Ba nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO 2023

Năm nay, giải thưởng được trao cho ba nhà khoa học nữ có các đề án nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực khoa học vật liệu và Khoa học sự sống.

Ba nhà khoa học nữ đoạt giải năm nay là PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài (áo dài đỏ), TS. Trần Thị Kim Chi (váy xanh), PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung (áo dài vàng).

Vào ngày 24/11 vừa qua, tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chương trình Giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2023 cho ba nhà khoa học trẻ xuất sắc trong hai lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Sự sống. Họ được Hội đồng khoa học giải thưởng bình chọn do có thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật, tính hiện đại và mới mẻ của đề tài cũng như tính ứng dụng và tiềm năng của các đề án nghiên cứu. Giải thưởng có giá trị 150 triệu đồng cho mỗi ứng viên đạt giải.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM) được trao giải với đề án phát triển quy trình phát hiện gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số. Là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, cả cấp tính và mãn tính, trực khuẩn mủ xanh P. aeruginosa là nguyên nhân số 1 gây ra viêm phổi và suy hô hấp. Vi khuẩn này cũng là một trong sáu nhóm/ loài trong danh sách ESKAPE của WHO có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc, vốn do nhiều gene khác nhau tác động, trong đó một số gene có tính quyết định tới khả năng kháng những loại thuốc quan trọng trong điều trị.

Nghiên cứu của PGS. TS Thu Hoài sẽ hướng đến việc phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho các y bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc.

Nghiên cứu này áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây, có độ nhạy, độ chính xác, độ lái tập cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Nghiên cứu của PGS. TS Thu Hoài hướng đến việc phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gene kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ các y bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, giảm sự phát triển và lây lan của tính kháng thuốc, đóng góp quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cũng trong lĩnh vực khoa học sự sống, nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN; Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) sẽ hướng đến việc nghiên cứu về khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein. Mục tiêu của nghiên cứu là sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam như Gừng đen, Trứng nhện, Tỏi đá Phong Điền, Bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu… và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên. Từ đó đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường,…) của các hợp chất tự nhiên và so sánh với thuốc đối chứng bằng tính toán hóa lượng tử kết hợp với các kỹ thuật mô phỏng hiện đại để tìm ra mối tương quan giữa cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học của các hợp chất này.

Là nhà khoa học trong lĩnh vực vật liệu, TS. Trần Thị Kim Chi (Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới là loại pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị. Cơ chế làm việc của pin ion kim loại cho thấy vật liệu điện cực là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu suất điện hóa của thiết bị và các vật liệu oxit kim loại chuyển tiếp lai hóa graphene cho thấy tiềm năng lưu trữ cùng tốc độ phản ứng điện hóa khá nhanh (sạc nhanh). Với sự đa dạng trong thiết kế cấu trúc, tổng hợp từ nguyên vật liệu ban đầu rẻ tiền, đây sẽ là lớp vật liệu điện cực dương thân thiện với môi trường, trách được việc khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường của các kim loại chuyển tiếp độc hại như coban trong pin ion liti và chì trong pin acid chì đang sử dụng hiện nay.

Ba đề tài này sẽ tiếp tục tham gia giải thưởng Giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học quốc tế. Trước đó, các nhà khoa học nữ Việt Nam đã đoạt giải Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế trong năm 2015, 2018 và 2022.

Từ năm 2009, Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải cho nhà khoa học Việt Nam nhằm hỗ trợ khuyến khích việc nâng cao kiến thức khoa học, sự sáng tạo và đam mê cho những nhà khoa học nữ. Trong 14 năm qua, Giải thưởng khoa học được dành riêng cho nữ giới này đã vinh danh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam qua những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và thể hiện niềm đam mê của họ với nghiên cứu khoa học.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)