoán mà trong đó các thông tin liên quan không bị xuyên tạc và được phản ánh đầy đủ trong giá cả chứng khoán thì được coi là thị trường hữu hiệu. Khi đó giá cả chứng khoán đã phản ánh đầy đủ mọi thông tin có thể thu nhận được, kể cả những thông tin công đã công bố và những thông tin tư nhân chưa công bố; trong tình hình giá chứng khoán phản ứng nhanh chóng với thông tin, nhà đầu tư không thể có bất cứ cơ hội nào thu lợi cao hơn mức bình thường. Fama cho rằng trong một thị trường chứng khoán hữu hiệu, bởi lẽ mỗi nhà đầu tư đều thu nhận được các thông tin như nhau, vì thế không ai có thể dùng cách xử lý thông tin để thu được lợi ích vượt mức, tức là không thể dùng thông tin để kiếm lợi trên thị trường.

Hansen sinh năm 1952, hiện là giáo sư ĐH Chicago. Cống hiến lớn nhất của ông là đã phát hiện phương pháp tính toán Generalized Method of Moments đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu kinh tế và tiền tệ. Sử dụng phương pháp này, Hansen và đồng nghiệp đã phát hiện sự sửa đổi những lý thuyết đó cuối cùng có thể giải thích được việc định giá tài sản. Nhờ sự phổ cập công nghệ máy tính, phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Shiller sinh năm 1946, hiện là giáo sư ĐH Yale, nổi tiếng vì các bài giảng của ông về môn học Thị trường tiền tệ được nhiều trang mạng đăng tải. Ông là tác giả cuốn Sự phồn vinh phi lý (Irrational Exuberance, xuất bản năm 2000). Trong sách, Shiller so sánh tình hình biến đổi tỷ số P/E (tỷ số tiền lời trên giá cổ phiếu, Price to Earning Ratio) của thị trường chứng khoán Mỹ trong 140 năm qua, vạch ra việc hồi cuối thập niên 90 thế kỷ XX các chỉ số của thị trường này tăng mạnh là hiện tượng bất bình thường, thoát ly sự vận hành thực tế của nền kinh tế, đằng sau sự phồn vinh ấy tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng. Các tác phẩm của ông đề cập tới thị trường tiền tệ, sáng tạo đổi mới về tài chính, kinh tế học hành vi, kinh tế học vĩ mô.

Từ thập niên 50 thế kỷ XX, Fama và các học giả khác bắt đầu cố gắng đưa Tài chính học (science of banking) trở thành một khoa học nghiêm chỉnh trong kinh tế học. Tài chính học là một nhánh thành công nhất trong kinh tế học – GS Eugene Fama từng tự hào nói như vậy.


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)