Bảo tàng của những sáng kiến thất bại

Có người hỏi Edison: Nghe nói để phát minh ra ắc quy điện, ông đã thử nghiệm thất bại 25 nghìn lần? Edison hài hước trả lời: “Đâu có, tôi chưa hề thất bại, mà chỉ là đã phát hiện thấy 24999 loại ắc quy không dùng được”. Trong đời mình, nhà phát minh vĩ đại này đã được cấp 1093 bằng phát minh sáng chế. Không thể biết Edison đã bao nhiêu lần nếm mùi thất bại, nhưng rõ ràng thành công chỉ đến với ông sau những thất bại ấy.


Du khách tới tham quan Bảo tàng Thất bại.

Vì thế người ta thường nói “Thất bại là mẹ thành công” (Failure is the mother of success). Câu nói này đã cổ vũ biết bao thế hệ người say mê đổi mới sáng tạo (ĐMST): Mỗi lần thất bại họ đều nghĩ có thất bại thì mới có thành công, thất bại sẽ dẫn đến thành công.

Xưa nay thiên hạ bao giờ cũng chỉ quan tâm tới thành công, còn “bà mẹ” của những đứa con nổi tiếng ấy thì dường như chưa bao giờ được nhắc đến, thậm chí còn bị giấu kín. Bởi thế việc Nhà bảo tàng những sáng kiến thất bại (Museum Of Failure Innovation) khai trương hồi đầu tháng 6 năm 2017 đã thu hút dư luận toàn thế giới.

Ý tưởng lập nhà bảo tàng này tự nó đã mang tính ĐMST. Đây thật là một đề xuất thú vị, bất ngờ, bởi lẽ xưa nay người ta chỉ làm bảo tàng trưng bày các thành công, chiến thắng, chưa thấy ai làm bảo tàng trưng bày các thất bại. Lẽ tự nhiên, những người đến thăm điểm du lịch này đều muốn biết ý định của việc trưng bày các thất bại.

Tại đây bạn có thể gặp tác giả của ý tưởng độc đáo nói trên: ông Samuel West, 43 tuổi, người Thụy Điển, làm việc tại Đại học Lund nổi tiếng, tọa lạc ở thành phố Helsingborg bờ biển miền Nam nước này. ĐH Lund thành lập năm 1666, thường xuyên nằm trong Top 100 ĐH tốt nhất thế giới, hiện có 42.000 sinh viên và 7200 cán bộ, nhân viên.

Trong phần tự thuật trên trang mạng samuelwest.se của mình, West viết: “Tôi là một nhà tâm lý học lâm sàng có học vị Tiến sĩ tâm lý học tổ chức [organizational psychology], chuyên nghiên cứu về ĐMST [innovation] và về những biện pháp mà các tổ chức có thể làm để xúc tiến sự khám phá và thử nghiệm”. Do phải đọc nhiều tư liệu viết về thành tích phát minh sáng chế, West đã phát chán với giọng điệu tuyên truyền quảng cáo cho những sáng kiến thành công, từ đó ông nảy ra ý nghĩ có lẽ nói về các thất bại sẽ bổ ích hơn.

“Xã hội chúng ta chưa đánh giá đúng giá trị của những thất bại. Chúng ta thường luôn bị ám ảnh bởi thành công”, West nói với hãng tin NBC. Trang chủ website Bảo tàng này có dòng chữ: Học hỏi là cách duy nhất để biến thất bại thành thành công [Learning is the only way to turn failure into success]. Đây chính là mục đích West lập nhà bảo tàng này.

Thất bại thường là hậu quả của các sai lầm. Thông thường từ các thất bại người ta có thể học được nhiều điều bổ ích hơn từ các thành công. GS. W. Beveridge (1908-2006, Đại học Cambridge, Anh Quốc) từng nói: “Trong khoa học, việc vạch ra các sai lầm nghiêm trọng cũng có giá trị không kém gì các phát hiện có tính sáng tạo”.

Theo West, trưng bày những phát minh sáng kiến thất bại ở đây không phải để chế giễu chúng mà để tìm ra những thứ có thể học hỏi từ thất bại. Khi nhìn tận mắt các sáng kiến bất thành ấy, ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá và sẽ trở nên tỉnh táo hơn khi đưa ra một sáng kiến khác.
West nói: “Phần lớn các sáng tạo đổi mới đều thất bại, Bảo tàng của chúng tôi trưng bày một số thất bại đó, nhằm cung cấp cho khách thăm một trải nghiệm thú vị. Bộ sưu tập gồm hơn 80 sản phẩm và dịch vụ thất bại của khắp nơi trên thế giới, cung cấp một cách nhìn độc đáo vào công việc đầy rủi ro của sự nghiệp ĐMST”.

Công việc hằng ngày đã giúp West hiểu rõ quá trình sáng tạo bất cứ cái mới nào cũng đầy khó khăn, lắm nguy cơ rủi ro thất bại, đòi hỏi tác giả sáng kiến phải kiên cường đổ mồ hôi sôi nước mắt âm thầm miệt mài lao động, và phải biết nhẫn nại vượt qua các khó khăn, thất bại. Nhưng khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ là kết quả của các sáng tạo đó, khách hàng đâu có biết gì về những nỗi vất vả cay đắng của người nghiên cứu ra các thứ ấy, không ít người còn cho rằng ĐMST chẳng có gì khó.  

West bắt tay lập Bảo tàng Thất bại sau khi ông đi thăm Bảo tàng Thất tình [Museum of broken relationships, còn gọi Lovelorn Museum] ở Zagreb, thủ đô Croatia. Khi ấy ông từng băn khoăn: Mở bảo tàng mà chẳng ai đến xem, nghĩa là chính mình cũng thất bại, thì sao nhỉ? Để tránh kết cục buồn ấy,

West đã lên kế hoạch rất cụ thể, chi tiết.

West từng đến gặp mấy chục chủ công ty lớn, nhưng hầu hết họ từ chối cung cấp tư liệu cho ông, không muốn công bố nguyên nhân thất bại của mình. Trải qua nhiều khó khăn, bôn ba khắp thế giới, cuối cùng West sưu tầm được tạm đủ một bộ các mẫu sản phẩm và dịch vụ từng được làm ra theo sáng kiến của các nhà nghiên cứu thiết kế chế tạo nhưng cuối cùng thất bại vì không tiêu thụ được. Trưng bày các mẫu ấy trong bảo tàng và thuyết minh cho người xem biết tình hình cụ thể, phân tích nguyên nhân thất bại… có thể sẽ giúp người xem hiểu được các khó khăn của công việc ĐMST, qua đó biết trân trọng cố gắng của những người làm công việc đó. Những người đang hoặc sẽ thực hiện sáng kiến của mình sẽ từ các thất bại trưng bày ở đây học được cách tránh thất bại.

Ngày 6/7/2017, Bảo tàng Thất bại đầu tiên trên thế giới đặt tại thành phố Helsingborg được khai trương. Sau đó West còn tổ chức các cuộc triển lãm lưu động trưng bày những hiện vật của Bảo tàng này tại các nơi trên thế giới. Ví dụ cuộc triển lãm tại Los Angeles (Mỹ) sẽ khai trương từ 1/12/2017 đến tháng 4/2018…

Bảo tàng Thất bại ra đời đúng vào lúc phong trào ĐMST trên toàn thế giới đang dâng cao. Thực tế cho thấy ngành sản xuất hàng tiêu dùng càng phát triển thì càng xuất hiện nhiều thất bại: rất nhiều sản phẩm công nghệ cao xuất sắc ra đời chỉ được ít lâu đã phải ngừng sản xuất, thay bằng các sản phẩm mới, làm cho nhà sản xuất bị lỗ vốn. Đó là do người tiêu dùng ngày càng yêu cầu sản phẩm phải luôn đổi mới, họ muốn có nhiều sự lựa chọn hơn trước. Một điều tra cho thấy 63% người tiêu dùng trên thế giới muốn mua sản phẩm mới. Cạnh tranh thương hiệu ngày một gay gắt; nếu muốn doanh thu có tăng trưởng thì nhà sản xuất phải liên tục ĐMST. Ví dụ trong những năm 2011-2013, châu Âu đã đưa ra 12.000 sáng kiến trong 17 nhóm sản phẩm. Mấy năm gần đây, đã xuất hiện hơn 60 nghìn thương hiệu sản phẩm mới, nhưng chỉ có 55% sản phẩm sống được 26 tuần trên thị trường, và chỉ 24% sống được 1 năm. Ngành sản xuất thiết bị chơi game phát triển nhanh nhất và gặp nhiều thất bại nhất, tần suất đổi mới sản phẩm cao nhất.  

Hãy xem một số sản phẩm thất bại trưng bày trong Bảo tàng Thất bại của Samuel West :

Điện thoại di động chơi game N-Gage

Ý tưởng sản xuất ĐTDĐ chơi game là một ĐMST tuyệt vời của Nokia, hãng sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới. Nhưng rốt cuộc N-Gage (giá bán 299 USD) chỉ sống được hơn 2 năm (10/2003-2005) và chỉ tiêu thụ được 2 triệu chiếc so với 6 triệu như dự kiến. Vì sao N-Gage mới đầu được quảng cáo rầm rộ mà lại sớm bị lặng lẽ đào thải khỏi thị trường? Hãy xem bức ảnh Samuel West đang dùng N-Gage nói chuyện điện thoại thì rõ ngay: nó có kích thước quá to và bàn phím bố trí theo chiều ngang nên khi nói/nghe phải dựng nghiêng nó lên. Sau đó Nokia lại đưa ra sản phẩm N-Gage QD, nhưng cũng thất bại. Bấy giờ họ mới thấm thía bài học: Chỉ làm sản phẩm mới sau khi đã suy nghĩ kỹ. Năm 2007, Apple đưa ra hệ ĐTDĐ iPhone nhỏ nhẹ với màn hình cảm ứng rất thuận tiện, thú vị, tạo ra một sân chơi hoàn toàn mới và thu lợi cực lớn.

Máy tính Apple Newton

Ra đời năm 1993, Newton là một máy tính cầm tay có thiết kế đẹp cùng nhiều chức năng mới thú vị như gửi email, fax và nhận dạng chữ viết tay. Tuy nhiên các chức năng ấy lại không thể hiện tốt như đã quảng cáo. Mặc dù sau đó công ty Apple đã cố gắng cải thiện các chức năng nhưng cũng không thể cải thiện doanh thu. Tuy Newton tiêu thụ được trong thời gian lâu hơn, nhưng do phần mềm viết tay của nó sử dụng bất tiện và giá bán đắt (699 USD, xét tới lạm phát thì tương đương 1178 USD hiện nay) nên về sau không bán được, năm 1998 phải ngừng sản xuất. Cuối thập niên 90, Jobs đã sa thải toàn bộ nhân viên bộ phận phát triển sản phẩm này.

Điện thoại di động TwitterPeek

Năm 2006 xuất hiện Twitter, một dịch vụ mạng xã hội trực tuyến miễn phí. Năm 2009, công ty Peek đưa ra sản phẩm ĐTDĐ TwitterPeek chuyên dùng để truy cập Twitter (ngoài chức năng điện thoại), giá 200 USD. Hồi ấy Twitter đang là một dịch vụ mới, được dân mạng ưa chuộng nên Peek cho rằng TwitterPeek sẽ được thị trường hoan nghênh; ai ngờ chỉ vì có quá ít chức năng (như không thể gửi email) nên sản phẩm này nhanh chóng ế hàng.

Kính đeo mắt thông minh Google (Google Glass)

Kính đeo mắt Google có gắn một máy tính tí hon và một màn hình, nó tích hợp nhiều tính năng hiện đại như ĐTDĐ thông minh, chụp ảnh, định vị toàn cầu GPS, thu phát tin nhắn v.v… chẳng cần dùng tay mà người đeo kính vẫn có thể truy cập mạng, xử lý văn bản và gửi email v.v… Google Glass từng một thời làm rúng động dư luận, thế nhưng ngày 20/1/2015 công ty Google đã tuyên bố ngừng bán sản phẩm này. Lý do : giá bán quá đắt (1500 USD), hình thức không đẹp và chủ yếu là có thể làm cho người ở gần lo ngại chuyện riêng tư của mình bị người đeo kính Google quay phim chụp ảnh vv… West bình luận: “Vấn đề là ở chỗ công ty Google đưa ra sản phẩm này quá sớm, có nhiều loại lỗi [Bug]. Điều tranh cãi lớn nhất là khi dùng kính này tại nơi công cộng sẽ dễ xâm phạm sự riêng tư của người khác”.

Nước ngọt Coke II

Đầu năm 1984, công ty Coca-Cola tung ra thị trường loại nước giải khát có tên Coke II, còn gọi New Coke thay cho Coke truyền thống (Classic Coke). Sau vài tháng, đông đảo người tiêu dùng chê New Coke không ngon và yêu cầu công ty Coca-Cola phục hồi sản xuất Classic Coke, vì thế năm 2002 New Coke bị rút ra khỏi thị trường sau khi tốn 10 triệu USD cho marketing, chưa kể phí tổn làm 200.000 lần thí nghiệm sản phẩm. Cũng may là tuy New Coke thất bại nhưng lượng tiêu thụ Classic Coke cuối năm 1985 đã vượt mặt Pepsi Cola, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Coca-Cola.

Nước ngọt Coke BlaK

Năm 2006, Công ty Coca-Cola cho ra đời loại nước soda pha cà phê có tên Coke BlaK, sau đó nhanh chóng ngừng sản xuất vào năm 2008, sau khi người tiêu dùng chê là không ngon và có nhiều chất caffeine. Vụ Coke BlaK thất bại đau hơn vụ Coke. Bút bi dành cho phái đẹp (Bic for Her)

Năm 2012 công ty Bic đưa ra thị trường sản phẩm bút bi “Bic for Her” màu hồng và màu tím, giá gấp đôi bút bi thường, theo giới thiệu là được thiết kế riêng hợp với giới tính nữ, khi viết không cần tốn sức đè bút xuống. Không ngờ thiên hạ lại chê: văn phòng phẩm mà cũng phân biệt giới tính! Rốt cuộc phải ngừng sản xuất. Tưởng là sáng kiến, ai ngờ là tối kiến.

Thức ăn đông lạnh của Colgate (Colgate Frozen Dinner)

Thập niên 1980, công ty Colgate sản xuất một dòng thức ăn đông lạnh, khuyến khích mọi người dùng bữa tối với món ăn nhãn hiệu Colgate, ví dụ món patê Beef Lasagne, sau đó chải răng bằng kem đánh răng cùng nhãn hiệu Colgate. Samuel West mô tả đây là một thất bại  của sự mở rộng thương hiệu (Brand extension failure). Nhà sản xuất kem đánh răng sao lại lấn sân của nhà sản xuất thức ăn? Lấn sân gần thì có thể được, nhưng lấn xa quá thì khó thành công.

Cờ Trump (Trump: The Game)

Năm 1989, công ty Milton Bradley tung ra sản phẩm giải trí có tên Trump: The Game, lấy tên của doanh nhân giàu có Donald Trump. Đây là trò chơi dạng boardgame tức thể loại cờ bàn, cho phép nhiều người cùng chơi trên một bàn cờ, tương tự trò chơi “Triệu phú” hồi đó đang thịnh hành. Bản thân Trump cũng tham gia video quảng cáo sản phẩm này. Nội dung trò chơi yêu cầu người tham gia mua và bán các loại tài sản khác nhau để kiếm tiền. Kẻ thắng là người chơi có nhiều tiền nhất khi kết thúc, sau khi mua hết tài sản của đối thủ. Milton Bradley và Trump dự kiến sẽ tiêu thụ được 2 triệu sản phẩm, nhưng cuối cùng chỉ bán được 800.000, lỗ vốn to! Năm 2011, trò chơi này được tạp chí Time đưa vào danh sách “Top 10 thất bại Donald Trump”. Thế nhưng ai ngờ chỉ mấy năm sau tỷ phú này trở thành Tổng thống Mỹ. West bình phẩm: “Đây là phiên bản đơn giản hóa của trò chơi Triệu phú, nhưng đơn giản tới mức ai cũng có thể chơi, càng chơi càng thấy nhạt nhẽo”.

 

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)