Bài toán chuyển giao công nghệ: Một phần lời giải

Theo một khảo sát gần đây của nhóm chuyên viên Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN về bảy viện nghiên cứu và trường đại học ở cả ba miền trên cả nước, mặc dù mỗi năm có khoảng 5-6 sản phẩm khoa học công nghệ, các tổ chức này đều gặp khó khăn trong việc nắm bắt hoạt động chuyển giao của mình. Họ cho rằng: “đã không khuyến khích được, sao còn muốn siết chặt quản lý?”


Anh Lưu Hồng Sơn trong phòng phát triển sản phẩm Anti-HPPro. Ảnh: Hảo Linh.

Vừa khuyến khích, vừa siết chặt?

Trên thực tế, ngay cả khi không sử dụng kinh phí nghiên cứu từ ngân sách, các giảng viên vẫn được nhà trường hỗ trợ gián tiếp thông qua lương, kinh phí từ các đề tài và nhờ làm việc tại một cơ sở giáo dục, các nhà khoa học mới có thể huy động đồng nghiệp, sinh viên cùng làm sản phẩm và có uy tín để chuyển giao nghiên cứu của mình. Vì vậy, việc nhà trường nhận một phần nguồn thu từ hoạt động chuyển giao là chính đáng. Đó còn chưa kể, việc quản lý hoạt động này khiến cho các trường đánh giá được năng lực nghiên cứu và “tài sản trí tuệ” của mình để huy động tài trợ cho tương lai.  

Tuy nhiên, ngay cả khi biết điều đó, các trường vẫn cho rằng, trong hoàn cảnh với mức lương khiêm tốn, áp lực giảng dạy và nghiên cứu quá lớn, nhà khoa học vẫn tự vận động những mối quan hệ cá nhân của mình với các địa phương, doanh nghiệp để tự thương mại hóa nghiên cứu của mình là điều đáng quý, bất kể có chia sẻ cho nhà trường hay không. “Thả lỏng” là một cách để nhà trường tạo điều kiện giúp các nhà khoa học có thêm thu nhập và để các nghiên cứu khoa học có đóng góp thiết thực cho xã hội. Nếu quản lý chặt, trường đại học nào cũng sợ làm nhụt ý chí chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học và nguy hiểm hơn, đội ngũ giảng viên tài năng và năng động rồi sẽ “bỏ trường mà đi”.

Chuyển giao công nghệ của trường đại học là một hoạt động chứa nhiều mâu thuẫn trong bối cảnh Việt Nam. Ai cũng hiểu rằng, chuyển giao công nghệ không chỉ mang đến một nguồn thu đáng kể mà còn đưa những kết quả nghiên cứu ra đời sống, khẳng định trách nhiệm phát triển kinh tế – xã hội rõ rệt của trường đại học. Tuy nhiên, làm thế nào để khuyến khích các nhà khoa học vừa chủ động, xông xáo đi tới, tìm hiểu và nghiên cứu những gì mà doanh nghiệp đang cần nhưng lại vừa “vui vẻ” chấp nhận trường đại học quản lý việc chuyển giao của mình và sẵn sàng đóng góp một phần doanh thu của họ từ hoạt động này cho trường?  

Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã tìm cách giải quyết vấn đề này bằng một chính sách đầy hào phóng, không những không thu phí mà còn thưởng thêm 10% giá trị hợp đồng chuyển giao cho các tác giả. Như vậy, họ không chỉ tạo động lực cho các nhà khoa học năng động trong chuyển giao mà còn tự nguyện “báo cáo thành tích” với trường. Nhưng, chính sách này đã không có tác động khuyến khích như mong đợi. “Thưởng” không phải là câu trả lời. Đáp án cho bài toán này phức tạp hơn người ta tưởng.     

Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, một cơ sở “chị em” với Đại học Khoa học Thái Nguyên không có chính sách thưởng. Thay vào đó, Nhà trường tìm nhiều cách “sát cánh” cùng nhà khoa học từ lúc có ý tưởng nghiên cứu cho đến khi có sản phẩm và đảm bảo rằng họ luôn được hỗ trợ tối đa từ việc tiếp cận thông tin, xác định nhu cầu và hoàn thiện các hồ sơ chuyển giao công nghệ. Các cán bộ phòng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế chia sẻ với phóng viên Tia Sáng rằng, họ nắm rõ những sản phẩm khoa học công nghệ nào của trường có khả năng chuyển giao, sản phẩm nào có khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, sản phẩm KHCN được đăng ký sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Từ năm 2016 đến nay, doanh thu từ chuyển giao công nghệ của Nhà trường đạt 70 tỷ đồng với khoảng 30-40 hợp đồng mỗi năm.

Mối ràng buộc “tình cảm”

Cách đây hơn một tháng, tại sự kiện Techfest tổ chức ở Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, dự án khởi nghiệp được giải nhất là thuốc viên chữa đau dạ dày Anti – HPPro (được chiết xuất từ lá khôi, abồ đề, chè dây), xuất phát từ một đề tài cấp cơ sở do Khoa Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm thực hiện, chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, không đợi đến khi được giải, nhà trường đã nhanh chóng hỗ trợ thêm 10 triệu nữa để nhóm hoàn thiện sản phẩm. Nhà trường cũng lo liệu luôn thủ tục, chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ và tham gia quảng bá ở các triển lãm, hội chợ cùng với nhóm. Khoa cũng cung cấp cho nhóm một không gian làm việc riêng. Chính vì vậy, mặc dù đã được nhiều doanh nghiệp ngỏ lời mua công nghệ (trong đó có doanh nghiệp dược Vĩnh Phúc) nhưng ThS.Lưu Hồng Sơn, trưởng nhóm đều từ chối vì muốn thành lập công ty spin-off và phát triển Anti-HPPro thành sản phẩm mang thương hiệu của riêng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Đây không phải là lần đầu tiên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên có tên trên sản phẩm. Trong hai năm 2014 – 2015, khoa còn có ba sản phẩm được đặt hàng bởi công ty CP Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng đó là, enzyme biotic (để phối trộn với thức ăn chăn nuôi), trà dây và trà giảo cổ lam túi lọc. Dù kết quả này xuất phát từ biên bản ghi nhớ của riêng khoa với công ty nhưng họ vẫn muốn thông qua trường và in logo, nhãn hiệu của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên lên bao bì sản phẩm. Những giảng viên trong khoa cho rằng đó là “đóng góp trở lại đối với sự giúp đỡ của nhà trường”.  

“Cũng có thể là trường mình mang tính chất miền núi nên nó gần gũi”, TS. Nguyễn Văn Duy, trưởng khoa Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cười, lý giải vì sao các giảng viên muốn trường làm đại diện thay vì lấy danh nghĩa cá nhân tự chuyển giao. Thực chất, được khám phá và hỗ trợ đúng lúc, các nhà khoa học cảm thấy gắn bó và có trách nhiệm với trường, giống như một sự ràng buộc không chính thức. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà khoa học cảm thấy hài lòng khi sản phẩm do cá nhân mình nghiên cứu được đứng tên bởi tập thể. Hơn nữa, TS. Duy còn cho rằng, “người ta tìm đến mình cũng vì thương hiệu của nhà trường”.

Phòng chuyển giao công nghệ “bất đắc dĩ”

Nhưng điều đó chưa đủ. Trên thực tế, danh tiếng và sự ràng buộc “tình cảm” của nhà trường sẽ không có ý nghĩa mấy đối với những nhà khoa học đã có nhiều kinh nghiệm, có uy tín và ảnh hưởng. Nói cách khác, họ sẽ có xu hướng tự mình chuyển giao các kết quả nghiên cứu mà không cần thông qua trường. Để hạn chế tối đa điều này, nhà trường phải có những lợi ích, giá trị vượt trội so với các cá nhân tự chuyển giao. Vì vậy, phòng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã được “biến” thành một văn phòng chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Office). Tận dụng vai trò quản lý, điều phối và hỗ trợ các chương trình, đề tài nghiên cứu trong trường và mối quan hệ thân thiết với các giảng viên, phòng này nhạy bén với khả năng thương mại hóa của kết quả nghiên cứu và thiết lập được mạng lưới quan hệ rộng lớn với các tỉnh, doanh nghiệp từ các giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên.

Từng là một trường đại học tham gia đào tạo nhân lực cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc, các cán bộ chuyển giao trong trường giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tỉnh thông qua mạng lưới cựu sinh viên (trong số đó nhiều người trở thành lãnh đạo sở, ngành các tỉnh, bộ, ngành trung ương). Họ ký với mỗi tỉnh một biên bản ghi nhớ, nhằm nhận những vấn đề, bài toán của tỉnh và tìm cách giải quyết dựa trên năng lực nghiên cứu của trường. Hiện nay, số dự án chuyển giao công nghệ cho các tỉnh chủ yếu tập trung ở Hà Giang (20 dự án), Yên Bái (8 dự án), Cao Bằng (5 dự án). Tiếp đó, nhờ vào mối quan hệ với các tỉnh, họ lại tìm đến các doanh nghiệp nổi bật trong tỉnh để “chào kết quả nghiên cứu”. Ngoài ra, thông qua chương trình “Nông thôn, miền núi”, yêu cầu kết hợp với một doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho bà con nông dân vùng dân tộc thiểu số cũng là cách để họ tạo dựng mối quan hệ. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức hội thảo “Kết nối cung cầu” để liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương và nhà khoa học 1-2 lần hằng năm.

Hiện nay, nhà trường đã có một quy trình chuyển giao tương đối bài bản: Làm việc với các tỉnh và doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của họ và giới thiệu về năng lực nghiên cứu của mình. Nếu trường đã có sẵn sản phẩm khớp với nhu cầu doanh nghiệp thì họ nhanh chóng kết nối, chuyển giao. Nếu không, họ sẽ tư vấn để nhà khoa học có thể điều chỉnh hướng nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho phù hợp.

Ngay cả trong trường hợp nhà khoa học tự xây dựng liên kết với doanh nghiệp, khi chuyển giao, họ vẫn cần đến phòng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Không chỉ bởi vì phòng này sẽ giúp các nhà nghiên cứu chuyển giao với danh nghĩa nhà trường, tránh những rủi ro “giữa đường đứt gánh”, lo liệu các thủ tục, giấy tờ (chẳng hạn như để có thể chuyển giao sản phẩm công nghệ cho các tỉnh, cần có xác nhận quy trình công nghệ do hội đồng cơ sở thông qua) mà còn đi cùng với nhà khoa học xuống tận doanh nghiệp để tìm hiểu, đàm phán. Họ cũng phụ trách việc tư vấn sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học. Bất kì khoa nào muốn đưa sản phẩm ra thị trường, cũng đều được họ “gọi lên tư vấn” và đề xuất sản phẩm nên được điều chỉnh, cải tiến ra sao để phù hợp với thị trường và từ đó đăng ký sở hữu trí tuệ theo hướng nào là phù hợp. “Nhưng bọn tôi không có chuyện tư vấn xong là để đấy mà cử một cán bộ trực tiếp xuống văn phòng sở hữu trí tuệ của tỉnh, bộ, giúp cho chủ nhiệm đề tài, đồng thời mình có thêm kinh nghiệm” – TS. Lê Minh, phó phòng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cho biết. Sắp tới, phòng sẽ có một bộ phận chuyên nghiệp được đào tạo bài bản về vấn đề này.
***
Khi phóng viên Tia Sáng tới Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chúng tôi thấy, “tự chủ đại học” là từ khóa được nhắc đến thường xuyên. Với Trường đại học này, khái niệm “tự chủ” có lẽ đang thể hiện rõ nhất ở khía cạnh “tài chính” khi Bộ Giáo Dục và Đào tạo không còn cấp kinh phí cho Đại học Nông Lâm Thái Nguyên kể từ năm 2020 (hiện nay ngân sách rót về trường là 10 tỷ/năm, chiếm 10% chi thường xuyên). Hiện nay, chuyển giao công nghệ là lời giải rõ ràng nhất cho vấn đề này. Tuy nhiên, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên vẫn gặp khó khăn trong việc “tái đầu tư” cho nghiên cứu dựa vào doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ bởi phần lớn đều được giao cho tác giả công trình còn nhà trường chỉ thu về một số tiền khiêm tốn, chiếm khoảng 5% (không quá 15 triệu/nhiệm vụ/năm), gọi là phí quản lý nhiệm vụ. Bên cạnh đó, khi chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, nên “bán đứt” bản quyền hay hưởng % lợi nhuận từ doanh thu của doanh nghiệp? Nếu nhận thì trong bao lâu? Nhà trường có được thương mại hoá sản phẩm thông qua việc thành lập các doanh nghiệp thuộc trường đại học? Đó là những câu hỏi mà cán bộ làm nhiệm vụ chuyển giao của trường chưa có câu trả lời. Khi phóng viên Tia Sáng rời trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh Lưu Hồng Sơn, tác giả của Anti-HPPro chia sẻ: “Bọn mình không lo thiếu tiền, chỉ lo không biết làm việc với doanh nghiệp thôi”. 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)