Bài học từ chuỗi khủng hoảng nợ công trên toàn cầu

Việc thành phố Detroit vỡ nợ làm nối dài thêm chuỗi sự kiện liên quan tới tình hình tài chính công ảm đạm ở nhiều quốc gia. Xếp hạng tín nhiệm tài chính của Mỹ bị đánh tụt hạng, trong khi gánh nặng nợ Chính phủ của Mỹ đã xấp xỉ 100% GDP và vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Một số nước châu Âu vẫn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, còn Trung Quốc đang đau đầu với nguy cơ bùng phát nợ chính quyền địa phương.

Tình trạng trên xảy ra do các chính quyền Trung ương và địa phương đã để thâm hụt ngân sách kéo dài, buộc phải bù đắp bằng những khoản nợ tích lũy chồng chất. Hậu quả là có nơi mất khả năng thanh toán buộc phải cầu cứu nước ngoài như Hy Lạp, thậm chí phải tuyên bố phá sản như thành phố Detroit.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thường bị coi là nguyên nhân gây ra đổ vỡ tài chính công, do kinh tế suy thoái khiến nguồn thu từ thuế của chính quyền giảm, trong khi chi tiêu công lại tăng lên vì các gói kích cầu và gánh nặng phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, thực chất cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ là giọt nước làm tràn ly. Nguyên nhân đích thực gây khủng hoảng nợ công là sự quan liêu của chính quyền đã để cho thâm hụt ngân sách kéo dài quá lâu mà không có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Các nhà lãnh đạo với tư duy nhiệm kỳ (thường là nhân danh quyền lợi công ích của số đông) đã không dám sớm đưa ra những chính sách thắt lưng buộc bụng cần thiết, thay vào đó lại tiếp tục thỏa hiệp với những đòi hỏi chi tiêu công ngày một lớn hơn, dồn mọi hậu quả cho lớp lãnh đạo tiếp theo, và cứ như vậy cho tới khi chính quyền không thể tiếp tục gánh vác được nữa.

Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp và Detroit có chung một đặc điểm là chính quyền không có thẩm quyền in tiền – Detroit không thể phát hành đồng USD và Hy Lạp không thể phát hành đồng Euro – nên lựa chọn duy nhất của họ là vay nợ, để rồi cuối cùng mất khả năng thanh toán và đối diện với vực thẳm phá sản. Còn với những chính quyền Trung ương có thẩm quyền in tiền, họ có thể dùng cung tiền làm công cụ để trực tiếp hoặc gián tiếp bù đắp cho thâm hụt ngân sách, nhưng hậu quả dẫn tới là lạm phát gia tăng mạnh. Như vậy, tuy các chính quyền tránh phải đối diện nguy cơ sụp đổ tài chính như Hy Lạp và Detroit, nhưng lạm phát tạo gánh nặng lên người dân và các doanh nghiệp, dưới hình thức giá cả/và lãi suất tăng cao, buộc toàn bộ nền kinh tế phải vật lộn vất vả.

Việt Nam chưa phải đối diện với vực thẳm tài chính công như Detroit và Hy Lạp, nhưng chúng ta cần hết sức cảnh giác trước tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và lạm phát ở mức rất cao so với mặt bằng chung của thế giới. Từ thực tế khủng hoảng tài chính công ở các quốc gia và chính quyền trên đây, chúng ta có thể rút ra hai bài học quan trọng.

Bài học thứ nhất là phải hết sức thúc đẩy vai trò độc lập của các cơ quan phụ trách về quản lý an ninh tài chính và tiền tệ. Cơ quan đó phải được quản trị một cách minh bạch, không được phép phá vỡ các tiêu chí, nguyên tắc an toàn, và phải có tiếng nói với trọng lượng đáng kể để không bị áp đặt bởi ý chí của người điều hành chính sách tài khóa, vốn luôn chịu sức ảnh hưởng đáng kể từ các sức ép chính trị, ví dụ như tư duy nhiệm kỳ, hay sự vận động từ các nhóm lợi ích (dù có thể không nhất thiết gắn với ý nghĩa tiêu cực).

Bài học thứ hai là trong một nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, mọi chính quyền đều cần thận trọng, tránh chủ quan duy ý chí, dồn quá nhiều tài lực cho những mục tiêu tham vọng đầy rủi ro, vì suy cho cùng năng lực dự báo của mọi chính quyền – kể cả ở những nước đã phát triển – đều còn rất hạn chế. Chúng ta thường dựng ra viễn cảnh phát triển kinh tế của 10 năm, 20 năm, hay thậm chí xa hơn, nhưng thị trường toàn cầu có thể làm sai lệch mọi tính toán trong thời gian rất ngắn, ví dụ như bài học về nguy cơ bùng phát nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc do sự đầu tư quá đà vào hạ tầng dựa trên dự đoán quá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế. Bởi vậy, các chính quyền cũng không nên đầu tư quá thiên lệch cho một vài ngành công nghiệp trọng điểm – bài học từ sự suy vong của ngành công nghiệp xe hơi ở Detroit – và đặt kỳ vọng quá lớn vào nguồn thu trong tương lai từ những ngành này, mà tốt hơn là chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì đây mới là những đối tượng thích nghi linh hoạt trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu hiện đại.

        

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)