Bảo tàng trưng bày những ý tưởng thất bại

Triển lãm đang được tổ chức tại thành phố New York nhằm giúp khách tham quan cảm nhận được thất bại không phải là điều đáng xấu hổ, mà đó là một cơ hội học hỏi đầy ý nghĩa.


Samuel West, một nhà tâm lý học lâm sàng, đã khởi động triển lãm vào năm 2017 tại Thụy Điển. Ảnh: Sandra H Gao / Museum of Failure

Khi một sản phẩm mới hoàn toàn thất bại về mặt doanh số, các công ty thường dồn hết sức lực để phát triển những ý tưởng mới càng nhanh càng tốt với hy vọng nó sẽ thành công, xoá nhoà ký ức của người tiêu dùng về sản phẩm trước.

Nhưng Bảo Tàng Thất bại không để chúng chìm vào quên lãng. Triển lãm lưu động này, lần đầu tiên ra mắt tại Thụy Điển vào năm 2017, hiện đã đến thành phố New York, tại đây triển lãm sẽ mở cửa cho đến giữa tháng 5.

Triển lãm mang đến những câu chuyện về 150 ý tưởng thương mại không thành công vì nhiều lý do khác nhau, nhằm khuyến khích thảo luận về việc chấp nhận và học hỏi từ thất bại. Một số ý tưởng đáng chú ý gồm New Coke của Coca Cola, bút Bic for Her của BIC, bánh quy Oreo vị nước chanh ướp lạnh, món lasagna vị thịt bò của Colgate, Crystal Pepsi của PepsiCo.

Hãng Colgate từng cho ra đời hộp lasagne vị thịt bò. 

Giám tuyển của triển lãm, Samuel West, một nhà tâm lý học lâm sàng hy vọng triển lãm sẽ giúp bình thường hóa và làm rõ khái niệm thất bại – điều mà anh ấy coi là một cơ hội học tập quan trọng. “Một trong những trở ngại lớn đối với sự đổi mới, sáng tạo là nỗi sợ thất bại”, anh chia sẻ.

Nhiều thương hiệu xuất hiện trong Bảo tàng Thất bại đã không để các chiến dịch thất bại cản trở con đường thành công của họ. Ví dụ, Oreo đã tạo ra rất nhiều hương vị mới thơm ngon, cả Coca-Cola và PepsiCo vẫn đang phát triển mạnh. “Mọi người cảm thấy được giải phóng khi họ nhìn thấy những thương hiệu và công ty lớn nổi tiếng có rất nhiều tiền, kỹ năng và kinh nghiệm nhưng họ vẫn thất bại khi thử nghiệm những điều mới,” West nói. “Những ‘ông lớn’ vẫn có thể thất bại, vậy tại sao chúng ta lại không thể?’”

Nhưng điều đó không có nghĩa là các công ty muốn công bố những thất bại của họ với thế giới. Khi West bắt đầu tổ chức triển lãm, anh đã thương thảo với hàng chục công ty lớn nhỏ có sản phẩm thất bại khác nhau nhưng hầu hết trong số họ từ chối cung cấp thông tin số liệu.

Vào cuối mỗi buổi triển lãm, khách tham quan có thể chia sẻ những thất bại của mình trên một bức tường có tên “Thừa nhận thất bại”. Những dòng cảm tưởng được viết trên giấy ghi chú nhiều màu và dán lên tường.

Dưới đây là một số sản phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Mặt nạ Rejuvenique (1982 – 1988)

Mặt nạ làm đẹp dùng điện này được quảng cáo là giúp cơ mặt trở nên săn chắc. Theo hướng dẫn, người dùng sẽ đắp mặt nạ lên mặt trong 15 phút, ba đến bốn lần một tuần. Linda Evans, người đại diện của dòng sản phẩm này, là một ngôi sao truyền hình Mỹ được biết đến qua loạt phim Dynasty. Trong đoạn phim hướng dẫn của Rejuvenique, cô ấy chúc mừng khách hàng vì đã mua được một món hàng thú vị và đảm bảo với họ rằng đó là một khoản đầu tư tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của một người dùng, chiếc mặt nạ này mang lại “cảm giác như hàng nghìn con kiến ​​đang cắn vào mặt tôi”. Chiếc mặt nạ trông như thể là đạo cụ trong một bộ phim kinh dị. Ngoài ra, thiết bị này chưa được đơn vị nào phê duyệt về mức độ an toàn.

Chiếc mặt nạ trông như thể là đạo cụ trong một bộ phim kinh dị. Ảnh: El Pais

Snack khoai tây không béo của Pringles (1989 – 1990)

“100% Hài lòng, 0% Tội lỗi” là slogan của dòng sản phẩm. Những miếng khoai tây không béo này có chứa chất phụ gia gây tranh cãi Olestra. Những năm 1990, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm ít calo. Chiều theo thị hiếu đó, một số loại khoai tây chiên ít calo đã được tung ra thị trường. Khoai tây chiên nhưng lại không calo, nghe thật tuyệt phải không?

Nhà sản xuất đã sử dụng olestra, là một dạng mỡ tổng hợp, ngăn sự hấp thu mỡ của hệ tiêu hoá. Olestra đã được phê duyệt làm chất phụ gia vào năm 1996, nhưng nó nhanh chóng gây tranh cãi do các tác dụng phụ khó chịu. Cơ thể con người không thể hấp thụ chất này, việc tiêu thụ một lượng lớn olestra sẽ gây ra co thắt dạ dày và tiêu chảy.

Khoai tây chiên nhưng lại không calo, nghe thật tuyệt phải không?

Xe DeLorean (1989 – 1990)

DeLorean, với cửa xe hình cánh chim mòng biển kỳ lạ, là một trong những thất bại nổi tiếng trong lịch sử. Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo vào năm 1976, lúc bấy giờ hãng xe không có đối thủ cạnh tranh. Việc sản xuất DeLorean bị trì hoãn trong nhiều năm, và sau đó các đối thủ cạnh tranh đã xuất hiện. DeLorean được bán trên thị trường như một chiếc xe thể thao sang trọng, nhưng với động cơ kém hiệu quả, chiếc xe chạy rất chậm. Ngoài ra, rất khó để giữ sạch xe và bảng điều khiển bằng thép không gỉ cần được đánh bóng liên tục. Công ty ô tô DeLorean sau đó đã phá sản và được một thương nhân người Anh mua lại. Hiện tại, DeLorean do Joost de Vries, từng làm việc tại Tesla, điều hành. Ông không chỉ mong muốn làm sống lại thương hiệu lừng danh và chiếc xe biểu tượng, mà còn dự định mở rộng quy mô cũng như phát triển hãng xe thành cái tên đáng gờm trong cả phân khúc xe chạy bằng xăng và xe điện.

Chiếc xe đã xuất hiện trong loạt phim nổi tiếng Back to the Future dưới dạng một cỗ máy thời gian. 

N-Gage của Nokia (2003 – 2005)

Vào những năm 2000, nhiều người thường mang điện thoại và máy chơi game cầm tay bên người. Nokia đã kết hợp hai thiết bị này thành một, họ chính thức ra mắt N-Gage vào năm 2004. N-Gage không phải là sự thất bại về ý tưởng – đó là sự thất bại trong quá trình triển khai. Thiết bị phải được tháo rời để thay đổi trò chơi. Và để sử dụng nó như một chiếc điện thoại, người dùng phải cầm điện thoại sang một bên tai, áp cạnh mỏng vào đầu. Điều này khiến nhiều người trêu chọc đây là “điện thoại bánh taco” (một loại bánh truyền thống của Mexico, có hình dạng giống thiết bị này). Bên cạnh những sai sót trong thiết kế, thiết bị cũng không có nhiều trò chơi thú vị đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, có ý kiến ​​cho rằng N-Gage là điểm khởi đầu cho ngành công nghiệp trò chơi di động thịnh vượng về sau của Phần Lan.

Thiết bị được ví như chiếc bánh taco. Ảnh: Nokiamob

Kính thông minh Google Glass (2013 – 2014)

Khi Google ra mắt “kính thông minh” này với máy ảnh tích hợp, điều khiển bằng giọng nói và màn hình, những người yêu công nghệ đã sửng sốt và đặt nhiều kỳ vọng vào đó. Nhiều người đã trả 1.500 USD để có được chiếc kính đột phá này. Tuy nhiên, nó không hoạt động hiệu quả. Máy ảnh tích hợp gây lo ngại về các vấn đề riêng tư. Mọi người không thích ý tưởng bị quay phim bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, và Google Glass đã bị cấm ở một số nơi.

Mọi người không thích ý tưởng bị quay phim bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, và Google Glass đã bị cấm ở một số nơi. Ảnh: Investopedia

Hoàng Nhi  tổng hợp

Nguồn:

The Museum of Failure Celebrates Some of the World’s Biggest Flops

Museum of Failure

Tác giả